Giá tôm tăng do cước vận tải cao (23-03-2022)

Nhu cầu mạnh mẽ tại Mỹ và Liên minh châu Âu đã giúp các công ty thương mại tôm quốc tế giữ được mức giá ổn định trong 9 tháng đầu năm 2021.
Giá tôm tăng do cước vận tải cao
Ảnh minh họa

Nguồn cung

Nguồn cung tôm nguyên liệu châu Á biến động mạnh trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2021. Tại Ấn Độ, sản lượng đủ đáp ứng cho nhu cầu chế biến xuất khẩu, mặc dù có sự xuất hiện của dịch bệnh ở một số khu vực tại quốc gia này. Nguồn cung duy trì ở mức trung bình tại Indonesia. Ở Việt Nam, sản xuất tôm nuôi cũng như xuất khẩu đều bị gián đoạn nghiêm trọng do sự bùng phát COVID-19 và các biện pháp hạn chếđể chống dịch. Sản lượng ở Thái Lan cũng thấp và dẫn đến nhập khẩu tôm đông lạnh (25.000 tấn) để chế biến xuất khẩu, tăng 165%. Sản lượng tôm nuôi ở Ecuador vẫn ổn định với xuất khẩu ngày càng tăng.

Sau thời kỳ sản lượng đánh bắt tốt (giai đoạn tháng 6-8), hoạt động đánh bắt tôm ở Argentina bắt đầu chậm lại kể từ tháng 9 do những thách thức nghiêm trọng về dịch vụ hậu cần trong chuỗi cung ứng (thiếu container cho các chuyến hàng đến Liên minh châu Âu). Do đó, khối lượng tôm dự trữ trong kho lạnh ở châu Âu rất hạn chế. Tại Mỹ, lượng tôm cập cảng Vịnh Mexico trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2021 là 11.611 tấn, đây là mức thấp nhất được ghi nhận trong 20 năm qua.

Tình trạng thiếu container cho hàng thủy sản xuất khẩu tiếp tục là một thách thức lớn trên toàn thế giới.

Thương mại quốc tế

Kể từ đầu năm 2021, chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế từ Châu Á đến Bắc Mỹ đối với container 20 feet và 40 feet đã tăng 500-700% (tương đương với khoảng 13.000 USD và 20.000 USD) do tình trạng liên tục khan hiếm container thực phẩm đông lạnh. Để đáp ứng nhu cầu cuối năm, các nhà xuất khẩu đã buộc phải trả chi phí vận chuyển rất cao, thậm chí có người phải trả 25.000 USD cho mỗi container hoặc thậm chí cao hơn để có thể tiến hành vận chuyển.

Tuy nhiên, thương mại tôm quốc tế vẫn ổn định với lượng nhập khẩu tăng, đặc biệt là ở các thị trường phương Tây.

Xuất khẩu

Xuất khẩu tôm tăng từ hầu hết các nước bao gồm cả Trung Quốc, nhưng chậm lại từ Việt Nam và giảm ở Thái Lan do thiếu nguyên liệu và các biện pháp hạn chế ở Việt Nam và Thái Lan trong việc ngăn chặn sự bùng phát COVID-19.

Ecuador, nhà xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, đã duy trì tốc độ tăng trưởng doanh số tích cực trong suốt 6 tháng đầu năm 2021. Xuất khẩu gia tăng sang thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu đã bù đắp đáng kể cho sự thiếu hụt xuất khẩu sang Trung Quốc, vốn là thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu của Ecuador. Xuất khẩu tôm cũng tăng từ Ấn Độ, Indonesia và Argentina.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, Trung Quốc báo cáo xuất khẩu tôm tăng trong nửa đầu năm 2021.

Nhập khẩu

Nhu cầu bán lẻ ổn định và sự mở cửa trở lại của lĩnh vực dịch vụ thực phẩm ở Mỹ và Liên minh Châu Âu đã giữ cho thị trường tôm quốc tế tăng trưởng mạnh trong quý II và quý III năm 2021. Nhập khẩu tăng ở hầu hết các thị trường lớn và vừa, trừ Trung Quốc.

Châu Âu

Kể từ tháng 4 năm 2021, nhu cầu đối với các sản phẩm thủy sản khai thác và nuôi trồng tại thị trường các nước châu Âu vẫn mạnh, trong đó phổ biến là mặt hàng tôm, trong khi lượng dự trữ tôm ở nhiều thị trường rất hạn chế. Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng (HORECA) tiếp tục phục hồi trở lại trên khắp lục địa Châu Âu khi người tiêu dùng vô cùng háo hức đi ăn bên ngoài sau hơn một năm phải ăn uống trong nhà. Các quốc gia có ngành du lịch phát triển mạnh như Ý, Tây Ban Nha và Hy Lạp đã báo cáo nhu cầu tôm rất tốt với lượng đặt bàn trong khu vực HORECA vượt xa so với trước thời kỳ COVID-19. Việc mở cửa trở lại của các nhà hàng kết hợp với một loạt hoạt động dịch vụ ăn uống khác đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản trong suốt mùa hè, đặc biệt đối với các sản phẩm thủy sản khai thác và nuôi trồng cao cấp, trong đó có tôm.

Trước nhu cầu mạnh mẽ này, nhập khẩu tôm trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2021 tại Liên minh Châu Âu đạt mức cao nhất trong 5 năm qua, ở mức 367.300 tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu tăng ở mọi thị trường, ngoại trừ Áo và Malta.

Nguồn cung từ các nguồn ngoài EU chiếm 78% tổng nhập khẩu, đạt 254.830 tấn. Nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh (nguyên vỏ và bóc vỏ) tăng đáng kể ở mức 220.390 tấn (+14%), trong khi mức tăng không đáng kể đối với tôm chế biến (+2,4%; 34.625 tấn). Trong số các nguồn cung cấp tôm hàng đầu, Ecuador chiếm 24% thị phần trong tổng nhập khẩu tôm ngoài EU, tiếp theo là Ấn Độ (12%), Greenland (12%), Việt Nam (10%) và Argentina (8,7%).

Nhu cầu tôm cũng rất mạnh mẽ ở Liên bang Nga, nơi nhập khẩu tăng 74% đạt 41.690 tấn trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6. Trong số các quốc gia khác, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland cho biết đã nhập khẩu nhiều lên (+8,6%; 32.855 tấn) nhưng xu hướng ở thị trường Thụy Sĩ dường như không thay đổi so với cùng kỳ năm trước (+0,90%; 3.455 tấn). Tại Ukraine, nhập khẩu tăng 97% với gần 10.000 tấn so với 4.800 tấn của năm trước.

Mỹ

Thị trường tôm lớn nhất thế giới là Mỹ, vẫn phát triển mạnh trong ba quý đầu năm 2021. Hoạt động thương mại bán lẻ mạnh mẽ cùng với việc mở cửa trở lại hoàn toàn của lĩnh vực dịch vụ thực phẩm đã tạo ra doanh thu tốt từ mùa xuân đến mùa hè (tháng 4 đến tháng 8). Để đảm bảo đủ nguồn cung trong tổng chuỗi phân phối, thêm 100.000 tấn tôm đã được nhập khẩu vào Mỹ trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2021 so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu cộng dồn từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2021 tăng 30,6% đạt 404.360 tấn, trị giá 3,4 tỷ USD. Tôm bỏ vỏ chiếm thị phần cao nhất trong tổng nhập khẩu tôm của Mỹ (44%; tương đương 180.000 tấn), tiếp theo là tôm nguyên vỏ (31,6%; 127.700 tấn), tôm hấp chín và các sản phẩm chế biến khác (15%; 61.345 tấn) và tôm tẩm bột (7,17%; 29.160 tấn). Mặt hàng tôm kích cỡ nhỏ với các hình thức như tôm nguyên đầu/ bỏ vỏ để đuôi và hấp chín/ đã chế biến sẵn để ăn liền chính là những sản phẩm được ưa chuộng nhất trên kênh bán lẻ.

Nguồn cung trên thị trường chủ yếu là tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) đến từ Châu Mỹ Latinh và Châu Á. Mỹ chủ yếu nhập khẩu tôm sú (black tiger shrimp) từ các nhà cung cấp Bangladesh, Indonesia và Việt Nam; khối lượng nhập khẩu tôm sú đã tăng lên trong những tháng cuối năm khi hoạt động kinh doanh nhà hàng được cải thiện.

Năm 2021, nhập khẩu từ bốn nhà xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam, đều tăng hai con số. Ấn Độ tuy đã tăng 28% lượng xuất khẩu tôm sang Mỹ nhưng lại bị giảm thị phần so với các năm 2019 và 2020.

Ecuador có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất (+86%) sang thị trường Mỹ và tăng thị phần từ 13% năm 2019 lên 22,4% năm 2021. Có sự gia tăng đáng kể trong các nhóm sản phẩm chính (nguyên vỏ tăng 70%, bóc vỏ tăng 122%, tẩm bột tăng 110%).

Nhìn chung, nhập khẩu tăng đã thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ thực phẩm nhanh chóng hồi phục nhưng còn đó những lo ngại thực tế trong vấn đề cước phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, những thách thức về dịch vụ hậu cần và nguồn cung thấp phụ thuộc vào mùa vụ ở châu Á. Hiện tại, các nhà nhập khẩu và các nhà phân phối lớn đang chịu mức giá cước cao. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chi phí tăng thêm này có thể sẽ được chuyển sang người tiêu dùng cuối cùng.

Trung Quốc

Lần đầu tiên sau ba năm, nhập khẩu tôm bị chậm lại ở thị trường Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2021. Nhập khẩu trung bình hàng tháng trong giai đoạn này đã giảm từ 53.000 tấn năm 2020 xuống còn 48.000 tấn năm 2021 cho thấy tiêu thụ nội địa chậm và tồn kho cao.

Kể từ tháng 9 năm 2021, nhu cầu tôm tại thị trường Trung Quốc bắt đầu cải thiện trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng (HORECA) nhờ các dịp lễ hội trung thu vào tháng 9 và lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh kéo dài một tuần cũng như Kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng từ 1-7 tháng 10 (kỳ nghỉ lễ dài nhất ở Trung Quốc ngoài Tết Nguyên đán). Được biết, các yêu cầu thương mại đối với tôm Ecuador đã tăng từ tháng 9 sau khi nguồn dự trữ tại Trung Quốc giảm.

Nhật Bản

Không giống như các thị trường phương Tây, nhu cầu tôm vào mùa hè ở Nhật Bản năm 2021 thực sự thất vọng do các hạn chế từ dịch bệnh COVID-19. So với năm 2020, nhập khẩu tăng nhẹ (+ 4,4%; 94.000 tấn) trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2021 do nhu cầu tăng đối với mặt hàng tôm chế biến. Các nhà xuất khẩu hàng đầu của thị trường Nhật Bản gồm có Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Thái Lan.

Từ tháng 10, ngành kinh doanh ăn uống đã bắt đầu thu gom hàng để chuẩn bị cho cơ hội kinh doanh tốt hơn trong mùa tiêu thụ cao điểm vào cuối năm.

Những quốc gia khác ở Châu Á - Thái Bình Dương

Nhờ những cải thiện trong việc xử lý tình hình dịch bệnh, nới lỏng các hạn chế trong kinh doanh nhà hàng nên nhu cầu tiêu thụ tôm nhìn chung khởi sắc ở hầu hết các thị trường trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhập khẩu tăng ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Đặc khu hành chính Hồng Kông, Malaysia và Singapore. Đáng chú ý là xuất khẩu từ Ecuador sang các thị trường này đã tăng lên. Tại Úc, nhập khẩu tôm tăng cao hơn 30% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2021 so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam là nhà cung cấp hàng đầu.

Giá cả

Giá tôm xuất xưởng vẫn ổn định cho đến tháng 7 năm 2021 tại các nước sản xuất nhưng bắt đầu tăng kể từ tháng 8 do nguồn cung ở châu Á giảm. Trong thương mại quốc tế, chi phí vận chuyển cao đã cộng thêm 0,70 USD - 0,80 USD/kg (giá nhập khẩu) đối với các sản phẩm xuất khẩu từ châu Á đến Bắc Mỹ và châu Âu.

Tại Ecuador, giá xuất khẩu trung bình đã tăng lên khoảng 6 USD/kg, mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 12/2018 trong bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ từ các thị trường châu Âu và Mỹ.

Dự báo

Thu hoạch tôm nuôi ở Indonesia được dự đoán là khả quan vào tháng 10 và 11 năm 2021. Nhưng đối với các quốc gia Châu Á khác, như thường lệ, quãng thời gian từ tháng 10 đến tháng 2, tháng 3 sẽ là mùa sản xuất thấp. Ở Châu Mỹ Latinh, hoạt động nuôi tôm sẽ diễn ra sôi nổi cho đến đầu tháng 3 năm 2022 theo hướng có lợi cho Ecuador, nhà sản xuất và xuất khẩu tôm lớn nhất trên thị trường thế giới.

Tôm đánh bắt tự nhiên của Mỹ thường đóng góp 5-10% vào tổng nguồn cung tôm trên thị trường, nhưng sản lượng năm 2021 được ước tính thấp hơn do ảnh hưởng của cơn bão Ida vào tháng 9. Giá nhiên liệu tăng cũng làm tăng giá thành sản xuất tôm đánh bắt trên biển.

Về thương mại quốc tế, Ecuador có cơ hội lớn hơn trong việc xuất khẩu nhiều sản phẩm tôm đến các thị trường để tiêu thụ vào dịp cuối năm do có nguồn cung ổn định và gần với các thị trường phương Tây hơn so với các nhà cung cấp tôm châu Á.

Chi phí vận chuyển cao, gián đoạn vận chuyển (tắc nghẽn tại các cảng biển, tình trạng thiếu tài xế xe tải ở một số nước Châu Âu và Hoa Kỳ) có khả năng khiến giá bán buôn tăng ổn định. Cước vận chuyển có thể sẽ vẫn rất cao cho đến mùa hè năm 2022.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác