Nhu cầu cá rô phi tăng trưởng trở lại mặc dù giá tăng (25-05-2023)

Năm 2022, sản lượng cá rô phi toàn cầu được FAO ước tính tăng 2-4% so với năm trước. Cá rô phi hiện rất phổ biến trên thị trường quốc tế nhờ nguồn cung ổn định và giá tương đối thấp. Nhu cầu ngày càng tăng ở Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu. Cùng với việc tăng cường hoạt động sản xuất nuôi cá rô phi ở châu Á và châu Mỹ Latinh, sẽ khiến mạng lưới thương mại quốc tế được mở rộng, đồng nghĩa với việc thương mại cá rô phi ngày càng ít tập trung cho thị trường Mỹ.
Nhu cầu cá rô phi tăng trưởng trở lại mặc dù giá tăng
Ảnh minh họa

Thị trường và thương mại

Châu Á

Trong nửa đầu năm 2022, giá cá rô phi của Trung Quốc không ổn định, kéo theo xuất khẩu giảm nhẹ. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng cá chế biến trong các dịp lễ hội xung quanh Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã thúc đẩy nhu cầu sản xuất của các nhà máy, chỉ để lại một khối lượng nhỏ cho thị trường bán lẻ và xuất khẩu.

Xuất khẩu cá rô phi nguyên con đông lạnh giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường châu Phi, như Burkina Faso (tăng 16% về khối lượng và tăng 25% về giá trị so với cùng kỳ năm trước), trong khi Côte d'Ivoire (giảm 35% về khối lượng và giảm 32% về giá trị). Đây vẫn các thị trường quan trọng nhập khẩu cá rô phi đông lạnh từ Trung Quốc, mặc dù các nước châu Phi đã tăng cường đầu tư để sản xuất cá rô phi trong nước.

Vào quý 2 năm 2022, Trung Quốc đã giành lại thị phần trên thị trường cá đông lạnh ở châu Âu, với xuất khẩu sang Pháp, Hà Lan, Ý và Thụy Điển đạt mức cao nhất trong vòng ba năm. Điều này chủ yếu là do giá cao hơn và nguồn cung cấp thay đổi cho nhiều loài cá trắng, trong đó cá rô phi đang trở thành một sản phẩm thay thế ngày càng phổ biến.

Ở những nơi khác (Thái Lan, Việt Nam, Indonesia) đang gia tăng sản lượng và những năm tới có thể nổi lên như những nhà sản xuất thay thế mạnh. Cụ thể trong quý 2 năm 2022, Thái Lan và Việt Nam đã tăng gần gấp đôi xuất khẩu cá rô phi nguyên con đông lạnh sang Mỹ, với kim ngạch thương mại đạt đỉnh là 1,2 tấn (đối với Thái Lan) và 0,7 tấn (đối với Việt Nam). Đặc biệt, khi sản xuất được mở rộng thì tiêu dùng trong nước cũng được kích cầu.

 Mỹ Latinh

Sản xuất ở Mỹ Latinh tiếp tục mở rộng, tận dụng lợi thế gần thị trường Mỹ và tỷ giá hối đoái thuận lợi. Colombia và Honduras vẫn là nhà cung cấp phi lê cá rô phi ướp lạnh lớn nhất cho thị trường Mỹ, phản ánh sự cải thiện hiệu quả trong sản xuất cá rô phi ở khu vực này. Tại Brazil, các sản phẩm cá rô phi chiếm tới 98% xuất khẩu nuôi trồng thủy sản của quốc gia này. Công ty Nghiên cứu Nông nghiệp Brazil (tên viết tắt theo tiếng Brazil là: EMBRAPA) đã báo cáo rằng, trong nửa đầu năm 2022, 4.862 tấn cá rô phi trị giá 14,1 triệu USD đã được xuất khẩu, tăng 32% về lượng và tăng 133% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trên thị trường cá rô phi nguyên con đông lạnh thì Brazil nổi lên như một đối thủ nặng ký, với khối lượng xuất khẩu trong nửa đầu năm 2022 tăng gần gấp 6 lần (575%) so với năm 2021. Các báo cáo còn chỉ ra rằng nhu cầu trong nước cũng rất mạnh với ngụ ý là bên cạnh việc tăng cường xuất khẩu thì quốc gia này hoàn toàn có thể đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.

Mỹ

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (the National Oceanic and Atmospheric Administration - NOAA), tổng nhập khẩu cá rô phi của Mỹ trong nửa đầu năm 2022 đạt 89.104 tấn, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường cá rô phi Mỹ, đã xuất khẩu 58.571 tấn trong 6 tháng đầu năm.

Có tới 90% lượng phi lê cá rô phi đông lạnh nhập khẩu vào Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc, tiếp theo là Colombia là nhà cung cấp lớn thứ hai (7.650 tấn, trị giá 45,9 triệu USD) và Honduras là nhà cung cấp lớn thứ ba (3,9 tấn, trị giá 35 triệu USD). Thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc đã khuyến khích tỷ lệ nhập khẩu ngày càng tăng từ các nhà sản xuất thứ cấp, chẳng hạn như Brazil, Thái Lan và Việt Nam, khiến doanh số bán cá rô phi nguyên con đông lạnh sang Mỹ tăng lần lượt là 431% (Brazil), 110% (Thái Lan) và 136% (Việt Nam).

Giá cả

Giá cá rô phi nguyên con tại các trang trại Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm lại đây. Tại Quảng Đông, nơi chiếm gần 40% sản lượng cá rô phi của Trung Quốc, cá rô phi tươi sống loại 500-800 gram được bán với giá 10,58 CNY/kg (1,47 USD/kg), tăng 14% so với năm trước. Tại thị trường Mỹ, tỷ lệ lạm phát trên mức trung bình đối với mặt hàng thủy sản đã khiến giá bán thủy sản tươi sống và đông lạnh tăng vọt. Trong nửa đầu năm 2022, chi phí trung bình của cá rô phi tăng hơn 20%. Giá nhập khẩu philê cá rô phi tươi và đông lạnh sang Mỹ lần lượt tăng 23% và 8% so với cùng kỳ năm trước. Giá trung bình của phi lê cá rô phi đông lạnh tại Brazil được niêm yết là 5,46 USD/kg, trong khi phi lê tươi được bán với giá 5,26 USD.

Dự báo

Mặc dù giá tăng nhưng nhu cầu tiêu thụ trên toàn thế giới vẫn rất tích cực và FAO dự đoán sản lượng cá rô phi toàn cầu vẫn đạt tăng trưởng tốt. Trung Quốc tiếp tục là nhà cung cấp chính các mặt hàng cá rô phi cho thị trường thế giới. Trong khi đó, các nhà sản xuất mới nổi khác (ở châu Á và Mỹ Latinh) ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ do sản lượng ngày càng tăng và vấn đề thuế quan đối với Trung Quốc khi xuất khẩu thủy sản tới thị trường Mỹ.

Ngoài thị trường Bắc Mỹ, nhu cầu ở Liên minh châu Âu cũng đã hồi phục trở lại, với sự quan tâm lớn hơn của người mua đối với các sản phẩm cá rô phi do giá của các loài hải sản tăng vọt trên thị trường thủy sản toàn cầu. Đỉnh giá lịch sử trong quý 2 năm 2022 được dự đoán là sẽ không tiếp tục, mặc dù xu hướng giá tích cực như vậy sẽ tạo niềm tin lớn cho thị trường cá rô phi. Trong khi đó, các cuộc đàm phán thương mại sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc cho thấy những tác động sẽ xảy đến với thị trường thủy sản, thậm chí có khả năng thay đổi lại cơ cấu thị trường cá rô phi cho các nhà cung cấp mạnh, mới nổi; và tăng chi phí sản xuất cá rô phi tại Trung Quốc.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác