Gia Lai: Đẩy mạnh phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh (14-06-2020)

Nhằm khai thác tiềm năng các ao hồ, sông suối để phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai đã đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị tổ chức triển khai một số nội dung có liên quan.
Gia Lai: Đẩy mạnh phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh
Ảnh minh họa

Về nuôi trồng thủy sản

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn, nuôi trồng đúng lịch thời vụ, áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong đó tập trung một số nội dung như thời vụ thả nuôi. Hiện nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh đang chuyển sang mùa mưa, dự báo lượng nước trên các hồ, sông suối, ao đầm sẽ tăng. Để đảm bảo mực nước phù hợp cho nuôi trồng thủy sản, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã đề nghị các địa phương khuyến cáo, hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản tập trung triển khai các biện pháp chuẩn bị ao, lồng bè, con giống để tiến hành thả nuôi vụ mới.  

Bên cạnh đó, áp dụng quy trình kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản; lựa chọn, áp dụng hình thức nuôi phù hợp; thực hiện nghiêm túc các khâu chuẩn bị ao, lồng bè (cải tạo ao, xử lý nguồn nước cấp, gây màu, kiểm tra các hệ thống ao, lồng bè); chọn giống và thả giống (lựa chọn con giống khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, kích thước theo từng đối tượng, mật độ nuôi phù hợp với điều kiện chăm sóc, quản lý); thường xuyên kiểm tra, theo dõi các yếu tố môi trường ao nuôi, trong lồng bè để kịp thời có biện pháp xử lý (theo dõi diễn biến các yếu tố thủy lý, thủy hóa, mực nước); định kỳ kiểm tra tốc độ tăng trưởng, mật độ, đồng thời đánh giá sức khỏe của thủy sản nuôi; theo dõi và quản lý chặt chẽ thức ăn, khả năng sử dụng thức ăn; giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời tình hình dịch bệnh động vật thủy sản...

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên rà soát, thống kê số lượng lồng bè nuôi và diện tích mặt nước (trong đó, chú trọng thống kê các mặt nước lớn có khả năng nuôi trồng thủy sản); quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai; đánh giá điều kiện tự nhiên, các yếu tố môi trường cũng như tập quán, hình thức nuôi, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm thủy sản của người dân tại địa phương... Từ đó, có giải pháp lựa chọn phương thức, quy mô nuôi trồng phù hợp, phát triển nuôi lồng bè tại các hồ chứa mặt nước lớn, tập trung chuyển dịch sang hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh; Đa dạng đối tượng nuôi, ưu tiên phát triển các đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ lớn (như cá Điêu hồng, Trắm cỏ, cá Lăng, Thát Lát, cá Lóc); tuyên truyền, nhân rộng, khuyến khích đầu tư phát triển các mô hình, dự án khuyến ngư có hiệu quả.

 

Đặc biệt, đối với các huyện, thị xã có diện tích mặt nước hồ thủy lợi, thủy điện lớn (như Thị xã An Khê, Kbang, Ia Grai, Chư Păh, Phú Thiện, Krông Pa) tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản lồng, bè để tăng năng suất, sản lượng, tận dụng tốt tiềm năng diện tích mặt nước lớn. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản, tập trung triển khai các nội dung theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong đó chú trọng công tác giám sát tình hình dịch bệnh thủy sản, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả, đúng quy định khi dịch bệnh xảy ra, xử lý ao nuôi (xử lý nguồn nước cấp và kiểm soát, xử lý nước ao trước khi thải ra môi trường, nhất là nước ao có thủy sản bị bệnh).

Ngoài ra, tích cực tuyên truyền, khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ, phục vụ ngành nuôi trồng thủy sản tại địa bàn (như trang thiết bị, thức ăn, thuốc thú y thủy sản); tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động theo đúng quy định. Song song với các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, sẽ tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo điều kiện về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, phát triển theo hướng bền vững.

Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản 2017, Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các văn bản liên quan, trong đó chú trọng các quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản, nghề và ngư cụ cấm sử dụng khai thác, khu vực cấm khai thác thủy sản.

Tổ chức hoạt động khai thác thủy sản kết hợp các biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đảm bảo thực hiện đúng quy định. Tiến hành khảo sát, đánh giá nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực (các sông, hồ chứa lớn) để lựa chọn phương pháp đánh bắt, ngư cụ khai thác phù hợp, bảo đảm sinh kế cho người dân; đồng thời triển khai các giải pháp nhằm bổ sung, tái tạo, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, góp phần ổn định hệ sinh thái, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, phối hợp, tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 312/QĐ-UBND ngày 21/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch Quan trắc môi trường trong Nuôi trồng thủy sản và Bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Gia Lai (giai đoạn 2017-2020). Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động thủy sản. Kiểm tra, giám sát các hành vi liên quan đến hoạt động khai thác, bảo vệ nguồi lợi thủy sản, nhất là hành vi khai thác mang tính hủy diệt (sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện), sử dụng ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn kích thước quy định, khai thác các loài thủy sản, khu vực cấm khai thác...

Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ phối hợp với các địa phương tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lĩnh vực thủy sản; hướng dẫn sản xuất nuôi trồng thủy sản, phát triển theo hướng bền vững, khai thác kết hợp các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tổ chức quản lý chặt chẽ, đúng quy định đối với các hoạt động liên quan trong lĩnh vực thủy sản. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; Kế hoạch thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh thủy sản, hướng dẫn tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; Thực hiện đúng quy định công tác kiểm dịch thủy sản giống.

Các chủ đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch nuôi trồng thủy sản hồ chứa do đơn vị quản lý, lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp với từng hồ chứa; báo cáo kế hoạch nuôi trồng thủy sản hồ chứa về Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh.

Trung tâm Giống thủy sản đẩy mạnh hoạt động cho sinh sản và ương nuôi các loại giống thủy sản nhằm đáp ứng đủ số lượng, chủng loại, đảm bảo chất lượng con giống cung cấp cho người dân; thực hiện nghiên cứu, tuyển chọn, lai tạo, nhân giống các loại giống mới có chất lượng, kháng bệnh, năng suất cao, phù hợp với điều kiện phát triển tại địa bàn tỉnh. Phối hợp với các địa phương rà soát, tổng hợp, đánh giá nhu cầu con giống nhằm có phướng án sản xuất, cung ứng con giống kịp thời, phù hợp. Phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương tổ chức khảo sát, đánh giá điều kiện và chuẩn bị cá giống, phương tiện, trang thiết bị để tổ chức thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại tỉnh Gia Lai.   

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác