Thanh Hóa: Sản lượng thủy sản năm 2016 tăng 5,5% so với cùng kỳ (11-01-2017)

Năm 2016, sản xuất thủy sản toàn tỉnh Thanh Hóa tăng trưởng khá, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 151.340 tấn, đạt 100,7% kế hoạch, tăng 5,5% so với cùng kỳ; trong đó, nuôi trồng 51.082 tấn, khai thác 100.258 tấn.
Thanh Hóa: Sản lượng thủy sản năm 2016 tăng 5,5% so với cùng kỳ
Ảnh minh họa

Thanh Hóa là một tỉnh được thiên nhiên ưu đãi với bờ biển dài 102 km, có 6 huyện, thị xã ven biển được hình thành bởi 5 cửa sông lớn đổ ra biển, có ngư trường thuận lợi, giàu nguồn lợi thủy sản và phong phú. Ngành Thủy sản  luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế của cả tỉnh.

Theo đà phát triển và được sự khuyến khích từ các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, bà con ngư dân Thanh Hóa mạnh dạn đầu tư tàu to, máy lớn vươn ra xa khơi đánh bắt dài ngày để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Năng lực tàu cá tăng nhanh theo chiều hướng giảm tàu khai thác ven bờ và tăng tàu khai thác xa bờ. Nhiều tàu cá được trang bị các loại máy điện tử hàng hải hiện đại như máy định vị, máy dò cá, máy thông tin liên lạc; công nghệ và phương tiện khai thác ngày càng tiên tiến. 

Ðể tàu cá, tàu dịch vụ hoạt động an toàn, hiệu quả trên biển, nhiều năm qua, ngành thủy sản tỉnh Thanh Hóa đã tập trung hướng dẫn, phổ biến cho bà con ngư dân trang bị các thiết bị điện tử hàng hải khá hiện đại. Hiện nay, hầu hết tàu cá được trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa. Các loại máy định vị được các tàu cá sử dụng khá phổ biến. Song, hiệu quả hơn cả là bà con ngư dân Thanh Hóa đã phát huy tốt truyền thống đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ nhau trên biển.

Không chỉ tập trung phát triển năng lực khai thác hải sản từ biển, Thanh Hóa còn chú trọng khai thác lợi thế vùng ven biển, mặt biển, các ao, hồ để mở rộng diện tích nuôi thủy sản và đưa thêm nhiều đối tượng nuôi mới vào thực tế sản xuất. 

Cũng như nhiều vùng biển khác, chế biến thủy sản ở Thanh Hóa đã được quan tâm phát triển khá sớm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Các nhà máy chế biến xuất khẩu đã được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp với thiết bị ngày càng hiện đại, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng sản xuất hàng hóa, phục vụ tích cực nhiệm vụ xuất khẩu trên địa bàn. 

Năm 2016, sản xuất thủy sản toàn tỉnh Thanh Hóa tăng trưởng khá, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 151.340 tấn, đạt 100,7% kế hoạch, tăng 5,5% so với cùng kỳ; trong đó, nuôi trồng 51.082 tấn, khai thác 100.258 tấn.

Các địa phương ven biển đã tích cực triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, nên ngư dân đã tăng cường đầu tư nâng cấp, đóng mới tàu thuyền, cải hoán ngư lưới cụ, vươn khơi xa khai thác hải sản với nhiều nghề đánh bắt hiệu quả, như: lưới rê khơi, lưới vây...

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2017, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu sản lượng thủy sản đạt 157.400 tấn, trong đó khai thác đạt 106.400 tấn, nuôi trồng 51.000 tấn.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa, mục tiêu đến năm 2020 là phát triển thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, ổn định để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của nhân dân. Phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đến năm 2020 đạt 190.000 tấn; trong đó, sản lượng khai thác đạt 125.000 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 65.000 tấn.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra giải pháp phát triển thủy sản theo hướng hiệu quả, an toàn và bền vững; gắn phát triển thủy sản với tăng cường quản lý, sử dụng hợp lý các nguồn lợi và tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái; tập trung huy động, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đến Thanh Hóa đầu tư sản xuất và di ương giống thủy sản để chủ động được giống các đối tượng chủ lực theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP; đóng tàu khai thác xa bờ theo chủ trương của Chính phủ, từng bước hiện đại hóa nghề cá; tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản; gắn phát triển thủy sản với củng cố quan hệ sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, giải quyết các vấn đề xã hội, giữ vững an ninh chính trị và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác