Thị trường cá hồi 2021: Rốt ráo thu hoạch từ đầu năm khiến nguồn cung khan hiếm trong những tháng cuối năm (Phần 2) (15-11-2021)

Đối với ngành công nghiệp cá hồi, chương trình triển khai vắc xin toàn cầu đã tạo ra môi trường thị trường năng động hơn, trong đó nhiều đổi mới do đại dịch mang lại có thể sẽ vẫn tồn tại ngay cả khi các lệnh phong tỏa hay quy định giãn cách xã hội đã được dỡ bỏ.
Thị trường cá hồi 2021: Rốt ráo thu hoạch từ đầu năm khiến nguồn cung khan hiếm trong những tháng cuối năm (Phần 2)

Sau khi đại dịch bùng nổ, những người tiêu dùng cá hồi đã có những sở thích và hành vi mua hàng thay đổi bởi những hạn chế của đại dịch và phản ứng của các doanh nghiệp đối với những hạn chế này. Việc đóng cửa lĩnh vực dịch vụ thực phẩm đã dẫn đến sự chuyển hướng tập trung vào nấu ăn tại nhà, do đó đã thúc đẩy sự phát triển của một loạt các sản phẩm tiện lợi và bộ dụng cụ ăn uống mới. Các sản phẩm đông lạnh và đóng hộp cũng đã được tăng cường trong năm 2020 và các nhà tiếp thị trong phân khúc này sẽ tìm cách giữ chân khách hàng mới của họ khi sự cạnh tranh từ cá tươi và dịch vụ thực phẩm trở lại mức như trước đại dịch.  Doanh số bán hàng gia tăng thông qua dịch vụ giao đồ ăn, đã mang lại nguồn doanh thu rất cần thiết cho các nhà hàng vốn đang bị hạn chế về công suất, đó chính là một ví dụ về sự chuyển đổi thị trường đã mở ra cơ hội mới ngay cả khi lĩnh vực nhà hàng tiếp tục được hoạt động trở lại bình thường.

Doanh số bán hàng trực tuyến các sản phẩm hải sản, bao gồm cả cá hồi, đã tăng mạnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do tính phù hợp của các mặt hàng thương mại điện tử. Tại Hoa Kỳ, doanh số thương mại điện tử chiếm 30% tổng doanh số bán thủy sản vào tháng 9 năm 2020, so với 6% trước khi COVID-19 xuất hiện. Nhiều người tiêu dùng ngày càng trở nên quen thuộc và thoải mái với cách mua thủy sản như thế này, đặc biệt là ở các thị trường châu Á, và xu hướng này càng được đẩy nhanh bởi đại dịch. Tại Hoa Kỳ, vào đầu năm 2021, thời tiết lạnh ban đầu ảnh hưởng đến nhu cầu cá hồi và dịch vụ hậu cần. Các ngày lễ truyền thống trong quý đầu tiên của năm 2021 được báo cáo là ít nhộn nhịp hơn bình thường. Những thay đổi trong mô hình tiêu thụ do ảnh hưởng của COVID-19 tiếp tục làm tăng thêm sự phức tạp cho chuỗi cung ứng vốn đã rất phức tạp, nhưng với sự cải thiện thời tiết gần đây, nhu cầu dường như đang trên đà phục hồi tại thị trường cá hồi tươi nguyên con và cá hồi phi lê. Việc nới lỏng các hạn chế trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm và kỳ nghỉ hè đã chứng kiến ​​tốc độ tăng trưởng của thị trường cá hồi, mặc dù vậy, các vụ thu hoạch khối lượng lớn vào đầu năm đã khiến nguồn cung cạn kiệt.

Theo Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (the National Oceanic and Atmospheric Administration), nhập khẩu cá hồi trong giai đoạn 3 tháng đầu năm 2021 đạt tổng cộng 120.629 tấn, trị giá 1.199 triệu USD. Những con số này đã thể hiện mức tăng 11,4% về lượng và 9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Pháp, thị trường châu Âu lớn nhất đối với cá hồi Na Uy nuôi, khi lệnh cấm ăn uống tại nhà hàng được dỡ bỏ vào quý II đã khiến nhu cầu tiêu thụ cá hồi tại nhà hàng tăng lên, ngay cả khi tiêu thụ tại nhà được báo cáo là vẫn đang rất mạnh.

Tại Trung Quốc, thị trường tiếp tục phục hồi, đồng nghĩa với việc tăng cường nhu cầu đối với loại cá hồi kích cỡ lớn được ưa chuộng bởi các dịch vụ thực phẩm, hiện chiếm tỷ trọng cao tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, lo ngại của người tiêu dùng về nguy cơ nhiễm COVID-19 liên quan đến thủy sản đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc cảnh giác với mặt hàng cá hồi, và Chile đã phải thực hiện các chiến dịch quảng cáo và cung cấp thông tin để đáp lại những lo ngại này. Tại Brazil, việc mở cửa trở lại lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, cũng có ý nghĩa tích cực đáng kể đối với ngành hàng cá hồi; tương tự như Trung Quốc, phần lớn cá hồi bán ở thị trường Brazil là trong các nhà hàng.

Thương mại

Tại Na Uy, đồng krone Na Uy (NOK) mạnh lên đã làm cho hải sản Na Uy đắt hơn đối với người mua và điều này đã ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu vào năm 2021. Lượng cung cao trong quý đầu tiên đã khiến giá giảm và sự kết hợp của tất cả các yếu tố đã dẫn đến giảm doanh thu mặc dù khối lượng xuất khẩu tăng. Theo Hội đồng Thủy sản Na Uy (the Norwegian Seafood Council), 297.200 tấn cá hồi trị giá 18 tỷ NOK đã được xuất khẩu trong quý đầu tiên của năm 2021, lần lượt tăng 18% về lượng và giảm 4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá trung bình của các mặt hàng xuất khẩu này đã giảm từ 69 NOK/kg xuống 54,43 NOK/kg trong giai đoạn này. Trong năm nay, các quốc gia có ngành công nghiệp chế biến lớn như Ba Lan và Đan Mạch đang chiếm thị phần cao hơn trong sản lượng xuất khẩu cá hồi của Na Uy, phản ánh qua sự gia tăng các sản phẩm tiện lợi có giá trị, vốn là thành phần cốt lõi của mô hình mua hàng mới của người tiêu dùng kể từ sau đại dịch.

Tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, xuất khẩu cá hồi sang các nước EU, bao gồm cả thị trường quan trọng là Pháp, đã bị ảnh hưởng trong quý đầu tiên năm 2021 bởi những khó khăn đáng kể trong khâu hậu cần mà các nhà kinh doanh cá hồi phải đối mặt vào đầu năm do hậu quả của Brexit - các trở ngại hành chính liên quan tại biên giới mới của EU. Tuy nhiên, lực lượng đặc nhiệm xuất khẩu thủy sản của Scotland đã được thành lập để đối phó với những thách thức xuất khẩu; theo đó, tuyên bố rằng đã đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc hợp lý hóa các thủ tục này. Chính phủ Anh cũng đã phát động một chiến dịch quảng bá hải sản Scotland, đặc biệt là mặt hàng cá hồi, ở Trung Quốc, nhằm tạo ra nguồn cầu mới.

Theo Hội đồng Cá hồi Chile (the Chilean Salmon Council), 223.000 tấn cá hồi (gồm cả salmon và trout) trị giá 284 triệu USD đã được xuất khẩu trong quý đầu tiên của năm 2021, tăng 6,6% về lượng và giảm 4,9% về giá trị so với so với cùng kỳ năm trước. Tại Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu béo bở nhất của Chile, việc nới lỏng các hạn chế và tăng cường nhu cầu đã khiến nhập khẩu từ Chile tăng lên trong quý đầu tiên của năm.

Giá cả

Giá cá hồi Đại Tây Dương đầu năm 2021 được giữ ở mức thấp do sản lượng thu hoạch cao ở cả Na Uy và Chile sau giai đoạn nhu cầu giảm vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, do lượng sinh khối giảm và thị trường tiếp tục mở cửa trở lại, xu hướng này đã tăng mạnh vào giữa năm 2021. Đối với cá hồi Na Uy, giá đã tăng từ 40 NOK (tương đương 5,20 USD)/kg vào tháng Giêng lên mức cao nhất trên 7,90 USD/kg trong quý thứ hai năm 2021. Đối với cá philê tươi từ Chile đến Mỹ, thị trường thắt chặt khiến giá tăng từ 11,30 USD/kg vào tháng 1 lên 13,60 USD/kg vào giữa năm 2021, mức tăng cao chưa từng thấy kể từ năm 2018 đến nay.

Dự báo

Đầu năm 2021, sản lượng thu hoạch được nhận định là cao hơn nhiều so với mức cùng kỳ năm trước, dự báo nguồn cung cá hồi Đại Tây Dương nuôi trong nửa cuối năm 2021 sẽ eo hẹp hơn đáng kể. Áp lực giá tăng có thể tiếp tục nhất là khi việc mở cửa trở lại đang diễn ra với tốc độ như hiện nay. Điều này có thể sẽ rõ ràng hơn đối với cá hồi Chile. Các hợp đồng kỳ hạn đối với cá hồi Na Uy tại Fish Pool đang dao động trong khoảng 50 NOK (tương đương 5,76 USD)/kg trong thời gian còn lại của năm 2021, với mức tăng vào cuối năm.

Về dài hạn, các nhà phân tích đang dự đoán thị trường tiếp tục thắt chặt, đặc trưng bởi nguồn cung hạn chế trong khi tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ, mặc dù hàng loạt công nghệ sản xuất thay thế đang được nghiên cứu ứng dụng. Chi phí dự kiến ​​sẽ vẫn ở mức cao, đặc biệt là ở Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, nơi các bên liên quan trong ngành đang lo ngại rằng các biện pháp kiểm soát hải quan bổ sung (được áp dụng vào tháng 1 năm 2022) sẽ tạo ra tình trạng trì hoãn kéo dài và hỗn loạn hành chính như đã diễn ra đầu năm nay. Đặc biệt, chi phí vận chuyển cao sẽ tiếp tục cản trở thương mại.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác