Cua thế giới: Nguồn cung giảm, mô hình thương mại thay đổi, giá cao (18-12-2022)

Chiến tranh Nga - Ukraine đang tác động lớn đến ngành khai thác cua trên toàn thế giới.
Cua thế giới: Nguồn cung giảm, mô hình thương mại thay đổi, giá cao
Ảnh minh họa

Liên bang Nga đồng thời là nhà cung cấp cua huỳnh đế lớn nhất và là nhà cung cấp cua tuyết lớn nhất, hiện đã bị cắt khỏi các thị trường quan trọng. Thương mại đã được chuyển hướng sang các quốc gia không áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Liên bang Nga. Kết quả của tất cả sự hỗn loạn này là giá cả tăng chóng mặt.

Liên bang Nga đã xuất khẩu 2,4 tỷ USD cua vào năm 2021 và đảm bảo 94% hạn ngạch toàn cầu cho cua huỳnh đế đỏ của năm 2022. Với việc hải sản của Nga hiện đang phải đối mặt với lệnh cấm nhập khẩu ở một số quốc gia, cua của Nga dự kiến sẽ được chuyển hướng sang/thông qua Trung Quốc và Hàn Quốc, là hai quốc gia không áp đặt lệnh trừng phạt.

Nguồn cung

Vào đầu tháng 4/2022, Bộ Nghề cá và Đại dương Canada đã thông báo rằng hạn ngạch đánh bắt cua tuyết năm 2022 sẽ được điều chỉnh tăng lên. Hạn ngạch và mức tăng khác nhau giữa các khu vực, nhưng tất cả đều cho thấy tổng TAC của cua tuyết Canada cho năm 2022 sẽ lên tới 50.470 tấn, tăng 32% so với năm 2021. Khu đánh bắt cua tuyết đã mở cửa từ ngày 4 tháng 4 năm 2022.

Đối thủ cạnh tranh chính đối với nghề khai thác cua tuyết của Canada tại thị trường Hoa Kỳ là nghề khai thác cua tuyết Alaska, đã bị cắt giảm đáng kể hạn ngạch, cụ thể giảm 88% hạn ngạch khai thác năm 2022. Hàng nhập khẩu của Nga trước đây từng là một đối thủ cạnh tranh lớn; nhưng điều này đã bị hạn chế do Hợp chủng quốc Hoa Kỳ công bố lệnh cấm nhập khẩu thủy sản của Nga, có hiệu lực từ ngày 23 tháng 6 năm 2022.

Tranh chấp về quyền khai thác cua Dungeness ở bờ biển phía Tây Canada, phía Nam đảo Vancouver, đã gia tăng. Một phán quyết mới của Liên bang đã phân bổ lại 50% bẫy gần bờ và 25% bẫy ngoài khơi cho ngư dân First Nation. Cả ngư dân thương mại và các bộ lạc của First Nation đều thất vọng về quyết định này. Hai bên đều cho rằng họ đã không được tư vấn kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định, với những người khai thác cua thương mại khẳng định rằng họ sẽ không thể kiếm sống với việc giảm mạnh hạn ngạch phân bổ như vậy.

Những người khai thác cua Dungeness của Oregon đã lập kỷ lục mới vào tháng 1 năm 2022 với sản lượng khai thác đạt 14,7 triệu pound (tương đương 6.668 tấn) chỉ sau 8 tuần bắt đầu vào mùa, với giá trị đạt được 74,5 triệu USD. Mặc dù vẫn còn khá sớm để dự đoán, nhưng ​​mức khai thác kỷ lục 23,05 triệu pound (10.455 tấn) trong năm 2017 sẽ bị phá vỡ. Vào thời điểm này, giá cua trung bình 5,48 USD/pound được đánh giá là mức giá khá cao.

Washington đã ban hành lệnh khẩn cấp trong nỗ lực diệt trừ loài cua xanh châu Âu (Carcinus maenas) trong vùng biển của họ. Cua xanh châu Âu (European green crab) là một loài cua nhỏ ven biển, có phạm vi sinh sống tự nhiên ở Đông Bắc Đại Tây Dương dọc theo bờ biển từ phía Bắc châu Phi đến NaUy, Iceland, và Biển Baltic. Cua xanh châu Âu là một kẻ săn mồi hiệu quả, lão luyện trong việc mở vỏ của nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Nó săn mồi nhiều loài sinh vật và được cho là nguyên nhân gây hại cho ngành nghêu ở bờ biển phía Đông của Hoa Kỳ, thậm chí đã tàn phá ngành này ở Vịnh Maine.

California đã thông báo rằng tất cả hoạt động thu hoạch cua Dungeness thương mại sẽ ngừng dọc theo 3/4 bờ biển California trong tháng 4 và tháng 5 năm 2022 trong những nỗ lực ngăn chặn cá voi lưng gù vướng vào thiết bị đánh bắt.

Thương mại quốc tế

Thương mại cua toàn cầu tăng nhẹ vào năm 2021 sau khi giảm nhẹ vào năm 2020. Tổng lượng nhập khẩu tăng 12,8% lên 418.470 tấn. Các nhà nhập khẩu chính là Hoa Kỳ với 137.249 tấn, tăng 17% so với năm 2021 và Trung Quốc 85.165 tấn, tăng 25,7%.

Nhà cung cấp lớn nhất cho Hoa Kỳ là Canada, chiếm 40% tổng khối lượng nhập khẩu, tiếp theo là Liên bang Nga (chiếm 23% tổng số) và Indonesia (10,6%).

Trong khi thị trường cua sống của Nga đang phần nào bị thu hẹp do các hạn chế về thương mại, mặc dù vậy, các nhà xuất khẩu Nga đã quyết định chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác.

Châu Âu là thị trường lớn của cua tuyết và cua huỳnh đế đông lạnh của Nga. Năm 2021, 57% (929 triệu USD) cua tuyết và cua huỳnh đế đông lạnh của Nga được xuất sang Hà Lan để tiêu thụ ở châu Âu hoặc tái xuất sang các thị trường khác. Thương mại này hiện đang gặp khó khăn khi các nước châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt đối với thương mại của Liên bang Nga. Tình hình có thể mở ra cơ hội cho xuất khẩu cua NaUy, mặc dù quốc gia này hiện chỉ là một đối thủ tương đối nhỏ trong ngành cua tuyết và cua huỳnh đế toàn cầu.

Giá trị nhập khẩu ghẹ xanh (Portunus pelagicus) của Hoa Kỳ tăng mạnh vào năm 2021 do giá ghẹ xanh nhập khẩu tăng vọt. Trong năm 2021, lượng nhập khẩu ghẹ xanh và ghẹ đỏ của Mỹ lên tới 30.231 tấn, trong đó 47% đến từ Indonesia. Giá trị các mặt hàng nhập khẩu này đã tăng mạnh, từ 448,5 triệu USD năm 2020 lên 845,4 triệu USD trong 11 tháng đầu năm 2021.

Sự hỗn loạn trên thị trường đã tác động rõ rệt đến giá cua thế giới. Phần lớn giá đã tăng vọt do Liên bang Nga, nhà cung cấp lớn nhất toàn cầu, không được phép xuất khẩu sang các thị trường phương Tây. Tại Canada, những người phát ngôn của ngành hàng cua đang phản ứng rằng, cần phải giảm giá để duy trì hoạt động thương mại. Canada là nhà cung cấp cua huỳnh đế và cua tuyết lớn thứ hai cho thị trường Mỹ, sau Liên bang Nga. Nhập khẩu từ Liên bang Nga chiếm 30% tổng lượng cua tuyết và 90% tổng lượng cua huỳnh đế nhập khẩu qua cảng chính Seattle.

Các nhà xuất khẩu Nga đã chuyển hướng các lô hàng cua vốn được dành cho Trung Quốc và các thị trường phương Tây (do việc đóng cửa một số cảng quan trọng của Trung Quốc và lệnh cấm nhập khẩu cua của Nga ở nhiều nước phương Tây). Những lô hàng này của Nga phần lớn đã được chuyển hướng đến Hàn Quốc. Giá cua tuyết và cua huỳnh đế tại thị trường Hàn Quốc đều giảm mạnh.

Trước đây, hầu hết người tiêu dùng Hàn Quốc đều nhận định những món thủy sản ngon lành này không phù hợp túi tiền. Nhưng giờ đây họ đang mua cua huỳnh đế và các sản phẩm cua khác từ Liên bang Nga với số lượng lớn. Vì vậy, thị trường ở Hàn Quốc đang phát triển mạnh cho các sản phẩm cua của Nga. Tuy nhiên, vẫn phải xem xét liệu thị trường này có được duy trì nếu giá quay trở lại mức cao như trước hay không.

Dự báo

Có vẻ như thị trường cua toàn cầu sẽ còn hỗn loạn hơn nữa trong thời gian tới. Tình hình cung cấp cua huỳnh đế và cua tuyết sẽ vẫn khó khăn do nguồn cung của Nga bị cắt khỏi các thị trường phương Tây và hạn ngạch cua ở Alaska bị cắt giảm mạnh. Hiện tại, cua của Nga đang được chuyển hướng sang các nước chưa áp đặt các lệnh hạn chế thương mại đối với hàng xuất khẩu của Nga (chẳng hạn như Trung Quốc và Hàn Quốc).

Hiện tại, FAO đánh giá nhu cầu tiêu thụ ổn định và có xu hướng ngày càng tăng đối với mặt hàng cua trên thị trường toàn cầu. Giá đã tăng vọt ở hầu hết các thị trường và có thể sẽ vẫn duy trì ở mức cao trừ khi có điều gì đó xảy ra làm giảm nhu cầu tiêu thụ cua trên thế giới.

Ngọc Thúy (Globefish Highlights)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác