Cơ hội và thách thức tại thị trường thủy sản Châu Âu - Phần 2 (11-07-2022)

Dưới đây, Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) sẽ phân tích về việc người tiêu dùng nghi ngại các sản phẩm nhập khẩu vào châu Âu, làm gia tăng yêu cầu đối với các mặt hàng thủy sản nhập khẩu.
Cơ hội và thách thức tại thị trường thủy sản Châu Âu - Phần 2
Ản minh họa

Gần đây, một số nội dung chính liên quan đến ngành thủy sản như an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề nhân quyền… đã được đề cập trong bộ phim tài liệu Seaspiracy của Netflix gây nên nhiều tranh cãi, ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng đối với thủy sản. Đại dịch COVID-19 đã khiến người tiêu dùng chú trọng hơn đến sức khỏe, càng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm thủy sản. Do đó, các cơ chế đảm bảo quy trình sản xuất và nguồn gốc xuất xứ của thủy sản ngày càng trở nên quan trọng. Việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thủy sản đang trở thành yêu cầu phổ biến trong ngành thủy sản và người mua ngày càng quan tâm đến tiêu chí này nhiều hơn.

Nhiều người mua châu Âu hiện đang tìm kiếm các nhà cung cấp có thể cho phép truy xuất nguồn gốc các sản phẩm của họ. Đồng thời, có một nỗ lực lớn từ các cơ quan quản lý trong việc cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc thủy sản như một phần của cuộc chiến chống đánh bắt bất hợp pháp và các hành vi sản xuất vô trách nhiệm. Khả năng truy xuất nguồn gốc cho phép người mua kiểm tra chuỗi cung ứng sản phẩm “từ biển đến bàn ăn” đối với các sản phẩm đánh bắt tự nhiên hoặc “từ trang trại đến bàn ăn” đối với các sản phẩm nuôi trồng thủy sản. Đối với người mua ở Châu Âu, khả năng truy xuất nguồn gốc và thông tin minh bạch đầy đủ rõ ràng đồng nghĩa với việc tất cả các bước của chuỗi cung ứng đều có sẵn và bạn công khai giới thiệu, quảng bá về công ty mình.

Tập đoàn SeaFresh, đã khai thác nguồn thông tin từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản ở Honduras, Thái Lan và Việt Nam, sử dụng công nghệ DNA TraceBack® để theo dõi và truy tìm chuỗi cung ứng tôm của mình. Lasse Hansen, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Seafresh, cho biết “mức độ minh bạch của chuỗi cung ứng chưa từng có trong lịch sử [được cung cấp thông qua DNA TraceBack®] đã giúp chúng tôi truyền tải hiệu quả hơn đến khách hàng và người tiêu dùng sự chăm sóc mà chúng tôi có thể thực hiện để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm hàng đầu, bền vững và các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc, đảm bảo trách nhiệm và bền vững”.

John West của Vương quốc Anh cũng đã đưa ra sáng kiến ​​Trace Your Plate cho phép người tiêu dùng khám phá nguồn gốc sản phẩm thủy sản. Họ đã phát triển một công cụ theo dõi trực tuyến, cho phép người tiêu dùng tự kiểm tra về lịch sử và xuất xứ của các sản phẩm thủy sản của họ. Tổ chức Đối tác Tôm Bền vững (the Sustainable Shrimp Partnership - SSP) do một nhóm các nhà sản xuất lớn ở Ecuador khởi xướng, đã khởi động một ứng dụng web truy xuất nguồn gốc dựa trên công nghệ blockchain. Với công nghệ này, người mua, nhà bán lẻ và người tiêu dùng trên khắp thế giới có thể quét mã QR và khám phá cách sản phẩm được sản xuất, đồng thời có thể xem các chỉ số chính về độ an toàn thực phẩm.

Lời khuyên của CBI: Tìm hiểu xem liệu doanh nghiệp của bạn có thể cung cấp thông tin về tất cả các bước trong chuỗi cung ứng hay không. Sử dụng khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi thực hiện kinh doanh các sản phẩm của bạn, nhất là khi các doanh nghiệp cạnh tranh không có khả năng thực hiện như vậy. Kiểm tra cách John West thúc đẩy khả năng truy tìm thông tin nguồn cung ứng cho người tiêu dùng. Đọc các kết quả ghiên cứu của CBI về Kỹ thuật số hóa trong lĩnh vực Thủy sản để biết các ví dụ thú vị về cách các doanh nghiệp sử dụng các công nghệ như blockchain để truyền đạt thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Thủy sản có chứng nhận bền vững tiếp tục chiếm lĩnh thị trường

Một tiêu chí nữa cung cấp sự đảm bảo cho thủy sản chính là “chứng nhận về tính bền vững” (sustainability certification). Trong 20 năm qua, nhu cầu về thủy sản bền vững đã tăng trên toàn thế giới. Về mặt giá trị, các thị trường bán lẻ có nhu cầu thủy sản bền vững ước tính vượt 11,5 tỷ USD.

Nếu bạn là một nhà xuất khẩu tập trung vào các sản phẩm thủy sản bền vững thì bạn có cơ hội rất lớn để tham gia kinh doanh tại thị trường châu Âu. Vì trên thực tế, châu Âu là nơi tập trung nhiều nhất các sản phẩm được chứng nhận và cũng là nơi tập trung nhiều nhất những doanh nghiệp được cấp chứng chỉ sở hữu chuỗi sản phẩm (chain of custody certificate holders). Tiêu chuẩn chuỗi sản phẩm sẽ đảm bảo rằng các sản phẩm thủy sản khai thác hoặc nuôi trồng đã được chứng nhận, là những sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc và hoàn toàn khác biệt với các sản phẩm chưa được chứng nhận. Theo tiêu chuẩn toàn cầu do Tổ chức Hợp tác Chứng nhận và Xếp hạng Thủy sản (the Seafood Certification and Ratings Collaboration) thực hiện vào năm 2019, tổng cộng có 20.701 sản phẩm ở châu Âu được chứng nhận và dán nhãn; có 3.413 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ sở hữu chuỗi sản phẩm. Các chứng nhận về tính bền vững đặc biệt được săn đón nhiều trong lĩnh vực bán lẻ ở Châu Âu và ngày càng được yêu cầu nhiều hơn trong các phân khúc khác như dịch vụ thực phẩm hoặc trong lĩnh vực chế biến. Vì vậy, với tư cách là một nhà xuất khẩu vào thị trường thủy sản châu Âu, bạn phải nhanh chóng xem xét xu hướng yêu cầu về tính bền vững ở thị trường này càng sớm càng tốt.

Có rất nhiều chứng nhận về tính bền vững trên thị trường, nhưng MSC của Hội đồng Quản lý Biển (the Marine Stewardship Council) và ASC của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (the Aquaculture Stewardship Council) hiện vẫn là những chứng chỉ chính mà các nhà bán lẻ châu Âu cam kết đối với thủy sản đánh bắt tự nhiên và thủy sản nuôi trồng. Theo Tổ chức Hợp tác Chứng nhận và Xếp hạng Thủy sản, 4,6% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu hiện đã được chứng nhận MSC và 0,9% được chứng nhận ASC.

Các sản phẩm được chứng nhận MSC bao gồm cá nguyên con và philê cá, động vật giáp xác (chủ yếu là tôm nước lạnh), và cá đóng hộp (chủ yếu là cá ngừ). Càng ngày, các sản phẩm thủy sản khác như thức ăn cho vật nuôi và bánh quy tôm, cũng đang tìm nguồn cung cấp thủy sản được chứng nhận bền vững. Trong năm 2019/2020, 14.640 sản phẩm thủy sản được chứng nhận MSC có mặt tại thị trường châu Âu và khoảng 887.000 tấn thủy sản được chứng nhận MSC được bán tại thị trường này, tăng 13% so với năm 2018/2019.

ASC được thành lập muộn hơn MSC nhưng đang phát triển rất nhanh. Vào tháng 1 năm 2021, có 1.336 trang trại được chứng nhận ASC và 238 trang trại khác đang được đánh giá. ASC hiện đang quản lý các tiêu chuẩn đối với một số đối tượng thủy sản nuôi trồng như: cá hồi salmon, cá hồi trout, cá tra, cá rô phi, tôm, cá mú, cá tráp, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, bào ngư, cá giò, hải sản nhiệt đới và rong biển. Vào tháng 12 năm 2020, 9.748 sản phẩm thủy sản được chứng nhận ASC đã có mặt tại thị trường châu Âu, tăng 32% so với tháng 12 năm 2019.

Một hạn chế ở các chứng nhận ASC và MSC đó là: các tiêu chuẩn do Hội đồng Quản lý Biển và Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản đưa ra không dễ áp ​​dụng đối với các nhà sản xuất quy mô nhỏ. Một số nhà sản xuất quy mô nhỏ không đủ năng lực để thực hiện các tiêu chuẩn khai thác/ nuôi trồng thủy sản và rất khó khi tổ chức cho nông ngư dân hoạt động theo phương thức đảm bảo liên kết chuỗi sản phẩm. Tuy nhiên, hiện tại, ASC và MSC đang làm cho các tiêu chuẩn của họ ngày càng dễ tiếp cận hơn đối với các hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, giúp các nhà sản xuất quy mô nhỏ đạt được chứng nhận dễ dàng hơn với mức chi phí hợp lý hơn.

Nhận thức chung của người tiêu dùng về tính bền vững đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của MSC và ASC, yếu tố chính là cam kết mà các tập đoàn bán lẻ quốc tế đã thực hiện ở cấp độ doanh nghiệp. Mặc dù các cam kết của họ bắt nguồn từ nhu cầu của người tiêu dùng ở Tây Bắc Âu, hoặc trong một số trường hợp là ở Hoa Kỳ, nhưng giờ đây họ yêu cầu các công ty thuộc tập đoàn của mình ở các thị trường khác cũng phải đáp ứng các mục tiêu tương tự.

Trong những năm qua, Sáng kiến ​​Thủy sản Bền vững Toàn cầu (the Global Sustainable Seafood Initiative - GSSI) đã xử lý hệ thống các tiêu chuẩn chứng nhận tính bền vững. Theo đó, GSSI đảm bảo rằng các chứng nhận đã được phê duyệt, như MSC và ASC, phù hợp với Bộ nguyên tắc của FAO về Thủy sản có trách nhiệm (the FAO Code of Conduct for Responsible Fisheries). Do đó, ngày càng có nhiều tiêu chuẩn chứng nhận, chẳng hạn như Thực hành Nuôi trồng Thủy sản Tốt nhất (Best Aquaculture Practices - BAP) và GLOBALG.A.P. cũng đã được GSSI công nhận. Do đó, rõ ràng đang có sự thay đổi dần dần ở các nhà bán lẻ từ cam kết bán hải sản có nhãn sinh thái (như ASC, MSC) sang cam kết bán hải sản được chứng nhận bởi bất kỳ tiêu chuẩn nào do GSSI đánh giá. Điều này tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, vì ngày càng có nhiều chương trình chứng nhận thủy sản được chấp nhận tại thị trường Châu Âu.

Điều đáng nói là, khi các tập đoàn bán lẻ quốc tế giới thiệu chứng nhận tại một thị trường thủy sản nào đó thì các công ty bán lẻ và công ty dịch vụ thực phẩm khác ngay lập tức phải cung cấp cho thị trường các sản phẩm đã được chứng nhận để duy trì tính cạnh tranh. Một nhà nhập khẩu của Bỉ cho biết: “Các sản phẩm được chứng nhận bền vững chủ yếu được các nhà bán lẻ yêu cầu, các chuỗi siêu thị lớn cũng vậy. Và sau đó bạn thấy rằng các ngành chế biến thực phẩm dưới hình thức món ăn hay suất ăn cho các siêu thị cũng buộc phải phấn đấu để có MSC hoặc ASC”. Trong mấy năm tới, chúng tôi kỳ vọng rằng phần lớn thủy hải sản được bán ở kênh dịch vụ thực phẩm bán lẻ của Châu Âu sẽ được chứng nhận bền vững.

Ahold Delhaize, nhà bán lẻ lớn thứ tư của châu Âu, với hệ thống các siêu thị ở Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Cộng hòa Séc, Serbia, Romania và Hy Lạp, cũng như Hoa Kỳ và Indonesia, chính là ví dụ về nguồn cung ứng hải sản bền vững. Trên trang web của mình, Ahold Delhaize giải thích rằng họ đang làm việc chăm chỉ để đảm bảo tất cả thủy hải sản được bán với nhãn hiệu riêng của họ đều có nguồn gốc bền vững. Nếu không có chứng nhận cho các loài cụ thể (trường hợp của một số loài nhất định trong số các sản phẩm mà họ cung cấp ở Trung và Đông Nam Châu Âu), họ sẽ làm việc với các tổ chức xã hội như WWF để xem xét chặt chẽ chuỗi cung ứng của các sản phẩm đó, đảm bảo rằng Ahold Delhaize không cung cấp nguồn hải sản có ảnh hưởng xấu đến con người hoặc môi trường.

Colruyt Group, một tập đoàn bán lẻ của Bỉ quản lý các siêu thị Colruyt và các công ty con khác ở Bỉ, Pháp và Luxembourg, đã đưa ra cam kết bền vững tương tự, dựa trên việc sử dụng ASC và MSC. Colruyt đã chọn sử dụng tiêu chuẩn ASC và MSC cho những loài thủy sản đáp ứng được yêu cầu. Trường hợp nếu MSC không có sẵn cho một loài cụ thể, Tập đoàn bán lẻ Colruyt Group của Bỉ sẽ yêu cầu viện nghiên cứu thực hiện đánh giá độc lập.

Tính bền vững của thủy sản cũng là một xu hướng chính trị đang phát triển ở Châu Âu và đang được duy trì trong các hệ thống quản lý của Châu Âu. Chiến lược “Farm to Fork” là trọng tâm của Thỏa thuận Xanh Châu Âu (the European Green Deal) nhằm mục tiêu hướng đến một hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường. Điều này có nghĩa là theo thời gian, EU sẽ kiểm soát nghiêm ngặt hơn việc thực hành sản xuất có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, điều này có nghĩa là doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng hàng loạt các yêu cầu của người mua và chịu sự kiểm soát gắt gao khi xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU.  

Ngọc Thúy (theo www.cbi.eu)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác