Quảng Bình: Triển khai hiệu quả một số chính sách phát triển thủy sản (13-01-2017)

Quảng Bình là tỉnh ven biển Bắc miền Trung có bờ biển dài trên 116 km, với 5 cửa sông đổ ra biển (bao gồm sông Nhật Lệ, sông Lý Hòa, sông Dinh, sông Gianh) và có 5 hòn đảo nhỏ: Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm, Hòn Cỏ, Hòn Vũng Chùa. Tất cả tạo nên vùng ngư trường rộng lớn, nguồn lợi thủy sản đa dạng và phong phú, kinh tế thủy sản đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Quảng Bình: Triển khai hiệu quả một số chính sách phát triển thủy sản
Ảnh minh họa

Về khai thác thủy sản, tính đến tháng 10/2016, Quảng Bình có số lượng tàu, thuyền tham gia khai thác hải sản trên biển, cửa sông là 7.584 chiếc, trong đó tàu có công suất 90CV trở lên 1.245 chiếc tham gia khai thác xa bờ, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 60.000 tấn, số lao động trực tiếp trên các tàu cá trên 15.000 người. Đa số tàu cá xa bờ được trang bị đầy đủ ngư cụ, trang thiết bị khai thác phù hợp với ngư trường và 100% tàu cá xa bờ đã lắp máy thông tin liên lạc. Ngoài ngư trường truyền thống Vịnh Bắc Bộ, từ năm 2011 ngư dân Quảng Bình đã chuyển sang ngư trường vùng biển xa, khai thác chọn lọc, nâng cao giá trị sản phẩm, các nghề khai thác như vây rút chì, câu khơi, chụp mực 4 tăng gông tiếp tục phát triển phát huy hiệu quả.

Về nuôi trồng, Quảng Bình có 5.100 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó đối tượng nuôi mặn lợ chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, ngoài ra có tôm sú, cua, cá mặn lợ; đối tượng nuôi nước ngọt chủ yếu là các đối tượng truyền thống như cá trắm cỏ, rô phi, chép; với tổng số lượng lao động trên 13.000 lao động. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt gần 12.000 tấn, trong đó nuôi mặn lợ trên 5.400 tấn, nuôi nước ngọt gần 6.600 tấn. Trong những năm gần đây, người dân chuyển sang đầu tư nuôi tôm thâm canh, phát triển các vùng nuôi tập trung; áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật mới vào quá trình nuôi nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đa dạng hóa các hình thức nuôi như nuôi lồng bè trên sông, hồ chứa, nuôi trong bể xi măng, nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ bãi triều và các đối tượng nuôi như cá chim vây vàng, cá dìa, bống bớp, cá lăng chấm, rô đầu vuông nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Là địa phương nằm trong khu vực Bắc Trung Bộ, hàng năm Quảng Bình chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão và các đợt áp thấp nhiệt đới, gió mùa. Trong những năm qua, thời tiết biển và thiên tai bão lụt có nhiều diễn biến phức tạp, liên tục, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Đặc biệt, năm 2016, sự cố môi trường biển làm ảnh hưởng nặng nề đối với ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 91 ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá. Trong đó có số 85 chỉ tiêu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho tỉnh và 05 ngư dân đóng mới thay thế tàu giải bản (36 tàu vỏ thép, 52 tàu vỏ gỗ, 02 tàu vỏ vật liệu mới; phê duyệt 04 tàu đủ điều kiện vay vốn nâng cấp). Đã có 79 tàu đóng mới được ký kết hợp đồng vay vốn (30 tàu vỏ thép, 48 tàu vỏ gỗ, 01 composite) với tổng số vốn vay gần 940,803 tỷ đồng, đã giải ngân được 604,803 tỷ đồng và 04 tàu đóng mới được ngân hàng cam kết sẽ cho vay; có 02 tàu nâng cấp được ký hợp đồng vay vốn với số tiền giải ngân 2,4 tỷ đồng; 03 chủ tàu đang thương thảo với ngân hàng và 04 chủ tàu ngân hàng từ chối cho vay. Đến hết tháng 10/2016, đã có 39 tàu hoàn thành đi biển sản xuất (04 tàu vỏ thép, 33 tàu vỏ gỗ và 02 tàu nâng cấp vỏ gỗ), 49 tàu đang được thi công (29 tàu vỏ thép, 18 tàu vỏ gỗ, 01 tàu vỏ composite và 01 tàu nâng cấp).

Chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho tàu cá xa bờ và thuyền viên cũng đã triển khai hiệu quả với tổng kinh phí kinh phí: 15.309.500.000 đồng

Thực hiện Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng Đề án “Xử lý sau thu hoạch các loại hàng hóa nông lâm thủy sản chủ lực có giá trị xuất khẩu giai đoạn 2013 - 2020”; Kế hoạch hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2015. Đồng thời chỉ đạo Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Quảng Bình đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin rộng rãi cho các tổ chức cá nhân trên địa bàn biết về chính sách vay vốn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, thường xuyên đưa tin về các mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Quảng Bình đã có chính sách hỗ trợ vay vốn cho người dân, đến hết năm 2015 đã thực hiện hỗ trợ cho vay mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất trong nông nghiệp và thủy sản theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg với tổng số tiền cho vay được hỗ trợ lãi suất là: 36.435 triệu đồng. Năm 2016, nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 02 hộ ngư dân khai thác hải sản xa bờ 02 máy dò ngang với kinh phí 200 triệu đồng; hỗ trợ hầm bảo quản sản phẩm cho tàu cá bằng vật liệu PU với kinh phí 150 triệu đồng; hỗ trợ ngư lưới cụ chuyển đổi nghề cho tàu cá xa bờ với kinh phí 200 triệu đồng. Quyết định 68 đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các tổ chức mua máy móc thiết bị cơ giới hóa để phục vụ trong sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cơ giới hóa nông nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu quả kinh tế, giảm lao động trong nông nghiệp, tạo được sự phát triển trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật góp phần đáng kể trong việc giảm tổn thất và gia tăng giá trị trong nông nghiệp.

Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Bình đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo thực hiện các quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay hỗ trợ lãi suất theo quy định của Thông tư 89/2014/TT-BTC hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất tại Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp tài liệu tập huấn hướng dẫn những kiến thức cơ bản về sử dụng máy cơ khí nông nghiệp, thủy sản; phương pháp vận hành sửa chữa máy móc thiết bị, cách bảo quản sản phẩm nông, lâm, thủy sản sau thu hoạch để các địa phương thực hiện. Đồng thời hỗ trợ tỉnh xây dựng một số mô hình về ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về bảo quản sau thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp.

Thu Hiền

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác