Giá cá hồi Đại Tây Dương đạt mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm (phần 2, hết) (19-12-2022)

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp, trong đó có ngành thủy sản, nhưng cá hồi đã vượt qua các tác động đó theo cách thức tốt hơn cả nhờ sự đa dạng hóa thị trường tiêu thụ; cá hồi và các sản phẩm từ cá hồi đã được cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ.
Giá cá hồi Đại Tây Dương đạt mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm (phần 2, hết)
Ảnh minh họa

Thị trường

Trong những năm gần đây, ngành cá hồi thế giới đã đạt được bước tiến ấn tượng trong việc tạo dựng hình ảnh cá hồi như một mặt hàng hải sản có địa vị cao, được chấp nhận rộng rãi trên thị trường thủy sản toàn cầu. Ngay cả khi các nhà hàng trên khắp thế giới ngừng hoạt động và các thách thức về dịch vụ hậu cần ngày càng gia tăng thì doanh thu mặt hàng cá hồi nhìn chung vẫn ổn định hoặc thậm chí phục hồi nhanh chóng. Khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, người ta thường kỳ vọng rằng nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng lên. Các nhà kinh doanh cá hồi đã tranh thủ tận dụng mọi cơ hội bán hàng, thể hiện qua các chiến lược tiếp thị và phương thức phân phối được áp dụng trong thời kỳ đại dịch kéo dài đến năm nay (2022).

Tuy nhiên, vẫn có những báo cáo của các thị trường lớn rằng thiệt hại do đại dịch gây ra vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến lĩnh vực nhà hàng. Đối với những doanh nghiệp đã sống sót và mở cửa trở lại, lạm phát tràn lan, tình trạng thiếu lao động và các vấn đề liên quan đến dịch vụ hậu cần tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh cá. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà hàng đã áp dụng các chiến lược kinh doanh hợp lý hơn, giảm số lượng món trong thực đơn và tập trung vào các loại đem lại hiệu quả cao nhất dưới dạng “sản phẩm giá trị gia tăng” (như đồ chế biến sẵn/ăn liền, đồ sơ chế…) để giảm thời gian chuẩn bị tại nhà. Đồng thời, các biến thể của COVID-19 tiếp tục là mối đe dọa thường trực đối với bất kỳ doanh nghiệp nào có hoạt động tiếp xúc trực tiếp. Dễ thấy việc phong tỏa ở Thượng Hải vào đầu năm 2022 để đối phó với một làn sóng mới chính là lời nhắc nhở rằng mối đe dọa của đại dịch vẫn còn, bất chấp việc nới lỏng các hạn chế trên thế giới.

Mặc dù đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, vẫn có những sự kiện thế giới khác đang ảnh hưởng đến giá cả, dịch vụ hậu cần và niềm tin của người tiêu dùng. Cuộc xung đột ở Ukraine, các lệnh trừng phạt quốc tế dẫn đến và những tác động sau đó đối với dịch vụ hậu cần. Nền kinh tế thế giới hiện là trọng tâm trong nghiên cứu của các nhà phân tích và quan sát ngành cá hồi toàn cầu. Sự gia tăng giá hàng hóa và giá lương thực có tác động trực tiếp đến lợi nhuận của các doanh nghiệp. Các chuỗi bán lẻ lớn của phương Tây đã rút khỏi Liên bang Nga để đối phó với cuộc xung đột, mặc dù phần lớn sản lượng cá hồi của châu Âu đã phải chịu lệnh cấm vận của Nga trong nhiều năm, Chile đã mở rộng đáng kể thị phần của mình tại thị trường Nga và hiện đang xuất khẩu khoảng 50.000 tấn thủy sản hàng năm cho Liên bang Nga. Đối với các nhà bán lẻ bên ngoài Liên bang Nga, xung đột vẫn là yếu tố chính quyết định các quyết định kinh doanh của họ. Nhiều nước đã đưa ra cam kết cắt giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm có nguồn gốc từ Liên bang Nga (trong đó có sản phẩm thủy sản). Mặc dù doanh thu cá hồi toàn cầu tăng đáng kể (do mức giá tăng đột biến) nhưng sự cộng hưởng giữa các yếu tố như chi phí gia tăng, nguồn cung khan hiếm, nhu cầu phục hồi và việc khó đoán tình hình thị trường thế giới… đang gây ra nhiều khó khăn cho các bên liên quan, đặc biệt là các nhà chế biến và đối tác trung gian trong chuỗi cung ứng cá hồi.

Thương mại

Bất chấp những thách thức liên quan đến sự bùng phát trở lại của COVID-19 và cước phí vận chuyển đặc biệt cao vào năm 2021, các nhà xuất khẩu cá hồi nhìn chung đã ghi nhận doanh thu cao năm 2021. NaUy, nhà xuất khẩu cá hồi salmon lớn nhất thế giới, đã lập kỷ lục về cả khối lượng và giá trị xuất khẩu trong năm 2021. Cụ thể, theo Hội đồng Thủy sản Na Uy (the Norwegian Seafood Council - NSC), xuất khẩu cá hồi của NaUy năm 2021 đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 11,3 tỷ NOK (tương đương 1,15 tỷ USD), tăng 13% về khối lượng và tăng 16% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu tốt từ hoạt động bán lẻ tại các thị trường cốt lõi ở châu Âu trong suốt thời kỳ đại dịch là động lực chính giúp của NaUy giành được kết quả này, và Hội đồng Thủy sản Na Uy đã chọn ra Pháp và Ý là những quốc gia hoạt động hiệu quả nhất năm 2021.

Kim ngạch xuất khẩu cá hồi trout của Na Uy cũng cao hơn 5%, đạt 4 tỷ NOK (410 triệu USD), mặc dù khối lượng giảm 12%. Bất chấp những con số kỷ lục, Hội đồng Thủy sản Na Uy vẫn lưu ý rằng chi phí cũng gia tăng đáng kể khiến doanh thu cao hơn không đồng nghĩa với việc lợi nhuận được cải thiện. 

Ngành cá hồi salmon ở Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland cũng ghi nhận những con số xuất khẩu ấn tượng vào năm 2021 với số liệu do chính phủ công bố như sau: Tổng giá trị xuất khẩu lên tới 614 triệu GBP (767 triệu USD), tăng 36% so với năm 2020. Cá hồi đã được xuất khẩu sang 51 quốc gia khác nhau và 10 trong số 20 thị trường hàng đầu về nhập khẩu cá hồi của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã ghi nhận mức tăng trưởng trong năm 2021. Đặc biệt, danh sách 3 thị trường hàng đầu của Vương quốc Anh (gồm có Pháp, Hoa Kỳ và Trung Quốc) đã báo cáo kết quả đặc biệt ấn tượng. Những kết quả này đã đạt được bất chấp những yếu tố bên ngoài tác động đến thương mại, bao gồm đại dịch, cước vận chuyển và sự chậm trễ nghiêm trọng về dịch vụ hậu cần và các khoản chi phí chung khác đều tăng liên quan đến Brexit.

Tại Chile, số liệu xuất khẩu năm 2021 xác nhận sự phục hồi của ngành hàng cá hồi sau một năm 2020 phức tạp được đánh dấu bằng những thách thức của dịch vụ hậu cần và sự tê liệt của các kênh bán hàng chính. Công tác phối hợp giữa chính phủ, ngành nuôi trồng thủy sản và ngành khai thác thủy sản đã giúp Chile có thể tiếp tục hoạt động trong thời kỳ khủng hoảng và thúc đẩy ngành hàng cá hồi của Chile phục hồi sau khi các hạn chế phong tỏa được dỡ bỏ. 

Một biện pháp mà ngành công nghiệp Chile đã thực hiện để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 là sự đa dạng hóa thị trường xuất khẩu (bên cạnh ba thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Brazil). Các lô hàng cá hồi salmon đến Liên bang Nga cũng đã được chuyển hướng sang các thị trường khác, chủ yếu là các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, Đài Loan và các quốc gia Đông Nam Á. Theo Hải quan Chile, năm 2021, Liên bang Nga xếp thứ tư trong số các thị trường chính của cá hồi Chile, nhập khẩu tổng cộng 50.689 tấn (chiếm 7% tổng khối lượng xuất khẩu cá hồi salmon của Chile), giảm 17,7% so với năm 2020.

Năm 2021, Hoa Kỳ tiêu thụ 44% sản lượng cá hồi salmon của Chile (cao hơn gấp đôi thị trường xuất khẩu cao tiếp theo là Nhật Bản). Thị trường Hoa Kỳ đặc trưng bởi nhu cầu bán lẻ ổn định trong suốt thời gian xảy ra đại dịch và việc tái kích hoạt lĩnh vực dịch vụ thực phẩm hiện đang góp phần tạo động lực thị trường phát triển mạnh mẽ, bất chấp những khó khăn liên tục mà ngành dịch vụ nhà hàng phải đối mặt. Mặc dù Hoa Kỳ có nhập khẩu mặt hàng cá hồi chế biến của Liên bang Nga nhưng khối lượng này tương đối thấp, do đó, các biện pháp trừng phạt đối với thủy sản của Liên bang Nga không ảnh hưởng gì nhiều.

Giá cả

Hiện tại, điểm đáng chú ý nhất của thị trường cá hồi Đại Tây Dương là giá cả tăng vọt, thậm chí trong quý 2 năm 2022 giá cá hồi Đại Tây Dương đạt mức chưa từng thấy trong khoảng 40 năm qua. Vào tuần thứ 18 của năm 2022, mặt hàng cá hồi Đại Tây Dương tươi, nguyên con của Na Uy (Norwegian fresh, head-on-gutted Atlantic salmon) được bán với giá 122,05 NOK (12,58 USD)/kg. Giá philê cá hồi của Chile xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng ở mức cao 15,70 USD/kg trong tuần 16 của năm 2022. Mức giá cao đặc biệt này là một phần là do xu hướng lạm phát nhanh chóng, trong phạm vi ngày một rộng lớn hơn, mặt khác còn do chi phí đầu vào và dịch vụ hậu cần tăng, nhưng cũng đã phản ánh tình trạng thiếu cá nói chung và nhu cầu cá hồi trên toàn thế giới đang phục hồi mạnh mẽ.

Dự báo

Giá cá hồi Đại Tây Dương trên thị trường thế giới tăng cao đang mang lại doanh thu rất lớn cho người nuôi cá hồi, và lợi nhuận thu được khá tốt (mặc dù chi phí đầu vào và lạm phát tăng). Dự đoán trong thời gian tới, giá cá hồi sẽ giảm so với mức giá cao kỷ lục hiện tại, nhưng tăng trưởng nguồn cung toàn cầu trong năm 2022 dường như không đủ để đưa giá trở lại mức giá như những năm gần đây. Về cơ bản, mức tăng sản lượng năm 2022 được dự báo dao động từ 1-2% trong sản xuất của NaUy và 4-6% trong sản xuất của Chile. Những con số này là quá thấp so với mức cần thiết để giữ giá như mức của năm 2021 trong điều kiện thị trường biến động hiện nay. Mặt khác, cuộc xung đột ở Ukraine và những biến động chính trị và kinh tế kéo theo là những yếu tố gây bất ổn lớn, có thể góp phần làm tăng chi phí và động lực cơ cấu lại thị trường thương mại cũng như các mối quan hệ thương mại trong lĩnh vực cá hồi nuôi và cá hồi khai thác trong tự nhiên trên thị trường thế giới.

Ngọc Thúy (Globefish Highlights)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác