Cá tra: Giá cao kỷ lục và nguồn cung khan hiếm (19-12-2022)

Năm 2021, thương mại cá tra giảm đáng kể bởi nguồn cung khan hiếm nghiêm trọng do lệnh phong tỏa trên diện rộng ở Việt Nam. Trong khi đó, nhu cầu cá tra tăng mạnh ở hầu hết các thị trường. Trung Quốc chứng kiến sự sụt giảm về khối lượng nhập khẩu (giảm gần 50%). Giá cao chưa từng thấy, nhưng chỉ một lượng tiêu thụ hạn chế trong suốt đại dịch COVID-19.
Cá tra: Giá cao kỷ lục và nguồn cung khan hiếm
Ảnh minh họa

TIN MỚI NHẤT

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã chấp thuận bổ sung thêm danh sách 06 nhà máy Việt Nam được phép xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ, nâng tổng số nhà máy của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ là 19 nhà máy.

Cá và các sản phẩm từ bộ Siluriformes, bao gồm nhiều loài cá da trơn như cá tra, chỉ được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ nếu chúng được sản xuất tại một cơ sở đã đăng ký với Cơ quan Thanh tra An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (the United States Food Safety and Inspection Service under the United States Department of Agriculture).

Để được đăng ký, các quốc gia xuất khẩu thủy sản phải nộp đầy đủ tài liệu chứng mình rằng hệ thống kiểm tra cá Siluriformes của quốc gia mình là tương đương với hệ thống của Hoa Kỳ. Hiện tại, chỉ có ba quốc gia đủ điều kiện, gồm: Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Sản lượng

Vài năm trở lại đây, người nuôi cá tra gặp nhiều khó khăn và xáo trộn. Các nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng đã dẫn đến nhu cầu biến động dữ dội, tại một số thời điểm có nhu cầu tăng cao, sau đó là các đợt đóng cửa kéo dài khiến các nhà sản xuất phải bỏ cá trong ao (không thu hoạch). Nhu cầu từ các nhà chế biến hiện đang rất mạnh, với giá tại trang trại cao hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, do nông dân đã giảm thả giống trong hai năm qua nên nguồn cung hiện tại có hạn và cá thường có kích thước không phù hợp với mức lý tưởng để tiêu thụ trên thị trường. Do đó, hiện tại rất ít nhà sản xuất tận dụng được lợi thế của những mức giá cao như hiện nay, nhưng nhiều nhà sản xuất đã và đang đẩy mạnh sản xuất. Mùa cao điểm thường diễn ra vào giữa năm, với nguồn cung bổ sung ra thị trường trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 8, làm giảm áp lực lên giá và đẩy giá xuống trở lại.

Việc phong tỏa tại Việt Nam (tính đến nay vẫn là nhà sản xuất cá tra lớn nhất toàn cầu) đã làm gián đoạn nguồn cung cá tra trên thị trường thế giới. Từ tháng 7 năm 2021, việc di chuyển giữa các khu vực bị khống chế nghiêm ngặt đã ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn lao động trong chuỗi cung ứng cá tra (từ sản xuất đến chế biến, xuất khẩu). Nhiều nhà chế biến cá tra đã buộc phải đóng cửa nhà máy, trong khi những nhà máy còn hoạt động vật lộn với lượng hàng hóa và số lượng nhân công bị hạn chế nghiêm trọng. Các trường hợp nhiễm COVID-19 ở Việt Nam đã đạt đỉnh điểm vào giữa tháng 3/2021. Sau đó, Việt Nam đã dỡ bỏ một số hạn chế như thời gian đóng cửa lúc 21:00 hàng ngày đối với các nhà hàng phục vụ ăn uống. Tiếp theo là nới lỏng các hạn chế đối với việc đi lại trong nước vào đầu tháng 5/2021.

Chi phí đầu vào đã tăng đáng kể trong những tháng gần đây. Cá giống khan hiếm và giá cá thương phẩm tăng nhanh. Tại Việt Nam, giá thậm chí tăng lên mức 50.000 VND/kg, cao hơn gấp đôi so với mức 23.000 VND/kg so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí thức ăn nuôi cá đang tăng mạnh (hiện đã tăng hơn 40% so với đầu năm 2022).

Thương mại

Ngành cá tra vẫn đang chịu ảnh hưởng do các đợt phong tỏa được thực hiện ở Việt Nam và sự gia tăng xét nghiệm tại biên giới Trung Quốc, dẫn tới khối lượng giao dịch năm 2021 giảm 57.000 tấn (-9,4%) so với năm 2020. Phần lớn khối lượng giảm này là do nhu cầu giảm và khó tiếp cận với thị trường Trung Quốc, cùng với chính sách “không COVID-19” của Trung Quốc (China’s zero COVID-19 policy) đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lo lắng. Việc kiểm tra bao bì tại biên giới để tìm dấu vết của COVID-19 đã được tăng cường; nhiều lô hàng cá tra của Việt Nam đã bị Trung Quốc trả lại vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Mặc dù lượng nhập khẩu giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường chính trên thế giới tiêu thụ mặt hàng cá tra với lượng nhập khẩu là 126.000 tấn vào năm 2021. Bước sang năm 2022, nhập khẩu cá tra của Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại với khối lượng nhập khẩu tháng 3 tăng 63% so với cùng kỳ năm 2021.

Năm ngoái đã chứng kiến thị trường Mỹ vượt qua Trung Quốc về giá trị, với kim ngạch nhập khẩu của Mỹ tăng gần 40% trong khi nhập khẩu của Trung Quốc giảm theo tỷ lệ tương ứng. Số liệu mới nhất cho thấy: Hoa Kỳ đã nhập khẩu 117.000 tấn cá tra với giá trị 393 triệu USD vào năm 2021, tăng 24.000 tấn và 108 triệu USD so với năm 2020. Hoa Kỳ đã xem xét lần thứ 17 về thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam (được ban hành vào tháng 3), theo đó cho phép nước xuất khẩu cá tra lớn thứ hai vào thị trường này được miễn nộp thuế chống bán phá giá.

Hiện tại, thương mại giảm ở thị trường Trung Quốc đã làm tăng thêm áp lực đối với các nhà xuất khẩu trong việc đa dạng hóa thị trường mục tiêu của họ. Xét theo khối lượng nhập khẩu thì Mexico, Brazil, Colombia, Liên bang Nga và Philippines cộng lại chiếm 20% khối lượng nhập khẩu cá tra toàn cầu vào năm 2021, và tất cả các thị trường này đều có mức tăng trưởng đáng kể. Từ năm 2020 đến năm 2021, lượng nhập khẩu của Mexico tăng 98%, Brazil tăng 27%, Colombia tăng 63% và Liên bang Nga tăng 83%. Liên bang Nga chiếm gần 3% lượng cá tra nhập khẩu toàn cầu vào năm 2021 và Cơ quan Kiểm dịch Động vật và Thực vật của Liên bang Nga gần đây đã phê duyệt hai trong số các nhà chế biến cá tra lớn nhất, cả hai đều là của Việt Nam, cho phép hai nhà chế biến cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Liên bang Nga và các thành viên khác của Liên minh kinh tế Á-Âu (the Eurasian Economic Union).

Giá cả

Trong những tháng gần đây, khối lượng cá tra hạn chế trên thị trường đã dẫn đến giá tại trang trại tăng nhanh, nông dân Việt Nam nhận được 32.500 đồng/kg (tương đương với 1,42 USD/kg) vào đầu tháng 5/2022. Đây là mức tăng đáng kể so với năm ngoái khi giá chỉ là 20.000 đồng/kg. Mặc dù những mức giá cao này đã được duy trì trong vài tháng qua, nhưng những giai đoạn giá cao trong quá khứ đã sớm kéo theo tình trạng dư cung trên thị trường và giá hiện đang quay trở lại gần mức hòa vốn.

Dự báo

Đối với các bên có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cá tra trên thế giới, sự cảnh giác luôn hiện hữu về chu kỳ bùng nổ và phá sản (đã rất quen thuộc đối với mặt hàng cá tra). Tuy nhiên, tất cả đều đang hy vọng rằng các sự kiện của năm 2018 sẽ không lặp lại. Nguồn cung khan hiếm và nhu cầu tốt đã dẫn đến giá tăng cao. Song theo FAO dự đoán thì điều này khó có thể duy trì lâu kể từ giữa năm nay vì nhiều sản phẩm dự kiến sẽ được tung ra thị trường trong những tháng tới.

Hầu hết các nhà sản xuất không có sẵn cá có thể thu hoạch để tận dụng mức giá cao ở thời điểm hiện tại. Ngược lại, họ đang phải đối mặt với các khoản phí tăng cao, điều này sẽ khiến lợi nhuận thu được rất thấp nếu giá lại giảm trở lại. Hơn nữa, các nhà xuất khẩu trong chuỗi cung ứng cá tra thế giới đang phải vật lộn với việc giảm năng lực vận chuyển hàng hóa và chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, kéo dài. Nhu cầu mạnh mẽ đối với cá tra tại các thị trường xuất khẩu lớn có thể sẽ tiếp tục trong thời gian tới, nhưng vẫn phải xem xét liệu ngành hàng cá tra có thể tránh được tình trạng dư thừa như đã từng xảy ra trước đây hay không.

Ngọc Thúy (Globefish Highlights)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác