Xuất khẩu thủy sản sang châu Âu (phần 1) (30-11-2021)

Châu Âu là một trong những thị trường chính về nhập khẩu thủy sản trên thế giới. Do đó, các nhà xuất khẩu thủy sản hoàn toàn có thể thành công nếu tìm hiểu kỹ nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở thị trường này.
Xuất khẩu thủy sản sang châu Âu (phần 1)
Ảnh minh họa

Trong thời gian qua, COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ thủy sản ở các nước châu Âu. Các nhà hàng và khách sạn đóng cửa trong nhiều tháng liên tiếp. Các nhà máy chế biến thủy sản thì giảm công suất lao động do các biện pháp mà Chính phủ các nước đã áp dụng như giãn cách xã hội. Điều này đã ảnh hưởng đến nhu cầu và khối lượng tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

Vì vậy, điều chỉnh doanh nghiệp chính là điều cần thiết để dẫn tới thành công. Các câu chuyện về tính bền vững, chứng nhận thủy sản, tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc thủy sản là những thông tin rất quan trọng. Tìm hiểu kỹ các thông tin thị trường có thể giúp doanh nghiệp thủy sản thành công trong việc xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại thị trường châu Âu

Châu Âu là thị trường đầy tiềm năng cho các nhà xuất khẩu thủy sản. Các số liệu thống kê năm 2020 cho thấy mặc dù COVID-19 đã tác động đến thị trường thủy sản châu Âu, làm giảm hoạt động nhập khẩu từ các nước đang phát triển, nhưng nhu cầu thủy sản tại thị trường này hầu như vẫn ổn định. Với nhu cầu lớn về thủy sản, Nam Âu trở thành thị trường hấp dẫn nhất cho các nhà xuất khẩu thủy sản, đồng thời là thị trường tiềm năng nhất của châu Âu đối với các sản phẩm tôm giá trị gia tăng và thủy sản đóng hộp.

Châu Âu – Thị trường thủy sản hấp dẫn

Châu Âu tiếp tục là thị trường chính cho các sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ các nước đang phát triển, với mục đích nhập khẩu để tiêu dùng, nhập khẩu để chế biến - xuất khẩu. Châu Âu cũng là nơi có các trung tâm thương mại lớn để phân phối sản phẩm trong khu vực. Trong thời gian xảy ra đại dịch COVID 19, nhu cầu trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống giảm, trong khi nhu cầu bán lẻ vẫn tăng mạnh.

Nhập khẩu của châu Âu vẫn ổn định bất chấp đại dịch COVID-19

Tổng giá trị nhập khẩu thủy sản của châu Âu năm 2020 là 54,8 tỷ USD. Nhập khẩu thủy sản đã gia tăng kể từ năm 2015 và đạt đỉnh 58,0 tỷ USD vào năm 2018. Năm 2019, nhập khẩu giảm 4%. Mặc dù xu hướng giảm này vẫn tiếp tục vào năm 2020, nhưng mức độ đã giảm xuống (nhập khẩu chỉ giảm 1% vào năm 2020).

Năm 2020, nhập khẩu từ các nước đang phát triển đạt 14,4 tỷ USD. Con số này cũng đạt mức cao nhất vào năm 2018 (với 16,6 tỷ USD). Nhập khẩu từ các nước đang phát triển chiếm 73% tổng nhập khẩu ngoài châu Âu (giảm nhẹ so với năm 2019 khi con số này là 74%). Điều này cho thấy tầm quan trọng trong hoạt động nhập khẩu từ các nước đang phát triển đối với tổng nhập khẩu thủy sản của châu Âu.

Thương mại nội khối châu Âu tăng nhẹ trong năm 2020, đạt 35 tỷ USD. Nhập khẩu nội khối (các sản phẩm được nhập khẩu từ các quốc gia khác trong châu Âu) cũng đạt mức cao nhất vào năm 2018 (35,8 tỷ USD) và giảm 4% vào năm 2019, sau đó tăng 2% vào năm 2020.

Điều này cho thấy trong năm COVID-19 tấn công thị trường châu Âu, nhập khẩu từ các nước đang phát triển giảm một chút, nhưng tổng nhập khẩu nội khối châu Âu thì tăng nhẹ. Một lý do có thể lý giải cho hiện tượng này là: Nhiều nước châu Âu gặp khó khăn trong lĩnh vực hậu cần (do lệnh phong tỏa hoặc các quy định hạn chế biên giới) nên đã chuyển sang nhập khẩu thủy sản từ các nước láng giềng hoặc các nhà cung cấp khác trong cùng châu Âu. Đối với các nhà xuất khẩu thủy sản của các nước đang phát triển, thương mại nội khối gia tăng không phải một xu hướng tiêu cực, vì họ tìm thấy cơ hội trong việc xuất khẩu thủy sản sang các nước châu Âu thông qua hoạt động thương mại nội khối; cụ thể là, họ có thể tìm hiểu để biết được quốc gia nào ở châu Âu có thể giúp họ chuyển sản phẩm sang quốc gia châu Âu khác.

Châu Âu có các trung tâm thương mại lớn để phân phối sản phẩm thủy sản trên toàn khu vực

Hà Lan, Đức và Bỉ là các trung tâm thương mại thủy sản lớn của châu Âu. Ba quốc gia Tây Bắc Âu liền kề này có bờ biển giáp Biển Bắc. Nhờ các vị trí chiến lược của họ ở châu Âu và các thành phố cảng như Rotterdam, Hamburg và Antwerp, các quốc gia này hoạt động như một cửa ngõ thông thương đến phần còn lại của châu Âu. Vì thương mại nội châu Âu cũng đang phát triển mạnh mẽ ở châu Âu, hãy cân nhắc làm ăn với các nhà nhập khẩu từ khu vực này nếu bạn muốn thiết lập kết nối với phần còn lại của châu Âu.

Các công ty thủy sản của Hà Lan, Đức và Bỉ đều thành thục kỹ năng kinh doanh và thương mại. Các thẩm quyền về pháp lý, thuế và hải quan cũng được thiết lập tốt để xử lý hàng hóa xuất nhập khẩu. Điều này cho phép họ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhiều tuyến đường tiếp thị sản phẩm. Sản phẩm được vận chuyển và di chuyển qua các cảng biển và kho hàng của họ tới các điểm đến khác ở châu Âu.

Nhập khẩu của các quốc gia này cao, tương tự như tái xuất khẩu của họ. Vì vậy, hãy nhớ rằng sự gia tăng nhập khẩu không nhất thiết đồng nghĩa với sự gia tăng tiêu dùng ở ba quốc gia này. Năm 2020, tổng giá trị nhập khẩu thủy sản từ các nước đang phát triển vào Hà Lan là 1,5 tỷ USD, chiếm 74% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này từ bên ngoài châu Âu. Đức nhập khẩu 1,4 tỷ USD từ các nước đang phát triển, chiếm 75% tổng nhập khẩu của họ từ bên ngoài châu Âu. Bỉ nhập khẩu 543 triệu USD từ các nước đang phát triển, chiếm 78% tổng kim ngạch nhập khẩu từ bên ngoài châu Âu.

Năm 2020, nhập khẩu của Bỉ và Đức từ các nước đang phát triển giảm 1%, trong khi Hà Lan nhập khẩu nhiều hơn 10% từ các nước đang phát triển. Những con số này cho thấy nhập khẩu tới ba trung tâm thương mại này có thể sẽ tiếp tục, bất chấp ảnh hưởng của COVID-19.

Châu Âu – Thị trường trọng điểm của thủy sản các nước đang phát triển

Châu Âu là nhà nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai trên thế giới. Năm 2020, châu Âu đã nhập khẩu 19,8 tỷ USD từ bên ngoài châu Âu, đứng sau Mỹ (nhập khẩu 22,5 tỷ USD). Nhật Bản đứng thứ ba, nhập khẩu 12,8 tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ tư, nhập khẩu 12,7 tỷ USD. Tại bốn thị trường thủy sản hàng đầu này, giá trị nhập khẩu thủy sản đã giảm kể từ mức đỉnh của năm 2018, ngoại trừ Trung Quốc là nước có nhập khẩu đạt đỉnh vào năm 2019.

Nhưng khi xem xét cụ thể nhập khẩu thủy sản từ các nước đang phát triển, thành phần của bốn thị trường này có vẻ khác nhau: Năm 2020, châu Âu nhập khẩu nhiều nhất, nhập khẩu 14,4 tỷ USD từ các nước đang phát triển. Mỹ nhập khẩu 13,1 tỷ USD. Nhật Bản và Trung Quốc nhập khẩu lần lượt 7,2 tỷ USD và 6,2 tỷ USD. Điều này cho thấy châu Âu là thị trường trọng điểm của thủy sản đến từ các nước đang phát triển.

Ngọc Thúy (theo www.cbi.eu)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác