Cơ hội và thách thức tại thị trường thủy sản Châu Âu - Phần 1 (04-07-2022)

Thị trường thủy sản châu Âu phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do COVID-19. Đại dịch toàn cầu đã gây ra sự thay đổi nhu cầu nhập khẩu của châu Âu và nguồn cung thủy sản ở các nước sản xuất. Bên cạnh đó cũng có những xu hướng (không liên quan đến COVID-19) tiếp tục tạo cơ hội và thách thức cho thị trường này. Học cách thích nghi với thực tế là yếu tố cần thiết để thành công.
Cơ hội và thách thức tại thị trường thủy sản Châu Âu - Phần 1

Bài viết này sẽ đề cập đến các nội dung như: Sau những khó khăn ban đầu, lĩnh vực dịch vụ ăn uống đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm; Gia tăng tiêu thụ các sản phẩm thủy sản đóng gói; Kênh bán hàng trực tuyến phát triển nhanh chóng; Gia tăng cạnh tranh với các sản phẩm trong khu vực; Sự e dè của người tiêu dùng khiến các yêu cầu về chứng nhận sản phẩm tăng; Thủy sản được chứng nhận bền vững tiếp tục chiếm lĩnh thị trường; Dán nhãn sai tạo sự cạnh tranh không lành mạnh; Hợp nhất nhanh chóng thông qua sáp nhập và mua lại…

Kể từ đầu năm 2020, COVID-19 đã có tác động lớn trên toàn cầu. Đại dịch đã tấn công thị trường thủy sản châu Âu vào đầu tháng 3/2020. Ban đầu, nhiều cơ sở kinh doanh đóng cửa, dịch vụ ăn uống ngừng hoạt động, việc di chuyển gần như bất khả thi trên khắp châu Âu; hầu hết các nhà nhập khẩu ngừng thu mua. Sự tăng trưởng dự kiến ​​của năm 2020 đã được thay thế bằng sự sụt giảm mạnh về kim ngạch trong lĩnh vực nhập khẩu thủy sản. Để đối phó với khủng hoảng, ngành công nghiệp thủy sản đã và đang thích ứng với các thay đổi về điều kiện thị trường. Theo khuyến cáo của Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI), các doanh nghiệp thủy sản cần học hỏi từ tình hình thực tiễn để tìm đường vào thị trường Châu Âu.

Sau những khó khăn ban đầu, lĩnh vực dịch vụ ăn uống đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm

Liên quan đến COVID, các quy định giãn cách xã hội và việc đóng cửa các nhà hàng trên khắp châu Âu đã tạo ra nhiều bất ổn cho các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống, mặc dù họ có thể nhận được sự hỗ trợ của chính phủ. Năm 2019, thời điểm trước khi COVID-19 xảy ra, trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm, doanh số tiêu thụ sản phẩm thủy sản chế biến được nhập khẩu từ nước ngoài vào EU là mức cao nhất trong hơn 10 năm. Tuy nhiên, do COVID-19, ngành dịch vụ ăn uống không thể cung cấp dịch vụ phục vụ tại chỗ khiến hoạt động kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng. Vào năm 2020, phân khúc này không còn là thị trường mục tiêu chính cho các sản phẩm thủy sản nhập khẩu.

Ngành công nghiệp dịch vụ thực phẩm đã cố gắng thích ứng với việc đóng cửa địa điểm hoặc sức chứa hạn chế bằng cách cung cấp dịch vụ mua-mang đi và giao hàng tận nhà, vốn là những việc trước đó hiếm khi thực hiện. Mặc dù việc đáp ứng nhu cầu đến mua-mang đi và giao hàng tận nhà chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong hoạt động kinh doanh trước COVID, nhưng những hoạt động này đã giúp các sản phẩm thủy sản tiếp cận khách hàng tiêu thụ cuối cùng thông qua ngành dịch vụ thực phẩm.

Với đợt COVID-19 thứ hai và thứ ba tấn công các nước châu Âu, các quy định liên tục được điều chỉnh và phải mất một thời gian để các nhà hàng mở cửa trở lại hoàn toàn. Tuy nhiên, có ánh sáng cuối đường hầm. Châu Âu muốn 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ vào mùa hè năm 2021 và việc tiêm chủng được tiến hành đúng kế hoạch. Ở một số quốc gia, các nhà hàng đã sớm mở cửa phục vụ ăn uống trong nhà và du lịch tăng trở lại trong những tháng hè. Các nhà nhập khẩu đang kỳ vọng nhu cầu từ lĩnh vực dịch vụ thực phẩm sẽ tăng đáng kể. Điều này có nghĩa là cơ hội mới sẽ tới với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu.

Lời khuyên của CBI:

• Tìm hiểu xem COVID-19 đã tác động như thế nào đến tiêu thụ thủy sản của Châu Âu trong Báo cáo Triển vọng và Thống kê Thương mại của CBI (CBI Trade Statistics and Outlook report).

• Tìm thêm thông tin về cách COVID-19 đã phá vỡ thị trường thủy sản Châu Âu tại “CBI-news article”.

• Liên hệ với người mua của bạn và hỏi họ mong đợi điều gì để bạn chuẩn bị công việc kinh doanh cho phù hợp.

• Theo dõi tiến trình tiêm chủng tại các thị trường mua của bạn để hiểu những gì đang xảy ra ở các quốc gia đó và dự đoán những thay đổi về nhu cầu đối với sản phẩm của bạn.

Gia tăng tiêu thụ các sản phẩm thủy sản đóng gói

Bán lẻ đã và sẽ tiếp tục là một kênh tiếp thị chính cho thủy sản ở châu Âu. Trong thời gian xảy ra COVID-19, việc tiêu thụ hải sản ở các nhà hàng bên ngoài hầu như không thể thực hiện. Với việc các nhà hàng và khách sạn đóng cửa, mọi người buộc phải tự nấu ăn tại nhà. Các sản phẩm thủy sản chủ yếu đến được với người tiêu dùng thông qua hình thức bán lẻ và doanh thu ở phân khúc này đã tăng lên rõ rệt. Các công ty đã cung cấp nhiều loại sản phẩm thủy sản bán lẻ mới nhắm vào người tiêu dùng trong nước. Điều này mang lại cho doanh nghiệp của bạn cơ hội cung cấp các sản phẩm đã qua chế biến và có giá trị gia tăng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Doanh số bán các sản phẩm thủy sản đóng gói tăng lên do sở thích của người tiêu dùng và cách tiếp thị mới. Ngày càng nhiều người tiêu dùng lo sợ rằng các sản phẩm thủy sản không đóng gói dễ bị nhiễm coronavirus, điều này có nghĩa là đã có sự chuyển hướng sang nhu cầu đối với các sản phẩm đóng gói. Các sản phẩm đóng gói thường được bán với kích thước phù hợp cho việc nấu nướng tại nhà, nơi không phải lúc nào cũng có nhiều không gian để chuẩn bị các sản phẩm thủy sản. Ngày càng có nhiều công ty châu Âu quen bán cá tươi nguyên con tại các quầy bán cá đã bắt đầu chuyển sang bán nhiều hải sản hơn dưới dạng sản phẩm đóng gói.

Khi ngành nhà hàng, khách sạn mở cửa trở lại, tần suất nấu nướng hải sản tại nhà được dự báo sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ trải nghiệm việc nấu nướng tại nhà và có thể tiếp tục thực hiện công việc này thường xuyên hơn so với trước khi khủng hoảng xảy ra. Do đó, bán lẻ sẽ vẫn là kênh tiêu thụ thủy sản hết sức quan trọng ở thị trường châu Âu.

Lời khuyên của CBI:

• Cùng với CBI tìm hiểu cách đối phó với COVID-19 của ngành Thủy sản và cách duy trì hoạt động kinh doanh trong những thời điểm khó khăn.

• Cung cấp các sản phẩm hải sản của bạn dưới dạng đóng gói, sẵn sàng sử dụng trong các hộ gia đình ở Châu Âu. Đặc biệt là bạn có thể cung cấp các công thức nấu ăn dân tộc độc đáo với các sản phẩm do doanh nghiệp của bạn cung cấp để giúp người tiêu dùng chế biến và thưởng thức món ăn của họ tại nhà.

Phát triển nhanh hình thức bán hàng trực tuyến

Khi người tiêu dùng trở nên quen dần với “tình hình mới”, nhiều doanh nghiệp đang chuyển sang bán lẻ trực tuyến và tập trung nhiều hơn vào việc củng cố hệ thống giao - nhận hàng hóa. Khối lượng hải sản được bán thông qua kênh thương mại trực tuyến đã tăng đáng kể trong cuộc khủng hoảng COVID-19 và có vẻ như người tiêu dùng đang trở nên quen thuộc hơn với việc mua hải sản trên internet. Điều này có nghĩa là ngày càng nhiều người mua hải sản của bạn thông qua internet, vì vậy việc đầu tư cho kênh tiêu thụ thủy sản trực tuyến cũng trở nên quan trọng hơn.

Có những công ty có cửa hàng web chuyên nghiệp, như Schmidt Zeevis ở Hà Lan và Hiệp hội Cá ở Vương quốc Anh (the Fish Society in the United Kingdom). Nhìn chung, các công ty này có nhiều kinh nghiệm trong việc bán các sản phẩm thủy sản trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng và có dịch vụ hậu cần để giao thủy sản trong một khu vực nhất định.

Các công ty khác bán sản phẩm của họ thông qua các phương tiện truyền thông xã hội như Twitter, Facebook, trong khi trước đó họ thường chỉ bán sản phẩm của mình cho ngành nhà hàng, khách sạn hoặc bán buôn. Ví dụ như DaySeaDay ở Hà Lan bán các sản phẩm thủy sản qua Facebook cho người tiêu dùng cuối cùng ở trong và xung quanh Urk (Hà Lan).

Lời khuyên của CBI:

• Bạn nên ghé thăm các cửa hàng online trên trang web của Châu Âu để tìm hiểu thêm về sản phẩm của họ và cách họ kinh doanh chúng.

• Sáng chế hộp hải sản (seafood boxes) theo chủ đề của riêng bạn dựa trên điểm độc đáo của sản phẩm để thuyết phục người mua. Đặc biệt là ở Tây Bắc Âu, hải sản thường xuyên được bán dưới dạng hộp chủ đề trực tuyến, chẳng hạn như hộp thịt nướng, hộp hải sản hun khói hoặc hộp cá ăn liền. Để có cảm hứng, hãy xem các mục tin tức về 8 hộp thủy hải sản ngon nhất của Vương quốc Anh được giao hàng tận nơi ngon lành.

• Tăng khả năng hiển thị trực tuyến của bạn. Cân nhắc tiếp thị kỹ thuật số thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Kiểm tra cách nhà sản xuất tôm Ecuador Acuamaya sử dụng Facebook và LinkedIn để giao tiếp với khách hàng của mình.

• Nếu bạn có nội dung có thể được sử dụng trên phương tiện truyền thông xã hội, hãy sử dụng nội dung đó như một điểm bán hàng duy nhất cho người mua của bạn, đặc biệt nếu người mua này cũng đang hoạt động trong lĩnh vực bán hàng trực tuyến. Kể câu chuyện về tính bền vững của sản phẩm của bạn, chia sẻ công thức nấu ăn (truyền thống địa phương) để chế biến sản phẩm hoặc chia sẻ sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp. Tất cả các chủ đề này đều có thể là ví dụ điển hình về nội dung video, hình ảnh hoặc thông tin hấp dẫn, nội dung có chất lượng cao.

Gia tăng cạnh tranh với các sản phẩm trong khu vực

Sau nhiều năm phụ thuộc vào thủy sản nhập khẩu để tiêu thụ tại thị trường châu Âu, hiện nay, nhiều sản phẩm thủy sản địa phương cũng đang tìm cách xuất hiện tại thị trường châu Âu. Nhu cầu đối với thủy sản ở châu Âu giảm trong cuộc khủng hoảng COVID-19 đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất thủy sản châu Âu. Ngày càng có nhiều quốc gia châu Âu kích thích người tiêu dùng mua và tiêu thụ các sản phẩm thủy sản được sản xuất trong nước. Đối với doanh nghiệp của bạn, xu hướng này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải cạnh tranh nhiều hơn với các nguồn hải sản địa phương ở châu Âu.

Ví dụ, Hội đồng Thực phẩm Ireland (the Irish Food Board) đã thực hiện các chiến dịch khuyến mại tại các siêu thị đối với mặt hàng cua nâu Ireland (Irish brown crab). Các khu vực ven biển của Hà Lan thì quảng bá thủy sản đến từ các khu vực (như Scheveninger vis, Zuidwester vis và Waddengoud). Dự án Dichtbijvangst đang tích cực làm việc với giới trẻ Hà Lan và các doanh nghiệp dịch vụ thực phẩm để đẩy mạnh tốc độ tiêu thụ thủy sản của Biển Bắc. Đặc biệt trong thời gian đầu của đại dịch, các chợ và siêu thị được kích cầu để tập trung bán các sản phẩm thủy sản trong nước, khiến các sản phẩm khác khó có thể thâm nhập thị trường. Bạn hãy xem thêm các ví dụ khác ở Pháp và Anh.

Liên minh châu Âu không tự cung tự cấp được nhiều sản phẩm thủy sản, vì vậy, EU sẽ vẫn phải tiếp tục nhập khẩu một số sản phẩm từ bên ngoài. Xu hướng này là một trong những điều bạn cần lưu ý. Nó cho phép bạn tập trung nỗ lực để tận dụng tốt hơn những lợi thế mà bạn có thể có được. Câu chuyện thú vị về một sản phẩm nào đó được sản xuất bền vững do nông dân sản xuất quy mô nhỏ có thể khuyến khích việc mua hàng mặc dù đó là sản phẩm nhập khẩu.

Lời khuyên của CBI:

• Sử dụng các tiêu chí như giá cả, độ tươi ngon của sản phẩm và tính linh hoạt trong hoạt động kinh doanh sản phẩm sẽ giúp bạn cạnh tranh tốt hơn khi tình trạng nguồn cung quá lớn các sản phẩm thủy sản như hiện nay tại thị trường Châu Âu sau cuộc khủng hoảng COVID-19. Những tiêu chí này có tầm quan trọng cao, quyết định việc thành/bại của bạn.

• Cho người mua của bạn thấy rằng bạn là một đối tác đáng tin cậy, cả hiện tại và trong tương lai. Duy trì được mối quan hệ tốt là rất quan trọng trong giai đoạn khó khăn này.

• Khai thác các điểm mạnh của bạn. Hiểu rằng mặc dù một số xu hướng gây ra mối đe dọa đối với hoạt động kinh doanh của bạn, nhưng bên cạnh đó vẫn có những xu hướng khác lại mang đến cơ hội cho bạn. Xem xét lại hoạt động doanh nghiệp của bạn và điều chỉnh các chiến lược tiếp thị để thúc đẩy các lĩnh vực kinh doanh phù hợp với xu hướng hiện tại.

Sự không tin tưởng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thủy sản đã khiến yêu cầu của người mua gia tăng đối với vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm và chứng nhận bền vững. Song song với đó, các doanh nghiệp có thể có được cơ hội tốt khi cung cấp các sản phẩm thủy sản đảm bảo nguồn gốc và được sản xuất có trách nhiệm. Việc truyền đạt những thông tin này một cách rõ ràng, hiệu quả, có thể giúp các nhà sản xuất nâng mức giá bán các  sản phẩm của họ trên thị trường. Bên cạnh đó, cũng có các xu hướng kinh doanh tiêu cực (như dán nhãn sai) nhưng điều này sẽ gây thiệt hại về lợi nhuận cho chính các nhà sản xuất thực hiện hành vi gian dối. Nhận thức đúng đắn tất cả những xu hướng nêu trên sẽ giúp bạn thâm nhập tốt vào thị trường thủy sản châu Âu.

Ngọc Thúy (theo www.cbi.eu)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác