Thỏa thuận Xanh của EU tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh thủy sản (phần 1) (30-09-2022)

Năm 2019, Ủy ban Châu Âu đã khởi động Thỏa thuận Xanh của Châu Âu (European Green Deal - EGD). Đây là các hành động nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính và giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
Thỏa thuận Xanh của EU tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh thủy sản (phần 1)
Ảnh minh họa

Điều này có nghĩa là các sản phẩm được bán tại thị trường EU cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững cao hơn. Nếu bạn xuất khẩu sang EU, bạn muốn biết các chính sách EGD có thể tác động đến doanh nghiệp của bạn như thế nào để bản thân chuẩn bị đối phó với những tác động đó thì trước tiên bạn hãy tìm hiểu kỹ các nội dung sau: Thỏa thuận Xanh Châu Âu là gì? Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” (Farm to Fork) là gì? Kế hoạch Hành động Kinh tế Tuần hoàn (Circular Economy Action Plan - CEAP) là gì? Thỏa thuận Xanh Châu Âu tác động như thế nào đến hàng hóa nhập khẩu vào Châu Âu? Các nhà cung cấp cho thị trường này phải tuân thủ những yêu cầu bổ sung nào vào những thời điểm nào? Đâu là những trở ngại chính đối với xuất khẩu thủy sản do tác động của Thỏa thuận Xanh EU? Thỏa thuận Xanh EU có mang lại cơ hội xuất khẩu nào không? Còn những thông tin gì mà doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nên biết về Thỏa thuận Xanh EU…

Thỏa thuận Xanh Châu Âu

Thỏa thuận Xanh Châu Âu chính là phản ứng của Châu Âu đối với tình trạng khẩn cấp về khí hậu toàn cầu; bao gồm một loạt chính sách có tầm nhìn tới năm 2050 nhằm giúp EU trở thành nền kinh tế ôn hòa với khí hậu, đồng thời tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thỏa thuận Xanh Châu Âu gồm tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế: từ nông nghiệp đến năng lượng, từ giao thông đến xây dựng. Thỏa thuận Xanh Châu Âu gồm các chính sách và biện pháp chính như Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” (Farm to Fork), Kế hoạch Hành động Kinh tế Tuần hoàn (Circular Economy Action Plan - CEAP). 

Các chính sách của Thỏa thuận Xanh Châu Âu có thể sẽ tác động đến thương mại trong nước và việc nhập khẩu vào thị trường này; đặc biệt rất có thể các tiêu chuẩn về môi trường và tính bền vững sẽ trở nên nghiêm ngặt hơn trong các giai đoạn sau. Vì vậy, sẽ có nhiều yêu cầu hơn nữa đối với các doanh nghiệp thủy sản (đến từ các nước đang phát triển) khi tham gia hoạt động xuất khẩu thủy sản vào EU. Nhiều quyết định sẽ được đưa ra trong hai năm tới, và những quyết định này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh thủy sản. Trong mọi trường hợp, điều quan trọng là phải tìm hiểu các mục tiêu và tham vọng của Thỏa thuận Xanh Châu Âu để sẵn sàng tuân thủ, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày một cao.

Lộ trình hướng tới một Châu Âu trung hòa về khí hậu (a climate-neutral Europe)

Có thể nói Thỏa thuận Xanh Châu Âu là một kế hoạch toàn diện cho một châu Âu không có carbon. Vì đã đưa ra một lộ trình với các hành động cắt giảm triệt để lượng phát thải khí nhà kính (greenhouse gas - GHG) ít nhất là 55% vào năm 2030 (so với năm 1990) và biến cuộc khủng hoảng khí hậu thành cơ hội để phát triển bền vững hơn. Thỏa thuận Xanh Châu Âu đã phác thảo các khoản đầu tư cần thiết và các công cụ tài chính sẵn có để đạt được quá trình chuyển đổi khí hậu. Trong một số lĩnh vực, Thỏa thuận Xanh Châu Âu cũng đang đề xuất các chính sách mới để đảm bảo đạt được các mục tiêu của quá trình chuyển đổi này.

Mục tiêu đầy tham vọng

Thỏa thuận Xanh Châu Âu nhằm bảo tồn, duy trì và cải thiện nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất đai và hệ sinh thái của EU cũng như bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của người dân châu Âu trước các rủi ro môi trường và tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, để đạt được các mục tiêu về khí hậu thì có tới 2% GDP của Châu Âu sẽ được sử dụng để xanh hóa nền kinh tế, bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng mới, mua sắm công, tái cơ cầu nền công nghiệp.

Thỏa thuận Xanh Châu Âu đang tiên phong trong các hành động toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu. Nhưng cần phải khẳng định là, EU không thể đạt được các mục tiêu khí hậu một mình, vì nó đòi hỏi sự tham gia của các đồng minh và đối tác thương mại trên toàn thế giới. EU nhận thấy sẽ có một số khu vực, ngành công nghiệp và người lao động gặp khó khăn hơn trong quá trình chuyển đổi này. Do đó, Thỏa thuận Xanh Châu Âu sẽ thực hiện một cách tiếp cận công bằng và toàn diện để đạt được mục tiêu của quá trình chuyển đổi khí hậu.

Các yếu tố chính của Thỏa thuận Xanh Châu Âu

Thỏa thuận Xanh Châu Âu đã được Ủy ban Châu Âu trình bày vào ngày 11 tháng 12 năm 2019 và bộ đề xuất lập pháp đầu tiên được công bố vào ngày 14 tháng 7 năm 2021. Theo đó, đề xuất một loạt các hành động trong tương lai gần, từ Luật Khí hậu Châu Âu (European Climate Law) đến việc thiết lập và phát triển các chiến lược xuyên suốt để thúc đẩy quá trình chuyển đổi ở mọi khía cạnh quan trọng về kinh tế như: năng lượng, công nghiệp, ô nhiễm, đa dạng sinh học và lương thực.

Thỏa thuận Xanh Châu Âu gồm nhiều chính sách ở nhiều lĩnh vực khác nhau, hướng đến: Tham vọng cao hơn trong vấn đề khí hậu EU các năm 2030 và 2050; Môi trường không ô nhiễm (đảm bảo không có chất độc hại); Cung cấp năng lượng sạch, giá cả phải chăng và an toàn; Bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái và đa dạng sinh học; Thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển vì một nền kinh tế sạch và bền vững (theo Kế hoạch Hành động Kinh tế Tuần hoàn); Hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường (theo Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn”); Sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên...

Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn”

Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” là một trong những giải pháp căn bản giúp khí hậu châu Âu trở nên trung hòa vào năm 2050; trong đó, hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường là cốt lõi của Chiến lược này (Farm to Fork - F2F). Bên cạnh đó, F2F cũng đề xuất các sáng kiến theo quy định và không theo quy định (regulatory and non-regulatory initiatives) để hỗ trợ quá trình chuyển đổi công bằng.

Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” ra mắt ngày 20 tháng 5 năm 2020 với mục tiêu giảm tác động của hệ thống lương thực tới môi trường và khí hậu, đồng thời giúp cân bằng lại đa dạng sinh học. Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” đã xây dựng các giải pháp nhằm giảm lãng phí thực phẩm và đảm bảo rằng thực phẩm được cung cấp đầy đủ cho người dân với giá cả phải chăng, cũng như đảm bảo rằng nông dân nhận được mức giá hợp lý cho tất cả các sản phẩm lương thực, thực phẩm mà họ sản xuất và đảm bảo tính cạnh tranh cho hệ thống lương thực, thực phẩm của châu Âu trên quy mô toàn cầu.

Các mục tiêu chính

Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” (F2F) đã đặt 5 mục tiêu chính cần đạt được vào năm 2030: Giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học (chemical pesticides); Giảm thất thoát chất dinh dưỡng ít nhất là 50%; Giảm việc sử dụng phân bón ít nhất là 20%; Giảm 50% doanh số thuốc kháng sinh bán cho các trang trại; Có 25% tổng diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ.

Một trong những hành động cấp thiết để đạt được các mục tiêu trên, đó là: EU đang lên kế hoạch sửa đổi nhiều quy định hiện hành đối với lĩnh vực thực phẩm và sản xuất nông nghiệp, cũng như tạo ra các quy tắc mới, cải thiện công cụ điều phối ở EU. Các chương trình xúc tiến cũng đã được đề xuất, theo đó đã thiết lập hệ thống ghi nhãn thực phẩm bền vững, bao gồm các sản phẩm hữu cơ sử dụng tại trường học, cơ quan nhà nước, cơ sở công lập (public institutions) và thông qua “Kế hoạch hành động vì một nền nông nghiệp hữu cơ 2020-2026” (Action Plan for Organic Agriculture 2020-2026).

Sản xuất lương thực bền vững

Để thực hiện Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” (Farm to Fork - F2F), châu Âu đã, đang và sẽ triển khai một loạt hành động có liên quan sau:

Đối với lĩnh vực thủy sản, ngay trong Quý 2 năm 2021, châu Âu đã ban hành “Hướng dẫn của EU về Nuôi trồng thủy sản” (EU Guidelines on Aquaculture);

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp, từ Quý 1 năm 2021 đến Quý 1 năm 2023, châu Âu đã ban hành và sau đó tổ chức thực hiện “Chính sách nông nghiệp chung mới” (The new Common Agricultural Policy);

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Quý 4 năm 2021, châu Âu đã ban hành “Thuốc trừ sâu sinh học - tiêu chí phê duyệt các hoạt chất vi sinh” (Biopesticides – approval criteria for microbial active substances);

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, trong Quý 1 năm 2022, châu Âu đã ban hành “Sửa đổi quy định sử dụng bền vững thuốc bảo vệ thực vật” (Revision of Sustainable Use of Pesticides Directive);

Đối với lĩnh vực thủy sản, Quý 2 năm 2022, châu Âu đã ban hành “Chiến lược của EU về tảo - Kinh tế sinh học xanh” (EU Strategy on Algae - Blue bioeconomy);

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp, Quý 4 năm 2022, châu Âu sẽ ban hành “Kế hoạch hành động quản lý chất dinh dưỡng tổng hợp nhằm giảm thiểu ô nhiễm do phân bón” (Action plan for integrated nutrient management to reduce pollution from fertilisers).

Sản xuất thực phẩm có đạo đức

Các hoạt động sản xuất thực phẩm có đạo đức nhằm thực hiện hiệu quả Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” như sau:

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, trong Quý 2 năm 2021, châu Âu đã xây dựng “Sáng kiến cải tiến khung pháp lý quản trị doanh nghiệp - tích hợp tính bền vững vào các chiến lược phát triển doanh nghiệp” (Initiative to improve the corporate governance framework - integrate sustainability into corporate strategies); trong Quý 4 năm 2021, châu Âu tiếp tục ban hành “Sửa đổi chương trình chỉ dẫn địa lý của EU để giải quyết vấn nạn gian lận thực phẩm” (Revision of EU geographical indications scheme to tackle food fraud);

Đối với lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, trong Quý 3 năm 2021, châu Âu đã ban hành “Quy tắc giám sát của EU đối với các hành vi kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng thực phẩm” (EU code and monitoring framework for responsible business conduct in the food supply chain).

An toàn thực phẩm và yêu cầu ghi nhãn hàng hóa

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, trong Quý 4 năm 2021, châu Âu đã ban hành (i) “Sửa đổi các quy tắc về thông tin cung cấp cho người tiêu dùng” (Revision of rules on information provided to consumers); (ii) “Đề xuất về việc bắt buộc dán nhãn dinh dưỡng ở phía trước kiện hàng giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe” (Proposal for harmonised mandatory front-of-pack nutrition labelling to enable consumers’ health-conscious food choices);

Quý 2 năm 2022, châu Âu đã ban hành bản “Sửa đổi các tiêu chuẩn tiếp thị của EU đối với nông sản, thủy sản khai thác và nuôi trồng (nhằm đảm bảo cung cấp và tiêu thụ các sản phẩm bền vững)” (Revision of EU marketing standards for agricultural, fishery and aquaculture products (ensure uptake and supply of sustainable products));

Quý 4 năm 2022, châu Âu sẽ ban hành (i) “Sửa đổi luật của EU về Vật liệu tiếp xúc với thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường” (Revision of EU legislation on Food Contact Materials (food safety and environmental footprint)); (ii) “Quy định về hàm lượng chất dinh dưỡng nhằm hạn chế tiêu thụ nhiều muối, đường và chất béo” (Set nutrient profiles to restrict promotion of high salt, sugar or fat content); (iii) “Đề xuất yêu cầu chỉ dẫn xuất xứ của một số sản phẩm” (Proposal to require origin indication for certain products).

Trên thực tế, hệ thống lương thực, thực phẩm của châu Âu đang phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu (từ thức ăn chăn nuôi đến gia vị và trái cây nhiệt đới). Vì vậy, để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” thì chính sách thương mại của EU sẽ phải thúc đẩy hợp tác với các nước ngoài EU; đồng thời giảm thiểu tình trạng mất an ninh lương thực bằng cách tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống lương thực, thực phẩm và giảm lãng phí thực phẩm.

Các lĩnh vực hợp tác quốc tế sẽ bao gồm: Nghiên cứu và đổi mới thực phẩm; Nông học; Quản lý cảnh quan và quản lý đất đai bền vững; Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; Chuỗi giá trị toàn diện và hợp lý; Phòng ngừa và ứng phó với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực (nhất là trong các bối cảnh nhạy cảm); Phòng, tránh rủi ro; và Lồng ghép “tính bền vững” vào các chương trình phát triển.

Ngọc Thúy (theo www.cbi.eu)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác