Khẩn trương triển khai giải pháp hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm hùm (17-04-2020)

Ngày 16/4/2020, Tổng cục Thủy sản đã có công văn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa khẩn trương phối hợp với cơ quan chuyên môn và chỉ đạo các đơn vị có chức năng liên quan bám sát tình hình thực tế, hướng dẫn người nuôi triển khai ngay một số nội dung để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, đồng thời thúc đẩy phát triển nuôi tôm hùm một cách bền vững.
Khẩn trương triển khai giải pháp hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm hùm
Ảnh minh họa

Kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường và theo dõi sức khỏe tôm hùm nuôi lồng (cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm 2020 tại Phú Yên, Khánh Hòa) của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cho thấy: chất lượng môi trường vùng nuôi tôm hùm đang suy giảm. Tại phường Xuân Phương, Xuân Yên và Xuân Thành, thị xã Sông Cầu của tỉnh Phú Yên, nhiều yếu tố môi trường có hàm lượng vượt ngưỡng giá trị cho phép; mật độ vi khuẩn Vibrio vượt ngưỡng cho phép từ 1,1-5,5 lần.

Bên cạnh đó, phát hiện loài tảo Noctiluca sp. và tảo Peridinium sp. có khả năng gây hại cho tôm nuôi. Chất lượng môi trường vùng nuôi xấu, kết hợp với nắng, mưa bất thường trong giai đoạn chuyển mùa cảnh báo nguy cơ gây hại cho tôm nuôi vào cuối tháng 4 và tháng 5 là rất cao.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, thúc đẩy phát triển nuôi tôm hùm một cách bền vững, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa khẩn trương phối hợp với cơ quan chuyên môn và chỉ đạo các đơn vị có chức năng liên quan bám sát tình hình thực tế, hướng dẫn người nuôi triển khai ngay một số nội dung, cụ thể:

Tổ chức rà soát lại tình hình thực tế tại các vùng nuôi, khuyến cáo người nuôi tôm hùm thực hiện giãn cách lồng nuôi, di chuyển lồng nuôi đến khu vực đã được quy hoạch. Không nên đặt lồng sát đáy biển, lồng nuôi tôm hùm nên đặt ở giữa cột nước nhằm giảm thiểu thiếu oxy cục bộ; vệ sinh lồng nuôi thường xuyên để tăng cường trao đổi nước bên trong và bên ngoài lồng. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khoẻ tôm nuôi, kiểm tra sự phân tầng nước tại vùng nuôi để kịp thời điều chỉnh vị trí lồng nuôi nhằm đảm bào an toàn cho tôm nuôi.

Duy trì mật độ tôm nuôi trong lồng phù hợp theo hướng dẫn. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật để kéo dài thời gian nuôi dưỡng, lựa chọn thức ăn, khẩu phần ăn phù hợp để giảm chi phí và đảm bảo chất lượng tôm. Định kỳ bổ sung vitamin và khoáng vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm nuôi. Thu gom vỏ tôm lột, thức ăn dư thừa sau 2 đến 3 giờ cho tôm ăn, bao đựng thức ăn và rác thải sinh hoạt vận chuyển vào đất liền để xử lý theo quy định.

Tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo nuôi tôm hùm theo các nội dung tại Công văn số 381/TCTS-NTTS ngày 04/3/2020 của Tổng cục Thủy sản về việc tăng cường quản lý nuôi tôm hùm lồng, các khuyến cáo tại bản tin thông báo kết quả quan trắc môi trường của cơ quan chuyên môn. Lưu ý, theo dõi sát diễn biến thị trường, tăng cường thông tin, quảng bá sản phẩm và hướng dẫn người nuôi thu hoạch vào thời điểm thích hợp. Tổ chức xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm tôm hùm chất lượng, an toàn và truy xuất được nguồn gốc.

Căn cứ vào tình hình thực tế để khuyến cáo người dân thả giống vào thời điểm thích hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, phát triển sản xuất bền vững. Tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật. Thực hiện nghiêm việc đăng ký nuôi lồng bè theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP.

Tổ chức thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa khẩn trương triển khai và chịu trách nhiệm về kết quả tổ chức triển khai thực hiện; Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất khi xảy ra sự cố và kết quả triển khai về Tổng cục Thủy sản để phối hợp xử lý, tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác