Các yêu cầu của Châu Âu đối với thủy sản nhập khẩu (Phần 4, hết) (01-07-2022)

Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) đã giúp các doanh nghiệp thủy sản tìm hiểu kỹ hơn các yêu cầu của Châu Âu đối với thị trường ngách (niche markets).
Các yêu cầu của Châu Âu đối với thủy sản nhập khẩu (Phần 4, hết)
Ảnh minh họa

Tại châu Âu, thị trường ngách bán lẻ cao cấp (the high-end retail niche market) yêu cầu doanh nghiệp cung ứng thủy sản phải sử dụng các công nghệ mới (như: truy xuất nguồn gốc thủy sản) với mức độ kiểm soát cao. Việc người tiêu dùng quan tâm hơn đến nguồn gốc thủy sản đã khuyến khích việc truy xuất nguồn gốc trong kênh bán lẻ và cũng kích thích sự gia tăng các mặt hàng thủy sản được chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Mức độ truy xuất nguồn gốc có thể rốt ráo đến việc biết rõ sản phẩm tôm này đến từ ao nào hoặc tên của ngư dân đã đánh bắt cá. Là một nhà xuất khẩu, thực sự không dễ đáp ứng hết tất cả những yêu cầu này. Nhưng xét ở góc độ khác, đây chính là cơ hội giúp bạn tiếp cận thị trường rộng lớn hơn với mức giá bán ra cao hơn.

Tăng nhu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm  

Các công ty cung cấp giải pháp và dịch vụ truy xuất nguồn gốc (traceability innovators) đang cung cấp ngày càng nhiều loại hình dịch vụ truy xuất nguồn gốc; Đồng thời, thị trường thủy sản cũng thể hiện sự quan tâm đối với lĩnh vực này, kể cả các “thị trường ngách” (niche markets). Nếu bạn cung cấp thủy sản cho các nhà bán lẻ ở châu Âu, trước sau gì bạn cũng phải đối mặt với các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thủy sản để tránh gian lận, ghi sai nhãn và các rủi ro do có sản phẩm thủy sản đánh bắt IUU xâm nhập vào chuỗi cung ứng thủy sản tại thị trường châu Âu. Nếu bạn muốn trở thành người tiên phong trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc thủy sản, hãy chủ động liên kết chặt chẽ với các công ty cung cấp giải pháp, dịch vụ truy xuất nguồn gốc và các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi. 

Thực chất của yêu cầu truy xuất nguồn gốc là để loại trừ các rủi ro từ việc khai thác IUU và các hoạt động gian lận thủy sản khác đang trở nên nghiêm trọng hơn tại các thị trường bán lẻ châu Âu. Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu được kích thích bởi các cơ hội đến từ các công nghệ mới về truy xuất nguồn gốc thủy sản; mặt khác họ cũng đang chịu áp lực về vấn đề duy trì danh tiếng. Trên thị trường bán lẻ thủy sản của châu Âu, các siêu thị luôn coi trọng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Nhiều nhà bán lẻ châu Âu đang bắt đầu nhìn xa hơn khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm tiêu dùng.

Đối với thủy sản nuôi trồng, các rủi ro về uy tín sản phẩm xảy ra trong các chuỗi bán lẻ thường liên quan đến việc sử dụng bột cá và dầu cá từ các nguồn không bền vững hoặc thiếu trách nhiệm. Ví dụ như các sản phẩm bột cá, dầu cá được sản xuất từ các nguồn thủy sản bị đánh bắt quá mức hoặc sử dụng các phương pháp gây tổn hại đến hệ sinh thái. Bản thân các nhà bán lẻ cũng như các nhà cung cấp đang nỗ lực để đưa năng lực truy xuất nguồn gốc lên cấp độ cao hơn.

Một số nhà bán lẻ ở Châu Âu đã tham gia vào "Đội Đặc nhiệm Thủy sản" (the Seafood Taskforce). Đây là một tổ chức phi lợi nhuận với các thành viên là các doanh nghiệp, tổ chức chính phủ và tổ chức phi chính phủ. Lực lượng này ra đời với sứ mệnh giải quyết các vấn đề khai thác IUU và những thiệt hại về môi trường và xã hội do khai thác IUU gây ra.

Lực lượng đặc nhiệm thủy sản đang thử nghiệm một công cụ mới, cho phép họ theo dõi nguồn gốc của các nguyên liệu đầu vào khác nhau ở các trang trại; ví dụ, truy tìm nguồn gốc của bột cá và dầu cá được sử dụng trong trang trại (bằng việc lần ngược trở lại từ các tàu thuyền và nguồn cung các sản phẩm này). Các nhà bán lẻ sẽ yêu cầu các nhà cung cấp của họ phải cố gắng lập bản đồ toàn bộ chuỗi cung ứng và tất cả các đầu vào của nó. Bạn có thể tưởng tượng thách thức đó lớn nhường nào.

Một công ty thủy sản đang nỗ lực để giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng là Thai Union. Với các đối tác như Calysta và Corbion, cung cấp các nguồn protein thay thế cho bột cá và dầu cá. Hiện Thai Union đang đặt mục tiêu sản xuất dòng sản phẩm không chứa bột cá. Protein đơn bào Calysta’s Feedkind và protein dựa trên tảo Corbion có thể giảm gần như hoàn toàn việc sử dụng bột cá và dầu cá. Calysta và Corbion chỉ là 2 trong số rất nhiều nhà đổi mới đang nghiên cứu các thành phần thay thế như vậy.

Sản phẩm Calysta’s Feedkind là một ví dụ tuyệt vời về cách các thành phần thay thế đã góp phần giúp các đối tác trong chuỗi cung ứng tăng khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm của họ. Với một bài kiểm tra đơn giản, có thể xác nhận sản phẩm đóng gói dành cho người tiêu dùng có chứa thành phần Feedkind hay không. Nếu không, chuỗi cung ứng đó cần được xem xét, giải quyết.

Truy xuất nguồn gốc DNA là một cách khác để tăng khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Từ lâu, phương pháp này đã được sử dụng trong các lĩnh vực protein động vật, nhưng hiện nay nó cũng đang được phát triển cho thủy hải sản nuôi. Chuỗi siêu thị Marks & Spencer của Vương quốc Anh và nhà nhập khẩu Seafresh của Vương quốc Anh đã thông báo vào năm 2017 rằng họ sẽ hợp tác với Identigen, một công ty công nghệ truy xuất nguồn gốc DNA. Cả 3 công ty đã tuyên bố rằng “quan hệ đối tác này sẽ đảm bảo tính minh bạch… [và] rằng những gì họ đang mua có nguồn gốc từ các nguồn đã được phê duyệt.”

Bạn có thể đọc thêm về việc sử dụng các protein thay thế và đổi mới kỹ thuật số trong ngành tôm tại ấn phẩm đổi mới của ShrimpTails (the innovation issue of ShrimpTails) được xuất bản vào tháng 9 năm 2018.

Yêu cầu của thị trường thủy sản hữu cơ

Thị trường thủy sản hữu cơ tương đối ổn định. Các thị trường lớn nhất có mặt ở Vương quốc Anh và Đức, tiếp theo là Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Mặc dù một số chuyên gia kỳ vọng rằng phân khúc thị trường này sẽ tăng trưởng nhanh chóng, nhưng không có bằng chứng rõ ràng cho thấy điều đó thực sự xảy ra và việc tiêu thụ thủy sản hữu cơ ở châu Âu dường như tương đối ổn định. Tuy nhiên, nếu xét đến các xu hướng về bảo vệ sức khỏe và tính bền vững, Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) thực sự mong đợi sự tăng trưởng của thị trường hữu cơ trong dài hạn.

Thủy sản hữu cơ chỉ có thể có nguồn gốc từ nuôi trồng thủy sản vì trong các quy định hữu cơ của Liên minh Châu Âu, yêu cầu tất cả thủy sản hữu cơ nhập khẩu phải tuân thủ, không cho phép hải sản đánh bắt tự nhiên được chứng nhận là thủy sản hữu cơ. Các mặt hàng phổ biến nhất được tìm thấy trong phân khúc hữu cơ là các loài như tôm (tôm sú và tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương), cá hồi salmon và cá hồi trout.

Thủy sản hữu cơ phải là loài bản địa ở nơi sản xuất ra nó. Trong khi cá hồi ngày càng được sản xuất nhiều bằng các hệ thống tuần hoàn khép kín trong nhà ở Châu Á và Châu Phi, do đó loài cá này không bao giờ có thể được “chứng nhận hữu cơ” theo Quy định hiện hành của Liên minh Châu Âu. Điều đó cũng có nghĩa là tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương sinh thái chỉ có thể có nguồn gốc từ châu Mỹ, trong khi tôm sú sinh thái chỉ có thể có nguồn gốc từ châu Phi hoặc châu Á.

Sẽ rất tốt nếu như bạn có sản phẩm được chứng nhận là “thủy sản hữu cơ”. So với thị trường thủy sản được chứng nhận bền vững, người tiêu dùng sẵn sàng trả một khoản tiền cao hơn để mua “thủy sản hữu cơ”. Thông thường, cá và tôm sinh thái vẫn được bán với giá cao hơn từ 15% đến 40%. Dưới đây là một ví dụ để bạn so sánh về hai loại chứng nhận hữu cơ và bền vững: Tại chuỗi siêu thị Albert Heijn ở Hà Lan, cá hồi hữu cơ của Na Uy có giá khoảng €36 một kg, trong khi cá hồi được chứng nhận ASC của Na Uy chỉ có giá khoảng €26 một kg, giá mặt hàng cá hữu cơ cao hơn 38,5%.

Để bán thủy sản hữu cơ tại thị trường châu Âu, yêu cầu tối thiểu mà bạn cần đáp ứng là Quy định về thủy sản hữu cơ của Liên minh châu Âu. Sự tuân thủ này sẽ cho phép bạn đặt lá xanh của Liên minh Châu Âu trên bao bì (xem ảnh minh họa bên dưới).

Xin nhắc lại, chỉ thủy sản nuôi trồng mới có thể được chứng nhận là “hữu cơ” và phải là loài có nguồn gốc bản địa. Để được công nhận sản phẩm hữu cơ, còn có nhiều quy định liên quan đến nguyên liệu đầu vào, chẳng hạn như kháng sinh hoặc sản phẩm biến đổi gen (genetically modified organisms - GMO), thức ăn chăn nuôi, chất bảo quản…

Lời khuyên của CBI:

• Xem báo cáo chi tiết của CBI về thị trường thủy sản hữu cơ của Liên minh Châu Âu.

• “Báo cáo thị trường Liên minh Châu Âu năm 2016” của IFOAM (tổ chức bảo trợ của Châu Âu về thực phẩm hữu cơ và nông nghiệp hữu cơ). Báo cáo này đã cung cấp các thông tin về thị trường hữu cơ ở Châu Âu.

• Đọc thêm về các quy tắc và quy định đối với nuôi trồng thủy sản hữu cơ và các quy tắc, quy định về ghi nhãn các sản phẩm hữu cơ.

Ngọc Thúy (theo www.cbi.eu)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác