Nguồn cung cá đáy được dự báo là sẽ giảm nhẹ trong năm 2023 (17-04-2023)

Lượng cá cập cảng năm 2022 dường như thấp hơn năm trước. Triển vọng trong năm 2023, nguồn cung sẽ giảm hơn nữa. Sản lượng cá tuyết (cod) và cá tuyết chấm đen (haddock) ở Đại Tây Dương được dự đoán lần lượt đạt 930 nghìn tấn  và 308 nghìn tấn, trong khi sản lượng khai thác cá saith dự kiến tăng lên 370 nghìn tấn.
Nguồn cung cá đáy được dự báo là sẽ giảm nhẹ trong năm 2023
Ảnh minh họa

Nguồn cung

Tính đến nay, sản lượng khai thác cá đáy năm 2022 được FAO ước tính thấp hơn một chút so với năm 2021. Sản lượng cá tuyết Đại Tây Dương dự kiến đạt gần 1,1 triệu tấn, cá tuyết chấm đen khoảng 304.000 tấn và cá saith khoảng 345.000 tấn. Tổng sản lượng cá đáy ước đạt 1,7 triệu tấn năm 2022, giảm khoảng 75.000 tấn so với năm 2021.

Thị trường

Liên minh châu Âu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu về cá thịt trắng. Thậm chí trong một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi Hiệp hội doanh nghiệp và các nhà chế biến thủy sản của Liên minh Châu Âu (the European Union Fish Processors and Traders Association) đã công bố kết luận về sự phụ thuộc của thị trường thủy sản châu Âu đang gia tăng đối với các mặt hàng cá thịt trắng. Nhu cầu thực tế đối với cá thịt trắng ở Liên minh Châu Âu ước tính là 2.563.000 tấn vào năm 2021 và trong số đó có tới 2.397.000 tấn (94%) được nhập khẩu.

Tất nhiên, sự phụ thuộc nhập khẩu là khác nhau giữa các loài cá nhập khẩu. Đối với cá tuyết, ước tính thị trường Liên minh châu Âu năm 2021 đạt khoảng 891.000 tấn và sự phụ thuộc vào nhập khẩu khoảng 95% (và đang tiếp tục tăng lên). Các nhà cung cấp cá tuyết lớn nhất cho Liên minh Châu Âu là Na Uy (chiếm 36% lượng nhập khẩu), Iceland (24%) và Liên bang Nga (17%).

Thị trường cá saithe tại Liên minh châu Âu ước đạt 169.000 tấn. Nhìn chung, sự phụ thuộc vào nhập khẩu sản phẩm cá đáy này thấp hơn một chút (88%) và các nhà cung cấp chính là Iceland (39%), Na Uy (33%) và Faroes (14%).

Thị trường cá hake ước đạt 516.000 tấn. Liên minh châu Âu phụ thuộc vào nhập khẩu khoảng 87% và các nhà cung cấp chính là Namibia (38%), Nam Phi (18%) và Argentina (17%).

Đặc biệt đối với cá minh thái Alaska thì Liên minh châu Âu phụ thuộc nhập khẩu 100%. Nhập khẩu của Liên minh Châu Âu đạt khoảng 808.000 tấn năm 2021 và các nhà cung cấp chính là Hoa Kỳ (38%), Trung Quốc (35%) và Liên bang Nga (25%).

Cá tuyết chấm đen là loài cá đáy có tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu thấp đối với người tiêu dùng châu Âu. Mỗi năm, thị trường Liên minh châu Âu ước tính tiêu thụ 45.000 tấn và tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu là 67%. Các nhà cung cấp chính là Na Uy (52%), Liên bang Nga (18%) và Iceland (13%).

Thương mại

Nhập khẩu cá tuyết đông lạnh nguyên con của Trung Quốc ổn định ở mức 62.000 tấn trong nửa đầu năm nay. Hơn 55% hàng nhập khẩu trong giai đoạn này đến từ Liên bang Nga, trong khi 28% đến từ Na Uy. Nhập khẩu cá tuyết đông lạnh của Trung Quốc đã giảm trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2021 và hiện đang duy trì tương đối ổn định.

Xuất khẩu phi lê cá tuyết đông lạnh của Trung Quốc tăng nhẹ trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước. Tổng xuất khẩu tăng 6,1%, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng mạnh 18,8%. Ngược lại, xuất khẩu sang Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và Đức lại giảm nhẹ.

Sau khi nhập khẩu cá minh thái Alaska nguyên con đông lạnh vào Trung Quốc giảm mạnh vào năm 2021, nhập khẩu đã tăng trở lại hơn 100% trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước (tuy nhiên, khối lượng vẫn thấp hơn một chút so với khối lượng nhập khẩu của năm 2020). Hơn 92% khối lượng nhập khẩu đến từ Liên bang Nga với tăng trưởng nhập khẩu từ quốc gia này tăng 108,5% lên 314.315 tấn. Nhập khẩu từ Hoa Kỳ cũng tăng đáng kể 51% lên 15.279 tấn.

Trái lại, xuất khẩu tương ứng của philê cá minh thái Alaska đông lạnh vẫn chưa tăng. Thậm chí trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu philê cá minh thái Alaska đông lạnh đã giảm 2% xuống 78.994 tấn. Song, xuất khẩu sang các thị trường chính (Đức, Mỹ và Pháp) vẫn tăng lần lượt là 5,6%, 7,5% và 14%. Xuất khẩu giảm có thể là do tiêu dùng trong nước lớn hơn hoặc do độ trễ vì quá trình chế biến tốn thời gian và xuất khẩu philê cá minh thái Alaska đông lạnh được ghi nhận tăng lên trong các tháng cuối năm 2022.

Trong nửa đầu năm 2022, Liên bang Nga đã tăng mạnh xuất khẩu cá minh thái Alaska nguyên con đông lạnh so với nửa đầu năm 2021: khối lượng xuất khẩu tăng gần 104% lên 566.743 tấn. Trong số này, 55,5% đến Trung Quốc, và 34,1% đến Hàn Quốc.

Xuất khẩu cá tuyết đông lạnh nguyên con của Na Uy đã tăng 23,5% về lượng trong nửa đầu năm 2022 so với năm 2021, đạt 41.002 tấn. Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 51,6% lên 16.189 tấn, chiếm gần 40% tổng lượng xuất khẩu. Ngoài ra, giá tăng mạnh nên giá trị xuất khẩu cũng tăng 74% lên 1,84 tỷ NOK (tương đương 184 triệu USD).

Nhập khẩu cá tuyết đông lạnh vào Hàn Quốc đã tăng đều đặn (kể từ năm 2018) nhưng có vẻ như đã chững lại vào năm 2022. Nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 19.118 tấn, cao hơn 2.500 tấn so với lượng nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021. Theo thống kê của FAO, nhập khẩu tăng trưởng ổn định từ 7.000 tấn trong sáu tháng đầu năm 2018, lên 9.500 tấn vào năm 2019 và 10.400 tấn vào năm 2020.

Surimi

Năm 2022, xuất khẩu surimi đông lạnh của Mỹ sang Nhật Bản giảm. Cụ thể trong nửa đầu năm 2022, khoảng 21.700 tấn đã được xuất khẩu, giảm so với 25.400 tấn trong cùng kỳ năm trước. Đến quý 3, xuất khẩu tăng trở lại và tổng xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2022 là 44.000 tấn, chỉ kém 2.000 tấn so với cùng kỳ năm 2021.

Giá xuất khẩu surimi cá minh thái từ Alaska vẫn đang có xu hướng tăng. Kể từ năm 2017, giá xuất khẩu đã tăng gần 30%. Tuy nhiên, sản xuất đã giảm và đây có lẽ là nguyên nhân chính của việc giá của mặt hàng này tăng lên.

Trong khi cá minh thái Alaska đang cải thiện hình ảnh đối với người tiêu dùng Hoa Kỳ, những người coi đây là sản phẩm hải sản được khai thác bền vững, an toàn, thì surimi làm từ cá minh thái Alaska lại là một trường hợp cá biệt. Hầu hết người tiêu dùng Hoa Kỳ nhận định về surimi làm từ cá minh thái Alaska là “cua giả” (imitation crab) và “không phải sản phẩm hải sản” (not a real seafood product).

Giá cả

Giá cá tuyết đông lạnh Na Uy trên thị trường Anh có xu hướng tăng đều kể từ đầu năm 2022 và đến tháng 6 năm 2022, giá xuất khẩu cá tuyết đông lạnh nguyên con cao hơn gần 60% so với tháng 6 năm 2021. Giá cá tuyết đông lạnh đã đạt đỉnh vào cuối tháng 7 năm 2022 khi chúng đạt tới 53 NOK/kg. Nhưng những tuần sau đó, giá đã giảm một chút. trong nửa đầu năm 2022, giá xuất khẩu trung bình của mặt hàng cá tuyết đông lạnh (FOB biên giới Na Uy) là 44,88 NOK, tăng gần gấp rưỡi so với giá xuất khẩu trung bình 31,77 NOK/kg của nửa đầu năm trước.

Hiện nhu cầu đối với cá tuyết đông lạnh rất mạnh ở Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, và phần lớn hàng nhập khẩu vào thị trường này đến từ Na Uy. Trong nửa đầu năm 2022, Na Uy đã xuất khẩu 4.978 tấn cá tuyết đông lạnh nguyên con sang thị trường Anh, so với 3.933 tấn trong cùng kỳ năm 2021 (+26,6%). Mức tăng thậm chí còn lớn hơn khi tính theo giá trị: từ 148,4 triệu NOK vào năm 2021 lên 247,7 triệu NOK vào năm 2022 (+66,9%).

Dự báo

Mới đây, Diễn đàn Cá đáy (the Groundfish Forum) đã công bố dự báo sản lượng cá đáy năm 2023. Theo đó, dự kiến tổng cung cá đáy toàn cầu sẽ giảm nhẹ; và riêng với cá tuyết Đại Tây Dương thì nguồn cung toàn cầu có thể giảm 20%. Tuy cung giảm như vậy, nhưng điều này có dẫn đến giá các mặt hàng cá đáy tăng hơn nữa hay không thì Diễn đàn này không thể khẳng định chắc chắn, vì phần lớn các yếu tố phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế thế giới.

Tại cuộc họp gần đây của Diễn đàn Cá đáy (ở Seattle), nhiều dự đoán về sản lượng đánh bắt các loài cá thịt trắng vào năm 2023 đã được trình bày. Nhìn chung, tổng sản lượng khai thác cá đáy được dự đoán là sẽ giảm nhẹ vào năm 2023 so với năm trước, ước giảm khoảng 0,9% xuống 6,9 triệu tấn.

Cá tuyết Đại Tây Dương dự kiến sẽ giảm khoảng 13,4% xuống còn 929.000 tấn, trong khi cá tuyết Thái Bình Dương cũng được dự đoán sẽ giảm nhẹ từ 384.000 tấn năm 2022 xuống 379.000 tấn vào năm 2023. Bên cạnh đó, sản lượng khai thác cá minh thái Alaska dự kiến sẽ duy trì ở mức xấp xỉ bằng với mức của năm 2022, từ 3.341 tấn lên 3.354 tấn vào năm 2023 (+0,3%). Mức tăng 1,3% được dự đoán đối với cá tuyết chấm đen, từ 304.000 tấn năm 2022 lên 308.000 tấn năm 2023. Đối với cá saithe, mức tăng cao hơn một chút, dự đoán tăng từ 345.000 tấn năm 2022 lên 371.000 tấn năm 2023. Cá hake dự kiến tăng từ 1.179.000 tấn vào năm 2022 lên 1.230.000 tấn vào năm 2023. Nguồn cung cá cape hake dự kiến sẽ duy trì ổn định, nhưng các nhà cung cấp ở Nam châu Phi đang kỳ vọng giá sẽ cao trong năm 2023.

Ciữa tháng 9/2022, nhóm hợp tác nghiên cứu Na Uy-Nga (the joint Norwegian-Russian research group) đã tiến hành đánh giá trữ lượng cá ở Biển Barents và đưa ra khuyến nghị về hạn ngạch năm 2023 đối với cá tuyết ở Biển Barents nên giảm xuống còn 566.784 tấn. Đây là mức giảm 20% so với hạn ngạch của năm 2022. Trong những năm qua, trữ lượng cá tuyết đã giảm, nhưng theo nguyên tắc hành chính thì hạn ngạch đánh bắt loài cá này không nên giảm hơn 20%. Trên thực tế năm 2022, hạn ngạch cũng đã giảm 20% so với năm trước đó.

Mặc dù triển vọng nguồn cung trong năm 2023 có vẻ khá ổn định, nhưng cần lưu ý rằng nguồn cung cá tuyết Đại Tây Dương sẽ khan hiếm hơn và giá có thể tăng hơn nữa từ mức giá hiện tại đang khá cao. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến kinh tế thế giới. Triển vọng tương lai không chắc chắn, còn thực trạng thì khá ảm đạm và sự suy giảm của các nền kinh tế thế giới có thể làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ cá đáy và đẩy giá đi xuống.

Diễn biến giá cá đáy phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của các nền kinh tế thế giới hơn là bất kỳ sự thay đổi nào về nguồn cung. Do tổng nguồn cung cá thịt trắng dự kiến sẽ duy trì khá ổn định nên người ta có thể kỳ vọng rằng giá cũng sẽ ổn định. Tuy nhiên, với dự báo nhiều nền kinh tế sẽ chuyển biến xấu trong năm 2023 khiến sức mua của người tiêu dùng có thể giảm, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ và gây biến động giá cả trong 12 tháng năm 2023.

Khi cuộc xung đột ở Ukraine vẫn còn tiếp diễn, Liên bang Nga sẽ phải tiếp tục đối mặt với việc bị một số nước cô lập thậm chí viễn cảnh còn xấu hơn. Do đó, quốc gia này đã lựa chọn hướng xuất khẩu sang Trung Quốc với tốc độ cao hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên, hiện tại, Đức vẫn giao dịch với người Nga, nhưng việc giao dịch này sẽ khéo dài trong bao lâu thì không dễ dự đoán. Bằng mọi giá, Nga đã vận chuyển hầu hết cá tuyết và cá minh thái Alaska của mình đến thị trường Trung Quốc và điều này được dự đoán là vẫn sẽ tiếp tục trong năm 2023.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác