Cá tra: Sản lượng thu hoạch tăng, nhu cầu tiêu thụ tăng (18-04-2023)

Cá tra của Việt Nam đang có vị thế tốt trên thị trường thủy sản thế giới, có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng.
Cá tra: Sản lượng thu hoạch tăng, nhu cầu tiêu thụ tăng
Ảnh minh họa

Khi lạm phát và giá cao làm giảm nhu cầu trong hầu hết các phân khúc của ngành thủy sản, thì cá tra của Việt Nam được ghi nhận đang ở một vị trí thuận lợi hơn bao giờ hết trong việc mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường. Nhu cầu đối với cá tra lên đến đỉnh điểm vào nửa đầu năm 2022, với mức tăng trưởng nhập khẩu hàng năm ở mức hai con số tại các thị trường lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Kể từ đó, nguồn cung đã bắt kịp phần nào nhu cầu, đưa giá về mức trung bình và đưa thị trường vào trạng thái cân bằng hơn trong những tháng cuối năm 2022.

Cá tra ngày càng được ưa chuộng trên tất cả các phân khúc thị trường khi người tiêu dùng, nhà bán lẻ và nhà chế biến tìm kiếm các sản phẩm thủy sản với mức giá hợp lý. Việt Nam, nhà sản xuất cá tra chính trên toàn cầu, đã chứng kiến sản lượng tăng khoảng 200.000 tấn vào năm 2022, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ mạnh mẽ tại các thị trường lớn, đặc biệt là Trung Quốc. Đầu năm 2022, giá cá tra tương đối cao, sau đó cân bằng trở lại và duy trì ở mức thấp hơn đáng kể so với các loài cá thịt trắng khác.

Sản xuất

Khi mùa thu hoạch năm 2022 kết thúc ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nơi nuôi phần lớn cá tra thương mại quốc tế, nguồn cung đã có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu gia tăng trên thị trường thế giới. Theo ước tính sơ bộ đã có 1,5 triệu tấn được thu hoạch, tăng 14% so với năm 2021. Giá cao và sự hỗ trợ của chính phủ được dự đoán là đã khuyến khích thả giống cho vụ mùa 2023, có thể giúp sản lượng tăng hơn 10% vào năm 2023. Hy vọng các thị trường mới sẽ hấp thụ sản lượng gia tăng này, và tránh việc cung lớn hơn cầu, hàng tồn không bán được.

Đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là nguồn cung cấp chính sản phẩm cá tra thương mại toàn cầu, đã chứng kiến sản lượng tăng 14% năm 2022, đồng nghĩa với việc đã có 200.000 tấn cá được đưa ra thị trường, phần lớn là dành cho Trung Quốc. Khi các hoạt động thả giống cho vụ thu hoạch năm 2023 tiếp tục, giá đầu vào cho nông dân vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đó. Đặc biệt, cá giống chất lượng tốt đang bị thiếu hụt, với giá dự kiến sẽ tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng. Các chỉ tiêu cho mùa vụ năm 2023 đang hướng tới diện tích canh tác lớn hơn cùng với sự gia tăng về sản lượng.

Gần đây, Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc đăng ký và hợp thức hóa các nhà sản xuất cá tra của Việt Nam. Tại Đồng Tháp, nơi chiếm gần 1/3 sản lượng thu hoạch của cả nước, chính quyền tỉnh đã đặt ra kế hoạch đưa một nửa số nhà máy sản xuất thương mại tổ chức sản xuất theo VietGAP với hy vọng sẽ cải thiện chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Hiện 76 trung tâm sản xuất cá giống tỉnh Đồng Tháp đang rất chú trọng việc sản xuất và cung cấp cá giống cho thị trường trong nước; có những yêu cầu mới được đưa ra, trong đó quy định “75% cá tra giống phải được xếp loại chất lượng cao”. Cá tra vẫn là một đối tượng nuôi trồng thủy sản quan trọng trong chính sách phát triển nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt tập trung vào tăng doanh số thương mại và cải thiện chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Thương mại

Nhập khẩu của Trung Quốc phục hồi từ quý 2 năm 2022, một lần nữa đưa nước này trở lại vị trí cũ là nhà nhập khẩu lớn nhất trên thế giới đối với mặt hàng cá tra. Trong hai năm qua, thủ tục kiểm tra nhập khẩu cùng với sự chậm trễ trong nhiều khâu khác tại cảng hàng hóa Trung Quốc đã gây cản trở nghiêm trọng cho hoạt động thương mại thủy sản. Tại thời điểm gần Tết Nguyên đán 2022, đã có một hàng dài các xe tải đứng xếp hàng chờ xử lý tại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc đã nới lỏng các yêu cầu nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho sự vận chuyển các mặt hàng thực phẩm tươi sống và đông lạnh, cùng với việc các nhà chế biến và các nhà bán lẻ Trung Quốc tích cực nhập hàng để tích trữ trong kho. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đã nhập khẩu 162.000 tấn phi lê cá tra từ Việt Nam, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Nhu cầu cá tra của Trung Quốc đang tăng trở lại, với lượng nhập khẩu gần 100.000 tấn trong quý 2 năm 2022. Đây là mức cao nhất được ghi nhận. Trung Quốc một lần nữa là điểm đến của cá tra Việt Nam, sau khi bị Hoa Kỳ soán ngôi trong một thời gian ngắn vào năm 2021. Thương mại được tạo thuận lợi nhờ sự nới lỏng kiểm tra nhập khẩu COVID-19, trong khi nhu cầu tiêu thụ và chế biến trong nước cũng tăng lên đáng kể.

Cá tra đang ngày càng trở nên phổ biến ở Hoa Kỳ, đã cải thiện thị phần ở thị trường cá thịt trắng cao cấp cũng như cải thiện vị thế của cá tra so với các loài cá khác có giá trị kinh tế hơn, chẳng hạn như cá rô phi. Nhập khẩu từ Việt Nam đạt 76.000 tấn trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021. Trong bối cảnh có các báo cáo về chi tiêu của người tiêu dùng đối với cá và các sản phẩm từ cá giảm, nhu cầu đối với cá tra dự kiến sẽ vẫn tiếp tục mạnh ở quốc gia này. Hoa Kỹ sẽ vẫn là thị trường quan trọng nhất (nếu xét về giá trị).

Nhập khẩu cá tra của Hoa Kỳ trong 9 tháng đầu năm 2022 cao nhất kể từ năm 2016 với 104.600 tấn, cao hơn gần 15% so với cùng kỳ năm 2021. Tại Hoa Kỳ, cá tra đang được tiêu thụ tốt, nhất là trong lĩnh vực bán lẻ và khách sạn.

Giá cả

Mặc dù nhu cầu cao nhưng giá đã điều chỉnh giảm trong những tháng gần đây; tuy nhiên, vẫn là cao hơn đáng kể so với mức của tháng 1 năm 2022. Giá tại trang trại ở Việt Nam đạt đỉnh 32.000 đồng/kg (1,37 USD/kg) vào tháng 8 năm 2022 nhưng kể từ đó đã ổn định ở mức 28.000 đồng/kg (1,20 USD/kg). Người ta cảm thấy rằng mức giá này sẽ dễ dàng hơn cho ngành công nghiệp duy trì, vì giá cao chủ yếu là kết quả của thị trường quá nóng vào đầu năm. Giá xuất khẩu chủ yếu tuân theo giá tại trang trại, với xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Trung Quốc lần lượt đạt mức giá trung bình 3,33 USD/kg và 2,30 USD/kg vào tháng 11 năm 2022. Giá xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu vẫn ổn định, tăng nhẹ lên 3,00 USD mỗi kg.

Cuối năm 2022, giá cá tra tại các trang trại nuôi cá ở Việt Nam đạt mức 28.000 đồng/kg (1,20 USD/kg), cao hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, sản lượng tăng mạnh, nhu cầu tiêu thụ cũng tăng lên tại các thị trường lớn đã gây áp lực về giá đối với các nhà máy chế biến trong nước. Từng đạt đỉnh vào đầu năm 2022, giá cá tra phi lê đang quay trở lại mức trước đó. Giá xuất khẩu của Việt Nam đã giảm từ 3,4 USD/kg vào tháng 4/2022 xuống còn 2,75 USD/kg vào tháng 12/2022. Nguyên nhân giá giảm chủ yếu do sự gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc, cá được bán với mức giá thấp hơn các thị trường khác, đồng thời giá cũng rất thấp ở thị trường Hoa Kỳ.

Dự báo

Năm 2022, các điều kiện kinh tế bất lợi đã thúc đẩy nhu cầu tăng lên đối với cá tra khi người tiêu dùng tìm cách kiềm chế chi phí sinh hoạt; trong khi đó, các nhà phân phối lớn cũng tìm kiếm các lựa chọn thay thế kinh tế hơn cho các loại cá thịt trắng khác. Ngành cá tra hy vọng rằng nhu cầu cao bền vững sẽ có thể nâng sản lượng lên các ngưỡng mới mà không gây ra chu kỳ bùng nổ và suy thoái đặc trưng cho các giai đoạn tăng trưởng cao trước đây. Với hoạt động thu hoạch giảm dần vào cuối năm 2022 và giá ổn định ở mức tương đối cao, triển vọng cho năm 2023 có vẻ rất lạc quan.

Bên cạnh đó, hàng tồn kho của Việt Nam hiện đang ở mức thấp, với dự đoán nguồn cung sẽ sụt giảm trong những tháng đầu năm 2023. Mặc dù sản lượng tăng, nhưng nguồn cung có thể sẽ vẫn khan hiếm, ít nhất là cho đến khi thu hoạch trở lại. Giá cá thịt trắng vẫn ở mức cao, điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cá tra vì người tiêu dùng đang tìm cách thích ứng với cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt trên toàn cầu.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác