Ngành thủy sản ứng phó với COVID-19 (phần ba) (18-05-2022)

Để ứng phó với COVID-19, Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (the Centre for the Promotion of Imports from developing countries - CBI) khuyến cáo doanh nghiệp thủy sản thực hiện 12 bước sau: 1. Bình tĩnh, ngồi xuống và suy nghĩ thấu đáo. 2. Nói chuyện và chia sẻ thẳng thắn với nhân viên. 3. Đảm bảo việc giao hàng an toàn. 4. Đảm bảo các khoản thu bằng tiền mặt đang được xử lý. 5. Giảm thiểu chi tiêu của doanh nghiệp. 6. Tổng hợp báo cáo tài chính. 7. Tổ chức buổi họp mặt với khách hàng. 8. Cắt giảm chi phí có thể. 9. Nghiên cứu các khoản hỗ trợ tài chính của địa phương. 10. Thay đổi Kế hoạch Tiếp thị Xuất khẩu và đối tượng khách hàng. 11. Trực tiếp gặp gỡ khách hàng. 12. Cải thiện Quản lý quan hệ khách hàng và cập nhật thêm các chứng chỉ cần thiết.
Ngành thủy sản ứng phó với COVID-19 (phần ba)
Ảnh minh họa

8. Cắt giảm chi phí

Bây giờ bạn đã biết tình hình của mình và của khách hàng, đã đến lúc phải hành động cho phù hợp. Những gì bạn làm phụ thuộc vào việc bạn có còn khả năng bán mặt hàng nào đó sớm hay không. Nếu bạn nghĩ rằng sẽ không bán được hàng, bạn cần nhanh chóng suy nghĩ về các hành động trong tương lai (hãy xem bước 10). Thật không may nếu bạn buộc phải cho nhân viên của mình ở nhà. Đối với thủy sản tươi, bạn có thể không cần dùng điện và có thể ngắt nguồn điện. Nhưng nếu bạn có các sản phẩm đông lạnh, hãy cố gắng xếp tất cả vào một kho lạnh duy nhất, tắt các kho lạnh khác để tiết kiệm chi phí. Như đã nói ở bước 5: Đừng để bị giá mua thấp dụ dỗ bạn. Hãy dừng ngay mọi hoạt động mua hàng tích trữ và cố gắng trì hoãn các khoản chi tiêu bằng tiền mặt.

Nếu khách hàng của bạn bán hàng cho siêu thị hoặc các dịch vụ thực phẩm, họ có thể vẫn muốn mua hàng của bạn. Đối với thủy sản tươi, trước tiên bạn hãy tìm hiểu xem có chuyến bay bằng đường hàng không để bạn gửi sản phẩm không (trừ trường hợp bạn có thể gửi bằng xe tải). Hãy nhớ, chỉ thực hiện các chuyến bay đáng tin cậy với duy nhất một điểm dừng. Vì hầu như không có chuyến bay chở khách nào, bạn có thể cần sử dụng các dịch vụ chuyển phát như DHL và UPS. Những dịch vụ này khá đắt, nhưng nếu khách hàng của bạn đồng ý chi trả, bạn có thể cộng thêm chi phí phụ trội vào giá bán hàng. Ngoài ra, hãy chỉ mua nguyên liệu thô cho mỗi lần bán hàng ngày, tuyệt đối không mua nhiều hơn.

Nếu bạn bán các sản phẩm đông lạnh mà khách hàng vẫn muốn nhận, với một hợp đồng hiện có hoặc mới ký kết, thật tuyệt! Bạn phải xác nhận lại đơn đặt hàng bằng văn bản, yêu cầu khách hàng xác nhận lại. Bạn cũng có thể yêu cầu thanh toán trước. Chỉ mua nguyên liệu ghi trong hợp đồng, không mua nhiều hơn. Đối với thủy hải sản tươi sống và đông lạnh, hãy điều chỉnh cường độ làm việc của nhân viên, ví dụ : nếu bình thường bán số lượng 100, nhưng giờ chỉ còn 50, bạn phải cắt giảm 50% công suất xử lý; cụ thể, bạn có thể làm điều này theo hai cách: (1) Giảm số lượng nhân viên - Điều này đặc biệt áp dụng cho hoạt động kinh doanh mới. (2) Giảm giờ làm việc (chỉ làm việc bốn giờ mỗi ngày thay vì tám giờ như trước) - Điều này đặc biệt phù hợp trong lĩnh vực kinh doanh đông lạnh.

Ngoài ra, hãy điều chỉnh chi phí của bạn cho phù hợp với thực tế mới. Nếu bạn bán ít hơn 50% so với bình thường, hãy cố gắng giảm tất cả các chi phí biến đổi khoảng 50%. Ví dụ, bạn có thể giảm việc sử dụng điện bằng cách sử dụng kết hợp các kho lạnh; giảm chi phí nước, điện thoại, phương tiện đi lại và cước phí vận chuyển. Khi nói đến chi phí cố định, hãy cố gắng sắp xếp để trì hoãn thanh toán các khoản chi phí thuê văn phòng, nhà máy chế biến, kho lạnh, v.v. Bạn thậm chí có thể thương lượng lại các điều khoản. Các nhà cung cấp của bạn muốn bạn tồn tại trong tình huống này, vì vậy họ có thể linh hoạt chấp nhận yêu cầu.

Lời khuyên của CBI: Nếu việc bán hàng của bạn đã hoàn toàn dừng lại, hãy chuyển sang bước 9 và bước 10 càng sớm càng tốt. Nếu việc kinh doanh của bạn vẫn tiếp tục, hãy điều chỉnh chi phí cho phù hợp với năng lực bán hàng mới. Kiểm tra báo cáo lưu chuyển tiền tệ của bạn từ bước 6 để biết bất kỳ chi phí nào bạn có thể tiết kiệm được.

9. Nghiên cứu các khoản hỗ trợ tài chính của địa phương

Các chính phủ muốn kiểm soát và ít nhất là ổn định sự bùng phát COVID-19, nhưng họ cũng muốn bảo vệ nền kinh tế quốc gia. Mối quan tâm đầu tiên của họ là việc làm. Với những doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, chính phủ sẽ tạo điều kiện cho vay với những điều kiện thuận lợi. Hãy liên hệ với chính quyền địa phương để xem liệu doanh nghiệp của bạn có thể nhận khoản hỗ trợ tài chính để trả lương cho nhân viên hay không. Ở một số quốc gia, chính quyền địa phương và người sử dụng lao động cùng chịu trách nhiệm chi trả lương. Có thể chính phủ nước bạn cũng cung cấp những khoản trợ giúp tương tự.

Ngoài ra, hãy liên hệ với Tổ chức Hỗ trợ Doanh nghiệp (Business Support Organisation - BSO) tại địa phương của bạn như Agexport Guatemala, Propanama, Vasep Vietnam hoặc Adex Perú, vì những tổ chức này nắm rõ các quy định của địa phương. Đây không phải là thời điểm tốt để liên hệ với các quỹ tài chính quốc tế, vì họ bị choáng ngợp bởi các yêu cầu và không thể quản lý tất cả chúng một cách hợp lý. Tuy nhiên, bạn vẫn nên lưu ý tùy chọn này khi tình hình đã trở nên tốt hơn.

Lời khuyên của CBI: Liên lạc với chính quyền địa phương để xem doanh nghiệp của bạn có thể nhận được khoản tài trợ nào hoặc các khoản vay ưu đãi để duy trì lực lượng lao động của công ty bạn. Chỉ liên hệ với các quỹ tài chính quốc tế khi tình hình đã được cải thiện. Trước mắt, bạn hãy liên hệ với Tổ chức Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSO) tại địa phương của bạn như Agexport Guatemala, Propanama, Adex Perú, Vasep Vietnam...

Ngọc Thúy (theo www.cbi.eu)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác