Nhiều cơ hội hơn trong lĩnh vực bán lẻ khi dịch vụ ăn uống được phục hồi (07-01-2022)

Trong bối cảnh tác động toàn cầu gây ra bởi dịch bệnh COVID-19, thị trường thủy sản châu Âu nhìn chung vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, COVID-19 đã dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong nhu cầu thủy sản của châu Âu và nguồn cung thủy sản do các biện pháp phòng chống dịch của các nước sản xuất.
Nhiều cơ hội hơn trong lĩnh vực bán lẻ khi dịch vụ ăn uống được phục hồi
Ảnh minh họa

Ngành dịch vụ thực phẩm được đánh giá bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch COVID-19 hơn bất kỳ ngành nghề nào khác. Sức tiêu thụ thủy sản tại nhà hàng ở các quốc gia châu Âu là không giống nhau, nhưng nhìn chung dịch vụ ăn uống vẫn là kênh tiếp thị quan trọng cho các sản phẩm thủy sản. Việc các nhà hàng buộc phải đóng cửa, ngành dịch vụ ăn uống không được phép cung cấp dịch vụ phục vụ tại chỗ, điều này đã khiến hoạt động kinh doanh thủy sản sụt giảm nghiêm trọng.

Để minh họa, chúng ta cùng xem xét kỹ về nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tươi. Sản phẩm này thường được bán cho ngành dịch vụ thực phẩm Tây Bắc và Nam Âu. Ở Tây Bắc Âu, nhu cầu cá ngừ mắt to tươi trong các nhà hàng (nhất là trong các quán sushi hoặc quán buffet tự chọn), năm 2020, nhập khẩu cá ngừ mắt to của Tây Bắc Âu từ các nước đang phát triển đã giảm mạnh (-88%). Cơ quan Giám sát thị trường thủy sản châu Âu dự đoán khi các nhà hàng bắt đầu mở cửa trở lại, nhu cầu đối với mặt hàng thủy sản sẽ tăng trở lại, nhưng có thể mất thời gian trước khi lĩnh vực dịch vụ ăn uống có thể phục hồi hoàn toàn.

COVID-19 đã có tác động rất lớn đến các nhà nhập khẩu và kinh doanh thủy sản. Điều này càng trở nên tồi tệ hơn bởi những thách thức đến từ khâu cung ứng và dịch vụ hậu cần ở các nước cung ứng thủy sản. Lượng hàng tồn kho lớn và hàng hóa vận chuyển lưu thông chậm. Lĩnh vực chế biến cũng phải đối mặt với những thách thức đáng kể, chẳng hạn như việc thiết lập các điều kiện làm việc an toàn để tránh lây lan dịch bệnh COVID-19 trong lực lượng lao động. Tuy nhiên, các sản phẩm thủy sản chế biến nhắm đến mục tiêu bán lẻ vẫn hoạt động tốt trong kỳ đại dịch.

Từ trước khi xảy ra đại dịch, khu vực bán lẻ đã là kênh bán hàng chính cho các sản phẩm thủy sản chưa qua chế biến. Nhìn vào dữ liệu của các quốc gia châu Âu như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức và Anh, có đến 63% - 80% doanh số thủy sản chưa chế biến được bán thông qua hình thức bán lẻ trong năm 2019. Bán lẻ thậm chí còn trở thành một kênh tiếp thị quan trọng hơn trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành trên toàn thế giới. Khi đó, việc tiêu thụ hải sản bên ngoài nhà, trong các nhà hàng, hầu như không thể thực hiện và mọi người buộc phải nấu ăn tại nhà. Do đó, các công ty bán lẻ cung cấp nhiều loại sản phẩm thủy sản mới nhằm vào người tiêu dùng gia đình. Nguyên liệu thô nhập khẩu từ các nhà xuất khẩu của các nước đang phát triển thường được chế biến lại sau khi tới châu Âu, để chuẩn bị cho hoạt động bán lẻ. Do đó, việc kết nối giữa các nhà xuất khẩu với các nhà nhập khẩu châu Âu (có mối quan hệ chặt chẽ với các nhà bán lẻ hoặc các nhà chế biến tại châu Âu) là điều rất thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và kinh doanh thủy sản tại thị trường châu Âu.

Dự đoán trong thời gian tới, lĩnh vực bán lẻ có thể vẫn rất quan trọng. Một nhà nhập khẩu của Bỉ cho biết: “Nhiều người tiêu dùng đang bắt đầu thử tập nấu ăn tại nhà. Do đó, kênh bán lẻ đã và đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở châu Âu, đặc biệt là đối với các sản phẩm tiện lợi được sử dụng để nấu ăn tại nhà hoặc các sản phẩm có thể bán-mang đi và các sản phẩm được bán trong siêu thị như pizza, sushi hoặc salad”. Ngoài ra, khi các nhà hàng mở cửa trở lại, nhu cầu đối với các sản phẩm được bán trong ngành dịch vụ ăn uống sẽ nhất định tăng trở lại. Điều quan trọng đối với các nhà cung cấp là phải duy trì sự linh hoạt và giữ mối liên lạc với người mua để thích ứng với mọi thay đổi tại thị trường thủy sản châu Âu.

Ngọc Thúy (theo www.cbi.eu)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác