Thanh Hóa: Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thuỷ sản ổn định, bền vững (15-05-2018)

Năm 2017, giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh Thanh Hóa đạt 4.947 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt 98 triệu USD. Tổng sản lượng thủy sản đạt 159,142 nghìn tấn, tăng 1,1% kế hoạch và tăng 5,2% so với cùng kỳ.  Năm 2018, toàn tỉnh phấn đấu đạt giá trị sản xuất thủy sản 5.285 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt 102,5 triệu USD. Tổng sản lượng thủy sản đạt 169.220 tấn, tăng 6,3% so với năm 2017.
Thanh Hóa: Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thuỷ sản ổn định, bền vững
Ảnh minh họa

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác phát triển thuỷ sản năm 2017, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2018 của tỉnh Thanh Hóa. Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến cho rằng tiềm năng về phát triển thuỷ sản tỉnh Thanh Hóa hiện vẫn chưa được khai thác triệt để, dẫn đến giá trị doanh thu và khả năng cạnh tranh chưa cao. Nguyên nhân được xác định là do công tác quản lý, công tác tuyên truyền đến người nuôi trồng, khai thác còn hạn chế. Công tác sản xuất con giống, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá còn chưa được chú trọng.

Đến nay, Thanh Hoá đã hình thành được 6 khu nuôi trồng thủy sản tập trung nhưng đều chưa phát triển theo đúng quy hoạch, yêu cầu đề ra. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Thanh Hóa là 18.900 ha, trong đó, 11.200 ha nuôi nước ngọt, 7.700 ha nuôi mặn, lợ. Về nuôi nước ngọt, những năm qua các loại cá truyền thống được ưu tiên lựa chọn, thế nhưng, do chủ yếu nuôi bằng hình thức quảng canh nên năng suất thấp, trung bình chỉ khoảng 2,5 tấn/ha, hiệu quả kinh tế không cao. Với diện tích mặn, lợ, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, tôm sú, ngao… nhưng kết quả cũng chưa như mong muốn. Nguyên nhân được chỉ ra là do hạ tầng phục vụ sản xuất chưa được đầu tư đồng bộ.

Để nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã ra nhiều chính sách thúc đẩy phát triển, hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp đầu tư, nhất là sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Cùng đó, các địa phương cũng khuyến khích hộ dân, doanh nghiệp sản xuất tập trung, quy mô lớn… nhưng chưa thực sự thành công. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh mới có khoảng 1.200 ha diện tích có hạ tầng cơ sở đồng bộ thực hiện nuôi tôm công nghiệp, theo hướng hiệu quả, bền vững.

Vì vậy, để khai thác  và nuôi trồng thuỷ sản đạt sản lượng, chất lượng cao, phát triển bền vững, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các ngành, các địa phương và đơn vị liên quan tập trung triển khai đồng bộ các giải phápTrong đó, tập trung vào công tác hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục các quy định về bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản cho ngư dân. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý tàu cá, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của các bến cá, cảng cá. Tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản và đẩy mạnh thực hiện các chính sách phát triển khai thác, nuôi trồng  thủy sản.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và các địa phương cần tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, quy mô lớn; nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Bên cạnh đó, khuyến khích ngư dân đầu tư, nâng cấp đưa các phương tiện có công suất lớn vào khai thác ở vùng khơi xa gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá. Kiên quyết chấm dứt tình trạng khai thác mang tính huỷ diệt, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển và tập trung bảo vệ môi trường trong nuôi trồng ở các vùng trọng điểm tập trung.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác