Xây dựng hệ thống thông tin nghề cá đồng bộ theo định hướng phát triển bền vững ngành thủy sản (04-05-2017)

Trong những năm qua, ngành Thủy sản đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong nông nghiệp, đóng góp quan trọng trong sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Giai đoạn 2011 – 2015, ngành thủy sản vẫn duy trì được sự phát triển ổn định. Tốc độ tăng sản lượng thủy sản trung bình hàng năm trong giai đoạn này đạt 3,8%/năm. Chỉ tính riêng năm 2016, sản lượng thủy sản đạt 6,7 triệu tấn/năm, trong đó sản lượng khai thác đạt 3,1 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 3,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 7 tỉ đô la.
Xây dựng hệ thống thông tin nghề cá đồng bộ  theo định hướng phát triển bền vững ngành thủy sản
Ảnh minh họa

Thêm vào đó, với sự hiện diện của hàng ngàn tàu cá khai thác thủy sản trên các vùng biển Việt Nam cũng đóng vai trò tích cực trong sự nghiệp giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.  

Tuy vậy, hiện nay ngành cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, rào cản thương mại của thị trường, sự suy kiệt nguồn lợi thủy sản, diễn biến phức tạp trên Biển Đông làm những rủi ro trong nghề đánh bắt cá trên biển ngày càng lớn. Trong quá trình phát triển nhanh, mạnh thời gian qua ngành cũng bộc lộ những bất cập, thiếu tính bền vững do công tác quản lý chưa theo kịp sự phát triển nhanh của hoạt động sản xuất.

Tại Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010, Thủ tướng Chính phủ
đã phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu định hướng đến năm 2020 “ngành thủy sản cơ bản được công nghiệp hóa - hiện đại hóa và tiếp tục phát triển toàn diện theo hướng bền vững, thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu vàc ác hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc vào kinh tế thế giới”. Để đạt được các mục tiêu chiến lược đã đề ra, nhu cầu về thông tin dữ liệu chuyên ngành thủy sản, thông tin quản lý nghề cá trên biển là một trong những yêu tố quan trọng, cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, hoạch định chính sách, quy hoạch, kế hoạch và ra quyết định phát triển ngành thủy sản.  

Hiện nay, nước ta chưa có một hệ thống thông tin nghề cá đồng bộ từ trung ương đến địa phương về hệ thống dữ liệu nguồn lợi thủy sản, ngư trường khai thác, số lượng tàu thuyền và các loại nghề khai thác cũng như hiện trạng hoạt động khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, quản lý giống, thức ăn và vật tư đầu vào, quan trắc cảnh báo môi trường, dịch bệnh, kết quả sản xuất thủy sản và các thông tin trong nước và quốc tế về thị trường và chế biến xuất khẩu.

Để cơ bản xây dựng được hệ thống thông tin nghề cá Việt
Nam thống nhất, hiệu quả, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ
quan quản lý ngành từ trung ương đến địa phương theo hướng phát triển bền
vững, hiệu quả và yêu cầu hội nhập quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “xây dựng Hệ thống thông tin Nghề cá Việt Nam” trong đó xác định các mục tiêu chiến lược gồm: Hệ thống thông tin nghề cá Việt Nam được thiết lập đồng bộ từ trung ương đến địa phương với đầy đủ thông tin dữ liệu về các lĩnh vực hoạt động của ngành thủy sản, được duy trì cập nhật, khai thác thông tin, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển ngành thủy sản, phù hợp với các cam kết quốc tế về lĩnh vực thủy sản mà Việt Nam tham gia; Hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển được hoàn thiện nhằm
nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền hoạt động trên các
vùng biển Việt Nam; đảm bảo công tác an toàn cho người và tàu cá hoạt động
sản xuất khai thác thủy sản trên biển.

Trong khuôn khổ của đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thủy sản Việt Nam đồng bộ từ trung ương đến địa phương; Hoàn thiện Hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển; Đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực cho hệ thống.

Thu Cúc (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác