Thủy sản Điện Biên với vấn đề An toàn thực phẩm (02-10-2019)

Ngày 16/9/2019 Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND quy định phân cấp và phân công nhiệm vụ quản lý các Cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm (thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Thủy sản Điện Biên với vấn đề An toàn thực phẩm
Ảnh minh họa

Quyết định 30/2019/QĐ-UBND quy định việc phân cấp quản lý về An toàn thực phẩm (ATTP) đối với các Cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện ATTP thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) cho Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thị xã, thành phố và phân công trách nhiệm cho các cơ quan chức năng có liên quan, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP đối với Cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Theo đó, các Cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP (thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và PTNT trên địa bàn tỉnh Điện Biên) gồm có 05 loại hình sau: (1) Cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; (2) Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định; (3) Cơ sở sơ chế nhỏ lẻ; (4) Cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; (5) Cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn. Các nội dung này được quy định chi tiết tại Khoản 1, Điều 12, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Phân cấp, phân công quản lý ATTP

Quyết định 30/2019/QĐ-UBND đã nêu rõ 04 nguyên tắc phân cấp và phân công phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP các Cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện ATTP. Theo đó, bảo đảm sự thống nhất trong công tác quản lý về ATTP từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố; bảo đảm việc quản lý xuyên suốt toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đảm bảo nguyên tắc một sản phẩm, một Cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một Cơ quan quản lý nhà nước; bảo đảm tính khoa học, đầy đủ và khả thi.

Phân cấp quản lý gắn với việc thực hiện các phương thức quản lý theo quy định; ký cam kết bảo đảm ATTP; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP đối với các Cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện ATTP. Trường hợp cùng một đối tượng quản lý, nhưng có nội dung thuộc thẩm quyền quản lý của cấp tỉnh, nội dung khác lại thuộc thẩm quyền quản lý của cấp huyện thì cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý.

Sự phối hợp phải được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy định phân công của UBND tỉnh; kiểm tra, giám sát phải thực hiện đúng, đủ chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp để không chồng chéo, không gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp phải được bàn bạc, giải quyết theo quy định của pháp luật và yêu cầu nghiệp vụ của các đơn vị liên quan.

Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và PTNT

Quyết định 30/2019/QĐ-UBND đã quy định Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm: Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan quản lý được phân công việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về quản lý ATTP đối với Cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện ATTP trên địa bàn. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp với cơ quan được phân công quản lý các Cơ sở trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; kiểm tra, giám sát ATTP các sản phẩm nông, lâm, thủy sản; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ của đơn vị được phân công theo yêu cầu. Bên cạnh đó, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý về điều kiện bảo đảm ATTP các Cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện ATTP trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đối với các đơn vị được phân công. Hướng dẫn, triển khai, đôn đốc và giám sát các đơn vị thực hiện Quyết định này.

Để quản lý và giám sát tốt việc thực hiện An toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản, UBND tỉnh Điện Biên đã yêu Sở Nông nghiệp và PTNT định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là, phải định kỳ báo cáo kết quả thực hiện nội dung quản lý các Cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện ATTP với UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Quyết định 30/2019/QĐ-UBND có hiệu lực kể từ ngày 26/9/2019, thay thế cho Quyết định số 354/QĐ-UBND ngày 08/5/2015 của UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quy định phân công quản lý nhà nước về điều kiện bảo đảm ATTP đối với các Cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và PTNT trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác