Kinh tế thủy sản toàn cầu 2022 (17-12-2022)

Theo dự đoán mới nhất của FAO về Kinh tế thủy sản toàn cầu, những bất ổn mới có thể sẽ làm chậm tốc độ phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Kinh tế thủy sản toàn cầu 2022
Ảnh minh họa

Sự phục hồi sản lượng thủy sản toàn cầu vào năm 2021 được đoán là đã tiếp tục diễn ra trong năm 2022, do nhu cầu thủy sản tăng và hoạt động sản xuất kinh doanh thủy sản đang dần trở lại bình thường. Tổng sản lượng thủy sản thế giới năm 2022 dự kiến tăng 1,5% lên 184,6 triệu tấn. Tăng trưởng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có thể tăng so với năm 2021, khoảng 2,9%, nhưng do người nuôi có sự thận trọng trong việc thả giống cộng với việc chi phí đầu vào tăng, nên dẫn tới tỷ lệ này vẫn thấp hơn xu hướng dài hạn là 4-5%. Đối với hoạt động khai thác thủy sản, chi phí nhiên liệu tăng và hạn ngạch khai thác giảm đã góp phần làm giảm tốc độ tăng trưởng sản lượng khai thác (giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2021) cho dù tác động của các biện pháp hạn chế hoạt động khai thác do đại dịch đối với các đội tàu đã giảm.

Tổng doanh thu xuất khẩu được dự báo sẽ tăng 2,8% trong năm 2022, lên 178,1 tỷ USD, trong khi khối lượng giảm 1,9%. Mặc dù kết quả khá tích cực nhưng những con số tăng trưởng này vẫn thấp hơn xu hướng dài hạn, phản ánh sự phục hồi chậm chạp đang diễn ra ở các thị trường và những thách thức tiếp tục ảnh hưởng đến các nhà cung cấp. Ở châu Á, trong những tháng đầu năm 2022, sản lượng thu hoạch tôm tăng đã thúc đẩy khối lượng và doanh thu xuất khẩu đối với hầu hết các nhà sản xuất lớn. Tại Nam Mỹ, tôm của Ecuador, cá rô phi Brazil và cá hồi Chile tăng sản lượng là những động lực chính giúp doanh thu xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng. Trong khi đó, tại các thị trường lớn ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, tốc độ tăng trưởng về giá trị nhập khẩu bằng USD đã giảm nhẹ, nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này phần lớn là do kết quả của việc đồng USD mạnh lên đều đặn so với hầu hết các loại tiền tệ ở các thị trường lớn khác trên thế giới.

Hiện tại, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đang giảm bớt, động lực sản xuất thủy sản trên thị trường toàn cầu đang thay đổi, tuy nhiên, thị trường thủy sản thế giới chắc chắn không thể trở lại y như trước khi xảy ra đại dịch. Các doanh nghiệp dịch vụ thực phẩm đã mở cửa trở lại đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ thủy sản theo các cách truyền thống đang được khôi phục, nhờ đó các nhà cung cấp có thể thúc đẩy doanh số bán hàng tăng lên đáng kể. Cùng với đó, sự phục hồi của ngành du lịch là một bước phát triển quan trọng khác góp phần vào việc củng cố thị trường hồi phục và phát triển, đặc biệt là đối với các loại thực phẩm phổ biến trong nhà hàng như động vật nhuyễn thể hai mảnh vỏ, tôm hùm, cua, cá mú và cá tráp. Bên cạnh những tác động tiêu cực thì đại dịch COVID-19 cũng đóng vai trò là chất xúc tác cho nhiều đổi mới khác nhau trong việc giao hàng, bán hàng, tiếp thị sản phẩm, và có vẻ những hoạt động này sẽ tiếp tục tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng nhu cầu tiêu thụ thủy sản lại không đồng đều ở tất cả các loài, ví dụ như: sự quan tâm của người tiêu dùng đối với một số sản phẩm đã mạnh trong thời kỳ đại dịch, chẳng hạn như với mặt hàng cá ngừ đóng hộp.

Áp lực tăng giá thủy sản đang được cảm nhận một cách rõ nét. Thứ nhất, tỷ lệ lạm phát hiện đang ở mức rất cao ở nhiều quốc gia trên thế giới, giá cả hàng hóa tăng đồng nghĩa với việc các yếu tố đầu vào trở nên đắt đỏ hơn, bao gồm cả thức ăn chăn nuôi và nhiên vật liệu. Cùng góp phần làm tăng chi phí còn có giá cước vận tải, tuy đã giảm trở lại sau thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch nhưng nhìn chung vẫn đang duy trì ở mức rất cao. Tăng trưởng nguồn cung đối với nhiều loài thủy sản chính cũng bị hạn chế, giảm mạnh so với tốc độ phục hồi của thị trường. Cùng với tác động tổng hợp của việc phục hồi thị trường bán lẻ và việc mở cửa trở lại đang diễn ra khắp mọi nơi trên thế giới, tất cả những yếu tố này đang đẩy giá nhiều sản phẩm thủy sản tăng lên mạnh mẽ. Đối với một số loài, chẳng hạn như cá hồi và cá tra, giá hiện đang ở mức cao nhất chưa từng thấy trong vài thập kỷ qua. Chỉ số giá thủy sản của FAO đã tăng mạnh kể từ cuối năm 2020, đạt mức 117 vào tháng 2, là mức cao nhất trong lịch sử.

Ngọc Thúy (Globefish Highlights)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác