Nhuyễn thể chân đầu: Nguồn cung đa dạng, giá cao (18-12-2022)

Đầu năm 2022, nguồn cung Bạch tuộc trở nên khan hiếm và mực ống cập cảng ở Argentina khá muộn. Nhu cầu tiêu thụ nhuyễn thể chân đầu (gồm: Mực ống, Mực nang và Bạch tuộc) được dự đoán sẽ hồi phục trở lại khi các hạn chế về COVID-19 được dỡ bỏ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với nhóm hàng này, lĩnh vực nhà hàng đặc biệt quan trọng; hiện phần lớn các nhà hàng đã hoạt động trở lại.
Nhuyễn thể chân đầu: Nguồn cung đa dạng, giá cao
Ảnh minh họa

Bạch tuộc

Ở Nhật Bản, Bạch tuộc là một thành phần quan trọng không thể thiếu trong ẩm thực quốc gia. Do sự phát triển của công nghệ, hiện nay một số người tin rằng việc Bạch tuộc được nuôi hoàn toàn sẽ chỉ là vấn đề thời gian.

Mức tiêu thụ Bạch tuộc ở Nhật Bản năm 2021 giảm so với năm 2020. Mức tiêu thụ bình quân đầu người đã giảm từ 219 gam năm 2020 xuống 178 gam năm 2021 (-18,7%). Về mặt giá trị, mức tiêu thụ giảm từ 502 JPY mỗi người vào năm 2020 xuống còn 422 JPY vào năm 2021 (-15,9%).

Thương mại: Nhập khẩu Bạch tuộc đông lạnh của EU tăng vào năm 2021 lên 95.722 tấn, so với 84.643 tấn năm 2020 (+13,1%). Giá tăng đáng kể, từ 6,35 EUR/kg lên 9,15 EUR/kg.

Nhật Bản đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể lượng nhập khẩu Bạch tuộc vào năm 2021, từ 44.873 tấn năm 2020 xuống còn 33.740 tấn vào năm 2021 (-24,8%) và có một số thay đổi lớn giữa các nhà cung cấp. Trung Quốc đã tăng thị phần của mình bằng cách tăng lượng xuất khẩu 20,5% vào năm 2021, với tổng khối lượng xuất khẩu Bạch tuộc sang Nhật Bản lên tới 10.067 tấn. Trong khi đó, Mauritania ghi nhận việc xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 46%, chỉ còn 7.597 tấn.

Nhập khẩu Bạch tuộc vào Hàn Quốc vẫn khá ổn định trong năm 2021, tăng khiêm tốn nhẹ 1,2% so với năm 2020 lên 73.158 tấn. Quốc gia duy nhất ghi nhận mức tăng đáng kể trong thương mại với Hàn Quốc chính là Việt Nam (năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 6% so với năm 2020).

Nhập khẩu Bạch tuộc cỡ nhỏ của Hàn Quốc tăng 4% lên 29.066 tấn, tăng từ 27.940 tấn của năm 2020. Nhà cung cấp chính mặt hàng Bạch tuộc cỡ nhỏ cho Hàn Quốc tính đến nay vẫn là Việt Nam, chiếm không dưới 82% của tổng lượng nhập khẩu của Hàn. Ngoài ra, còn có Thái Lan cung cấp 13%, trong khi Indonesia cung cấp 2,3%. Giá trung bình của Bạch tuộc cỡ nhỏ tại Hàn Quốc đã tăng 3% lên 6,69 USD/kg.

Mực

Mùa mực ống của Argentina khởi đầu chậm chạp vào tháng 1 và tháng 2 năm 2022, một phần do thời tiết xấu buộc đội tàu phải ở lại cảng trong vài tuần. Đội tàu đã cập cảng 45.300 tấn Mực ống trong hai tháng đầu năm 2022, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường tiêu thụ Mực ống cũng rất ảm đạm. Khoảng 70% lượng Mực ống xuất khẩu từ Argentina đến Trung Quốc, nhưng năm nay người mua Trung Quốc khá miễn cưỡng trong việc mua để tích trữ. Các thị trường chính của Mực ống Argentina là Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam và một số nước Châu Âu. Tuy nhiên, nhu cầu từ thị trường châu Âu năm nay khá yếu.

Nghề đánh bắt Mực ống khổng lồ (Dosidicus gigas) ở Nam Thái Bình Dương dường như đang bị mất kiểm soát. Tại cuộc họp tháng 1/2022 của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực Nam Thái Bình Dương (the South Pacific Regional Fisheries Management Organization - SPRFMO), không một quyết định nào được đưa ra có liên quan đến vấn đề bảo tồn. Ủy ban Quản lý bền vững Mực ống khổng lồ (the Committee for the Sustainable Management of the Jumbo Flying Squid - CALAMASUR) tuyên bố rằng: việc SPRFMO không hành động sẽ gây thiệt hại cho nghề cá thế giới (đặc biệt là đối với Peru, Ecuador và Chile).

Nhiều quốc gia đang đánh bắt Mực ống khổng lồ, và hoạt động tích cực nhất có thể kể đến Trung Quốc, quốc gia có đội tàu gồm 641 tàu đánh bắt Mực ống khổng lồ ở Nam Thái Bình Dương. Ngoài ra, cũng từng có những tuyên bố rằng có tới 450 tàu nước ngoài đang đánh cá trong vùng biển của Argentina.

Theo CALAMASUR, hành động cấp thiết nhất lúc này là yêu cầu các quốc gia có liên quan phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp bảo tồn để duy trì lượng dự trữ Mực ống khổng lồ, có thể sử dụng lâu dài, bền vững.

Trung Quốc đã thực hiện các bước để hạn chế các đội tàu đánh bắt Mực ống của mình ở vùng biển quốc tế. Kể từ ngày 1 tháng 4 năm 2022, các hạn chế đã được Trung Quốc đưa ra. Giới hạn tàu đã có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1 tháng 4 năm 2022 đến ngày 31 tháng 3 năm 2023 và các giới hạn số lượng tàu đã được Trung Quốc đặt ra như sau: Bắc Thái Bình Dương 350 tàu; Đông-Trung Thái Bình Dương 420 tàu; Đông Nam Thái Bình Dương 400 tàu; Tây Nam Thái Bình Dương 300 tàu; Ấn Độ Dương 250 tàu. Lý do cho những hạn chế này chính là mối quan tâm của Trung Quốc đối với tính bền vững lâu dài của quần thể Mực ống; đồng thời đảm bảo tính bền vững kinh tế của nghề khai thác Mực ống của Trung Quốc.

Thương mại: Nhập khẩu Mực ống (squid) và Mực nang (cuttlefish) của Trung Quốc năm 2021 tăng đáng kể so với năm 2020. Nhập khẩu tăng gần 60%, lên 489.900 tấn. Nhà cung cấp lớn nhất là Peru, chiếm 23,8% tổng lượng nhập khẩu, tiếp theo là Indonesia (18,4%) và Đài Loan (14,9%).

Xuất khẩu Mực ống và Mực nang của Trung Quốc cũng tăng nhưng không nhiều bằng nhập khẩu. Xuất khẩu tăng 22,2% so với năm 2020, lên 542.647 tấn vào năm 2021. Nhật Bản và Thái Lan, những thị trường lớn nhất, đều chỉ ghi nhận tốc độ tăng trưởng khiêm tốn, lần lượt là 5,7% và 4,1%. Các lô hàng đến thị trường lớn thứ ba, Philippines, tăng 94,9%, từ 29.194 tấn năm 2020 lên 56.897 tấn vào năm 2021.

Nhập khẩu Mực ống và Mực nang vào Hàn Quốc năm 2021 giảm 13% so với năm 2020, từ 175.471 tấn xuống 152.663 tấn. Tất cả các nhà cung cấp chính đều ghi nhận mức giảm, từ -6% (Peru) đến -21% (Chile).

Nhập khẩu Mực ống và Mực nang của Nhật Bản trong năm 2021 chỉ tăng hơn một chút so với năm 2020. Các nhà cung cấp lớn nhất là Trung Quốc (chiếm 59,3%), Peru (13,9%) và Liên bang Nga (4,8%).

Tây Ban Nha đã nhập khẩu 67.608 tấn Mực ống và Mực nang vào năm 2021, tăng gần 20% so với năm 2020. Các nhà cung cấp chính là Quần đảo Falkland (Malvinas), Peru và Maroc.

Hoa Kỳ đã tăng nhập khẩu Mực ống và Mực nang lên mức ấn tượng 57% vào năm 2021. Tuy nhiên, quốc gia này đã có sự sụt giảm đáng kể về nhập khẩu vào năm 2020, do đó, nhập khẩu năm 2021 chỉ cao hơn 20,5% so với mức của năm 2019. Các nhà cung cấp lớn nhất là Trung Quốc (chiếm 35%), Argentina (11,5%) và Ấn Độ (9,6%).

Dự báo

Nhu cầu đối với Bạch tuộc và Mực sẽ tăng đáng kể ở khu vực Địa Trung Hải trong suốt mùa hè khi hoạt động du lịch trở lại như bình thường ở châu Âu; hơn nữa, Bạch tuộc và Mực lại là những món phổ biến trong thực đơn của khách du lịch ở đây. Ở châu Á, nhu cầu ít phụ thuộc vào du lịch hơn và nhu cầu tiêu thụ Mực, Bạch tuộc đang tăng trở lại sau đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, nguồn cung có thể sẽ hạn chế, nhất là đối với Bạch tuộc. Đối với Mực thì triển vọng có vẻ sáng sủa hơn. Nhưng việc tăng giá có thể xảy ra, chủ yếu là do chi phí vận chuyển tăng cao hơn trước (hiện chi phí nhiên liệu trên toàn cầu đã tăng hơn rất nhiều). Theo nhận định của FAO về thương mại nhuyễn thể chân đầu: Cùng với sự gia tăng chi phí vận chuyển, tình trạng khan hiếm nguồn cung, giá Bạch tuộc được dự báo sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao so với hiện tại.

Ngọc Thúy (Globefish Highlights)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác