Giá cá ngừ vằn đông lạnh giảm (26-05-2023)

Sản lượng khai thác cá ngừ trên toàn thế giới thấp trong quý 3 năm 2022 đã đẩy giá cá ngừ vằn đông lạnh lên 1.800 USD/tấn. Mức giá này cùng với việc nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm cuối cùng vẫn yếu ở các thị trường chính đã khiến nhu cầu của các nhà đóng hộp cá ngừ giảm. Ngoại trừ thị trường Trung Đông và Bắc Phi (Middle East and North Africa - MENA), nhu cầu đối với cá ngừ đóng hộp bị ảnh hưởng trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhập khẩu nguyên liệu thô đã sơ chế tăng.
Giá cá ngừ vằn đông lạnh giảm
Ảnh minh họa

Nguồn cung

Tại Triển lãm Thương mại Cá ngừ Thế giới lần thứ 17 (the 17th INFOFISH World Tuna Trade Conference and Exhibition; tên viết tắt: TUNA 2022) được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan trong các ngày từ 11 đến 13 tháng 10 năm 2022, các đại diện của các ngành công nghiệp cá ngừ lớn đã gặp gỡ và thảo luận về các xu hướng hiện tại cũng như triển vọng tương lai của ngành hàng cá ngừ và thương mại cá ngừ toàn cầu.

Theo Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (the Western and Central Pacific Fisheries Commission - WCPFC), ước tính sản lượng khai thác cá ngừ trong khu vực là 2,5 triệu tấn vào năm 2021, trị giá 4,6 tỷ USD - thấp hơn 9% so với năm 2020. Về phương thức đánh bắt , lưới vây chiếm tỷ trọng lớn nhất (70% tương đương với 1,74 triệu tấn), tiếp theo là câu vàng (8% tương đương với 191.666 tấn), câu sào (5% tương đương với 123.528 tấn) và 17% còn lại (tương đương với 438.000 tấn) được cung cấp bởi các ngư dân khai thác thủ công, chủ yếu từ Indonesia và Philippines. Ủy ban Nghề cá WCPFC cũng đã xác nhận tình trạng bền vững của bốn loài cá ngừ (cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to và cá ngừ vây dài) trong khu vực Tây - Trung Thái Bình Dương.  

Trong quý 3 năm 2022, sản lượng khai thác cá ngừ trên toàn thế giới giảm khiến giá cá ngừ đông lạnh tăng lên 1.850 USD/tấn vào tháng 9 năm 2022.

Trong khu vực WCPFC, lệnh đóng cửa đánh bắt trong 3 tháng (the 3-month FAD fishing closure) bắt đầu được thực hiện từ ngày 1 tháng 7 đến ngày 30 tháng 9 năm 2022. Cùng với đó, lệnh đóng cửa đánh bắt của Ủy ban Cá ngừ nhiệt đới Liên châu Mỹ (the Inter-American Tropical Tuna Commission - IATTC) cũng có hiệu lực ở Đông Thái Bình Dương từ ngày 29 tháng 7 đến ngày 8 tháng 10 với 43% đội tàu đánh cá ngừng hoạt động. Giá cá ngừ vằn tăng trong giai đoạn này trong khi giá cá ngừ vây vàng vẫn ổn định.

Khai thác cá ngừ ở Ấn Độ Dương đã được cải thiện tương đối tốt, trong khi hoạt động này diễn ra kém sôi động ở khu vực Đại Tây Dương.

Nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu

Thăn cá ngừ hấp (cooked loins) là nguyên liệu sơ chế. Hiện nhu cầu của ngành nhập khẩu tái chế ở Thái Lan đã tăng lên. Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2022, nhập khẩu thăn cá ngừ hấp đã tăng 73% lên 34.116 tấn so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam là những nhà cung cấp hàng đầu mặt hàng này. Nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu đông lạnh giảm 5,3% xuống còn 363.395 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Tại Philippines, nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu đông lạnh vẫn duy trì ổn định ở mức 93.085 tấn trong giai đoạn này. Trong nửa đầu năm 2022, Tây Ban Nha - cơ sở đóng hộp cá ngừ lớn nhất ở châu Âu - đã giảm 19% lượng nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu đông lạnh xuống còn 53.295 tấn nhưng tăng 6% đối với thăn cá ngừ hấp lên 63.226 tấn. Tổng lượng nhập khẩu thăn cá ngừ hấp của Liên minh châu Âu là 110.000 tấn (+4,8%).

Thị trường cá ngừ tươi/ cá ngừ đông lạnh (không đóng hộp)

Được hỗ trợ bởi sự gia tăng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ăn uống (hotel, restaurant and catering - HORECA), đặc biệt là trong những tháng mùa hè, nhu cầu của người tiêu dùng đối với cá ngừ tươi và cá ngừ đông lạnh có giá trị cao vẫn khả quan ở hầu hết các thị trường trên toàn thế giới (ngoại trừ Nhật Bản).

Nhật Bản

Trong nửa đầu năm 2022, ở Nhật Bản, nhu cầu tiêu dùng giảm đối với cá ngừ sashimi đã khiến việc nhập khẩu cá ngừ tươi và cá ngừ đông lạnh có giá trị cao cũng giảm 3% đạt 95.430 tấn. Gần 80% khối lượng này là cá ngừ dùng cho sashimi. Tuy nhiên, có một sự phát triển đáng chú ý trong thương mại cá ngừ ở thị trường này là sự gia tăng xuất khẩu cá ngừ giá trị cao của Nhật Bản sang các thị trường châu Á khác. Trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu cá ngừ vây xanh tươi của Nhật Bản đạt 470 tấn, trị giá 11,9 triệu USD, tăng từ 153 tấn năm 2020 và 326 tấn năm 2021; 92% số hàng xuất khẩu này là sang Trung Quốc.

Mỹ

Năm 2022, tại thị trường Mỹ, nhu cầu tăng mạnh đối với cá ngừ không đóng hộp có giá trị cao. Nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước đã tăng 29% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2022 đạt 37.613 tấn, bao gồm 11.345 tấn cá ngừ tươi, 26.078 tấn cá ngừ thăn/bít tết đông lạnh và 190 tấn cá ngừ đông lạnh (mắt to và vây xanh). Nguồn cung phi lê cá ngừ đông lạnh hầu như được chiếm lĩnh bởi nhà cung cấp Việt Nam (43%), tiếp theo là Indonesia (31%) và Thái Lan (6,6%). Đơn giá nhập khẩu trung bình của nhóm hàng này là 13,00-14,00 USD/kg.  

Các thị trường khác

Nhu cầu tích cực đối với các mặt hàng cá ngừ không đóng hộp, đặc biệt là phi lê đông lạnh, xu hướng này vẫn tiếp tục ở các thị trường châu Âu, Canada và Đông Á. Tại Liên minh châu Âu, nhập khẩu phi lê cá ngừ đông lạnh từ các nguồn ngoài Liên minh châu Âu cao hơn 26% đạt 16.667 tấn trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2022; các nhà cung cấp hàng đầu là Hàn Quốc, Việt Nam, Mexico, Ecuador và Nhật Bản. Nhập khẩu phi lê đông lạnh cũng tăng tại Hàn Quốc (từ nguồn cung cấp ở Địa Trung Hải), Israel, Saudi Arabia, Canada, Thái Lan, Trung Quốc và một số thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á.

Thương mại cá ngừ đóng hộp

Trong năm 2022, thương mại quốc tế đối với cá ngừ đóng hộp không mấy sáng sủa do ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu thô cao và nhu cầu giảm ở những người tiêu dùng cuối cùng. Tuy nhiên, nhu cầu đối với thăn cá ngừ (đã hấp chín rồi đông lạnh) ở các nhà máy đóng hộp của Châu Âu và Thái Lan tăng, dẫn đến doanh số bán hàng từ Ecuador và Trung Quốc sang các thị trường này tăng lên.

Xuất khẩu

Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2022, xu hướng xuất khẩu tích cực ở Thái Lan có thể liên quan đến việc tăng doanh số bán các sản phẩm ăn liền sang các thị trường Trung Đông và Bắc Phi, trong khi nhu cầu vẫn yếu ở hầu hết các thị trường truyền thống ở Bắc Mỹ và Châu Âu.

Tổng khối lượng xuất khẩu từ Ecuador trong 6 tháng đầu năm 2022 thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, xuất khẩu tăng sang các thị trường Mỹ (+75%), Chile (+85%), Brazil (+46,2%), Uruguay (+23,2%) và đặc biệt là Venezuela (+98,8%).

Trung Quốc tăng doanh thu xuất khẩu nhờ tăng doanh số bán thăn cá ngừ hấp cho các nhà máy đóng hộp cá ngừ ở châu Âu và Thái Lan.

Nhập khẩu

Bắc và Nam Mỹ

6 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp và chế biến tại Mỹ tăng 7,7% với sự thay đổi cơ cấu trong chuỗi cung ứng. Thái Lan vẫn giữ vị trí nhà cung cấp hàng đầu nhưng với thị phần bị thu hẹp. Nhập khẩu tăng từ Ecuador (+76%), Việt Nam (+35%) và Mexico (+11,4%). Nhập khẩu ở Canada giảm 9% trong giai đoạn này. Ở Trung và Nam Mỹ, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của Colombia, Mexico, Peru và Brazil thấp hơn so với năm trước, nhưng tăng ở Argentina và Uruguay.

Liên minh châu âu

Trong hai năm qua, đồng Euro đã mất 25% giá trị so với đồng đô la Mỹ, làm giảm sức mua của các nhà nhập khẩu thuộc Liên minh châu Âu, đặc biệt là trong thương mại ngoài Liên minh châu Âu, nơi 60% giao dịch diễn ra bằng đô la Mỹ. Trong năm 2022, thương mại cá ngừ đóng hộp của Liên minh châu Âu tăng với các giao dịch được thực hiện bằng đồng Euro.

Trong nửa đầu năm 2022, Liên minh châu Âu đã nhập khẩu 351.060 tấn (+ 3,2%) cá ngừ chế biến và đóng hộp, cao hơn 3,2% so với cùng kỳ năm 2021. Nhập khẩu ngoài Liên minh châu Âu trong giai đoạn này là 276.127 tấn (+ 2%). Các nhà cung cấp hàng đầu là Ecuador, Trung Quốc, Mauritius, Papua New Guinea và Philippines. Trong số này, 36,5% bao gồm thăn cá ngừ hấp rồi đông lạnh (101.100 tấn) được mua từ Trung Quốc, Ecuador, Indonesia và Papua New Guinea.

Châu Á, Thái Bình Dương và các thị trường khác

Trong nửa đầu năm 2022, nhu cầu của người tiêu dùng đối với cá ngừ đóng hộp không rõ ràng tại các thị trường lớn trong khu vực Châu Á, Thái Bình Dương và các thị trường khác, cụ thể là Nhật Bản, Úc và New Zealand. Các thị trường này thường nhập khẩu cá ngừ đóng hộp cao cấp chủ yếu được cung cấp bởi các nhà đóng hộp Đông Nam Á.

Trong những năm gần đây, doanh số bán cá ngừ đóng hộp (thăn cá ngừ hấp chín) phổ biến ở các quốc đảo Thái Bình Dương, tăng đáng kể với các sản phẩm đóng hộp của Đông Nam Á. FAO đã ước tính xuất khẩu cá ngừ đóng hộp từ Đông Nam Á sang các thị trường Thái Bình Dương là 12.000-15.000 tấn trị giá 20 triệu USD vào năm 2021. Giá xuất khẩu trung bình của mặt hàng cá ngừ đóng hộp có thịt màu đỏ sậm (black meat) là 1,45-1,65 USD/kg so với 3,50-4,50 USD/kg cá ngừ đóng hộp có màu trắng hoặc đỏ nhạt (light meat).

Trung Đông và Bắc Phi hiện là một trong ít các thị trường phát triển cá ngừ đóng hộp, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã nhập khẩu cá ngừ đóng hộp trị giá 400 triệu USD. Ai Cập, Libya, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là những thị trường hàng đầu tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA).

Năm 2022, đồng tiền của Ai Cập mất giá so với đồng đô la Mỹ đã khiến nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của thị trường này giảm 37%. Trái lại, xuất khẩu từ Thái Lan sang Ai Cập lại tăng 15%. Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Thái Lan cũng tăng sang Libya và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nhưng giảm sang Ả Rập Saudi trong nửa đầu năm 2022.

Giá cả

Giá cá ngừ tăng đáng kể vào năm 2022 so với ba năm trước. Giá cá ngừ vằn đông lạnh từ Tây Thái Bình Dương đến Thái Lan (CFR) tăng từ 1.450 USD/tấn vào tháng 6/2022 lên 1.550-1.600 USD/tấn vào tháng 7 và 1.800 USD/tấn vào tháng 8/2022. Kể từ đầu tháng 10 năm 2022, sản lượng khai thác cá ngừ được cải thiện ở khu vực Trung Tây Thái Bình Dương (WCPO) đã khiến giá giảm xuống còn 1.600 USD/tấn. Tại Manta, Ecuador, giá cá ngừ vằn vẫn ổn định ở mức 1.850-1.900 USD/tấn.

Dự báo

Tình hình cung cấp cá ngừ đông lạnh để đóng hộp có thể sẽ cải thiện ở khu vực Thái Bình Dương cùng với việc giá giảm nhẹ. Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng đối với cá ngừ đóng hộp sẽ vẫn yếu khi nhu cầu của người tiêu dùng đối với các loại protein có giá trị cao hơn (cá ngừ tươi, tôm, cá hồi) có thể tăng.

Nhập khẩu cá ngừ đóng hộp ở khu vực Liên minh châu Âu khó có thể cải thiện do lạm phát ở khu vực, đồng euro được nhận định là đạt đỉnh ở mức cao kỷ lục mới là 8,4% trong quý 3 năm 2022.

Dự đoán từ năm 2023, nguồn cung cá ngừ đóng hộp trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi có thể sẽ cải thiện khi hai nhà máy chế biến đang được triển khai tại Oman. Thương mại điện tử ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi cũng được dự báo sẽ mở rộng trong những năm tới. Điều này rất quan trọng đối với thương mại cá ngừ đóng hộp.

Tại vùng viễn Đông Châu Á (Asia Far East), nhu cầu của người tiêu dùng đối với cá ngừ không đóng hộp có giá trị cao sẽ tăng trong thời gian lễ hội cuối năm.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác