Thị trường nhuyễn thể chân đầu (mực, bạch tuộc): Cung khan hiếm, giá cao (13-04-2023)

Trong đại dịch COVID-19, nhu cầu đối với các mặt hàng nhuyễn thể chân đầu giảm, chủ yếu do ngành du lịch ở châu Âu gần như không hoạt động. Khi mọi thứ trở lại bình thường, nhu cầu ở một số thị trường đã tăng lên đáng kể, dẫn đến giá tăng vọt.
Thị trường nhuyễn thể chân đầu (mực, bạch tuộc): Cung khan hiếm, giá cao
Ảnh minh họa

Bạch tuộc

Năm 2020, sản lượng khai thác bạch tuộc toàn cầu lên tới 377.818 tấn. Trung Quốc chiếm 27,8%, trong khi các nước ở Tây Phi (Morocco và Mauritania) chiếm 24%. Các nhà sản xuất lớn khác bao gồm Mexico (9,2%), Nhật Bản (8,6%) và Hàn Quốc (5,1%). Trong giai đoạn ba năm (từ 2018 đến 2020) tổng lượng khai thác toàn thế giới chưa đến 380.000 tấn.

Một giải pháp cho tình trạng khan hiếm nguồn cung đã được đưa ra, đó là tiến hành nuôi bạch tuộc, và trên thế giới đã có một số nhóm nghiên cứu vấn đề này. Trong những năm gần đây, nguồn cung của cả bạch tuộc và mực đều giảm. Trong nỗ lực tăng lượng cung để đáp ứng lượng cầu, những nhóm nghiên cứu đã chuẩn bị cho việc sản xuất nuôi các loài nhuyễn thể chân đầu, nhưng họ lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhóm bảo vệ quyền lợi động vật và môi trường (animal rights and environmental groups). Một công ty Tây Ban Nha lên kế hoạch sản xuất khoảng 3.000 tấn bạch tuộc tại cơ sở nuôi trồng của họ ở Quần đảo Canary. Hoạt động này dự kiến ​​sẽ bắt đầu trong năm 2023 nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều tổ chức.

Thương mại bạch tuộc

Nhập khẩu bạch tuộc của Nhật Bản giảm đáng kể trong giai đoạn 2015-2020, từ 50.927 tấn năm 2015 xuống 37.752 tấn năm 2020. Tuy nhiên, hai năm sau, nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng lên 18.031 tấn (tăng 12,8% so với nửa đầu năm 2021). Hầu hết nhập khẩu bạch tuộc của Nhật Bản đến từ Maroc, Mauritanie, Trung Quốc và Việt Nam. Có vẻ như nguyên nhân chính khiến lượng nhập khẩu bạch tuộc của Nhật Bản ngày càng giảm là do sự suy yếu của đồng Yên Nhật.

Trong khi nhập khẩu bạch tuộc của Nhật Bản đang giảm thì trái lại nhập khẩu của Hàn Quốc đang duy trì tương đối ổn định. Nhập khẩu trong nửa đầu năm 2022 chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021, từ 35.090 tấn năm 2021 xuống 32.713 tấn năm 2022. Các nhà cung cấp chính là Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan.

Trong năm 2022, giá nhập khẩu tại Hàn Quốc tăng. Đối với nhập khẩu bạch tuộc loại nhỏ đông lạnh, giá đã tăng 28% trong nửa đầu năm 2022 so với giá cùng kỳ năm trước.

Mực

Trong hai thập kỷ qua, sản lượng khai thác mực ống toàn cầu đã giảm đáng kể, từ 3,1 triệu tấn năm 2000 xuống còn 2,9 triệu tấn năm 2020. Cũng giống như ở trường hợp của bạch tuộc vừa nói ở trên, một giải pháp cho vấn đề nguồn cung mực ống suy yếu là nuôi trồng thủy sản, nhưng trên thực tế việc nuôi mực ống gặp nhiều khó khăn.

Trong 60 năm qua, các nhà khoa học đã cố gắng thiết lập nghề nuôi mực ống nhưng không mấy thành công. Tuy nhiên, giờ đây một nhóm các nhà khoa học tại Viện Khoa học và Công nghệ Okinawa đã phát triển một hệ thống nuôi mực ống có thể hoạt động được và chi phí hợp lý và cạnh tranh với các sản phẩm mực ống nhập khẩu. Nhóm nghiên cứu này đã tuyên bố thành công trong việc kiểm soát toàn bộ vòng đời của loài mực.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Okinawa đã phát triển 10 thế hệ mực Sepioteuthis Lessoniana và đang hợp tác chặt chẽ với một đối tác thương mại đồng thời mở rộng hợp tác với 5-6 đối tác tiềm năng khác. Tuy nhiên, với giá mực ống đang ở mức thấp như hiện nay thì nghề nuôi mực ống không có lãi.

Viện Nuôi mực khổng lồ Quốc gia Peru (Peru’s national chambre of jumbo squid) có tên bằng tiếng Peru là: Camara Peruana Calamar Gigante (CAPECAL); và Viện Hàng hải của Peru (IMARPE) đã cùng nhau tiến hành ký một thỏa thuận nhằm thúc đẩy đánh bắt bền vững mực khổng lồ (Dosidicus gigas). Nghề khai thác mực khổng lồ đã trở thành một trong những nghề quan trọng nhất của quốc gia này để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trực tiếp của người dân và là một trong những nghề đánh bắt thủ công lớn nhất trên thế giới. Theo Viện Nuôi mực khổng lồ Quốc gia Peru, sản lượng loài này ở Thái Bình Dương lên tới 900.000 tấn mỗi năm; trong đó có khoảng 500.000 tấn được cập cảng Peru. 

Thương mại mực ống, mực nang

Xuất khẩu mực Illex của Argentina đã tăng 14% lên 115.135 tấn trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021. Về giá trị, xuất khẩu tăng từ 205,6 triệu USD trong nửa đầu năm 2021 lên 245,3 triệu USD trong cùng kỳ giai đoạn năm 2022 (tương đương với tăng 17%). Kéo theo giá xuất khẩu trung bình tăng 4,1% lên 2,13 USD/kg.

Nhập khẩu mực ống và mực nang của Hoa Kỳ tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022 so với nửa đầu năm trước. Tổng nhập khẩu tăng từ 32.086 tấn lên 44.620 tấn (+39,1%). Các nhà cung cấp chính là Trung Quốc (13.092 tấn; chiếm 29,3% tổng lượng cung), Ấn Độ (6.502 tấn, chiếm 14,6%) và Argentina (5.500 tấn, 12,3%).

Đã từ lâu, nhập khẩu mực ống của Hoa Kỳ có xu hướng tăng lên với mức nhập khẩu thấp nhất rơi vào năm 2015. Từ năm 2016 đến năm 2018, nhập khẩu mực ống tăng đều nhưng sau đó chững lại trong một vài năm, cho đến giữa năm 2021 thì nhập khẩu bắt đầu tăng lên đáng kể.

Nhập khẩu mực ống và mực nang của Nhật Bản tiếp tục tăng năm 2022, từ 67.781 tấn trong 6 tháng đầu năm 2020 lên 72.169 tấn năm 2021 và tiếp tục lên đến 77.760 tấn vào năm 2022. Nhà cung cấp lớn nhất tính đến nay là Trung Quốc, chiếm 61% trong tổng lượng nhập khẩu mực ống và mực nang của Nhật Bản, tiếp theo là Peru với 12,5%.

Ngược lại tại thị trường Trung Quốc, lượng nhập khẩu mực ống và mực nang đã giảm 14,1% so với năm trước. Nhập khẩu giảm từ 196.022 tấn trong nửa đầu năm 2021 xuống còn 168.400 tấn trong cùng kỳ năm 2022. Các nhà cung cấp lớn nhất là Indonesia , Hoa Kỳ và Pakistan.

Xuất khẩu mực ống và mực nang của Trung Quốc đã tăng mạnh trở lại, từ 247.767 tấn trong nửa đầu năm 2021 lên 310.797 tấn trong cùng kỳ năm 2022 (+25,4%). Các thị trường lớn nhất là Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhập khẩu mực ống và mực nang của Hàn Quốc đã giảm 13% trong nửa đầu năm 2022 xuống còn 73.079 tấn.

Tiêu thụ động vật chân đầu của Tây Ban Nha đang tăng trở lại trong năm 2023 do lượng khách du lịch quay trở lại nước này tăng. Nhập khẩu mực ống và mực nang tăng từ 123.138 tấn trong nửa đầu năm 2021 lên 143.919 tấn trong nửa đầu năm 2022. Như vậy, Tây Ban Nha đang trên đà trở lại trạng thái “bình thường”. Như thường lệ, Quần đảo Falkland (Malvinas) là nhà cung cấp chính, tiếp theo là Peru và Maroc.

Nhìn chung, giá mực ống ở châu Âu đã tăng đều đặn kể từ giữa năm 2021. Giá dường như đã tăng nhanh hơn trong những tháng gần đây.

Dự báo

Nguồn cung bạch tuộc có thể sẽ vẫn khan hiếm trong những tháng tới, nhưng nhu cầu sẽ giảm khi mùa du lịch châu Âu kết thúc. Nguồn cung mực ống dự kiến cũng sẽ khan hiếm và giá, vốn đã tăng đều đặn kể từ giữa năm 2021, có thể sẽ tăng nhẹ.

Sau đại dịch COVID-19, kỳ vọng rằng thương mại sẽ ổn định và sẽ có một số tăng trưởng ở các thị trường lớn.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác