Thích ứng với biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững (16-05-2018)

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước; hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nghiêm trọng nhất là thách thức do biến đổi khí hậu, như: Nước biển dâng, tình trạng xâm nhập mặn, lở đất, lũ thất thường…
Thích ứng với biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững
Ảnh minh họa

ĐBSCL là một trong những đồng bằng màu mỡ trên thế giới với các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp; là một trong những vùng đồng bằng có sản lượng nông sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng đầu Việt Nam: đóng góp khoảng 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 36% sản lượng trái cây; cung cấp 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước. Nhiều mặt hàng nông sản của ĐBSCL đã có mặt và được ưa chuộng tại nhiều nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối mặt với thách thức do biến đổi khí hậu. Là một trong số ít đồng bằng lớn trên thế giới bị tác động mạnh nhất bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dẫn đến thay đổi dòng chảy ở các lưu vực sông, suy giảm lượng phù sa, sạt lở bờ sông, sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức, sự gia tăng xâm nhập mặn, hạn hán… Trong khi đó, quy hoạch tổng thể phát triển vùng không chặt chẽ, thiếu sự phối hợp, liên kết giữa các địa phương, dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, chồng chéo, cạnh tranh cơ cấu phát triển ngành nghề của mỗi địa phương làm cho nguồn lực bị phân tán, tiềm năng của cả vùng không được phát huy. 

Đứng trước thách thức mang tính toàn cầu do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán gia tăng, các hiện tượng khí hậu, thời tiết cực đoan… ĐBSCL cần nhanh chóng chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo, ĐBSCL sẽ thay đổi tư duy và mô hình phát triển để vượt qua thách thức, biến thành vùng phát triển thịnh vượng, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước. 

Phát triển bền vững ĐBSCL

Trong Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến, GDP bình quân đầu người đạt gần 10.000 USD/năm; tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%; độ che phủ rừng đạt trên 5% (so với 4,3% hiện nay), các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn. 

Theo đó, để phát triển bền vững, ĐBSCL sẽ phải thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy Sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy Kinh tế nông nghiệp, từ số lượng sang chất lượng gắn với chuỗi giá trị; từ sản xuất Nông nghiệp hóa học sang Nông nghiệp hữu cơ và Công nghệ cao; chú trọng Công nghiệp chế biến và Công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển Kinh tế nông nghiệp; và Quá trình chuyển đổi cần có tầm nhìn dài hạn, ưu tiên cho thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng cũng phải tận dụng các cơ hội để phát triển kinh tế xanh, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên: Tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm chủ động sống chung với lũ, sống chung với mặn, khô cạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, cần có cách tiếp cận theo hướng mới, hiện đại, lấy tri thức khoa học công nghệ làm nền tảng, kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế là sức mạnh trong các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Đối với các giải pháp, cần có tính đột phá, khả thi cao, mang tính kết nối liên vùng và nội vùng, có sự thống nhất, kế thừa các chủ trương, chính sách, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL.

Nhìn chung, để có thể thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, ĐBSCL sẽ phải chú trọng Quy hoạch định hướng chuyển đổi Nông nghiệp bền vững cho các tiểu vùng; định hướng thủy lợi phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; các giải pháp chuyển đổi sinh kế bền vững; có giải pháp ứng phó với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển; các cách tiếp cận chuyển đổi có tính đến rủi ro khí hậu để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo, dự báo về tài nguyên và môi trường, biến đổi khí hậu và cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành, kết nối với Tiểu vùng sông Mê Công và các vùng khác.

 Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác