Xuất khẩu thủy sản sang châu Âu (phần 2) (13-12-2021)

Trung tâm Xúc tiến Nhập khẩu từ các nước đang phát triển (the Centre for the Promotion of Imports from developing countries - CBI) thuộc Tổ chức Doanh nghiệp Hà Lan luôn khuyến khích các nước đang phát triển xuất khẩu sản phẩm của mình sang châu Âu. Theo kết quả nghiên cứu của CBI thì nhu cầu về thủy sản bền vững đang tăng lên ở thị trường Nam Âu và Đông Âu. 
Xuất khẩu thủy sản sang châu Âu (phần 2)
Ảnh minh họa

CBI cũng cho biết, từ đầu những năm 2000, các công ty ở Bắc Âu và Bắc Mỹ đã bắt đầu thực hiện các cam kết đối với thủy sản bền vững. Theo thời gian, các cam kết này đã mở rộng ra toàn cầu. Có rất nhiều chứng nhận về tính bền vững trên thị trường, nhưng các Chứng nhận MSC của Hội đồng Quản lý Biển (the Marine Stewardship Council) và ASC của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (the Aquaculture Stewardship Council) từ lâu đã là những chứng chỉ chính quan trọng mà các nhà bán lẻ châu Âu cam kết đối với hải sản đánh bắt tự nhiên và nuôi trồng.

Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi. Sáng kiến ​​Thủy sản Bền vững Toàn cầu (Global Sustainable Seafood Initiative - GSSI), đã phát triển Công cụ Đánh giá Toàn cầu (Global Benchmark Tool) để công nhận các chương trình chứng nhận thủy sản có quy trình đánh giá nghiêm ngặt và minh bạch, được củng cố bởi Bộ Quy tắc ứng xử của FAO về Thủy sản có trách nhiệm (the FAO Code of Conduct for Responsible Fisheries).

Từ đó, các nhà bán lẻ thủy sản trên thế giới đang dần thay đổi từ cam kết bán thủy sản có nhãn sinh thái (như ASC, MSC) sang cam kết bán thủy sản được chứng nhận bởi bất cứ tiêu chuẩn đánh giá nào của GSSI, trong đó có các tiêu chuẩn như GLOBAL GAP và Thực hành Nuôi trồng thủy sản tốt (Best Aquaculture Practices).

Trong một thời gian dài vừa qua, nhu cầu về thủy sản bền vững chỉ giới hạn trong phạm vi khu vực các nước Tây Bắc Âu và Bắc Âu. Tuy nhiên, kết quả điều tra của CBI cho thấy trong những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản bền vững cũng đang gia tăng ở Nam Âu và Đông Âu.

Trong năm tài chính 2019/2020, khoảng 887.000 tấn thủy sản được chứng nhận MSC đã được bán tại thị trường châu Âu, so với khoảng 787.000 tấn trong năm tài chính trước đó 2018/2019. Cũng trong năm 2019/2020, có tổng cộng 14.640 sản phẩm thủy sản được chứng nhận MSC đã có mặt trên thị trường châu Âu. Tây Bắc Âu vẫn chiếm thị phần lớn nhất trong tổng doanh số thủy hải sản được chứng nhận MSC. Trong năm 2019/2020, có 6.260 chứng nhận MSC có mặt tại thị trường Tây Bắc Âu, tăng 6% so với năm trước.

Đứng sau Đức, giờ đây Pháp đã chiếm lĩnh vị trí của Vương quốc Anh, trở thành thị trường lớn thứ hai của Châu Âu đối với các sản phẩm MSC (cả về khối lượng và số lượng sản phẩm trên thị trường).

Sự tăng trưởng thương mại thủy sản được chứng nhận MSC chủ yếu do Nam Âu. Năm 2019/2020 Nam Âu có 2.890 sản phẩm được chứng nhận MSC trên thị trường, tăng 31% so với năm trước. Số lượng sản phẩm MSC tại Pháp tăng 27% và số lượng sản phẩm MSC tại Tây Ban Nha tăng 25%. Đặc biệt, Ý đã đạt được bước tiến lớn nhất, tăng 49% sản phẩm MSC trên thị trường so với năm trước.

Mặc dù vẫn là khối thị trường nhỏ nhưng Đông Âu cũng đã mở rộng cung cấp các sản phẩm MSC với 673 sản phẩm được tung ra thị trường trong năm 2019/2020, nhiều hơn 13% so với năm trước.

ASC được thành lập muộn hơn MSC nhưng đang phát triển rất nhanh. Vào tháng 1 năm 2021, có 1.336 trang trại được chứng nhận ASC và 238 trang trại khác đang được đánh giá. Vào tháng 12 năm 2020, 9.748 sản phẩm được chứng nhận ASC đã có mặt trên thị trường châu Âu, tăng 32% so với tháng 12 năm 2019.

Về vị trí địa lý, ASC đang nhanh chóng mở rộng số lượng sản phẩm tại thị trường các nước châu Âu. Nhìn vào tổng sản phẩm được chứng nhận ASC trong tháng 12 năm 2020 ở các quốc gia châu Âu cho thấy, tổng số sản phẩm ASC ở Tây Bắc Âu là 7.720, nhiều hơn 27% so với năm 2019. Ở Tây Bắc Âu thì Hà Lan là nước có sự lựa chọn lớn nhất đối với các sản phẩm được chứng nhận ASC với 2.719 sản phẩm được chứng nhận ASC trên các kệ hàng của quốc gia này vào tháng 12 năm 2020.

Số lượng các sản phẩm được chứng nhận ASC tại thị trường các nước Nam Âu tăng mạnh nhất - tăng 46% và đạt 2.577 sản phẩm. Thị trường Nam Âu lớn nhất là Pháp với 1.428 sản phẩm ASC vào tháng 12 năm 2020. Trong khi đó, tổng lượng sản phẩm ASC ở Đông Âu là 1.646, tăng 32% so với năm 2019, lớn nhất là Ba Lan.

Yếu tố chính dẫn đến sự phát triển của MSC và ASC là cam kết mà các tập đoàn bán lẻ quốc tế đã thực hiện ở cấp độ doanh nghiệp. Mặc dù các cam kết của họ xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng ở Tây Bắc Âu, nhưng họ cũng yêu cầu các công ty thuộc tập đoàn của mình ở các thị trường khác phải đáp ứng các mục tiêu tương tự.

Do đó, CBI hy vọng rằng, phần lớn thủy sản tiêu thụ  qua kênh dịch vụ thực phẩm bán lẻ ở Nam Âu (tại các cơ sở như trường học, bệnh viện) sẽ giống như các nước Tây Bắc Âu và Bắc Âu, đều là các sản phẩm thủy sản bền vững.

Ngọc Thúy (theo www.cbi.eu)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác