Thị trường cá hồi đang trên đà phục hồi (16-03-2022)

Sau các đợt tiêm vắc xin phòng chống Covid-19 được triển khai rộng khắp trên toàn cầu, nhu cầu cá hồi trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm đang dần hồi phục trở lại, bổ sung cho kênh bán lẻ cũng đang dần hồi sinh. Nguồn cung toàn cầu tương đối hạn chế đã đẩy mức giá lên cao, khiến doanh thu cá hồi tăng bất kể những khó khăn trong khâu dịch vụ hậu cần.
Thị trường cá hồi đang trên đà phục hồi

Sản lượng cá hồi Đại Tây Dương

Các ước tính gần đây nhất về tổng sản lượng toàn cầu của khu vực nuôi cá hồi Đại Tây Dương đã phản ánh sự gia tăng, không như các dự báo trước đó rằng tăng trưởng ổn định với sản lượng gần như ngang bằng. Đây là kết quả của việc thu hoạch cao hơn dự kiến ​​trong vài tháng đầu năm, do nhu cầu thị trường quay trở lại sau một thời gian dài bấp bênh, khiến nông dân đua nhau thu hoạch với tỷ lệ cá đạt kích cỡ thương phẩm ngày càng tăng. Tính đến giữa năm 2021, tốc độ tăng trưởng sản lượng cá được dự báo đạt từ 2-3%. Mặc dù điều này đã vượt quá kỳ vọng trước đó, nhưng nó vẫn thể hiện tốc độ tăng trưởng giảm khi tiến hành xem xét trong một giai đoạn dài. Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng thu hoạch giảm rõ rệt ở Chile, nhà sản xuất cá hồi Đại Tây Dương lớn thứ hai thế giới.

Tại Na Uy, sản lượng trong ba tháng đầu năm cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 6% nhưng sang quý hai thì sản lượng thu hoạch giảm. Theo số liệu chính thức, đã có 168,6 triệu con cá được thu hoạch trong sáu tháng đầu năm 2021 so với 171,2 triệu con đã thu hoạch năm trước, song tổng khối lượng cá thu hoạch lại cao hơn. Việc vận chuyển cá từ các trang trại và từ các địa điểm chế biến gặp rất nhiều khó khăn do chi phí vận chuyển cao, sự chậm trễ và thiếu năng lực xử lý, đặc biệt đối với các tuyến vận tải hàng không. Trong những tháng đầu năm 2021, doanh số của các công ty nuôi trồng thủy sản Na Uy giảm, tuy nhiên, khi tình hình thị trường ngày một cải thiện đã khiến con số doanh thu của các công ty này tăng lên. Ngành công nghiệp cá hồi Na Uy đang theo đuổi một số mô hình sản xuất khác nhằm gia tăng sản lượng, bao gồm canh tác trên đất liền và xúc tiến kế hoạch cấp phép mới nhằm khuyến khích nuôi cá hồi bằng các hệ thống khép kín trên biển.

Chile cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình diễn ra đại dịch Covid-19 bao gồm việc đóng cửa, chi phí hậu cần cao, tình trạng thiếu lao động, hiện tượng tảo nở hoa và những thay đổi trong quy định của quốc gia này, cũng như cuộc đình công của lái xe tải và tình trạng bất ổn xã hội rộng lớn. Sản lượng cá hồi Đại Tây Dương của Chile đã giảm 1% xuống 366.000 tấn trong nửa đầu năm 2021. Con số này phản ánh nguồn cung giảm mạnh trong quý thứ hai sau đợt cao điểm thu hoạch đầu năm. Sự không chắc chắn của thị trường đã góp phần làm giảm đáng kể lượng hàng tồn kho trong năm ngoái và điều này đã dẫn đến dự báo tăng trưởng âm cho cả năm 2021.

Tại Scotland, nhà sản xuất cá hồi nuôi lớn thứ hai của châu Âu, sản lượng thu hoạch đã tăng trở lại vào năm 2021 sau khi suy thoái vào năm 2020. Ngoài các vấn đề về dịch vụ hậu cần toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch, nông dân Scotland còn phải vượt qua gánh nặng hành chính và tài chính bổ sung do Brexit áp đặt lên họ. Ở những khu vực khác trên thế giới, vẫn tiếp tục nỗ lực để đảm bảo nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu cá hồi toàn câu tăng nhanh; khối lượng cung đang tăng lên ở nhiều khu vực sản xuất mới bao gồm Liên bang Nga, Úc, Trung Quốc và Iceland. Đồng thời, các công nghệ sản xuất mới tiếp tục được khám phá để bổ sung cho các phương pháp nuôi truyền thống.

Các loài cá hồi nuôi khác

Tại Chile, sản lượng cá hồi vân (rainbow trout) trong nửa đầu năm 2021 đạt 34.700 tấn (giảm 33,3% so với cùng kỳ năm trước) trong khi thu hoạch cá hồi coho (coho salmon) đạt 39.700 tấn (-17,6%). Tại Na Uy, nguồn cung cá hồi vân đã bị thắt chặt trong năm 2021, với khoảng 10 triệu con được thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 6, ít hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.

Cá hồi tự nhiên

Năm 2021, sản lượng khai thác cá hồi tự nhiên ở Thái Bình Dương đã vượt xa với con số dự báo, cả ở Alaska và vùng Viễn Đông của Nga. Đặc biệt, sản lượng thu hoạch cá hồi hồng Alaska đạt 149 triệu con, cao hơn 20% so với dự báo trước mùa thu hoạch và cao hơn 24 triệu con so với năm 2019. Tuy nhiên, kích cỡ cá đối với cả hai loài cá hồi ​​hồng (pink salmon) và cá hồi sockeye đều thấp hơn, có nghĩa là tổng khối lượng thu hoạch có khả năng giảm. Trong khi đó, Nga ghi nhận sản lượng đánh bắt lớn thứ hai trong lịch sử, ước tính khoảng 540.000 tấn. Khối lượng tăng đột biến đã dẫn đến tình trạng thiếu không gian lưu trữ bảo quản lạnh, điều này đang gây ảnh hưởng đến ngành công nghiệp cá hồi.

Thị trường

Năm 2021, nhu cầu toàn cầu đối với mặt hàng cá hồi tăng lên đều đặn khi chính phủ các nước nới lỏng các quy định hạn chế và mở rộng phạm vi tiêm chủng vắc xin phòng Covid. Là loài cá được ưa chuộng nên cá hồi được nuôi ở rất nhiều khu vực trên thế giới, được đa dạng hóa sản phẩm và tiêu thụ trong cả kênh bán lẻ và dịch vụ ăn uống. Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch, ngành hàng cá hồi vẫn có thể tận dụng chuỗi cung ứng tích hợp cao và sức mạnh tiếp thị để tận dụng tối đa cơ hội đến từ sự gia tăng nhu cầu bán lẻ, cũng như các dịch vụ giao hàng tận nhà và thương mại điện tử.

Hiện tại, dịch vụ thực phẩm đã mở cửa trở lại, nguồn nhu cầu cá hồi không có dấu hiệu suy yếu, vì vậy, các thương nhân đánh giá môi trường kinh doanh cá hồi đang rất tốt. Người tiêu dùng vẫn giữ sự quan tâm mới đối với việc nấu ăn tại nhà, nhưng đồng thời cũng háo hức quay trở lại nhà hàng ăn uống sau thời gian dài đóng cửa. Hình thức kinh doanh các hộp thức ăn đóng gói sẵn và nhiều sản phẩm tiện lợi khác vẫn tiếp tục được duy trì. Đại dịch Covid-19 nhìn chung là chất xúc tác cho sự đổi mới sản phẩm. Trong một số trường hợp, những thách thức về vận tải vẫn tác động tiêu cực đối với ngành cá hồi, nhưng trong một số trường hợp khác lại mở ra cơ hội cho các mối quan hệ người mua - nhà cung cấp mới khi đối thủ cạnh tranh không thể đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Một số vấn đề vẫn còn tồn tại, đặc biệt là khâu hậu cần và những khó khăn mà các nhà hàng và các doanh nghiệp khác đang gặp phải trong việc tuyển dụng nhân viên.

Tại Hoa Kỳ, sau khi vượt qua đại dịch một cách tương đối suôn sẻ, thị trường cá hồi đã trở lại mạnh mẽ vào mùa hè năm 2021. Các báo cáo cho thấy doanh số bán hàng trong một số trường hợp thậm chí còn cao hơn trước đại dịch, nhờ các nỗ lực tiếp thị và phát triển sản phẩm trong đại dịch. Sự trở lại của ngành du lịch tàu biển cũng đã góp phần hồi sinh thị trường cá hồi. Tương tự, xu hướng tích cực cũng thể hiện rõ ở Liên minh châu Âu, Nga, Nhật Bản và Brazil. Khi các xã hội dần tiến gần đến mức bình thường mới, có vẻ như ở nhiều thị trường trọng điểm, cá hồi đã hiện diện nhiều hơn tại các cửa hàng bán lẻ, mở rộng kênh phân phối và xuất hiện nhiều sản phẩm mới.

Thương mại

Trên thế giới, mặc dù nhận thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong nhu cầu tiêu thụ cá hồi, các nhà xuất khẩu vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong khâu hậu cần. Một trong những lo ngại nổi bật nhất là chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, do tình trạng thiếu container trên toàn thế giới. Sự việc còn trở nên tồi tệ hơn khi kênh đào Suez bị tắc nghẽn, sự chậm trễ hành chính do các thủ tục biên giới mới và các công việc tồn đọng khác tại cảng. Cũng giống như vận chuyển quốc tế, việc vận chuyển cá từ các trang trại và địa điểm chế biến cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các tuyến đường hàng không cho cá hồi tươi, chẳng hạn như từ Scotland đến Trung Quốc, cũng được mở rộng công suất.

Các nhà xuất khẩu Scotland nhắm mục tiêu vào Liên minh châu Âu đã phải đối mặt với một loạt vấn đề bổ sung liên quan đến Brexit, đặc biệt là vào đầu năm 2021, nhưng số liệu xuất khẩu năm đầu tiên vẫn cao hơn đáng kể so với năm 2020. Theo báo cáo của Cơ quan Thuế và Hải quan Anh (Her Majesty’s Revenue and Customs - HMRC), Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã xuất khẩu 33.638 tấn cá hồi tươi nguyên con sang EU trong 6 tháng đầu năm 2021, trị giá 254 triệu USD. Trong khi sản lượng này đã thể hiện một kỷ lục mới thì các nhà xuất khẩu vẫn bày tỏ sự thất vọng khi mức giá thấp hơn dự kiến ​​và chi phí tăng.

Tại Mỹ, giá cả đã được cải thiện so với năm trước, kéo theo giá trị nhập khẩu tăng. Theo Cục Khí quyển và Đại dương Quốc gia (the National Oceanic and Atmospheric Administration - NOAA), trong 6 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cá hồi của Mỹ đạt 242.815 tấn, trị giá 2,49 tỷ USD. Những con số này phản ánh mức tăng 13,4% về khối lượng và 19,4% về giá trị. Hầu hết các nhà cung cấp lớn đều báo cáo xuất khẩu của họ đến thị trường Mỹ tăng, đặc biệt là các nhà sản xuất châu Âu đã tận dụng được sản lượng thu hoạch thấp và những khó khăn trong chuỗi cung ứng ở Chile.

Nhu cầu đối với cá hồi nuôi ở Brazil cũng đang được cải thiện. Trong nửa đầu năm 2021, nhập khẩu cá hồi salmon và cá hồi trout của Brazil đã tăng 19,9% về khối lượng so với cùng kỳ năm trước, đạt 48.955 tấn trị giá 291,9 triệu USD (+45%). Chile, chiếm phần lớn nguồn cung cho thị trường Brazil, đang thực hiện các chiến dịch khuyến mại thành công để phù hợp với việc mở cửa trở lại các nhà hàng.

Nhìn chung, Chile đã xuất khẩu 144.000 tấn cá hồi Đại Tây Dương trong sáu tháng đầu năm 2021, đạt doanh thu 926 triệu USD. Những con số này tăng 8,6% về khối lượng và 11,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu cá hồi coho giảm 18% cả về lượng và giá trị xuống 67.914 tấn, trị giá 345 triệu USD. Xuất khẩu cá hồi vân giảm 30,8% về số lượng và 26% về giá trị, đạt 21.605 tấn, trị giá 200 triệu USD.

Theo Hội đồng Thủy sản Na Uy (the Norwegian Seafood Council - NSC), Na Uy đã xuất khẩu cá hồi tăng khoảng 12% trong nửa đầu năm 2021, đạt 562.000 tấn. Do đồng krone Na Uy (NOK) mạnh hơn nên mức tăng giá trị chỉ hơn 1% so với cùng kỳ, đạt 35,3 tỷ NOK (tương đương 4,13 tỷ USD). Các nhà phân tích của Hội đồng Thủy sản Na Uy đã chỉ ra rằng việc mở cửa trở lại các nhà hàng ở một số thị trường quan trọng của EU như Ý, cùng với sự duy trì xu hướng tích cực trong tiêu dùng tại nhà và dịch vụ giao hàng tận nhà, là những yếu tố chính đằng sau bức tranh xuất khẩu cá hồi, đã cải thiện, tươi sáng hơn.

Giá cả

Giá cá hồi Đại Tây Dương của Na Uy tương đối thấp vào đầu năm 2021, do sản lượng thu hoạch cao, nhưng sau đó giá đã tăng mạnh vào giữa năm khi quá trình mở cửa kinh tế tiến triển. Sau khi đạt đỉnh 75 NOK (8,98 USD)/kg vào tháng 5, giá đã giảm trở lại theo đúng mô hình tăng trưởng truyền thống nhưng áp lực tăng giá vẫn không đổi. Giá FOB (Miami) đối với sản phẩm philê cá hồi Chile (Chilean Trim D fillets) cũng đã đạt đỉnh vào quý hai năm 2021, ở mức 6,72 USD/kg, nhưng sau đó vẫn duy trì được mức giá cao đáng kể do nguồn cung của Chile thắt chặt và nhu cầu mạnh mẽ tại thị trường Mỹ.

Dự báo

Nếu phần lớn các thị trường trên thế giới tiếp tục theo quỹ đạo mở cửa trở lại thì triển vọng của ngành cá hồi toàn cầu trong trung hạn là tương đối khả quan. Nguồn cung hiện đã thắt chặt đáng kể, trong khi nhu cầu tiếp tục tăng, dẫn đến kỳ vọng giá cao. Cuối tháng 10 năm 2021, hợp đồng kỳ hạn tháng 12 tại sàn giao dịch Fish Pool đã chốt ở mức 66,25 NOK (tương đương 7,93 USD)/kg và mức này được dự báo sẽ duy trì trong suốt nửa đầu năm 2022.

Tại Chile, cán cân thị trường có thể thắt chặt hơn đáng kể, hàng tồn kho đông lạnh vẫn chưa được sử dụng hết, nhất là mặt hàng cá hồi coho dành cho thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, chi phí được dự đoán sẽ vẫn ở mức cao và việc giải quyết những vấn đề hiện đang ảnh hưởng đến dịch vụ hậu cần trên toàn thế giới vẫn là bài toán khó.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác