Các yêu cầu của Châu Âu đối với thủy sản nhập khẩu (Phần 3) (23-06-2022)

Tại thị trường thủy sản Châu Âu, ngoài các quy định bắt buộc do Liên minh châu Âu thiết lập, bản thân người tiêu thụ thủy sản ở thị trường này cũng có những yêu cầu riêng đối với thủy sản nhập khẩu.
Các yêu cầu của Châu Âu đối với thủy sản nhập khẩu (Phần 3)
Ảnh minh họa

Bên cạnh các yêu cầu mà các nước Châu Âu đã đặt ra, vẫn còn một loạt yêu cầu chung mà hầu hết người mua muốn bạn phải đáp ứng. Người mua muốn có bằng chứng rằng công ty của bạn và các cơ sở của nó luôn tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, trách nhiệm xã hội và môi trường. Ví dụ: Chứng nhận về tính bền vững (sustainability certifications) là một trong các yêu cầu bắt buộc khi gia nhập thị trường bán lẻ Tây Bắc Âu; Đồng thời, chứng nhận về tính bền vững cũng đang trở thành yêu cầu gắt gao ở các thị trường tiêu dùng cuối cùng khác (end-consumer markets).

Chứng nhận An toàn thực phẩm

Các quy định về an toàn thực phẩm của Ủy ban Châu Âu được coi là một trong những tiêu chuẩn pháp lý nghiêm ngặt nhất về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hầu hết người mua châu Âu sẽ có các yêu cầu bổ sung đối với vấn đề an toàn thực phẩm. Cụ thể, người mua ở Châu Âu sẽ yêu cầu các cơ sở của bạn được chứng nhận bởi bên thứ ba. Các tiêu chuẩn được yêu cầu phổ biến nhất là Hiệp hội Bán lẻ Anh (British Retail Consortium - BRC) và Tiêu chuẩn Quốc tế (International Featured Standards - IFS).

Ngành công nghiệp thủy sản đang cố gắng hài hòa các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và tăng cường sự chấp nhận lẫn nhau thông qua việc đánh giá các chương trình an toàn thực phẩm của bên thứ ba được thực hiện bởi Sáng kiến ​​An toàn Thực phẩm Toàn cầu (Global Food Safety Initiative - GFSI). Ngày càng có nhiều chương trình đề án được GFSI thông qua nên có khả năng các nhà bán lẻ và các nhà phân phối sẽ chấp nhận các chương trình đề án đó, giảm áp lực cho các nhà cung cấp trong việc áp dụng nhiều chương trình an toàn thực phẩm của bên thứ ba (third-party food safety schemes).

Lời khuyên của CBI: Truy cập các trang web của Công ty Tiêu chuẩn Toàn cầu BRC (the BRC Global Standards company) và tìm hiểu Tiêu chuẩn Quốc tế IFS để nắm bắt thông tin chi tiết về các tiêu chuẩn và các yêu cầu chứng nhận. Vào cơ sở dữ liệu BRC, tìm kiếm thông tin về quốc gia của bạn và các quốc gia có sản xuất sản phẩm giống bạn; tìm kiếm thông tin về những đối thủ cạnh tranh đã được chứng nhận BRC.

Chứng nhận trách nhiệm xã hội

Cũng giống như chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận trách nhiệm xã hội chủ yếu liên quan đến các cơ sở chế biến thủy sản. Các chứng nhận này đề cập đến quyền lợi, sức khỏe và thu nhập của người lao động tại các cơ sở chế biến cũng như toàn bộ chuỗi cung ứng rộng lớn. Tại thời điểm này, việc chứng nhận chuỗi cung ứng theo các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội có thể là rất khó đối với bạn. Phần lớn các siêu thị ở Hoa Kỳ tự kiểm tra và cấp chứng nhận trách nhiệm xã hội, trong khi các siêu thị ở Châu Âu thường yêu cầu nhà cung cấp thủy sản phải được cấp chứng nhận trách nhiệm xã hội bởi bên thứ ba.

Ở Châu Âu, các chương trình chứng nhận trách nhiệm xã hội của bên thứ ba được chấp nhận rộng rãi nhất là “Tiêu chuẩn SA8000 của SAI” (Social Accountability International’s SA8000 Standard) và “Sáng kiến ​​Tuân thủ Xã hội của Doanh nghiệp” (Business Social Compliance Initiative - BSCI). Trong khi SA8000 thuần túy là công cụ đánh giá về việc tuân thủ trách nhiệm xã hội thì BSCI còn tiến xa hơn nữa, yêu cầu các doanh nghiệp phải chứng minh rằng doanh nghiệp của họ đang nỗ lực không ngừng để cải thiện tình hình khi phát hiện ra thiếu sót. Càng ít thiếu sót và càng có nhiều biểu hiện tiến bộ thì xếp hạng BSCI càng cao.

Với nhiều cáo buộc liên quan đến quyền lao động được đưa ra đối với một số nghề cá trên toàn thế giới (chẳng hạn như bóc lột sức lao động và nạn buôn người) thì việc coi trọng trách nhiệm xã hội và việc doanh nghiệp của bạn hoạt động với chứng nhận trách nhiệm xã hội được cấp bởi bên thứ ba có thể khiến doanh nghiệp của bạn trở thành doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực hoạt động của mình; đồng thời, doanh nghiệp của bạn sẽ là nhà cung cấp thủy sản được ưa chuộng tại thị trường Châu Âu.

Một ví dụ về Omarsa - công ty nổi tiếng với chiến dịch bảo vệ quyền lợi của người lao động. Omarsa là nhà xuất khẩu tôm của Ecuador, là thành viên của Sedex, đã cho phép các thành viên cải thiện phương thức kinh doanh và điều kiện làm việc trong chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu. Kế hoạch thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (corporate social responsibility - CSR) bao gồm các dự án cấp nước cho cộng đồng dân cư sống quanh các trang trại nuôi tôm và việc thực hiện các dự án sinh kế khác. Bạn hãy tìm hiểu các dự án trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Omarsa cũng như các dấu ấn về môi trường và xã hội do dự án CSR đem lại.

Chứng nhận bền vững

Không giống như chứng nhận an toàn thực phẩm và chứng nhận trách nhiệm xã hội chủ yếu thực hiện tại cơ sở chế biến thủy, chứng nhận bền vững có liên quan đến cơ sở chế biến của bạn và các địa điểm sản xuất khác mà tại đó cung cấp nguyên liệu thô để sản xuất. Bất kể là tàu đánh cá hay trang trại nuôi cá, ngày càng nhiều người mua ở Châu Âu yêu cầu các cơ sở sản xuất chính của bạn phải được chứng nhận bền vững.

Chứng nhận bền vững không chỉ dừng lại là một yêu cầu cần thiết, mà đang trở thành yêu cầu bắt buộc. Trước đây, chứng nhận bền vững chỉ được yêu cầu ở thị trường bán lẻ Tây Bắc Âu, nhưng hiện nay các nhà bán lẻ ở các khu vực khác của Châu Âu và thị trường dịch vụ thực phẩm cũng bắt đầu sử dụng chứng nhận bền vững như một yêu cầu tiếp cận thị trường.

Chương trình chứng nhận bền vững được chấp nhận phổ biến nhất ở Châu Âu đối với hải sản đánh bắt tự nhiên là MSC của Hội đồng Quản lý Biển (Marine Stewardship Council). Chứng nhận bền vững được chấp nhận phổ biến nhất đối với thủy sản nuôi trồng là ASC của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (Aquaculture Stewardship Council). Nếu bạn chưa có chứng nhận bền vững MSC/ASC thì việc có FIP của Dự án Cải thiện Nghề cá (Fishery Improvement Project) cũng có thể giúp bạn tìm được người mua và tiếp cận thị trường EU.

Ngoài ra, trên thế giới còn có rất nhiều chương trình chứng nhận khác (như: Friends of the Sea, GLOBALG.A.P., Best Aquaculture Practices) tùy thuộc vào yêu cầu của mỗi thị trường nhất định mà doanh nghiệp của bạn muốn tiếp cận.

Sự chấp nhận của thị trường đối với các chứng nhận bền vững có thể thay đổi khi có thêm nhiều nhà bán lẻ và các nhà phân phối khác cam kết chỉ cung cấp thủy sản có chứng nhận nguồn gốc từ các chương trình đã được tiêu chuẩn hóa bởi Sáng kiến ​​Thủy sản Bền vững Toàn cầu (Global Sustainable Seafood Initiative - GSSI). Sau khi có thêm nhiều chương trình chứng nhận được thông qua, các nhà bán lẻ không bị buộc phải cam kết thực hiện một chương trình duy nhất, thay vào đó, sẽ cam kết với bất kỳ chương trình chứng nhận nào đã được GSSI đánh giá tích cực.

Nếu bạn muốn tiếp cận và duy trì hoạt động kinh doanh tại các thị trường bán lẻ châu Âu, bạn cần đầu tư để có được chứng nhận bền vững cho cơ sở sản xuất của bạn và các nhà cung cấp của bạn. Về lâu dài, xu hướng này không chỉ áp dụng cho thị trường bán lẻ mà còn áp dụng cho các dịch vụ ăn uống và các chợ đầu mối.

Lời khuyên của CBI:

• Để có cái nhìn tổng quan, đầy đủ về các chương trình chứng nhận trong lĩnh vực thủy sản, hãy tham khảo Bản đồ Bền vững của ITC (the ITC Sustainability Map). Nhập lĩnh vực hoạt động hoặc sản phẩm của bạn, khu vực hoặc quốc gia sản xuất và khu vực hoặc quốc gia mục tiêu để nhận được các thông tin liên quan.

• Kiểm tra các trang web của ASC và MSC để tìm hiểu thêm về các tiêu chuẩn chứng nhận của họ, và cũng để xem đối thủ cạnh tranh nào của bạn đã được chứng nhận,. Xin lưu ý rằng sản phẩm của bạn phải được chứng nhận về phương pháp sản xuất và cơ sở của bạn phải được chứng nhận Quy trình Giám sát Nguồn gốc của ASC hoặc MSC (the Chain of Custody certifications) để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng.

• Tìm hiểu về GSSI để hiểu về tiêu chuẩn toàn cầu và các chứng nhận đã được GSSI phê duyệt.

• Kiểm tra cơ sở dữ liệu FIP để xem nghề cá nào tham gia vào FIP và tiến độ đang đạt được. Hồ sơ FIP cũng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những gì bạn cần làm để có một nghề cá bền vững.

Ngọc Thúy (theo www.cbi.eu)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác