Nhật Bản nỗ lực sản xuất cá cam giống (15-02-2023)

Nhật Bản là nhà sản xuất cá cam (yellowtail) thương phẩm lớn nhất thế giới, nhưng lại đang tụt hậu so với các nước cạnh tranh khác về khả năng chủ động sản xuất giống.
Nhật Bản nỗ lực sản xuất cá cam giống

Mục tiêu tăng xuất khẩu

Nhật Bản đang đặt mục tiêu tăng xuất khẩu cá cam, một trong những loài thủy sản xuất khẩu lớn nhất của nước này tính theo giá trị.

Năm 2019, cá cam chiếm 9% sản lượng cá và sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Nhật Bản - đứng thứ 3 về giá trị, sau sò điệp và ngọc trai. Xuất khẩu cá cam của Nhật Bản chủ yếu là fillet đông lạnh và một lượng nhỏ là thăn đông lạnh. Tổng khối lượng xuất khẩu đông lạnh đã tăng đều đặn trước khi bùng phát dịch COVID-19, tăng từ dưới 1.000 tấn năm 2008 lên hơn 8.000 tấn vào năm 2019. Xuất khẩu cá cam đông lạnh của Nhật sang Mỹ - thị trường hàng đầu của Nhật Bản đều ổn định trong khoảng thời gian này với mức 1.000 tấn.

Năm 2012, Nhật Bản đã sản xuất khoảng 160.000 tấn cá cam nuôi thuộc chi Seriola, nhưng giá bán buôn trong nước giảm xuống dưới mức giá hòa vốn với ước tính của nhà sản xuất là 800 JPY (10,02 USD hay 7,79 EUR vào thời điểm đó). Chính phủ Nhật Bản yêu cầu các hợp tác xã thủy sản giảm sản lượng ít nhất 10% để bảo vệ các hộ gia đình đang gặp khó khăn. Chính phủ Nhật Bản thực thi điều này bằng cách hạn chế thu hoạch cá cam bột hoang dã (gọi là mojako) ở mức 27 triệu con đối với tất cả loài Seriola cộng lại, vì vậy nông dân phải giảm tổng số cá thả trong lồng lưới. Lớp cá con này trưởng thành vào năm 2014 và giá ổn định. Kể từ đó, tổng sản lượng các loài cá cam Seriola của quốc gia này được duy trì ở mức gần 130.000 tấn, với khoảng 100.000 tấn S. quinqueradiata (“buri/hamachi” trong tiếng Nhật, “tailortail” trong tiếng Anh), 30.000 tấn S. dumerili (“kampachi” trong tiếng Nhật, “amberjack” trong tiếng Anh) và một lượng nhỏ S. lalandi (“hiramasa” trong tiếng Nhật, “amberjack/yellowtail kingfish” trong tiếng Anh).

Tuy nhiên, vào tháng 7/2021, sau khi cải cách Đạo Luật thủy sản của Nhật Bản năm 2018, Cơ quan Thủy sản Nhật Bản đã công bố chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) như một ngành tăng trưởng, đặt mục tiêu sản xuất cá cam là 240.000 tấn vào năm 2030, tăng 70% so với năm 2018.

Nhật Bản là quốc gia tiên phong trong việc nuôi cá cam bắt đầu từ năm 1927.

Quốc gia này đặt mục tiêu tăng sản lượng chủ yếu hướng đến thị trường xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh dân số Nhật Bản đang già đi và việc tiêu thụ thủy sản có xu hướng giảm. Các công ty ở Australia, Hà Lan, Mỹ và Mexico đều đã bắt đầu theo đuổi việc nuôi cá cam thương phẩm.

Thách thức về con giống

Hiện nay, các công ty nuôi thương phẩm cá cam của Nhật Bản phụ thuộc chủ yếu vào cá cam giống đánh bắt tự nhiên. Điều này dẫn đến những thách thức lớn trong việc duy trì ổn định sản lượng cá cam tươi sống, chất lượng cao.

Từ năm 2012, Chính phủ Nhật Bản đã đặt giới hạn về số lượng con giống có thể lưu giữ để ngăn chặn tình trạng thị trường bão hõa sau khi sản lượng nuôi quá cao dẫn đến giá giảm. Dù đặt mục tiêu đầy tham vọng là sẽ xuất khẩu 240.000 tấn cá cam vào năm 2030, tăng 70% so với tổng sản lượng năm 2018, Nhật Bản vẫn chưa muốn tăng giới hạn trữ lượng giống.

So với tổng số loài Seriola được nuôi ở những quốc gia khác, ngoài Nhật Bản, con số này thấp hơn khoảng 20.000 tấn. Chủ yếu S. lalandi được nuôi ở Australia, Hà Lan và Mexico; S. rivoliana ở Hawaii và Mexico. Những nhà sản xuất ở các quốc gia này cung cấp 100% cá giống từ trại sản xuất giống, trong khi chưa đến 20% cá cam thả trong lồng lưới ở Nhật Bản được sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt.

Nguyên nhân vì hàng năm Nhật Bản luôn có một lượng cá cam giống dự trữ dồi dào trong tự nhiên. Cá cam sinh sản ở rìa thềm lục địa Biển Hoa Đông và cá con sống giữa rong biển trôi dạt. Vào khoảng tháng 4 và 5, chúng theo dòng nước đến bờ biển quanh Kagoshima, Nhật Bản, tại đây cá cam bột hoang dã được vớt và đưa về bằng thuyền giếng. Lượng rong trôi dạt đã tăng đều đặn kể từ những năm 1990, trừ năm 2021, khi mức độ rong tảo suy giảm khiến sản lượng cá cam giống tự nhiên giảm mạnh. Hạn ngạch hàng năm của cá cam giống được phép thu hoạch để sử dụng trong NTTS của Nhật Bản khoảng 2,2 triệu con, nhưng trong năm 2021, con số này chỉ bằng một nửa.

Ngoài việc bị phụ thuộc vào con giống ngoài tự nhiên, người nuôi cá cam còn bị ảnh hưởng lớn bởi hiện tượng thủy triều đỏ. Cá cam phát triển tốt trong môi trường cận nhiệt đới, do đó các đảo Shikoku và Kyushu phía Nam Nhật Bản đã trở thành khu vực nuôi cá cam lớn nhất cả nước. Tuy nhiên vào năm 2009 và 2010, hiện tượng thủy triều đỏ đã xảy ra ở khu vực này vào mùa hè, gây thiệt hại liên quan đến NTTS khoảng 8,5 tỷ JPY (tương đương 65,5 triệu USD hoặc 60,1 triệu EUR). Nông dân NTTS không có lựa chọn nào khác ngoài việc di chuyển lồng lưới đến những khu vực không có thủy triều đỏ hoặc thu hoạch cá cam với trọng lượng thấp hơn trước khi thủy triều đỏ nhấn chìm trang trại của họ.

Thảm họa này đã thúc đẩy Đại học Nagasaki hợp tác với Hiệp hội Hợp tác xã Nghề cá Higashimachi ở tỉnh Kagoshima tiến hành nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá cam sớm vụ tại một cơ sở sản xuất giống thuộc Viện Nghiên cứu Thủy sản Seikai của Cơ quan Nghiên cứu Thủy sản Nhật Bản (FRA).

Takuro Hotta, tác giả chính của nghiên cứu đặt mục tiêu cần phải có con giống cá cam đạt kích thước tối thiểu là 10 cm vào tháng 3/2023 để chúng có thể đạt trọng lượng 4 kg vào tháng 4/2024, trước khi xảy ra hiện tượng thủy triều đỏ hàng năm.

Hải Đăng (Theo Seafoodsource)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác