Thị trường Mỹ sẽ cần thêm cá minh thái Alaska, cá tra và cá rô phi (01-03-2023)

Lệnh cấm của Nga và nguồn cung giảm đã gây ra những thách thức đối với cá tuyết. Theo đó, dự báo Mỹ sẽ tiêu thụ nhiều cá minh thái hơn nữa trong năm 2023. Bên cạnh đó, cá tra, cá rô phi cũng thêm nhiều cơ hội tại thị trường này với nguồn cung dồi dào.
Thị trường Mỹ sẽ cần thêm cá minh thái Alaska, cá tra và cá rô phi
Cá rô phi nuôi trong hệ thống sông trong ao tại Tứ Kỳ, Hải Dương (ảnh: Hải Đăng)

Thách thức với cá tuyết

Thông tin trên được nhiều chuyên gia thủy sản đưa ra tại Hội nghị Thị trường Thủy sản Toàn cầu (GSMC) tổ chức trong tháng 1/2023 tại Mỹ.

Tại Hội nghị, các chuyên gia cũng cho rằng, nguồn cung cấp cá tuyết Đại Tây Dương giảm và lệnh cấm nhập khẩu trực tiếp nguyên liệu thô của Nga đồng nghĩa với việc có một thách thức đối với cá tuyết trên thị trường.

Lorin Castiglione, nhà phân tích của Urner Barry cho biết: “Mặc dù triển vọng tổng quan của thị trường cá thịt trắng nói chung là tích cực, với sự tăng trưởng được dự đoán đối với cá rô phi, cá tra, cá minh thái và cá tuyết chấm đen trong năm 2023. Tuy nhiên thị trường cá tuyết nhiều khả năng sẽ chứng kiến một năm hạn chế nguồn cung do các lệnh trừng phạt tiếp tục của Nga”. Theo đó, Castiglione nhận định, điều này chính là nền tảng khiến giá cá tuyết duy trì ở mức cao trong khi giá các loài cá thịt trắng khác như cá tra, cá rô phi… lại quay trở lại phạm vi “bình thường” nhất định trong lịch sử.

Castiglione cho rằng: “Tình trạng tắc nghẽn cảng, khả năng cung cấp kho lạnh hạn chế và lao động vẫn là những vấn đề nhức nhối trong toàn ngành thủy sản nói chung, tuy nhiên nguồn cung cá thịt trắng ở Mỹ vẫn đủ cho hoạt động nhu cầu hiện tại khi sắp đến gần đến giai đoạn nhu cầu cao điểm của Mùa Chay”.

Ron Rogness, nhóm tiếp thị công nghiệp các nhà sản xuất cá minh thái Alaska chính hãng (GAPP) cho biết, với mức tăng 16% trong hạn ngạch cá minh thái của Mỹ và thị trường fillet trong nước đang tăng lên với chi phí xuất khẩu, 2023 sẽ là một năm lớn đối với loài này.

Trong khi đó, Sam Galletti, Chủ tịch của nhà nhập khẩu và chế biến lớn Mỹ Southwind Foods lại cho rằng, với nguồn cung “ổn định” và ngày càng tăng của cả cá tra và cá rô phi cho thấy cơ hội mở ra một thị trường nhạy cảm về giá.

Triển vọng lạc quan cho cá rô phi, cá tra

Galletti, Chủ tịch của Southwind, Công ty kinh doanh Great American Seafood Imports cho biết ông rất lạc quan về nhu cầu đối với cá tra và cá rô phi tại Mỹ trong năm 2023. Ông nói: “Thị trường ổn định rất quan trọng trong thương mại. Cá tra và cá rô phi mang đến cơ hội tuyệt vời cho sự ổn định đó”. Với việc kinh tế Mỹ đang rơi vào suy thoái, Galletti cho rằng, cá tra và cá rô phi đã mở ra cơ hội cho các công ty thủy sản cung cấp một loại protein có thể nuôi sống một gia đình 4 - 5 người với giá 15 - 20 USD.

Theo số liệu được trình bày bởi nhà phân tích Lorin Castiglione, nhập khẩu cá tra của Mỹ đang tăng lên trong khi cá rô phi đang giảm, với mức giá trung bình cho cả hai loại và nguồn cung ổn định.

Năm 2021, Mỹ đã nhập khẩu 109.000 tấn fillet cá rô phi và 106.000 tấn đối với cá tra. Trong 11 tháng đầu năm 2021, Mỹ đã nhập khẩu 40.000 tấn cá rô phi nguyên con đông lạnh cùng 96.000 tấn fillet, tổng sản lượng là 136.000 tấn. Và nhập 120.000 tấn cá tra, gần với mức kỷ lục 131.000 tấn của năm 2016.

Năm 2023, sản lượng cá tra Việt Nam ước tính trên 1,6 triệu tấn (ảnh: Hải Đăng)

“Chúng tôi còn khoảng 10.000 tấn nữa mới đạt được kỷ lục đó. Tháng 12/2022, Mỹ đã nhập khẩu 11.000 tấn cá tra. Vì vậy, rất có khả năng Mỹ sẽ lập kỷ lục mới về nhập khẩu cá tra trong năm 2022. Dữ liệu cả năm của Mỹ sẽ được công bố trong tháng 2/2023”, bà Castiglione nói thêm.

Giá fillet cá rô phi và cá tra đông lạnh trong năm 2022 lần lượt giảm 26% và 32% so với năm 2021. Các vấn đề liên quan đến dịch bệnh COVID-19 đã gây khó khăn cho chuỗi vận chuyển đã đẩy giá lên cao.

Bà Castiglione cho rằng: “Đã từng có một mức giá lý tưởng cho cả cá tra và cá rô phi dao động trong khoảng 1,75 - 2 USD/pound. Hiện mức giá của cả hai loài vẫn cao hơn mức này, chúng ta sẽ chờ xem liệu xu hướng trong thời gian tới giá có xuống mức này không hay quay đầu tăng mạnh trở lại”.

Hiện nay, nguồn cung của cả cá tra và cá rô phi vẫn đang ổn định. Hội đồng GSMC ước tính, sản lượng cá tra toàn cầu sẽ tăng 62.000 tấn lên 3,402 triệu tấn. Riêng sản lượng cá tra của Việt Nam chiếm 44% sản lượng thế giới, triển vọng tăng nhẹ lên 1,487 triệu tấn.

Năm 2022, cá tra Việt Nam đã chinh phục hơn 140 thị trường trên thế giới. Cá tra Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các thị trường truyền thống và khắt khe về an toàn thực phẩm và các quy định kỹ thuật như Mỹ, EU và cả những thị trường vốn không ưa chuộng cá nuôi như Nhật Bản.

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của cá tra Việt Nam trong năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu đạt 537,2 triệu USD, tăng 45% so với năm 2021.

Trong năm 2023, ngành cá tra Việt Nam dự kiến thả nuôi 5.600 ha, sản lượng cá tra thương phẩm dự kiến đạt trên 1,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD.

Với cá rô phi, sản lượng được dự báo sẽ tăng 5% trong năm 2023 lên 6,701 triệu tấn. Trong đó, nguồn cung từ Trung Quốc, nhà cung cấp chính cho thị trường Mỹ tăng khoảng 3% lên 1, 716 triệu tấn. 

Hải Đăng (Theo Undercurrentnews)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác