Quảng Ninh triển khai Luật Thủy sản năm 2017 (15-07-2020)

Nhằm triển khai Luật Thủy sản 2017, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, để làm cơ sở cho các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện; xây dựng đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu. Thực hiện lồng ghép các nội dung của Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ với công việc chuyên môn theo đúng chức năng, nhiệm vụ của các Sở, ngành, địa phương, đơn vị trên phạm vị toàn tỉnh.
Quảng Ninh triển khai Luật Thủy sản năm 2017
Ảnh minh họa

Một số kết quả đạt được

Đối với công tác kiểm soát tàu vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quy định cụ thể trách nhiệm của chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đối với việc tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản. Thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất của ngư dân thuộc địa bàn quản lý để phát hiện, xử lý kịp thời các tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài; xử lý nghiêm các trường hợp chủ tàu cá cố tình vi phạm, các đối tượng môi giới, móc nối để đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài và ngược lại. Kết quả không có tàu cá nào của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài bị lực lượng nước ngoài bắt giữ, xử lý.

Đối với công tác truy suất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 355/QĐ-SNN&PTNT ngày 11/3/2019 thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; được kiện toàn lại tại Quyết định số 330/QĐ-SNNPTNT ngày 08/4/2020, gồm 2 Tổ kiểm soát tàu cá tại cảng Cái Rồng, cảng Cô Tô. Các Tổ kiểm soát tàu cá đã triển khai thực hiện việc tuyên truyền cho các chủ tàu cá về các quy định khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.  Đồng thời, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố cảng cá Cái Rồng, cảng Cô Tô vào danh sách tàu cá vùng khơi trở ra cập cảng tại Quyết định số 3191/QĐ-BNN-TCTS ngày 19/8/2019, UBND tỉnh đưa thủ tục Chứng nhận thủy sản khai thác vào thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh.

Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản: Sở đã tổ chức 12 hội nghị hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản nằm trong diện phải đăng ký hoạt động nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè, nuôi đối tượng thủy sản chủ lực; phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức hội nghị hướng dẫn thực hiện thủ tục đăng ký nuôi đối tượng thủy sản chủ lực tại thành phố Móng Cái cho hơn 100 chủ các cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng. Thông qua các hội nghị, Chủ các cơ sở nuôi trồng thủy sản nằm trong diện phải đăng ký được hướng dẫn đầy đủ thành phần hồ sơ, địa điểm nộp hồ sơ, phương thức nộp hồ sơ… Bên cạnh đó, xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực đạt 64 cơ sở với tổng diện tích 1.093ha, trong đó có 1 cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè; 63 cơ sở nuôi đối tượng thủy sản chủ lực. Tỉnh cũng chứng nhận 19 cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; số cơ sở đã thực hiện thủ tục và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện là 15 cơ sở (đạt 79%).

Đối với lĩnh vực khai thác thủy sản: Sở tham mưu UBND Tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền được giao triển khai thực hiện Luật Thủy sản năm 2917, cụ thể như: Quyết định số 22/2019/QĐ-UBND ngày 25/6/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc Quy định phân cấp quản lý, đăng ký, đăng kiểm tàu cá và phát triển tàu cá theo chiều dài lớn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Quyết định số 3285/QĐ-UBND ngày 8/8/2019 của UBND Tỉnh về việc giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá hoạt động tại vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;  Quyết định số 2762/QĐ-UBND ngày 3/7/2019 của UBND Tỉnh về việc công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quyết định số 3884/QĐ-UBND ngày 17/9/2019 về việc công bố danh mục thủ tục hành chính cấp huyện thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND ngày 24/10/2018 của UBND Tỉnh quy định tạm thời xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Quyết định số 632/QĐ-UBND ngày 27/02/2020 của UBND Tỉnh về việc bãi bổ một số văn bản của UBND tỉnh về công bố cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá đủ điều kiện đóng mới cải hoán tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Công tác quản lý tàu cá phát huy được hiệu quả

Tính đến hết 31/5/2020, tổng số tàu cá của tỉnh Quảng Ninh là 8.123 tàu với khoảng 28.364 lao động, trong đó tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi là 237 tàu cá; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m hoạt động vùng lộng là 1.038 tàu; tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m hoạt động vùng ven bờ là 6.809 tàu. Số tàu cá được đăng ký đạt 4.556 tàu bằng 75% tổng số tàu cá thuộc diện phải cấp giấy phép khai thác thủy sản.

Trong năm 2019 và 05 tháng đầu năm 2020, đã tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn ngư dân đăng ký, đăng kiểm được 388 tàu cá, trong đó: Đóng mới 53 tàu, chuyển nhượng 08 tàu, cải hoán 07 tàu, cấp lại 02 tàu, tổ chức kiểm tra cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá cho 360 tàu. Tổng số tàu cá đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản trước khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực là 4.556 lượt tàu. Từ năm 2019 đến nay, Sở đã cấp 385 giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên theo quy định mới của Luật Thủy sản 2017, đạt 45,8%. Tổng số tàu cá đã đánh dấu, kẻ vẽ số đăng ký là 3.870 tàu (trong đó, 190 tàu có chiều dài từ 15m trở lên, 480 tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m; có chiều dài từ 6m đến dưới 12m 3.200 tàu).

Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức kiểm tra, thẩm định và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, đã có 195/237 tàu được cấp giấy, đạt 82,3%; đối với tàu cá hoạt động vùng lộng có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m đã ký cam kết về an toàn thực phẩm tàu cá đạt 490/602 tàu cá, đạt 81,4%. Thực hiện in 3.500 cuốn báo cáo khai thác thủy sản; 500 cuốn nhật ký thu mua thủy sản và 5.000 cuốn nhật ký khai thác thủy sản theo mẫu quy định tại Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT để cấp cho các chủ tàu trong tỉnh.

Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn UBND các địa phương, các cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện quy định mới về công bố cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP (tại Công văn số 2600/SNNPTNT-CCTS ngày 12/7/2019 về việc triển khi quy định về cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá trên địa bàn tỉnh theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP; Công văn số 4502/SNNPTNT-CCTS ngày 11/11/2019 về việc công bố cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP; Công văn số 277/SNNPTNT-CCTS ngày 31/01/2020 về việc tăng cường quản lý cơ sở đóng mới cải hoán tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh) đề nghị các cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu cá hoàn thiện hồ sơ thủ tục gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và công bố theo quy định. Tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn thực hiện quy định Nghị định 26/2019/NĐ-CP cho 22 chủ cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu cá và cán bộ quản lý thủy sản của các địa phương. Hiện tại chưa có cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu cá được công bố đủ điều kiện theo quy định mới.

Triển khai thực hiện cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch được công bố tại Quyết định số 3285/QĐ-UBND ngày 08/8/2019 của UBND tỉnh Quảng NInh. Thực hiện quản lý tàu cá theo phân cấp tại Quyết định số 22/2019/QĐ-UBND ngày 25/6/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh. Phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá 307 người.

Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, thống kê tàu cá theo chiều dài lớn nhất, đôn đốc ngư dân có tàu cá sắp hết hạn đăng kiểm đưa tàu về bến kiểm tra gia hạn đảm bảo an toàn, đầy đủ giấy tờ khi đi hoạt động trên biển; khuyến cáo ngư dân không lắp đặt các loại máy kém chất lượng không rõ nguồn gốc. Yêu cầu các chủ tàu phải thực hiện đánh dấu tàu cá theo quy định khi thực hiện các thủ tục đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản. Không thực hiện đăng kiểm, không cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên mà không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tham mưu UBND Tỉnh ban hành các Kế hoạch, quyết định hỗ trợ chuyển đổi nghề cho tàu cá: Nghị quyết số 121/2018/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 về chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho đối tượng là các chủ tàu đang hoạt động khai thác thủy sản ven bờ và các phương tiện hoạt động khai thác đang bị cấm chuyển sang các nghề khai thác thủy sản được phép theo quy định; Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 11/7/2018 về chuyển đổi nghề, nâng cấp tàu cá công suất nhỏ hoạt động khu vực ven bờ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó giao chỉ tiêu cụ thể cho 14 huyện, thị xã, thành phố thực hiện lộ trình nâng cấp tàu và chuyển đổi nghề theo quy hoạch phát triển ngành thủy sản đến năm 2020; Quyết định số 4673/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều tại các Quyết định số 4204/QĐ-UBND và Quyết định số 102/2017/QĐ-UBND ngày 01/01/2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc sửa đổi bổ sung một số nội dung của Quyết định số 4204/QĐ-UBND ngày 24/12/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 – 2020.

Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có tổng cộng 1.118 tàu thực hiện nâng cấp tàu, chuyển đổi nghề. Trong đó: 205 tàu nâng cấp, đóng mới; 175 tàu chuyển đổi từ khai thác nghề cấm sang nghề khai thác: câu, rê; 473 trường hợp chuyển từ khai thác sang nuôi trồng thủy sản. Hơn 265 chủ tàu chuyển đổi sang các nghề dịch vụ và phi nông nghiệp. Đã tổ chức đào tạo nghề cho 1.087 trường hợp.

Một số khó khăn, vướng mắc

Mặc dù công tác triển khai Luật Thủy sản 2017 tại tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên hoạt động này vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: địa bàn quản lý rộng, số lượng tàu thuyền của tỉnh nhiều neo đậu phân tán ở nhiều nơi. Trình độ dân trí của ngư dân còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội, do đặc thù hoạt động dài ngày thường xuyên trên biển nên việc thực hiện các quy định của nhà nước về thủy sản còn hạn chế. Đa phần bà con ngư dân làm nghề khai thác thủy sản đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn.

Ngoài ra, Luật thủy sản số 18/2017/QH14 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2019 có sự thay đổi về số lượng tàu cá hoạt động tại các vùng biển ven bờ, vùng lộng, vùng khơi so với quy định cũ, do có sự thay đổi về tiêu chí phân loại tàu hoạt động tại các vùng biển từ phân loại tàu theo công suất máy chính sang phân loại tàu theo chiều dài lớn nhất để xác định tàu tại các vùng ven bờ, vùng lộng, vùng khơi; trong khi phạm vi các vùng biển khai thác thì không có sự thay đổi giữa quy định mới và quy định cũ. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa ban hành các quy định chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề cho những tàu cá có công suất, kích thước nhỏ hoạt động ven bờ, chưa có cơ chế hỗ trợ cho ngư dân có tàu không tham gia khai thác thủy sản trong thời gian cấm khai thác, vùng cấm khai thác, chưa ban hành danh mục nghề khai thác thủy sản Việt Nam để phân biệt với cá nghề du nhập từ nước ngoài, chưa quy định rõ thế nào là nghề thân thiện đới với trường, gây khó khăn cho  công tác quản lý.

Bên cạnh đó, mức phạt quy định tại Nghị định 42/2019/NĐ-CP được điều chỉnh cao hơn (hầu hết đều gấp 5 lần) so với Nghị định 103/2013/NĐ-CP và so với thực tiễn nghề cá tỉnh Quảng Ninh (chủ yếu là tàu có công suất, kích thước nhỏ) dẫn đến tình trạng ngư dân chống đối, không chấp hành quyết định xử phạt của Cơ quan chức năng, nhiều trường hợp vi phạm có tổng mức phạt vượt quá giá trị của phương tiện vi phạm, vì vậy hiện nay có một số ngư dân sẵn sàng bỏ phương tiện… Khi áp dụng xử phạt thì phải tạm giữ tàu cá với thời gian nhất định nhưng Chi cục Thủy sản chưa được bố trí nơi tạm giữ phương tiện và nhà kho tạm giữ ngư cụ vẫn còn kết hợp với cảng chuyên dụng.

Một trong những điều kiện cấp giấy phép khai thác thủy sản là tàu cá phải lắp thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở  lên, tuy nhiên giá thiết bị cao, hàng năm phải trả phí dịch vụ gây khó khăn cho ngư dân. Bên cạnh đó, có nhiều đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá có giá bán khác nhau làm cho các chủ tàu khó khăn trong việc lựa chọn.

Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh có 2 cảng cá loại I được quy hoạch là cảng cá Cái Rồng và Cô Tô, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng hoàn thiện nên địa phương còn lúng túng trong việc thành lập bộ phận kiểm soát tàu cá tại cảng, cấp phát, thu hồi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản, chưa thực hiện xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác do chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố.

Ngư trường khai thác truyền thống của ngư dân tỉnh Quảng Ninh chủ yếu là trong vùng biển Vịnh Bắc Bộ, mặc dù Vịnh Bắc bộ đã được phân định bằng những đường thẳng nối liền các điểm có tọa độ cụ thể, nhưng không có vật đánh dấu nhận biết để xác định ranh giới trên biển nên rất khó phân biệt, chỉ có thể xác định được bằng các thiết bị định vị vệ tinh, trong khi đó hầu hết những tàu cá nhỏ lại không được trang bị đầy đủ nên rất khó phân biệt ranh giới vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; do đó khi khai thác trên vùng biển gần đường phân định Vịnh Bắc Bộ và mải theo luồng cá để khai thác thủy sản, có thể vô tình xâm phạm vùng biển phía Trung Quốc.

Các cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu cá chưa đáp ứng đủ theo các quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, như: Thiếu trang thiết bị so với quy định tối thiểu, chưa đáp ứng đủ đội ngũ công nhân kỹ thuật, đặc biệt là không có kỹ sư khai thác, chưa biết xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 và quy trình công nghệ theo quy chuẩn quốc gia về phân cấp đóng tàu.

Trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản 2017, ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh tiếp tục khắc phục những khó khăn, hạn chế, để đưa nghề cá phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội địa phương nói riêng và ngành thủy sản cả nước nói chung.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác