Thỏa thuận Xanh EU tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh thủy sản (phần 4) (16-12-2022)

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer responsibility – EPR) là một chính sách buộc nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra với sản phẩm của họ sau khi nó được tiêu thụ và khi nó trở thành chất thải.
Thỏa thuận Xanh EU tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh thủy sản (phần 4)
Ảnh minh họa

Ý tưởng này nhằm khuyến khích các nhà sản xuất cân nhắc đến vấn đề môi trường trong quá trình thiết kế và sản xuất sản phẩm, và cuối cùng hỗ trợ một nền kinh tế tái sử dụng và tái chế vật liệu càng nhiều lần càng tốt.

Cách tiếp cận này đã được áp dụng trong các bối cảnh và lĩnh vực cụ thể. Ví dụ như ở EU, các nhà sản xuất một số sản phẩm như pin và xe cộ chịu trách nhiệm tài trợ cho việc thu gom, tái chế và xử lý pin và xe cộ khi hết hạn sử dụng.

Lời khuyên của CBI: Bạn hãy xem các hội thảo trực tuyến về Chính sách Sản phẩm Bền vững. Tại đó có thảo luận về những cách cụ thể khiến cho các sản phẩm ở EU bền vững hơn và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.

Giảm bao bì và chất thải bao bì

Ủy ban Châu Âu đang xem xét các yêu cầu thiết yếu của Chỉ thị về Bao bì (Packaging Directive) nhằm củng cố cách thiết kế bao bì để có thể tái sử dụng, thúc đẩy tái chế sản phẩm chất lượng cao và tăng cường năng lực thực thi. Các biện pháp này có thể bao gồm việc yêu cầu tất cả bao bì phải có thể tái sử dụng hoặc tái chế và giảm độ phức tạp của vật liệu đóng gói, gồm số lượng vật liệu và loại nhựa được sử dụng.

Nếu hàng hóa bạn xuất khẩu yêu cầu nhiều bao bì (hoặc một loại bao bì đặc biệt) thì những quy tắc này sẽ áp dụng cho doanh nghiệp của bạn và người mua hàng của bạn ở Châu Âu. Bạn có thể phải tìm cách giảm số lượng bao bì và/hoặc sử dụng các loại vật liệu khác, chẳng hạn như nhẹ hơn, có nhiều thành phần tái chế hơn, không có thành phần nhựa hoặc có thể tái sử dụng…

Thuốc trừ sâu sinh học (Biopesticides) – Tiêu chí phê duyệt các hoạt chất vi sinh

Giảm sự phụ thuộc vào thuốc trừ sâu hóa học là một trong những mục tiêu của chiến lược 'từ trang trại đến bàn ăn' của EU. Điều này đồng nghĩa với việc đưa các chế phẩm sinh học ra thị trường nhiều hơn, trong đó bao gồm vi sinh vật. Sáng kiến này sẽ xác định các tiêu chí phê duyệt đối với các hoạt chất vi sinh được nêu trong Phụ lục II của Quy định EC số 1107/2009 [Annex II to Regulation (EC) No 1107/2009]. Mục đích là phản ánh đặc thù của các hoạt chất vi sinh khác hoàn toàn với các chất hóa học.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhà sản xuất chính xuất khẩu nông sản, thủy sản sang châu Âu, điều này có nghĩa là họ sẽ phải áp dụng các phương pháp sản xuất khác hoặc áp dụng các sản phẩm hóa học, sinh học khác (do đó, sẽ phát sinh các khoản đầu tư mới và cần sự tham gia của các chuyên gia kỹ thuật cũng như phải tiến hành một số cuộc thử nghiệm). Đối với các nhà chế biến nông sản, thủy sản thì điều này có nghĩa là cần kết hợp chặt chẽ hơn với các nhà cung cấp của họ để hỗ trợ áp dụng các biện pháp thực hành khác (tuân thủ sáng kiến về thuốc trừ sâu sinh học).

Lời khuyên của CBI:

• Tradin Organic cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trên toàn cầu cho những đối tác muốn chuyển từ sản xuất nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ.

• Kiểm tra trang web của Liên minh Quản lý Dịch hại Tổng hợp (the Integrated Pest Management Coalition - IPM), tại đó cung cấp một số dữ liệu nhằm giúp nông dân trên toàn thế giới giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu độc hại. Trang web của IPM có cơ sở dữ liệu về thuốc trừ sâu và một ứng dụng có tên “Thuốc trừ sâu & Giải pháp thay thế” - đây là ứng dụng điện thoại miễn phí giúp tìm hiểu về mức độ độc hại của hơn 700 loại thuốc trừ sâu cũng như các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát gần 3.000 loài gây hại nông nghiệp mà không sử dụng hóa chất. Có thể tải ứng dụng từ GooglePlay hoặc iTunes app Store; ứng dụng này có sẵn các bản tiếng Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Đặc biệt sau khi tải xuống, bạn có thể sử dụng ngoại tuyến.

Luật hữu cơ mới

Quy định mới về Sản xuất Hữu cơ và Ghi nhãn Sản phẩm Hữu cơ, gọi tắt là “Luật hữu cơ mới” (the new Regulation on Organic Production and Labelling of Organic Products, also called the new organics legislation) đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2022. Ngoài các yêu cầu chung hiện có đối với việc ghi nhãn sản phẩm thực phẩm, các quy tắc bổ sung sẽ áp dụng cho việc ghi nhãn các sản phẩm hữu cơ và nguyên liệu thô.

Mục đích của luật hữu cơ mới là tăng cường hệ thống kiểm soát, nâng cao lòng tin của người tiêu dùng đối với hệ thống hữu cơ của EU. Luật được hỗ trợ bởi kế hoạch hành động về sản xuất hữu cơ ở EU, đã được Ủy ban Châu Âu công bố hồi tháng 3 năm 2021.

Các quy định của EU về canh tác hữu cơ được thiết kế để cung cấp một cấu trúc rõ ràng cho việc sản xuất hàng hóa hữu cơ trên toàn EU. Qua đó, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hữu cơ đáng tin cậy; đồng thời cung cấp một thị trường công bằng cho các nhà sản xuất, phân phối và tiếp thị.

Thực phẩm hữu cơ nhập khẩu cũng phải tuân theo các quy trình kiểm soát để đảm bảo đã được sản xuất và vận chuyển theo các quy định của Luật hữu cơ. Trong bối cảnh này, những thay đổi sẽ được thực hiện theo Luật hữu cơ mới, gồm:

• Trong quy định mới về sản phẩm hữu cơ, quy tắc 'Ghi nhãn' không chỉ bao gồm nhãn trên sản phẩm mà còn áp dụng cho tất cả các tuyên bố, chỉ dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, hình ảnh hoặc dấu hiệu liên quan đến sản phẩm trên bao bì, tài liệu, dấu hiệu, nhãn, kẹp chì hoặc dây đeo đi kèm sản phẩm.

• Theo quy định của Luật hữu cơ mới, các sản phẩm được tiếp thị là hữu cơ hoặc sinh thái đều phải được chứng nhận hữu cơ. Bốn thuật ngữ như: hữu cơ (organic), sinh thái (ecological); hoặc các thuật ngữ ngắn hơn: sinh học (bio) và sinh thái (eco) sẽ chỉ được phép sử dụng nếu sản phẩm đã được chứng nhận hữu cơ. Tương tự như vậy, các nhà sản xuất phải lưu ý rằng thiết kế bao bì sản phẩm không được phép quá giống với logo “EU Bio”: màu sắc (xanh lá cây và trắng) và hình dạng (chiếc lá), vì điều này có thể khiến người tiêu dùng nhầm tưởng sản phẩm đó là sản phẩm hữu cơ.

• Nhãn cho các sản phẩm hữu cơ vào thị trường EU phải bao gồm mã số của cơ quan kiểm soát và nơi trồng các nguyên liệu nông nghiệp thô tạo nên sản phẩm (ví dụ: nông nghiệp EU/ngoài EU cho dù sản phẩm và nguyên liệu của nó được sản xuất một phần hay toàn bộ ở nước thứ ba).

Chính sách nông nghiệp chung mới

Chính sách nông nghiệp chung mới (New Common Agricultural Policy) sẽ bắt đầu được thực thi vào năm 2023. Chính sách này đã được xây dựng trên cơ sở Chính sách nông nghiệp chung hiện có (Common Agricultural Policy - CAP). Mục đích là thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững và cạnh tranh, có thể hỗ trợ sinh kế cho nông dân và cung cấp thực phẩm lành mạnh, bền vững cho xã hội. So với CAP trước đây, Chính sách nông nghiệp chung mới đưa ra các cam kết mạnh mẽ hơn để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD):

• Thể hiện tham vọng cao hơn về môi trường và khí hậu;

• Các chiến lược của Chính sách nông nghiệp chung CAP quốc gia sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh;

• Điều kiện nâng cao: những người hưởng lợi từ CAP sẽ phải chịu một loạt các yêu cầu bắt buộc mạnh mẽ hơn (chẳng hạn như phải gia tăng tỷ lệ đất canh tác dành cho đa dạng sinh học);

• Ít nhất 25% ngân sách sẽ được phân bổ cho các chương trình sinh thái, mang lại những động lực mạnh mẽ, khuyến khích áp dụng các phương pháp sản xuất, canh tác thân thiện với khí hậu và môi trường cũng như cải thiện phúc lợi động vật;

• Ít nhất 35% quỹ sẽ được phân bổ cho các biện pháp chống biến đổi khí hậu và hỗ trợ đa dạng sinh học, môi trường và phúc lợi động vật;

• Trong ngành rau quả, các chương trình hoạt động sẽ phân bổ ít nhất 15% chi tiêu cho môi trường (so với 10% như trước đây);

• 40% ngân sách CAP sẽ phải dành cho các vấn đề về khí hậu và ủng hộ mạnh mẽ cam kết chung dành 10% ngân sách EU cho các mục tiêu đa dạng sinh học.

Chính sách nông nghiệp chung mới sẽ được các quốc gia thành viên EU điều chỉnh thành các chương trình quốc gia và những chương trình này sẽ được hướng dẫn bởi Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn (F2F) và Chiến lược đa dạng sinh học. Do đó, tác động của chính sách này đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nước đang phát triển sẽ liên quan đến các quy định và hành động của F2F và các lĩnh vực chính sách liên quan khác của Thỏa thuận Xanh châu Âu. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu thủy sản sang EU sẽ phải tuân thủ việc giảm sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học cũng như điều kiện sống tốt hơn cho vật nuôi và các quy định dán nhãn nghiêm ngặt hơn.

Lời khuyên của CBI: các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu thủy sản sang EU nên tìm đọc các thông tin về Chiến lược F2F (Farm to Fork Strategy) cũng như dự đoán các tác động có thể xảy ra để xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó với những tác động này.

Những trở ngại chính đối với xuất khẩu

Trong ngắn hạn, xuất khẩu sang EU sẽ gặp một số bất ổn về nội dung của một số quy định có liên quan tới Thỏa thuận Xanh của EU:

• Việc thiếu thông tin nhất quán về các quy tắc và chính sách mới nổi có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong ít nhất là 2 năm nữa. Đây không chỉ là một thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài EU, mà chính những người mua ở EU cũng phải vật lộn với vấn đề này trong những năm tới.

• Người mua ở EU hiện có các hệ thống khác nhau để thu thập thông tin về tính bền vững từ chuỗi cung ứng của họ. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu thủy sản sang EU phải đáp ứng nhiều yêu cầu về tính bền vững. Bên cạnh đó, thực hiện theo Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD), người mua ở EU có nhu cầu ngày một tăng trong việc tìm hiểu về tính bền vững của sản phẩm. Trong ngắn hạn, điều này có thể làm tăng gánh nặng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu thủy sản sang EU (cho đến khi một hệ thống hài hòa được thiết lập). Về lâu dài, xuất khẩu sang EU có thể phải đối mặt với chi phí tăng.

• Chi phí chuyển đổi các hoạt động sản xuất/chế biến hiện tại có thể sẽ tăng lên thông qua việc áp dụng các công nghệ và vật liệu đáp ứng các tiêu chuẩn từ EGD. Mặc dù vẫn chưa rõ ai sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả các chi phí này, nhưng điều này hoàn toàn có thể xảy ra, ví dụ như: giá vật liệu có thành phần tái chế có khả năng tăng cao và/hoặc chi phí liên quan đến chứng nhận và kiểm tra các tuyên bố 'xanh' tăng (khi doanh nghiệp của bạn thuê một cơ quan độc lập hoặc kiểm toán viên).

• Gia tăng cạnh tranh với các sản phẩm do chính EU sản xuất, vì các nhà sản xuất ở EU được hưởng lợi từ sự hỗ trợ thể chế (các khoản trợ cấp, các chương trình nghiên cứu và phát triển R&D). Mặc dù sự hợp tác và hỗ trợ cho các nhà sản xuất ngoài EU cũng được coi là một phần trong Thỏa thuận Xanh châu Âu, nhưng các bạn nên biết rằng ngân sách dành cho các chương trình ở nước ngoài thấp hơn nhiều so với ngân sách dành cho các doanh nghiệp có trụ sở tại EU.

Doanh nghiệp có thể làm gì để đối phó với những trở ngại này?

• Đóng góp tiếng nói của bạn và gửi ý kiến phản hồi trong quá trình tham vấn – doanh nghiệp của bạn có thể thực hiện việc này vào nhiều thời điểm khác nhau trong suốt quá trình xây dựng luật. Bạn cũng có thể chuyển phản hồi của mình (trong quá trình tham vấn) thông qua các tổ chức như Hội, Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội xuất khẩu hoặc Chính phủ của đất nước bạn. Trên trang Chào mừng bạn đến với EU (the Welcome to Have your say page of the EU), bạn sẽ tìm thấy thông tin tổng quan về các chính sách mới và luật hiện hành mang lại cho bạn cơ hội đóng góp ý kiến. Tại đó, bạn có thể cung cấp phản hồi về các chính sách và quy định liên quan đến EGD.

• Ngay từ bây giờ, bạn đã phải bắt đầu thu thập thông tin truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng và chia sẻ thông tin này với người mua của bạn để cùng nhau xem xét, xác định và giải quyết các lỗ hổng tiềm ẩn. Bạn có thể tham khảo tóm tắt này từ Proforest để biết thêm thông tin về cách truy xuất nguồn gốc trong cơ sở cung ứng của bạn và những loại thông tin mà người mua của bạn đang tìm kiếm.

Ngọc Thúy (theo www.cbi.eu)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác