Quảng Bình: Người dân chuyển đổi sinh kế sau sự cố môi trường biển (21-10-2016)

Do đặc thù về vị trí địa lý nằm ở vùng biển bãi ngang, từ bao đời nay, người dân các xã Ngư Thủy Bắc, Trung, Nam, sống chủ yếu chỉ dựa vào nghề đánh bắt hải sản làm thu nhập chính. Với những tàu, thuyền công suất nhỏ (đa số đều dưới 20CV) để thực hiện việc đánh bắt hải sản gần bờ.
Quảng Bình: Người dân chuyển đổi sinh kế sau sự cố môi trường biển

Trong những năm gần đây, cùng với sự biến đổi khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết, ô nhiễm môi trường..., đã khiến nguồn lợi hải sản bị suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt của ngư dân. Đặc biệt, do ảnh hưởng bởi sự cố ô nhiễm biển gây ra, hàng trăm ngư dân vùng Ngư Thủy (gồm ba xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy  Trung và Ngư Thủy Nam) buộc phải dừng đi biển nên mất nguồn thu nhập chính. Để chuyển đổi sinh kế, người dân của các xã nói trên đã đào ao nuôi cá lóc. Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng ao nuôi cá lóc của ba xã nói trên đã tăng gần 30% so với cùng kỳ.

Theo ông Trần Quang Quyền, Chủ tịch Hội nông dân xã Ngư Thủy Bắc, xã có gần 1.100 hộ dân thì hơn 60% số hộ đào hồ nuôi cá lóc. Hộ nào ít cũng có một, hai hồ, hộ nhiều có bốn, năm hồ, chi phí mỗi hồ nuôi khoảng 100 triệu đồng. Sau bốn tháng nuôi, trừ đi các khoản chi phí, một hồ nuôi cá lóc cũng mang lại cho người dân khoảng 20 triệu đồng/vụ. Mỗi năm, toàn xã thu về hơn 50 tỷ đồng từ nghề nuôi cá này.

Cá lóc có giá thành cao, khá ổn định, nguồn vốn đầu tư ban đầu không quá cao, thời gian thu hồi vốn nhanh. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cho cá lóc chủ yếu từ các loại cá tạp được đánh bắt từ biển. Do đó, người dân các xã ven biển có thể tận dụng nguồn thức ăn đánh bắt từ biển phục vụ nuôi cá lóc.

Đây là hướng đi phù hợp, bước đầu mang lại hiệu quả cho người dân các xã bãi ngang tỉnh Quảng Bình sau sự cố ô nhiễm môi trường biển. Tuy nhiên, để tránh hiện tượng người dân tự ý đào ao nuôi nuôi cá lóc và phát triển ồ ạt, không theo quy luật cung cầu, thị trường tiêu thụ khó khăn, thương lái ép giá dẫn đến thua lỗ. Chính quyền và ngành chức năng phải sớm vào cuộc để định hướng và có các biện pháp hỗ trợ người dân cụ thể về giống, kỹ thuật nuôi và hướng tiêu thụ sản phẩm.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác