Ngành thủy sản ứng phó với COVID-19 (phần thứ nhất) (17-05-2022)

Sự bùng phát của virus COVID-19 xảy ra trên toàn cầu đã có tác động lớn đến thương mại quốc tế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành thủy sản đã phải đối mặt với sự gián đoạn nghiêm trọng.
Ngành thủy sản ứng phó với COVID-19 (phần thứ nhất)
Ảnh minh họa

Nghiên cứu này của Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (the Centre for the Promotion of Imports from developing countries - CBI) sẽ cung cấp kế hoạch từng bước giúp các doanh nghiệp thực hiện các hành động cần thiết nhằm đảm bảo sự tồn tại của doanh nghiệp; Đồng thời, cũng cung cấp lời khuyên về cách chuẩn bị cho sự phục hồi trong tương lai.

Các bước cụ thể là: 1. Bình tĩnh, ngồi xuống và suy nghĩ thấu đáo. 2. Nói chuyện và chia sẻ thẳng thắn với nhân viên. 3. Đảm bảo việc giao hàng an toàn. 4. Bảo đảm các khoản thu bằng tiền mặt đang được xử lý. 5. Giảm thiểu chi tiêu của doanh nghiệp. 6. Tổng hợp báo cáo tài chính. 7. Tổ chức buổi họp mặt với khách hàng. 8. Cắt giảm chi phí có thể. 9. Nghiên cứu các khoản hỗ trợ tài chính của địa phương. 10. Thay đổi Kế hoạch Tiếp thị Xuất khẩu và đối tượng khách hàng. 11. Trực tiếp gặp gỡ khách hàng. 12. Cải thiện Quản lý quan hệ khách hàng và cập nhật thêm các chứng chỉ cần thiết.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19

Sau khi bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc, virus COVID-19 đã nhanh chóng lây lan khắp châu Âu và châu Mỹ. Đối với ngành thủy sản, ban đầu, hậu quả chỉ giới hạn ở việc nhu cầu thủy sản từ Trung Quốc bị gián đoạn. Cơn khủng hoảng thực sự đến với lĩnh vực thủy sản khi một số chính phủ châu Âu tiến hành phong tỏa, áp dụng lệnh đóng cửa các quán bar và nhà hàng.

Kể từ thời điểm đó, sự bùng phát đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong toàn bộ chuỗi cung ứng thủy sản. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến cả các cửa hàng dịch vụ thủy sản và nhà hàng nhỏ. Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực thủy sản lan nhanh đến mức không có thời gian cho các phản ứng được lên kế hoạch cẩn thận. Cho tới tận bây giờ, câu hỏi vẫn được đặt ra đối với ngành thủy sản là: Làm thế nào để ứng phó với COVID-19?

Dưới đây là kết quả nghiên cứu của Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển, sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp thủy sản một kế hoạch từng bước, từ những hành động mà doanh nghiệp nên thực hiện ngay lập tức (nếu chưa làm) đến những việc được khuyến cáo là doanh nghiệp nên thực hiện trong những tháng tới, năm tới. Sáu bước đầu tiên tập trung vào các hành động tức thì mà doanh nghiệp có thể thực hiện để đảm bảo sự tồn tại của doanh nghiệp trong tình huống khủng hoảng:

1. Bình tĩnh, ngồi xuống và suy nghĩ thấu đáo

Bạn nên nhớ rằng COVID-19 sẽ không ảnh hưởng đến lĩnh vực của bạn mãi mãi. Dù trước mắt có thể sẽ gây ra suy thoái kinh tế nhưng người dân vẫn phải tiêu thụ thực phẩm thủy sản. Hiện nay, nhu cầu tăng đối với các loài thủy sản có giá rẻ hơn là các loài sang trọng đắt tiền. Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định rằng, thị trường thủy sản cao cấp chắc chắn sẽ phục hồi. Hiện tại, thay vì sử dụng dịch vụ ăn uống ở nhà hàng, mọi người sẽ tiêu thụ thủy sản tại nhà. Tuy nhiên, các chuyến bay sẽ hoạt động trở lại, phục vụ việc xuất khẩu thủy sản tươi sống.

Chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng phản ứng đầu tiên của một công ty là đóng cửa, bỏ lại mọi thứ và ngồi khóc. Đó là điều mà hầu hết các nhà quản lý trong lĩnh vực thủy sản đã làm và vẫn đang làm. Và điều đó cũng có thể là tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tổ chức lại tâm trí của bạn. Hãy bình tĩnh, ngồi xuống hoặc đi dạo và suy nghĩ về những gì đang diễn ra. Cố gắng không hoảng sợ và cố gắng sử dụng lý trí. Nếu bạn không thể làm như vậy, thì bạn chưa nên đưa ra quyết định kinh doanh hoặc nói chuyện với nhà cung cấp hoặc khách hàng. Ngày mai chắc chắn sẽ khác.

Lời khuyên của Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) đối với bạn: Cố gắng không hoảng sợ. Suy nghĩ về các tình huống trong một môi trường thư giãn (đó có thể là ở nhà, bãi biển, quây quần bên gia đình, v.v.). Đặc biệt, không đưa ra bất kỳ quyết định kinh doanh nào hoặc nói chuyện với nhà cung cấp/ khách hàng nếu bạn chưa thể suy nghĩ về tình hình một cách hợp lý.

2. Nói chuyện và chia sẻ thẳng thắn với nhân viên

Sau gia đình bạn thì các bên liên quan thân cận nhất tại doanh nghiệp chính là nhân viên của bạn. Nếu họ vẫn có thể đến văn phòng, hãy có một cuộc họp với tất cả nhân viên. Nếu không, hãy thử gọi điện thoại cho họ. Nhân viên của bạn cũng đang lo lắng. Họ có thể chưa nhìn thấy tác động thực sự của cuộc khủng hoảng, nhưng họ chắc chắn nhận thức được rằng tình huống này là điều mà chúng ta chưa từng thấy trước đây. Mối quan tâm đầu tiên của họ sẽ là công việc và mức lương.

Đối với bạn, điều quan trọng là phải tạo ra mối quan hệ gắn bó đồng đội bền chặt với nhân viên của bạn càng sớm càng tốt. Họ cần bạn, nhưng bạn cũng cần họ. Bạn không thể xử lý tình huống này một mình. Trong cuộc họp, hãy nói với nhân viên rằng đây chỉ là tình huống tạm thời, nhưng nó sẽ có tác động quan trọng đến công ty trong ngắn hạn. Đồng thời, giải thích cho nhân viên hiểu rằng mối quan tâm đầu tiên của doanh nghiệp chính là sức khỏe của nhân viên và sức khỏe gia đình của nhân viên. Nếu ai đó cảm thấy hơi ốm, hoặc một trong những người thân của họ bị ốm, nhân viên đó nên ở nhà và gọi điện báo người quản lý. Bạn nên cung cấp cho họ bất kỳ sự trợ giúp nào mà họ có thể cần. Bạn cũng cần đảm bảo văn phòng và nhà máy chế biến của mình là môi trường làm việc an toàn chống lại coronavirus. Các nhân viên của bạn cần giữ khoảng cách an toàn với nhau.

Tại thời điểm này, bạn vẫn chưa biết liệu ngày mai nhân viên của bạn có thể đến công ty hoặc nhà máy chế biến không. Ngoài ra, bạn không biết liệu mình có thể trả tiền cho họ vào tuần tới/ tháng tới hay không, vì bạn chưa biết tác động đến doanh số bán hàng sẽ như thế nào. Bạn phải nói rõ với nhân viên của mình về điều này. Điều này sẽ khiến họ nhận thức được tình huống nghiêm trọng mà họ đang phải giải quyết. Tuy nhiên, hãy để họ tập trung vào sức khỏe của họ trước và trấn an họ rằng bạn sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo công việc, doanh thu và tiền lương.

Lời khuyên của CBI: Tổ chức một cuộc họp với toàn thể nhân viên trong doanh nghiệp. Tạo mối liên kết đồng đội bền chặt. Cố gắng giữ cho họ động lực mạnh mẽ. Tập trung vào sức khỏe trước; Điều này bao gồm việc cung cấp một môi trường làm việc an toàn tại các nhà máy, phân xưởng, nhà kho trong thời kỳ coronavirus (COVID-19).

3. Đảm bảo việc giao hàng an toàn

Doanh nghiệp của bạn có thể có một số đơn hàng đang chờ giao hoặc đơn hàng xuất khẩu đang chờ xử lý.

Đối với nhóm thủy hải sản tươi sống

Hãy nói chuyện với khách hàng của bạn trước. Nếu bạn gửi đơn mà không hỏi ý kiến ​​khách hàng, họ có thể không nhận đơn đó và đương nhiên là không trả tiền. Họ có còn cần mặt hàng tươi sống đó nữa không? Họ có thể bán chúng không? Tất nhiên, cố gắng thuyết phục khách hàng của bạn rằng bạn đã đóng gói hàng hóa và không gửi chúng sẽ dẫn đến một tổn thất lớn về tài chính đối với bạn. Nói cách khác: Bạn sẽ phải thực hiện việc xác nhận lại đơn hàng đối với khách của mình.

Tùy thuộc vào câu trả lời của khách hàng, sẽ có hai lựa chọn như sau: (1) Khách hàng vẫn muốn nhận hàng. Thật tuyệt vời. Khách sẽ xác nhận đặt hàng qua e-mail, sau đó bạn thực hiện xác nhận lại bằng văn bản. Hãy cố gắng gửi hàng càng sớm càng tốt. Vận chuyển hàng không có thể khó tìm (hãy xem bước 8 của bài viết này). (2) Khách hàng không muốn nhận hàng. Bạn sẽ phải tìm kiếm khách hàng khác hoặc chọn giải pháp cuối cùng - bán thủy sản ngay lập tức tại địa phương, chấp nhận cả khi bị thua lỗ. Tuyệt đối không đông lạnh các sản phẩm thủy sản tươi sống này hoặc bảo quản chúng trong kho lạnh nhiều ngày. Vì điều này sẽ tạo ra chi phí phát sinh trong tương lai, như tiền điện chạy kho lạnh. Trên thực tế, nếu một khách hàng đã từ chối đơn hàng trong ngày đầu tiên, thì họ cũng sẽ không muốn nhận nó vào ngày thứ hai.

Đối với nhóm thủy hải sản đông lạnh

Nếu hàng hóa đang trên đường vận chuyển tới tay khách hàng, tốt hơn hết là bạn đừng thông báo gì với khách hàng. Việc làm này là không cần thiết, chỉ khiến khách của bạn lo lắng, thậm chí có khách ngay lập tức phản ứng với thông báo của bạn, họ đáp lại rằng: "Tôi không muốn nhận hàng đó nữa". Bạn cứ để container tiếp tục hành trình của nó và sau này khi khách hàng của bạn có thể suy nghĩ lý trí trở lại, hãy gọi cho họ. Một khách hàng lâu năm tốt sẽ chấp nhận container hàng thủy sản đông lạnh. Một người mua nghiêm túc cảm thấy có trách nhiệm đối với các hợp đồng đang chờ xử lý và đã được vận chuyển khỏi kho.

Tình huống này sẽ cho thấy sự khác biệt giữa khách hàng tốt và xấu. Một khách hàng không tốt sẽ không thu thập các tài liệu điều phối container. Điều này có nghĩa là bạn sẽ có một container ở một cảng châu Âu đang chờ được gửi về nước xuất xứ. Những tình huống như thế này cho thấy sự cần thiết của việc nghiên cứu thị trường tốt, một lượng khách hàng ổn định, một kế hoạch tiếp thị công phu và nhất là công tác quản lý quan hệ khách hàng nghiêm túc. Chúng ta sẽ thảo luận kỹ hơn về những điều này trong các bước tiếp theo.

Bạn có thể đã nhận trước toàn bộ hoặc một phần khoản thanh toán cho đơn hàng thủy sản đông lạnh. Điều này làm cho sức mạnh đàm phán của bạn mạnh hơn một chút. Tuy nhiên, đừng mắc sai lầm khi đặt một mối quan hệ thương mại lâu năm vào một đơn hàng tiềm ẩn rủi ro. Nếu bạn vẫn đang sản xuất hàng hóa, hãy nói chuyện với khách hàng trước. Ngay cả những người mua nghiêm túc cũng sẽ gặp phải vấn đề về dòng tiền và đang thực hiện hủy đơn hoặc hoãn các hợp đồng đang chờ xử lý mà hàng hóa chưa được vận chuyển khỏi kho. Khách hàng cũng có thể liên hệ với bạn để thông báo bạn ngừng sản xuất ngay lập tức.

Một khách hàng tốt sẽ nói với bạn rằng họ sẽ không thể bán được hàng hóa, và thà để sản phẩm vẫn ở nước xuất xứ còn hơn là tập kết trong một cửa hàng đông lạnh đắt tiền ở Châu Âu mà không bán được. Tiếp tục nhận các container từ khắp nơi trên thế giới trả về sẽ giống như một đòn tự sát tài chính (tuyên bố của Công ty thủy sản đông lạnh Mariscos Apolo). Đây là một tình huống nghiêm trọng mà ngay cả những vị khách tốt nhất cũng sẽ gặp khó khăn, chứ không chỉ riêng bạn. Đừng tạo thêm áp lực, vì điều này có thể làm bạn mất đi những khách hàng tốt khi khủng hoảng kết thúc. Bạn cần tỉnh táo và suy nghĩ thấu đáo trong dài hạn.

Khách hàng của bạn có thể bán cho các siêu thị Châu Âu. Trong trường hợp đó, bạn thật may mắn. Điều này có nghĩa là khách hàng có nhiều khả năng vẫn muốn nhận container đang trên đường vận chuyển. Chúng tôi sẽ nói kỹ hơn về chủ đề này trong các bước tiếp theo. Đây là một số lời khuyên của CBI: Hãy nói chuyện với khách hàng và cố gắng giao hàng càng sớm càng tốt. Đối với hàng thủy sản đông lạnh, nếu lô hàng đang trên đường chuyển đến tay khách, đợi vài ngày rồi hãy gọi điện thông báo; Nếu bạn vẫn đang sản xuất theo hợp đồng thì hãy trao đổi với khách hàng để biết là có nên tiếp tục hay dừng lại. Đặc biệt, hãy suy nghĩ thấu đáo trong dài hạn. Đừng để mất những vị khách lâu năm tốt chỉ vì vấn đề xảy ra trong ngắn hạn.

Ngọc Thúy (theo www.cbi.eu)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác