Thương mại cá tra bị ảnh hưởng bởi các quy định phòng chống dịch Covid-19 (15-03-2022)

Năm 2021, tại Việt Nam, thương mại cá tra giảm đáng kể do các hạn chế trong việc di chuyển của người lao động, công suất nhà máy giảm. Tính đến nay, Việt Nam vẫn là nhà sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới. Tổng giá trị thương mại cá tra năm 2021 không bị ảnh hưởng nặng do giá cả tăng, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Sự gián đoạn đã xảy ra trong năm 2021 được dự đoán có thể ảnh hưởng đến nguồn cung năm 2022, do những khó khăn chung đối với người nông dân và các nhà chế biến ở Việt Nam.
Thương mại cá tra bị ảnh hưởng bởi các quy định phòng chống dịch Covid-19
Ảnh minh họa

Sản lượng

Việt Nam, nhà sản xuất cá tra chính trên toàn cầu, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các quy định COVID-19. Các trường hợp nhiễm COVID-19 trong nước bắt đầu gia tăng vào tháng 7 năm 2021, khiến chính phủ phải thực thi các biện pháp nghiêm ngặt. Phần lớn người dân bị hạn chế đi lại giữa các tỉnh kể từ cuối tháng 5 năm 2021, dẫn đến hạn chế việc dịch chuyển của lực lượng lao động. Khoảng một nửa số nhà máy chế biến cá tra được cho là vẫn đóng cửa trong nửa cuối năm 2021. Những cơ sở đang hoạt động thì sản xuất với công suất thấp hơn nhiều so với công suất bình thường. Người lao động, gặp phải rất nhiều điều kiện khó khăn, trong đó có việc yêu cầu người lao động ở lại tại cơ sở.

Sản xuất nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam cũng gặp nhiều cản trở bởi các quy định phòng chống dịch, thời gian mà ngành nuôi trồng thủy sản chịu ảnh hưởng khoảng vài tháng. Vì vậy, trong tương lai gần, bức tranh của nền sản xuất cá tra khó có thể cải thiện.

Năm 2021, sản lượng cá tra (pangasius) và cá da trơn (catfish) toàn cầu dự kiến ​​giảm 8% so với năm 2020. Sản lượng cá tra tại các quốc gia khác nói chung chỉ dành cho tiêu dùng nội địa và không có khả năng tạo những thay đổi đáng kể từ năm 2020 đến năm 2021. Cả ba nhà sản xuất chính trong lĩnh vực này dự kiến ​​sẽ tăng sản lượng năm 2021: sản lượng của Ấn Độ tăng lên 600.000 tấn (+4%), Bangladesh lên 490.000 tấn (+2%) và Indonesia lên 450.000 tấn (+6%).

Thương mại và thị trường

Tổng khối lượng thương mại cá tra đã giảm đáng kể trong nửa cuối năm 2021 do sự gián đoạn của ngành công nghiệp cá tra Việt Nam. Khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam giảm một nửa từ 70.000 tấn vào tháng 6 năm 2021 xuống còn 35.000 tấn vào tháng 9 năm 2021. Chi phí vận tải cao liên tục chắc chắn sẽ làm gián đoạn lợi nhuận của các nhà xuất khẩu, với các container 40 feet từ Đông Á đến Bắc Âu trung bình là 14.400 USD (trong khi năm trước, giá xấp xỉ 2.000 USD). Tương tự, chi phí vận chuyển hàng hóa trung bình giữa Đông Á và Bắc Mỹ (bờ biển phía Tây) đã tăng hơn 4 lần, từ 4.000 USD vào tháng 10 năm 2020 lên 18.000 USD vào tháng 10 năm 2021.

Cuối năm 2021, nhu cầu cá tra ở thị trường Mỹ vẫn còn mạnh, thể hiện qua việc giá tăng nhanh do nguồn cung giảm. Các nhà nhập khẩu đã trải qua những thách thức với việc đảm bảo các đơn đặt hàng mới, vì các nhà chế biến và xuất khẩu cố gắng giải quyết các công việc tồn đọng hiện có bằng các nguồn cung cấp sẵn có. Bộ Thương mại Hoa Kỳ (the US Department of Commerce - DOC) mới đây đã công bố kết quả sơ bộ của đợt rà soát thuế ‘chống bán phá giá’ lần thứ 17 áp dụng đối với cá tra Việt Nam. Có một vài thay đổi được đề xuất, với phần lớn trong số 35 công ty được kiểm tra dự kiến ​​sẽ tiếp tục trả 2,39 USD cho mỗi kg hàng xuất khẩu. Một số công ty cá nhân đã được đưa ra mức giá dao động từ 1,94 USD/kg đến 3,87 USD/kg. Các biểu thuế sửa đổi chính thức có hiệu lực vào tháng 1 năm 2022, nhưng hầu như giống với các năm trước.

Trung Quốc đã chứng kiến ​​sự sụt giảm đáng kể trong nhập khẩu cá tra, với khối lượng giảm 4.500 tấn (-30%) trong các tháng từ tháng 6 đến tháng 7 năm 2021. Trong khi trước đây nước này là điểm đến của 40% tổng khối lượng nhập khẩu toàn cầu thì đến nay giảm còn 30%. Đã có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn được Trung Quốc tiến hành đối với thủy sản và các sản phẩm làm từ thủy sản nhập khẩu, nhất là tại thời điểm Trung Quốc nghi ngờ dấu vết COVID-19 trên bao bì.

Giá cả

Vào tháng 10 năm 2021, giá cá tra nuôi tại Việt Nam đã tăng rất nhẹ lên khoảng 22.500 đồng (tương đương 0,96 USD)/kg đối với kích cỡ cá từ 1-1,2kg. Điều này tương đương với việc tạo tỷ suất lợi nhuận rất thấp cho nông dân, những người phải đối mặt với việc nhu cầu nhập nguyên liệu từ các nhà máy chế biến thủy sản giảm, trong khi chi phí thức ăn nuôi cá tăng.

Về mặt xuất khẩu, khối lượng giảm kèm với giá tăng trên diện rộng đối với những nguồn cung có sẵn. Trong khi giá xuất khẩu philê đông lạnh của Việt Nam sang Hoa Kỳ vào khoảng 2,90 USD/kg trong quý 1 năm 2021, thì con số này đã tăng lên 3,70 USD/kg vào tháng 9. Tương tự, giá xuất khẩu sang Trung Quốc tăng từ 1,90 USD/kg trong quý 1 năm 2021 lên 2,00 USD/kg vào tháng 9. Các thị trường tương đối mới như Brazil, Mexico, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đều có mức tăng tương tự, với giá xuất khẩu dao động từ 2,40 USD/kg đến 3,40 USD/kg.

Dự báo

Ảnh hưởng của các quy định phong tỏa, giãn cách xã hội được Việt Nam thực hiện năm 2021 có thể tiếp tục giữ nguồn cung cá tra toàn cầu ở mức thấp trong quý đầu tiên của năm 2022. Tại các thị trường chính, giá cá tra tăng cao là kết quả trực tiếp của nhu cầu liên tục tăng mạnh ở các thị trường tiêu thụ sản phẩm cuối cùng, nguồn cung giảm và chi phí tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển hàng hóa.

Hiện tại nguồn cung của các trang trại đang vượt quá nhu cầu chế biến. Dẫn tới việc giá xuất khẩu tăng cũng chưa đủ để bù đắp cho người nuôi, những người đang phải đối mặt với chi phí tăng cao do sinh khối trong ao của họ quá lớn. Tuy nhiên, nếu công suất chế biến quay trở lại như cũ trong những tháng đầu năm 2022, vào thời điểm các ao đã tiêu thụ hết cá cỡ thương phẩm, thì lúc đó việc giá cao lên sẽ khiến người nuôi gia tăng lượng thả nuôi. Điều này sẽ khiến ngành công nghiệp cá tra bước vào giai đoạn bùng nổ trong “chu kỳ bùng nổ và phá sản” đã được chứng kiến ​​nhiều lần trong những năm gần đây.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác