Nghệ An: Sau hai năm triển khai Chỉ thị 45/CT-TTg vi phạm trong khai thác thủy sản đã giảm rõ rệt (15-07-2020)

Sau 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC), trường hợp vi phạm trong khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã giảm rõ rệt. Cụ thể, năm 2018, các lực lượng chức năng đã thực hiện 37 chuyến tuần tra, kiểm soát trên biển, kiểm tra được 3.147 phương tiện; phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 277 phương tiện. Trong 6 tháng đầu năm 2020, đã thực hiện 111 chuyến tuần tra, kiểm soát trên biển, kiểm tra được 1.418 lượt phương tiện; phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 42 phương tiện.
Nghệ An: Sau hai năm triển khai Chỉ thị 45/CT-TTg vi phạm trong khai thác thủy sản đã giảm rõ rệt
Ảnh minh họa

Với bờ biển dài trên 82km có 6 cửa lạch được phân bố trên 5 huyện/thị xã, đây là điều kiện thuận lợi và tiềm năng cho phép tỉnh Nghệ An phát triển một nghề cá toàn diện, từ khai thác đến chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Trong những năm qua, kinh tế thủy sản tỉnh Nghệ An nói chung, khai thác thác thủy sản nói riêng đã có những bước phát triển khá toàn diện và đúng hướng. Trong đó, thực hiện Chương trình phát triển kinh tế thủy sản thời kỳ 2011 - 2015, có tính đến năm 2020 cùng với những chính sách phát triển thủy sản chung của Trung ương, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển của tỉnh Nghệ An từng bước được đầu tư, nâng cấp hiện đại hóa. Từng đội tàu có công suất lớn với trang thiết bị khai thác hiện đại được nâng cấp đóng mới, đội tàu khai thác thủy sản phát triển nhanh, bình quân tăng từ 40 - 50 tàu/năm; tàu công suất nhỏ khai thác gần bờ giảm dần, từ 70 - 80 tàu/năm. Sản lượng khai thác tăng nhanh về số lượng cũng như chất lượng, bình quân hàng năm tăng 10-12%, năm 2017 sản lượng đạt được 132.474 tấn (tăng gấp 2 lần với năm 2010).

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ngành thủy sản tỉnh Nghệ An đang gặp phải những tồn tại khó khăn nhất định. Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển, công nghệ khai thác vẫn còn lạc hậu chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất trên biển, tổn thất sau thu hoạch còn lớn...Cơ cấu ngành nghề khai thác chưa thực sự bền vững, tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện... trong khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra dẫn đến nguồn lợi thủy sản ngày một suy giảm, các quy định về giấy phép khai thác cũng như báo cáo xuất, cập cảng của tàu cá vẫn chưa được ngư dân thực hiện đầy đủ, việc nộp nhật ký khai thác còn mang tính hình thức, còn có trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài,...

 

Việc giám sát tàu cá và sản lượng bốc dỡ sản phẩm thủy sản qua cảng chưa được thực hiện đồng bộ, vẫn còn nhiều bất cập. Công tác quản lý tàu cá, giám sát tàu cá hoạt động trên biển còn hạn chế. Việc thực thi pháp luật về khai thác hải sản chưa thực sự nghiêm; việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm chưa đủ tính răn đe, nhất là việc xử lý các tàu vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài. Những tồn tại nói trên cũng là tồn tại chung mà ngành thủy sản đang gặp phải và dẫn đến ngày 23/10/2017, EC ra cảnh báo “Thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam khi xuất khẩu vào Liên minh Châu Âu.

Qua 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tỉnh Nghệ An đã đạt được một số kết quả tích cực, từ ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân đến công tác quản lý hoạt động khai thác, góp phần vào nhiệm vụ khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của ủy ban Châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp (IUU).

Trong 2 năm qua, tỉnh Nghệ An đã ban hành các Kế hoạch Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên vùng biển Nghệ An; Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Công văn về việc triển khai thực hiện Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Kế hoạch hành động về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An để thực hiện Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 16/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Triển khai thực hiện Công điện số 1275/CĐ-TTg ngày 19/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định…Thực hiện các văn bản trên, các lực lượng thanh tra chuyên ngành, lực lượng chức năng cùng các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã phối hợp triển khai tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn các hành vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp. Ngoài ra, các huyện/thị xã và các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phường/xã thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác bất hợp pháp (IUU).

Hàng năm, UBND tỉnh đã cấp kinh phí cho các đơn vị tổ chức thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, ngư dân về Luật Thủy sản 2017, các quy định, những khuyến nghị của EC về chống khai thác bất hợp pháp (IUU) bằng nhiều hình thức qua các phương tiện thông tin đại chúng truyền hình, báo chí, tập huấn, tờ rơi, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở,…

Ban chỉ đạo tỉnh về chống khai thác IUU cũng đã tổ chức 05 cuộc kiểm tra, qua kiểm tra, Ban Chỉ đạo đã phát hiện và xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, các kiến nghị từ cơ sở. Định kỳ hàng tuần, Sở Nông nghiệp và PTNT đều tiến hành họp kiểm tra, đôn đốc công tác chống khai thác IUU.

Ngoài ra, để giám sát hoạt động tàu cá trên biển, tỉnh Nghệ An đã triển khai nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống Trạm bờ thuộc Chi cục Thủy sản quản lý, đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống Trạm bờ trung tâm tại Trung ương và quản lý tốt đội tàu khai thác hoạt động trên các vùng biển thông qua báo cáo vị trí bằng tin nhắn. Hiện nay các tàu của tỉnh Nghệ An đã lắp thiết bị giám sát hành trình khi tham gia khai thác trên biển và đều được giám sát và quản lý thông qua tin nhắn tự động 2 giờ/lần; thông tin được phân quyền cho các Đồn Biên phòng tuyến biển và các cảng cá cùng giám sát, theo dõi và quản lý.

Tính đến ngày 15/6/2020, toàn tỉnh đã triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá cho 939/1.243 phương tiện đang hoạt động khai thác, đạt 75,54% so với yêu cầu. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên: 229/229 phương tiện đang hoạt động, đạt 100% yêu cầu, tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m đã lắp đặt 710/1.014 phương tiện đang hoạt động, bằng 70,02% yêu cầu. Hiện tại đang còn 304 tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m chưa lăp đặt thiết bị giám sát hành trình (bằng 24,46% tổng số tàu phải lắp thiết bị giám sát hành trình).

Cảng cá đã thực hiện việc yêu cầu các chủ tàu cá phải thông báo ít nhất 01 tiếng trước khi cập hoặc rời cảng theo quy định và đã được ngư dân chấp hành tốt hơn. Công tác giám sát sản lượng bốc dỡ hàng hóa qua cảng đã được Ban Quản lý cảng cá Nghệ An thực hiện ngày càng nghiêm túc. Tỷ lệ giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc ghi, nộp nhật ký của ngư dân sau khi khai thác cũng dần được cải thiện, ngư dân đã chủ động ghi nhật ký khai thác, nộp cho cảng cá khá kịp thời. Cảng cá đã thực hiện việc tiếp nhận và kiểm tra các thông tin trong nhật ký khai thác, đảm bảo nhật ký khai thác đầy đủ theo đúng quy định.

Trong thời gian qua, các Trạm kiểm soát Biên phòng cửa lạch đã thực hiện tốt công tác kiểm soát đăng ký, kiểm chứng làm thủ tục xuất nhập lạch tại các cửa sông, cửa lạch; kết quả đã kiểm tra đạt 100% số tàu cá ra vào cửa lạch.

Chi cục Thủy sản cũng đã phối hợp với lực lượng Biên phòng, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên biển. Trên cơ sở thông tin đường dây nóng, trong thời gian qua công tác tuần tra, kiểm soát trên biển đã thu nhiều kết quả nhất định, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trong đó tập trung các hành vi về khai thác IUU. Cụ thể, năm 2018, các lực lượng chức năng đã thực hiện 37 chuyến tuần tra, kiểm soát trên biển, kiểm tra được 3.147 phương tiện; phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 277 phương tiện, tổng số tiền xử phạt là 814,15 triệu đồng; bàn giao cơ quan chức năng thị xã Hoàng Mai khởi tố 01 chủ phương tiện. Trong năm 2019, đã thực hiện 228 chuyến tuần tra, kiểm soát trên biển, kiểm tra được 3.409 phương tiện; phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 90 phương tiện, tổng số tiền xử phạt là 631,95 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, đã thực hiện 111 chuyến tuần tra, kiểm soát trên biển, kiểm tra được 1.418 lượt phương tiện; phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 42 phương tiện với tổng số tiền phạt 387,8 triệu đồng.

Ngoài ra, các Đồn/Trạm biên phòng và Hải đội 02 tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các cửa sông, cửa lạch, vùng biển kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kết quả đã phát hiện, xử lý 200 vụ/292 đối tượng/283 phương tiện, xử phạt vi phạm hành chính 1.053 triệu đồng, khởi tổ 04 vụ/05 đối tượng.

Các Tổ Công tác Liên ngành cũng đã thực hiện kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trờ lên; kiểm tra, kiểm soát 5-10% đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24m khi tàu cập cảng, rời cảng, đạt yêu cầu theo quy định tại Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT.

Tổ Liên ngành thanh tra kiểm soát nghề cá cũng đã lập biên bản đối với các tàu vi phạm; trong đó nhắc nhở 08 tàu (do lỗi không thông báo trước khi cập cảng), chuyển cho cơ quan chức năng xử phạt 03 tàu với tổng sổ tiền là 08 triệu đồng (lỗi chủ yếu là sơn kẻ biển số mờ, đánh dấu sai quy định). Đối với các tàu cá không có đủ các trang thiết bị an toàn kỳ thuật, Tổ lập biên bản không đủ điều kiện rời lạch, đồng thời thông báo cho Biên phòng không cho xuất lạch đi khai thác.

Trên cơ sở thông báo của các cơ quan chức năng, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với Biên phòng, Công an và chính quyền địa phương thực hiện 03 cuộc kiểm tra xác minh vi phạm vùng biển nước ngoài. Qua kiểm tra, xác minh, nguyên nhân chủ yếu các tàu cá vi phạm là: Do gặp sự cổ hỏng máy, trong thời gian sửa chữa tàu cá bị trôi sang vùng biển của nước bạn; hoặc do tàu đi theo đàn cá để khai thác, không kiểm soát được tọa độ nên vô tình khai thác vào vùng biển nước ngoài.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác