Thị trường nhuyễn thể hai mảnh vỏ: Nguồn cung thấp (13-04-2023)

Năm 2022, nhu cầu tiêu thụ thủy sản hai mảnh vỏ khá hạn chế. Nguồn cung hai mảnh vỏ nhìn chung thấp hơn so với năm 2021 do ảnh hưởng của khí hậu và các tác động tiêu cực khác, như chi phí nhiên liệu cho hoạt động khai thác. Điều đặc biệt là, mặc dù nhu cầu tiêu thụ thấp nhưng giá tăng nhẹ.
Thị trường nhuyễn thể hai mảnh vỏ: Nguồn cung thấp
Ảnh minh họa

Vẹm

Trong những tháng mùa hè, sản phẩm vẹm của Hà Lan được nhận xét là có chất lượng giảm sút do lượng nước ngọt ở thời kỳ này giảm. Cùng với đó, sản xuất vẹm trong mùa hè ở Pháp cũng không mấy khả quan do thiếu mưa, điều này rất cần thiết để mang lại nguồn dinh dưỡng giúp thực vật phù du phát triển trong khu vực nuôi vẹm. Mặc khác, hiện tượng thiên nhiên này còn làm chậm chu kỳ sản xuất ở nhiều khu vực khác. Việc sản xuất vẹm ở Normandy, đặc biệt là xung quanh Quần đảo Chausey, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự săn mồi của cua nhện (spider crab), đã gây thiệt hại lên đến 30% tổng sản lượng. Normandy đã tiến hành nạo vét thử nghiệm xung quanh khu vực sản xuất để giải quyết vấn đề cua nhện. Nhìn chung, lượng nước ngọt giảm ở các khu vực Biển Adriatic, tương tự như ở Hà Lan và Pháp, đã ảnh hưởng đến sản xuất vẹm của Ý.

Giá vẹm tại Ý là 2,8 EUR/kg – đây là giá bán lẻ được ghi nhận trong tháng 10/2022, trong khi mức giá thông thường rơi vào khoảng 1,5 EUR/kg. Giá bán buôn đã tăng đáng kể vào đầu tháng 10 năm 2022, phản ánh đúng thực trạng sản xuất và nhu cầu tiêu thụ tại thời điểm đó. Giá vẹm Hà Lan tăng 0,25 EUR/kg kể từ tháng 8 năm ngoái và vẹm Tây Ban Nha (Mytilus galloprovincialis) tăng 0,2 EUR/kg kể từ tháng 9.

Sản lượng vẹm thấp đã ảnh hưởng đến thương mại ở châu Âu. Trong sáu tháng đầu năm 2022, thương mại đã giảm 2%, xuống còn 133.000 tấn. Năm 2022, nhu cầu vẹm tăng ở Pháp, thị trường lớn về nhập khẩu vẹm để bù đắp cho sản xuất trong nước giảm.

Hàu

Thương mại hàu khá sôi nổi trong nửa đầu năm 2022, chủ yếu nhờ nhu cầu mạnh tại thị trường Mỹ. Khoảng 35.000 tấn hàu đã được nhập khẩu trên toàn thế giới trong giai đoạn này, cao hơn 5.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu của Mỹ tăng 23%, trong khi Ý cũng báo cáo nhập khẩu tăng 24%.

Pháp là nước xuất khẩu chính mặt hàng này ra thị trường thế giới; chủ yếu sang các nước láng giềng như Ý và Tây Ban Nha, ngoài ra Pháp còn xuất khẩu hàu sang cả Hoa Kỳ. Trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu hàu của Pháp tăng, đạt 7.000 tấn so với 5.800 tấn cùng kỳ năm trước.

Mặt hàng này thường được tiêu thụ nhiều vào những tháng mùa đông, cao điểm là dịp Giáng sinh. Do đó, giá cả trong những tháng mùa hè không mang tính biểu thị rõ ràng, mặc dù đã có sự tăng giá đáng kể ở thị trường châu Âu.

Sò điệp

Sản lượng khai thác sò ở Hoa Kỳ trong năm 2022 thấp hơn năm 2021. Mùa đánh bắt kéo dài khoảng một năm (từ tháng 4 năm trước đến tháng 3 năm sau). Trong giai đoạn từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022, khoảng 17.300 tấn sò đã cập cảng được đánh bắt bởi đội tàu khai thác cá Đại Tây Dương (tập trung ở Massachusetts). Các chuyên gia ước tính vụ khai thác 2022-2023 là 13.500 tấn, giảm 22% so với vụ trước. Lượt cập cảng hàng tháng của sò điệp cũng thấp hơn cùng kỳ của vụ trước. Vào tháng 7 năm 2022, thường là tháng sản xuất chính, lượng sò được cập cảng đã giảm khoảng 1.000 tấn. Nguyên nhân chủ yếu là do lượng tàu tham gia khai thác giảm.

Đáng ngạc nhiên là giá sò điệp trên thị trường thế giới đang giảm mạnh. Tháng 10 năm 2022, giá sò điệp cỡ 10-20 là 14,90 USD/pao, so với 23,53 USD/pao cùng kỳ năm trước. Đối với mặt hàng sò cỡ lớn cũng ghi nhận sự giảm giá khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, vẫn có dấu hiệu vui cho nghề khai thác sò điệp Đại Tây Dương của Hoa Kỳ, ví dụ như rìa phía Bắc của Bãi biển Georges có thể được mở cửa trở lại để khai thác sò. Khu vực này đã bị đóng cửa khoảng 30 năm trước để giúp phục hồi nghề đánh bắt cá tuyết. Sinh khối của sò trong khu vực này đang đạt đến mức tuyệt vời nhất, có thể tạo ra 5.000 tấn sò điệp mỗi năm.

Thương mại sò tăng trong năm 2022 cùng với làn sóng bình thường hóa thị trường thủy sản nói chung sau cuộc khủng hoảng COVID-19. Nhập khẩu tăng 17% trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021. Quốc gia nhập khẩu chính là Trung Quốc, tiếp theo là Hoa Kỳ và Pháp. Hàn Quốc hiện là nhà nhập khẩu sò lớn thứ tư, đã thống kê mức tăng 24% vào năm 2022. Tây Ban Nha tăng gần gấp đôi lượng nhập khẩu trong sáu tháng đầu năm 2022. Trung Quốc và Pháp cũng là những quốc gia xuất khẩu sò chính trên thị trường thế giới. Đáng chú ý là Peru, quốc gia đang phục hồi tốt với tư cách là nhà sản xuất và xuất khẩu sò điệp. Trong nửa đầu năm 2022, Peru đã trải qua giai đoạn thụt lùi, báo cáo xuất khẩu giảm 35%.

Ngao

Vấn đề kích cỡ của mặt hàng ngao tiếp tục là chủ đề chính trong cuộc thảo luận giữa Ý và Tây Ban Nha. Trở lại năm 2015, Liên minh Châu Âu đã áp đặt lệnh cấm đánh bắt động vật thủy sản thân mềm dài dưới 25 mm đối với tất cả các Quốc gia Thành viên, bao gồm cả Ý, để bảo vệ loài này. Vì lý do đó, Ý đã đề xuất yêu cầu và đã được chấp nhận giảm kích thước tham chiếu tối thiểu xuống 22 mm ở một số khu vực địa lý, đặc biệt là bờ biển Tyrrhenian và Adriatic. Họ lập luận rằng phán quyết ban đầu đã không xem xét đến việc ngao có thể sinh sản chỉ dài hơn 11 mm. Biện pháp bảo vệ ngao này đã nhiều lần được gia hạn trong nhiều năm; hạn cuối cùng là ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Tháng 3 năm 2022, Ý đã trình lên Ủy ban châu Âu một khuyến nghị chung mới để yêu cầu thiết lập một sự bãi bỏ khác. Họ đã làm như vậy dựa trên những bằng chứng khoa học được xác nhận bởi hai tổ chức: Ủy ban Khoa học, Kỹ thuật và Kinh tế Thủy sản (the Scientific, Technical and Economic Committee for Fisheries - STECF) và Hội đồng Cố vấn về Biển Địa Trung Hải (the Advisory Council for the Mediterranean Sea). Tuy nhiên, hành động liên quan đến việc gia hạn ngoại lệ này của Ý cho đến cuối năm 2025 đã gây ra nhiều tranh cãi. Tây Ban Nha đang kêu gọi Nghị viện Châu Âu chống lại những đề xuất mới này, cho rằng đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tây Ban Nha đã yêu cầu làm sâu sắc thêm các bằng chứng khoa học làm cơ sở cho các luật do Ủy ban Khoa học, Kỹ thuật và Kinh tế Thủy sản ủy quyền; trong đó, Tây Ban Nha cũng bày tỏ những nghi ngờ của mình đối với sự việc này.

Song trên thực tế, ở cấp độ quốc tế thì Trung Quốc mới là quốc gia hàng đầu về ngao, với tư cách là nhà xuất khẩu chính. Năm 2022, Tây Ban Nha đã tăng lượng nhập khẩu ngao một cách ấn tượng, thay thế Nhật Bản để trở thành thị trường nhập khẩu chính trên thế giới. Hàn Quốc vẫn là nhà nhập khẩu đứng thứ hai toàn cầu, và đương nhiên là Nhật Bản đã tụt hạng xuống vị trí thứ ba.

Dự báo

Một số loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ chủ yếu được tiêu thụ mạnh trong những tháng mùa đông, đặc biệt là ở các quốc gia châu Âu. Ví dụ như hàu là món ăn truyền thống trong bữa tối Giáng sinh, được thị trường châu Âu tiêu thụ rất nhiều. Tuy nhiên, FAO cho rằng rất khó dự đoán nhu cầu thủy sản trong các dịp lễ hội. Với tình hình kinh tế khó khăn nói chung, người tiêu dùng có thể sẽ hạn chế tiêu thụ các sản phẩm đắt tiền, hạn chế đến nhà hàng sang trọng, điều này có thể dẫn tới nhu cầu đối với các mặt hàng hai mảnh vỏ đặc sản giảm.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác