Các yêu cầu của Châu Âu đối với thủy sản nhập khẩu (Phần 1) (09-06-2022)

An toàn thực phẩm là nội dung quan trọng ở thị trường thủy sản Châu Âu. Trong thời gian qua, Liên minh Châu Âu (EU) đã thiết lập những rào cản để điều chỉnh việc nhập khẩu thủy sản. Khi các vấn đề như dán nhãn sai, gian lận, và các hành vi bất hợp pháp khác ngày càng lộ rõ, Ủy ban Châu Âu (EC) cũng như các doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có phản ứng gay gắt. Do đó, ngày càng có nhiều quy định bắt buộc, yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu phải tuân thủ để được phép thâm nhập vào thị trường Châu Âu.
Các yêu cầu của Châu Âu đối với thủy sản nhập khẩu (Phần 1)
Ảnh minh họa

Cụ thể một số yêu cầu bắt buộc

Sản phẩm của bạn phải được dán nhãn chính xác, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc rõ ràng và đầy đủ các giấy chứng nhận cần thiết khác. Nhìn chung có rất nhiều điều phải suy nghĩ, các thông tin dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng thể về những yêu cầu quan trọng nhất để bạn nghiên cứu, xem xét, đáp ứng tất cả các yêu cầu bắt đầu từ quốc gia của bạn.

Muốn xuất khẩu sản phẩm sang Châu Âu, quốc gia của bạn cần được các cơ quan có thẩm quyền của Châu Âu công nhận. Vì lý do này, quốc gia của bạn phải có các quy định cũng như có  năng lực thực thi để đảm bảo thủy sản đất nước bạn đáp ứng được tất cả các yêu cầu về an toàn thực phẩm của Châu Âu và không gây mối đe dọa nào cho người tiêu dùng Châu Âu.

Sau khi Chính phủ đất nước bạn xin phê duyệt từ Liên minh Châu Âu cho phép xuất khẩu thủy sản, các cơ quan có thẩm quyền của Châu Âu sẽ tham gia vào một cuộc đối thoại và chỉ định một “cơ quan có thẩm quyền”. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm phát triển và thực thi các quy định nhằm đáp ứng các yêu cầu của Châu Âu.

“Cơ quan có thẩm quyền” được hiểu là cơ quan quản lý nhà nước ở quốc gia của bạn được Liên minh Châu Âu chỉ định là cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc giám sát các sản phẩm thủy sản xuất khẩu đến Liên minh Châu Âu, để đảm bảo an toàn và chất lượng thực phẩm. Theo đó, Liên minh Châu Âu sẽ ký một thỏa thuận với bộ phận này, giao cho họ trách nhiệm thực thi các biện pháp kiểm soát bắt buộc trước khi xuất khẩu.

Thông thường, cơ quan có thẩm quyền là một cơ quan quản lý các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, như: Cơ quan có thẩm quyền ở Peru là "Organismo Nacional de Sanidad Pesquera (SANIPES)"; ở Costa Rica là Cục Thú y Quốc gia - "National Animal Health Services (SENASA)"; ở Senegal là Tổng cục Công nghiệp Chế biến Thủy sản "Directorate of Fish Processing Industries"; ở Bangladesh là Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Phát triển Nông thôn (the Department of Fisheries in the Ministry of Agriculture, Fisheries and Rural Development); và tại Việt Nam là NAFIQAD - Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sau khi cơ quan có thẩm quyền được chỉ định và sau khi Liên minh Châu Âu chấp thuận cho xuất khẩu thủy sản sang Châu Âu, cơ quan có thẩm quyền sẽ phê duyệt các doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang Châu Âu.

Trước đó, đại diện của cơ quan có thẩm quyền tại quốc gia của bạn sẽ đến thăm và kiểm tra các cơ sở để đảm bảo rằng các quy định của Châu Âu đều được đáp ứng. Các yêu cầu chính mà bạn với tư cách là nhà xuất khẩu cần đáp ứng là việc thực hiện các tiêu chuẩn phân tích mối nguy và các điểm kiểm soát tới hạn (the hazard analysis and critical control points - HACCP) và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm ở các tàu đánh cá hoặc trang trại nuôi trồng thủy sản.

HACCP là một phương pháp kiểm soát quy trình chế biến. Phương pháp này giúp bạn xác định các vấn đề bất cập có thể xảy ra; đồng thời hướng dẫn cách ngăn ngừa và giải quyết chúng, nhằm đảm bảo vệ sinh, an toàn và truy xuất nguồn gốc. Châu Âu có một trong những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao nhất trên thế giới. Các sản phẩm bị phát hiện không tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của Châu Âu sẽ được lưu vào danh sách trong Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (the Rapid Alert System for Food and Feed - RASFF).

Các quy định của Liên minh Châu Âu về vệ sinh thực phẩm bao gồm tất cả các giai đoạn từ sản xuất, chế biến, phân phối và đưa ra tiêu thụ tại thị trường thực phẩm cho người. Các quy tắc vệ sinh của Liên minh Châu Âu bao gồm những điểm sau: Chịu trách nhiệm chính về an toàn thực phẩm thuộc về nhà điều hành kinh doanh thực phẩm; Phải đảm bảo an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi thực phẩm, bắt đầu từ khâu sản xuất; Thực hiện toàn bộ các thủ tục trên nguyên tắc “phân tích mối nguy và các điểm kiểm soát tới hạn” (HACCP); Áp dụng các yêu cầu vệ sinh cơ bản, và có thể có những quy định bổ sung khác đối với một số loại thực phẩm.

Định kỳ hai năm một lần, một nhóm thanh tra của các cơ quan có thẩm quyền của Liên minh Châu Âu sẽ đến quốc gia của bạn, gặp mặt cơ quan có thẩm quyền ở đất nước bạn. Liên minh Châu Âu sẽ kiểm tra các hệ thống được áp dụng và đi thăm một số cơ sở trong toàn bộ chuỗi cung ứng ở quốc gia của bạn để xem xét xem các quy định có được thực hiện đúng hay không. Tại bản báo cáo đánh giá, các thanh tra viên của Liên minh Châu Âu sẽ báo cáo về những phát hiện của họ và đưa ra các khuyến nghị để cải thiện.

Điều quan trọng là cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan trong chuỗi cung ứng thủy sản ở nước bạn phải hợp tác với các thanh tra viên và có hành động kịp thời thể hiện việc thực hiện các khuyến nghị do EU đưa ra. Khi các khuyến nghị được đáp ứng, Liên minh Châu Âu sẽ không có bất kỳ hành động nào. Nhưng nếu các cơ quan chức năng của bạn từ chối thực hiện theo các khuyến nghị đó, Liên minh Châu Âu có thể sẽ áp dụng các biện pháp mạnh hơn đối với việc nhập khẩu thủy sản từ quốc gia của bạn. Trong trường hợp xấu nhất, tình huống này có thể dẫn đến lệnh cấm thương mại đối với toàn bộ ngành thủy sản của đất nước bạn.

Điều quan trọng cần nhận ra là nếu bạn muốn xuất khẩu thủy sản nuôi trồng sang Châu Âu, các cơ quan quản lý nhà nước ở quốc gia của bạn cần được phê duyệt đặc biệt dựa trên Kế hoạch Giám sát Dư lượng (Residue Monitoring Plan - RMP). Theo đó, Kế hoạch Giám sát Dư lượng cần được các cơ quan có thẩm quyền Châu Âu phê duyệt và được đánh giá riêng biệt sau 2 hoặc 3 năm.

Mặc dù các quy định này đã được áp dụng trong nhiều năm và rất hiếm khi thay đổi, nhưng là các quy định bắt buộc, là yêu cầu quan trọng nhất để bạn và quốc gia của bạn phải đáp ứng. Có những quốc gia mới bắt đầu tiếp cận thị trường Liên minh Châu Âu đối với các sản phẩm nuôi trồng thủy sản, chẳng hạn như Myanmar, hoặc các quốc gia vẫn đang nỗ lực để tiếp cận, chẳng hạn như Nigeria. Đây là một quá trình kéo dài, đòi hỏi sự cam kết của tất cả các bên liên quan tại quốc gia xuất khẩu.

Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (the Centre for the Promotion of Imports from developing countries - CBI) đã khuyến cáo như sau: Hãy kiểm tra xem liệu quốc gia của bạn đã được Liên minh Châu Âu chấp thuận chưa và những doanh nghiệp nào ở nước bạn được phép xuất khẩu thủy sản sang Châu Âu, trên cổng thông tin điện tử “the EU Traces portal”. Nghiên cứu xem những gì mà cơ quan có thẩm quyền ở quốc gia của bạn phải làm để được chấp thuận xuất khẩu thủy sản sang Liên minh Châu Âu. Liên hệ với Open Trade Gate Sweden nếu bạn có câu hỏi cụ thể về các quy định và yêu cầu của Thụy Điển và Liên minh Châu Âu.

Quy định về mức dư lượng tối đa

Liên minh châu Âu có các quy định nghiêm ngặt và phức tạp về mức dư lượng tối đa (maximum residue levels - MRL) đối với thủy hải sản. Các mức này được viết ra trong các văn bản quy định khác nhau. Tùy thuộc vào loài và nguồn gốc (thủy sản khai thác hoặc nuôi trồng), bạn cần chứng minh trong mỗi chuyến hàng rằng sản phẩm của bạn không vượt quá mức dư lượng tối đa, bằng cách cung cấp giấy chứng nhận do phòng thí nghiệm được chỉ định cấp cho lô hàng của bạn.

Nếu muốn xuất khẩu sang châu Âu, bạn cần đảm bảo rằng các nguyên liệu thô mà bạn sử dụng đều đáp ứng các tiêu chuẩn của Châu Âu và vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi được nhập liệu vào nhà máy của bạn. Bạn cũng cần đảm bảo rằng các nhà cung cấp của bạn đã xử lý sản phẩm một cách cẩn thận bằng cách duy trì dây chuyền lạnh thích hợp và các phương tiện bảo quản hợp vệ sinh. Bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu một container bị từ chối khi cập cảng Châu Âu.

Một số quy định cần lưu ý khi xuất khẩu thủy sản sang Châu Âu

• Regulation (EC) No 470/2009 quy định mức dư lượng tối đa đối với các chất/ hóa chất/ thuốc kháng sinh… trong thực phẩm có nguồn gốc động vật. Bạn có thể xem danh sách đầy đủ về các chất/ hóa chất/ thuốc và các quy định về mức dư lượng tối đa trong Phụ lục của Regulation (EU) No 37/2010;

• Regulation (EC) No 396/2005 quy định mức dư lượng tối đa của Liên minh Châu Âu đối với thuốc trừ sâu. Ngoài ra, tất cả các quy định có liên quan đều được cập nhật trong một cơ sở dữ liệu công khai do Liên minh Châu Âu quản lý;

• Regulation (EC) No 1881/2006 quy định mức dư lượng tối đa đối với một số chất gây ô nhiễm môi trường như kim loại nặng, thủy ngân;

• Một số chất khác được Liên minh Châu Âu xếp vào nhóm phụ gia thức ăn chăn nuôi (feed additives) như coccidiostats và histomonostats, cũng có thể để lại dư lượng trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật được nuôi bằng thức ăn có chứa phụ gia. Bạn có thể xem: Danh sách Phụ gia Thức ăn chăn nuôi của Liên minh Châu Âu (the European Union Register of Feed Additives).

Mặc dù các quy định của Liên minh Châu Âu rất phức tạp, nhưng không phải tất cả các loại dư lượng đều được Liên minh Châu Âu đề cập hoặc mô tả rõ ràng. Thỉnh thoảng, các quy định lại thay đổi khi các nhà chức trách châu Âu quyết định giám sát nghiêm ngặt hơn dư lượng các chất/ hóa chất/ thuốc kháng sinh nhất định nào đó. Ngoài ra, các cơ quan chức năng ở quốc gia của bạn cũng đóng vai trò rất quan trọng. Cụ thể là, cơ quan có thẩm quyền ở quốc gia của bạn sẽ quyết định mức dư lượng tối đa đối với các chất/ hóa chất/ thuốc kháng sinh… phù hợp với bối cảnh phát triển của ngành thủy sản đất nước bạn.

Hàm lượng Chlorate trong thủy hải sản nhập khẩu là một trong những tồn dư được chú ý nhiều vào năm 2019; theo đó, mức dư lượng tối đa (MRL) sẽ được thắt chặt hơn. Cuối năm 2019, các nhà chức trách Đức đã phát hiện thấy hàm lượng Chlorate trong các sản phẩm thủy sản nhập khẩu, điều này làm dấy lên lo ngại về tính an toàn cho người tiêu dùng các sản phẩm này.

Do những lo ngại được nêu ra ở Đức, một cuộc tranh luận đã diễn ra để xác định mức độ Chlorate như thế nào là hợp lý. Cuộc tranh luận này có thể dẫn đến sự thay đổi mức độ Chlorate được chấp nhận trong thực phẩm xuất khẩu sang châu Âu. Thuốc trừ sâu gốc Chlorate đã bị cấm. Tất nhiên, những quy định đã thay đổi này có thể sẽ tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu của bạn và điều quan trọng nhất lúc này là bạn phải cập nhật để chuẩn bị kỹ càng nhất có thể khi các quy định thay đổi được chính thức áp dụng tại châu Âu.

Khi ngành công nghiệp thủy sản ngày càng phát triển, các nhà chức trách sẽ nhận thức rõ hơn về các loại vấn đề ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán thủy hải sản nhập khẩu, chẳng hạn như vấn đề dư lượng được tìm thấy trong các sản phẩm và việc ghi nhãn của những chất đó. Dự đoán, các quy định của châu Âu sẽ trở nên nghiêm ngặt hơn. Chlorate chỉ là một ví dụ; một ví dụ khác là việc sử dụng kháng sinh trong thủy sản nuôi trồng, các quy định có liên quan đến vấn đề này cũng liên tục thay đổi. Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) kỳ vọng rằng hoạt động buôn bán thủy sản sẽ được quản lý và kiểm soát hoàn toàn vào năm 2030.

Lời khuyên của CBI: (1) Thường xuyên kiểm tra mục tin tức của chúng tôi về Chlorate để hiểu rõ hơn các vấn đề liên quan đến Chlorate trong thực phẩm và đồ uống; Tại đó sẽ giải thích cụ thể, rõ ràng và chi tiết hơn. (2) Mua bảo hiểm cho hàng hóa mà bạn gửi đến Châu Âu để bù đắp tổn thất tài chính khi một container bị từ chối tại cảng Châu Âu. Ví dụ, hãy đọc thêm về bảo hiểm hàng hóa thủy sản trên trang web của DLV vì đây là một trong những nhà cung cấp bảo hiểm hàng hóa hàng đầu thế giới.

Ngọc Thúy (theo www.cbi.eu)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác