Phát triển bền vững ngành nông nghiệp tại Đồng bằng Sông Cửu Long (21-06-2019)

Ngày 18/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Diễn đàn chuyên đề “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” năm 2019.
Phát triển bền vững ngành nông nghiệp tại Đồng bằng Sông Cửu Long
Ảnh minh họa

ĐBSCL có vai trò rất quan trọng đến an ninh lương thực, hàng năm cung cấp 95% gạo xuất khẩu và 60% thủy sản xuất khẩu, ngoài ra còn là vùng đặc sản trồng cây ăn trái phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL đang được chuyển dịch, nhiều ngành hàng, mặt hàng đã tìm được chỗ đứng trên thị trường thế giới. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản.

Trong năm 2018, sản lượng tôm đạt 0,623 triệu tấn, chiếm 70% sản lượng cả nước; sản lượng cá tra 1,41 triệu tấn, chiếm 95%; sản lượng trái cây 4,3 triệu tấn, chiếm 60%, sản lượng lúa 24,5 triệu tấn, chiếm 56% sản lượng cả nước. Kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực đạt 8,43 tỷ USD, chiếm 73,34% kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực của cả nước.

Mặc dù vẫn duy trì và phát huy được các kết quả tốt, tuy nhiên, thời gian tới, ĐBSCL sẽ đối mặt với thách thức lớn từ biến đổi khí hậu (BĐKH) và các hoạt động phát triển thượng nguồn. Theo đó, 8 thách thức sẽ tác động tới sự phát triển của ĐBSCL được chỉ ra là: Sụt lún đất; mực nước ngầm suy giảm; xói lở bờ sông, bờ biển; ngập do nước biển dâng cao và nước lũ lên nhanh; xâm nhập mặn gia tăng; lũ cực đoan; môi trường nước mặt ô nhiễm; cấu trúc mùa vụ và năng suất thay đổi, dịch bệnh gia tăng do biến đổi khí hậu. 

Trong bối cảnh nhiều thách thức, thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chủ động vào cuộc quyết liệt, ưu tiên tập trung tổ chức triển khai 4 lĩnh vực then chốt nhằm thúc đẩy sự phát triển vùng ĐBSCL. Cụ thể gồm: Xây dựng chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng BĐKH gắn với xây dựng nông thôn mới; Phát triển thủy lợi; Phòng chống thiên tai và xói lở bờ sông, bờ biển; Nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với BĐKH của vùng. Bộ cũng đã ban hành và tham gia xây dựng một loạt chính sách phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL.

Trên cơ sở đánh giá về lợi thế, cơ hội, thách thức của vùng, Bộ sẽ rà soát điều chỉnh chiến lược, định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp toàn vùng phù hợp với các tiểu vùng sinh thái gắn với 3 nhóm sản phẩm chủ lực, theo thứ tự ưu tiên là thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo.

Bộ NN&PTNT sẽ nghiên cứu cung cầu thị trường trong nước và quốc tế để xác định hướng đi cho các ngành hàng chiến lược, theo hướng tăng diện tích cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản, giảm diện tích lúa kém hiệu quả. Đồng thời, ưu tiên đẩy mạnh nghiên cứu các loại giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng BĐKH.

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác