Thỏa thuận Xanh EU tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh thủy sản (phần 5, hết) (17-12-2022)

Trong ngắn hạn và về lâu dài, Thỏa thuận Xanh của EU sẽ mang lại những cơ hội xuất khẩu nào?
Thỏa thuận Xanh EU tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh thủy sản (phần 5, hết)
Ảnh minh họa

Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể hưởng lợi từ sự gia tăng các cơ hội hợp tác

• Những người mua lớn ở Châu Âu sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo rằng các sản phẩm vào thị trường EU tuân thủ theo các nguyên tắc của Thỏa thuận Xanh. Cụ thể, những người mua (đã có cam kết về tính bền vững) đang tìm cách hình thành quan hệ đối tác trong chuỗi cung ứng với mục đích cải thiện các hoạt động xã hội và môi trường. Những người mua này sẽ sẵn sàng giúp doanh nghiệp của bạn chuyển sang hình thức sản xuất và chế biến hàng hóa bền vững hơn, đúng luật hơn. Hiện tại, các nền tảng ứng dụng như AtSource (một sáng kiến của Olam) đang dẫn đầu trong việc hài hòa thông tin về tính bền vững cho người mua sản phẩm nông nghiệp.

• Tương tự như vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể được hưởng lợi từ những nỗ lực ngày càng tăng của EU trong hợp tác quốc tế về nghiên cứu và đổi mới, vì cả hai đều là yếu tố trung tâm của Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD), Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn (F2F) và Kế hoạch Hành động Kinh tế Tuần hoàn (CEAP). Ủy ban Châu Âu đã công bố danh sách các Liên minh và Đối tác Xanh để đạt được các mục tiêu của EGD thông qua hoạt động thương mại quốc tế.

Về lâu dài, các công cụ tốt hơn sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ cải thiện hoạt động kinh doanh của họ

• Liên minh Châu Âu và các chính phủ quốc gia của bạn có thể đang thiết lập các chương trình hỗ trợ (đặc biệt hướng vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ) để chuyển sang tuân thủ các quy định của Thỏa thuận Xanh mới của Liên minh Châu Âu.

• Sẽ có các công cụ và cơ chế tốt hơn để cung cấp thông tin về sản phẩm của bạn và cải thiện các hoạt động chế biến/sản xuất của bạn một cách hài hòa, chẳng hạn như hộ chiếu điện tử cho các sản phẩm, hàng hóa (a digital product passport). Điều này có nghĩa là bạn sẽ không phải tuân thủ vô số yêu cầu về thông tin từ những người mua khác nhau.

• Nhiều chính sách và biện pháp lập pháp của EGD được xây dựng dựa trên các quy định hiện hành mà bạn có thể đã tuân thủ nếu hiện đang xuất khẩu sang Châu Âu (hoặc bạn sẽ phải tuân thủ nếu muốn xuất khẩu sang Châu Âu). Mặt khác, việc lồng ghép tính bền vững trong các quy trình công nghiệp của bạn sẽ không chỉ mang lại cho bạn cơ hội tiến hành kinh doanh với châu Âu mà còn có thể mang lại cho doanh nghiệp của bạn lợi thế cạnh tranh trên các thị trường quốc tế khác.

Làm thế nào doanh nghiệp của tôi có thể nắm bắt những cơ hội này?

• Trao đổi với các phái đoàn EU có liên quan về những hỗ trợ sẽ được cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kể từ khi ra mắt EGD, các Phái đoàn và Văn phòng của EU đã làm việc thông qua các chương trình hợp tác khu vực khác nhau, cũng như thông qua chính phủ của các quốc gia Trung Nam Mỹ và Đông Tây Phi để cung cấp thông tin về các chính sách xanh mới của mình. Liên minh Châu Âu đã công bố danh sách các Phái đoàn và Văn phòng của họ trên toàn thế giới mà bạn có thể liên hệ để biết thêm thông tin.

• Nói chuyện với người mua của bạn ở EU về tiềm năng của một chuỗi cung ứng có lợi cho việc tìm kiếm nguồn cung có trách nhiệm. Những doanh nghiệp lớn của EU (large EU players) đang tiến hành cung cấp thông tin cho các nhà cung cấp của họ ở các quốc gia ngoài EU về sự phát triển của EGD và dự đoán những ảnh hưởng có thể xảy ra đối với các nhà cung cấp đó.

• Nếu bạn là thành viên của một hiệp hội hoặc một sáng kiến cấp ngành về tính bền vững, hãy thảo luận về cách bạn có thể cùng nhau đối mặt với những thách thức và với các tác nhân khác trong chuỗi cung ứng. Tương tự như vậy, hãy tìm hiểu xem hiệp hội ngành hàng của bạn có phải là thành viên của Mạng lưới Doanh nghiệp Châu Âu (Enterprise Europe Network - EEN) không? Một số sự kiện thường xuyên của EEN bao gồm việc phát triển chính sách ở EU có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ như thế nào, trong đó có cả EGD.

• Tự tìm hiểu về các chứng nhận bền vững có liên quan đến lĩnh vực của bạn để hiểu những tiêu chuẩn bền vững nào là quá cao đối với quá trình sản xuất, chế biến hàng hóa của bạn mà doanh nghiệp của bạn cần phải nghiên cứu đáp ứng; và những gì cần thiết để tuân thủ kỳ vọng của người mua trong tương lai và/hoặc các quy định của EU. Hãy nhấp vào lĩnh vực có liên quan trên trang web Thông tin thị trường của CBI để tìm hiểu thông tin về các chương trình chứng nhận được áp dụng cho lĩnh vực của bạn.

Thông tin cần biết thêm về Thỏa thuận xanh EU

Các chính sách Thỏa thuận xanh quan trọng khác của EU sẽ tác động mạnh đến doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các nước đang phát triển xuất khẩu sang châu Âu, gồm: Luật Thẩm định về Môi trường và Nhân quyền (the Environmental and Human Rights Due Diligence Law), Chiến lược Đa dạng sinh học đến năm 2030 (the Biodiversity strategy for 2030) và Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (the Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM).

Luật Thẩm định về Môi trường và Nhân quyền

Mặc dù Luật Thẩm định về Môi trường và Nhân quyền đang được xây dựng. Về mặt kỹ thuật, luật này không liên quan đến Thỏa thuận xanh của EU. Tuy nhiên, nó sẽ bổ sung cho nhiều biện pháp được đề xuất để tăng cường trách nhiệm giải trình của công ty và thông tin thêm về chuỗi cung ứng trong các hoạt động về môi trường và nhân quyền, bao gồm các cơ chế tự nguyện của Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn (F2F) như Bộ quy tắc ứng xử của EU về thực hành tiếp thị và kinh doanh thực phẩm có trách nhiệm. CBI đã công bố một bài viết rất ý nghĩa đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các nước đang phát triển xuất khẩu sang châu Âu; bài viết này đã được đăng trên trang web của CBI với tiêu đề: Đạo luật Thẩm định Châu Âu (The European Due Diligence Act).

Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 và khung pháp lý để ngăn chặn, đẩy lùi nạn phá rừng

• Liên kết chặt chẽ với sự phát triển của một hệ thống thực phẩm bền vững và công bằng chính là sự bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Đây là lý do tại sao Ủy ban Châu Âu đã công bố Chiến lược Đa dạng sinh học đến năm 2030. Giống như Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn, Chiến lược Đa dạng sinh học cũng tìm cách xây dựng khả năng phục hồi của xã hội trước các mối đe dọa trong tương lai (như: mất an ninh lương thực, bùng phát dịch bệnh lây lan giữa động vật và con người, còn được gọi là bệnh lây truyền từ động vật sang người), tác động của biến đổi khí hậu và cháy rừng.

Chiến lược Đa dạng sinh học sẽ thiết lập các khu bảo tồn cho ít nhất 30% diện tích đất liền và 30% diện tích biển ở châu Âu. Hơn nữa, tập trung khôi phục các hệ sinh thái đất và biển đã và đang bị suy thoái, bằng cách tăng cường canh tác hữu cơ và tăng cường sự đa dạng sinh học trên đất nông nghiệp, ngăn chặn và đảo ngược sự suy giảm của các loài thụ phấn, đồng thời phấn đấu đến năm 2030 giảm 50% việc sử dụng và gặp phải rủi ro từ thuốc trừ sâu.

• Trong một nghị quyết được công bố ngày 9 tháng 6 năm 2021 về Chiến lược Đa dạng sinh học của EU đến năm 2030, Nghị viện đã yêu cầu Ủy ban châu Âu khẩn trương đưa ra đề xuất về khung pháp lý của EU dựa trên các thẩm định bắt buộc nhằm đảm bảo rằng các chuỗi giá trị bền vững và các sản phẩm hoặc hàng hóa xuất hiện tại thị trường EU không dẫn đến hoặc xuất phát từ nạn phá rừng, suy thoái rừng, chuyển đổi hoặc suy thoái hệ sinh thái hoặc vi phạm nhân quyền.

• Mặc dù chưa có nội dung cụ thể nào được truyền thông một cách công khai, nhưng các công cụ khả thi trong đề xuất này có thể bao gồm việc dán nhãn bắt buộc, các cam kết và dán nhãn tự nguyện, các chương trình thẩm định và xác minh. Hiện chưa rõ các sản phẩm 'nguy cơ phá rừng' sẽ được xác định như thế nào, mọi việc mới chỉ đang dừng lại ở việc đánh giá tác động ban đầu (đề cập đến một số ngành hàng nông nghiệp như cọ, đậu nành, thịt bò, gỗ).

Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon

• EGD công nhận rằng, để đạt được sự trung lập về khí hậu (climate neutrality) vào năm 2050, EU cần sự hợp tác của các nhà cung cấp ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Á. Nếu không có sự hợp tác này, các công ty ở Châu Âu có thể chuyển các quy trình của mình sang các quốc gia mà tại đó các quy định về phát thải khí nhà kính ít nghiêm ngặt hơn. Điều này được gọi là “rò rỉ carbon” (carbon leakage). Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (the Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM) nhằm mục đích ngăn chặn sự rò rỉ carbon, bằng cách áp thuế carbon đối với việc nhập khẩu một số hàng hóa ngoài EU.

• Trong bối cảnh này, các nhà nhập khẩu EU sẽ mua chứng chỉ carbon tương ứng với giá carbon lẽ ra phải trả nếu sản phẩm được sản xuất theo quy tắc định giá carbon của EU. Tương tự như vậy, một khi nhà sản xuất ngoài EU đưa ra bằng chứng rằng họ đã trả giá cho lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất ở một quốc gia ngoài EU thì các nhà nhập khẩu EU sẽ không phải trả chi phí tương ứng. Để cung cấp cho các doanh nghiệp và các quốc gia ngoài EU sự chắc chắn và ổn định về mặt pháp lý, Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon sẽ được thực hiện theo một lộ trình; ban đầu chỉ áp dụng cho một số hàng hóa được chọn (có nguy cơ rò rỉ carbon cao).

• Điều quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu thủy sản sang EU là mặc dù CBAM ban đầu chỉ áp dụng cho các sản phẩm phân bón, sắt, thép và năng lượng, nhưng không có gì đảm bảo rằng các hàng hóa khác sẽ không phải áp dụng trong các giai đoạn tiếp theo. Hơn nữa, hiện chưa có sự rõ ràng về khả năng áp dụng CBAM đối với phân bón được sử dụng trong sản xuất hàng hóa nông nghiệp nhập khẩu. Về cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài EU, có những lo ngại rằng CBAM sẽ làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp ở châu Âu, do đó làm cho việc nhập khẩu thực phẩm trở nên cạnh tranh và hấp dẫn hơn.

Câu hỏi đặt ra là: Làm cách nào tôi có thể được thông báo về những phát triển trong tương lai liên quan đến Thỏa thuận Xanh của EU?

• Hãy đăng ký với CBI để nhận thông báo về các đề xuất và luật liên quan đến hoạt động của bạn.

• Theo dõi các hội thảo trực tuyến của CBI về tác động của Thỏa thuận Xanh EU đối với lĩnh vực của bạn.

• Đăng ký nhận bản tin của CBI để nhận những tin tức mới nhất liên quan đến lĩnh vực của bạn.

Ngọc Thúy (theo www.cbi.eu)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác