Cá tra: Giá dự kiến ​​tăng (16-11-2021)

Nhu cầu đối với cá tra đang trở lại mức như trước đại dịch tại các thị trường lớn. Thị trường Mỹ đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi nhu cầu của Trung Quốc đang quay trở lại như những năm trước. Dịch vụ ăn uống là kênh tiêu thụ trọng điểm của cá tra, và do đó sự phục hồi phần lớn phụ thuộc vào việc mở cửa trở lại của khách sạn, nhà hàng. Nhu cầu của EU chuyển biến chậm đã góp phần vào việc mở rộng sang các thị trường thay thế.
Cá tra: Giá dự kiến ​​tăng

Sản xuất

Năm 2020, doanh số bán hàng của khu vực nhà hàng tại các thị trường mục tiêu bị giảm sút dẫn đến giá thấp, khiến nhiều nhà sản xuất ngừng kinh doanh hoặc giảm lượng hàng dự trữ. Tại đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nơi nuôi phần lớn cá tra phục vụ cho hoạt động thương mại quốc tế, diện tích thả nuôi đã giảm 9% vào năm 2020. Mặc dù vậy, sản lượng ở đây trong 5 tháng đầu năm 2021 là 523.900 tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Vẫn còn phải xem xét xem sản lượng này có tiếp tục được duy trì hay nguồn cung sẽ thắt chặt hơn vào cuối năm nay. Giá bán vẫn còn thấp, và do đó, cần phải xem xét việc dự trữ năm 2021 hoạt động như thế nào trong những tháng tới.

Giá bột cá tăng ổn định chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của nông dân, các hộ nuôi cá tra buộc phải thay đổi chiến lược cho ăn, mặc dù nhu cầu thức ăn thủy sản của cá tra khá thấp so với nhiều đối tượng thủy sản nuôi khác. Kể từ tháng 7 năm 2021, làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19 ở Việt Nam đã có tác động rõ rệt đối với ngành hàng cá tra, với việc các nhà chế biến tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động dưới công suất bình thường do các quy định của chính phủ về phong tỏa và thực hiện giãn cách xã hội.

Thương mại và thị trường

Cho đến nay, Việt Nam là nhà sản xuất cá tra hàng đầu thế giới, và Trung Quốc là thị trường lớn nhất. Nhập khẩu từ Việt Nam đã tăng lên mặc dù công tác kiểm tra biên giới chặt chẽ hơn. Sau khi phục hồi vào nửa cuối năm 2020, xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng trở lại vào tháng 3 và tháng 4 năm 2021, tăng giá trị lần lượt 28% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng hiện vẫn thấp hơn các năm trước, nhưng do nhập khẩu có xu hướng đạt đỉnh vào nửa cuối năm nên tình hình chung vẫn chưa được biết rõ.

Trung Quốc đã báo cáo giá cá nước ngọt nuôi trong nước cao, trong đó cá tra nhập khẩu có thể là sản phẩm thay thế hấp dẫn tại thị trường này. Nhu cầu trở lại từ người tiêu dùng Hoa Kỳ đã giúp hồi sinh ngành dịch vụ thực phẩm, và thị trường cá của Hoa Kỳ cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ hơn so với nhiều thị trường lớn khác trên thế giới. Nhập khẩu cá da trơn của Hoa Kỳ trong quý đầu tiên của năm 2021 gần gấp đôi so với lượng nhập khẩu của quý II năm 2020, trở thành mức cao nhất về nhập khẩu cá da trơn của Hoa Kỳ kể từ năm 2018 đến nay. Việt Nam chiếm khoảng 90% lượng cá tra nhập khẩu vào Hoa Kỳ, và việc giảm thuế suất đối với cá tra Việt Nam vào năm 2020 có nghĩa là phần lớn các nhà xuất khẩu hiện tại sẽ áp dụng mức thuế bằng 0 hoặc giảm thuế suất 0,15 USD/kg, giảm so với mức 1,37 USD/kg.  

Xuất khẩu sang Liên minh châu Âu và Trung Quốc giảm 13% về giá trị trong giai đoạn 2019-2020, với một tỷ lệ đáng kể của sự thiếu hụt này đang tìm đường đến Mỹ Latinh và Liên bang Nga. Trong khi nhu cầu của Trung Quốc bắt đầu quay trở lại vào nửa cuối năm 2020, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Liên minh châu Âu vẫn thấp hơn nhiều so với các năm trước, bất chấp hiệu lực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU và như vậy mặt hàng cá tra đang đi ngược xu hướng với các sản phẩm thủy sản khác của Việt Nam.

Giá trị xuất khẩu cá ngừ và tôm của Việt Nam đã tăng khoảng 20% ​​trong 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, trong khi cá tra giảm 26% trong giai đoạn này. Tình trạng nhập khẩu giảm sút của cá tra ở Liên minh châu Âu có thể phần lớn là do nhu cầu từ dịch vụ thực phẩm giảm và chi phí vận chuyển cao. Đợt cắt giảm thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực vào tháng 8, theo đó thuế đối với cá tra philê đông lạnh sẽ giảm từ 6,5% xuống còn 4,5%.

Cá tra đã được mở rộng ổn định sang các thị trường mới trong những năm qua, và nhu cầu biến động ở các thị trường lớn chính là chất xúc tác để lan tỏa hơn nữa ở các điểm đến này. Sự hồi phục trở lại của nhu cầu tiêu thụ cá tra tại thị trường Trung Quốc, chiếm phần lớn lượng nhập khẩu, đã phần nào cản trở sự tăng trưởng các dòng thương mại cá tra đến các thị trường mới. Các thị trường quan trọng gồm có Mexico, Colombia, Brazil và Liên bang Nga, trong quý đầu tiên của năm 2021, nhập khẩu từ Việt Nam tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt là: Mexico 3,7 triệu USD (+26%), Colombia 3,5 triệu USD (+37%), Brazil 2,6 triệu USD (+17%) và Liên bang Nga 2,1 triệu USD (+126%).

Giá cả

Giá bán tại trang trại cá tra của Việt Nam vẫn ở mức thấp, vào khoảng 22.000 đồng (tương đương với khoảng 0,96 USD)/kg vào đầu tháng 5 năm 2021. Mức này vẫn cao hơn mức 16.000 đồng (0,70 USD)/kg trong hầu như cả năm 2020. Giá xuất khẩu philê cá tra đông lạnh của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng lên 2,87 USD/kg trong quý đầu tiên của năm 2021, cao hơn đáng kể so với mức giá trong nửa cuối năm 2020. Giá tại Trung Quốc và Brazil được cho là đang tăng, đặc biệt đối với loại philê cỡ lớn hơn mà hiện có lượng hàng tồn kho hạn chế.

Dự báo

Nhu cầu đối với cá tra tăng mạnh ở các thị trường truyền thống, trong khi số lượng thị trường mới ngày càng đa dạng đang hấp thụ nhiều sản phẩm hơn. Nhưng điều này vẫn chưa chuyển thành giá tốt cho nông dân, những người có khả năng sẽ tiếp tục đối mặt với biên lợi nhuận thấp trong ngắn hạn do nguồn cung hiện đang dồi dào. Nguồn cung có thể giảm trong nửa cuối năm 2021. Dự trữ năm 2021 cho vụ thu hoạch vào năm 2022 vẫn còn, nhưng có thể nguồn cung sẽ thắt chặt hơn vào năm 2022. Theo dự báo của FAO, Tại thời điểm cuối tháng 10/2021, Việt Nam đang có sự gia tăng đột biến số ca nhiễm COVID-19, điều này sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, chế biến và vận chuyển xuất khẩu, cũng như hạn chế việc mở rộng thương mại cá tra ra toàn cầu.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác