Thị trường cá nổi nhỏ: Thương mại quốc tế biến động (04-11-2021)

Trong năm qua, đã có những thay đổi đáng kể trong mô hình kinh doanh cá nổi nhỏ. Các lô hàng đến Trung Quốc đã giảm, thay vào đó là Hàn Quốc và Nhật Bản. Hơn nữa, Nigeria lại một lần nữa thể hiện vai trò tích cực trên thị trường. Nguồn cung cá trích có thể vẫn khan hiếm, trong khi nguồn cung cá thu có thể dồi dào hơn.
Thị trường cá nổi nhỏ: Thương mại quốc tế biến động
Ảnh minh họa

Cá thu

Tháng 5/2021, các cuộc đàm phán về hạn ngạch cá thu cho năm 2021 giữa Na Uy, Liên minh Châu Âu và Faroes đã không thể đi đến thống nhất chung, Na Uy đã đơn phương đặt hạn ngạch cá thu ở mức 298.299 tấn, tăng từ 213.880 tấn (năm 2020). Hạn ngạch năm 2021 tương ứng với 35% mức đánh bắt được khuyến nghị bởi Hội đồng Khám phá Biển Quốc tế (the International Council for the Exploration of the Sea) đã đưa ra trong tháng 9 năm 2020. Quần đảo Faroe và Iceland ngay sau đó đã đi theo con đường của Na Uy, tự đặt hạn ngạch đơn phương cho riêng mình. Quần đảo Faroe đã đặt hạn ngạch cá thu ở mức 167.048 tấn, tương ứng với 19,6% khuyến nghị của Hội đồng Khám phá Biển Quốc tế. Iceland cũng đặt ra hạn ngạch đơn phương, nhưng lần này lại hạ từ 152.000 tấn (năm 2020) xuống 140.627 tấn cho năm 2021. Điều này cũng tuân theo khuyến nghị của Hội đồng Khám phá Biển Quốc tế.  

Để phản ứng trước quyết định đơn phương này, những người đánh cá Scotland đã đề xuất rằng các nhà bán lẻ và nhà cung cấp thực phẩm ở Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland cần tẩy chay cá thu từ Na Uy và Quần đảo Faroe. Họ tuyên bố rằng hai quốc gia này đã tăng tỷ trọng của họ trong tổng hạn ngạch cá thu lên 55%. Các ngư dân châu Âu và các tổ chức của họ cũng đang phản đối quyết định đơn phương của Na Uy và kêu gọi Liên minh châu Âu có hành động chống lại quyết định này của Na Uy. Hạn ngạch khai thác cá thu đã trở thành vấn đề bất cập trong những năm vừa qua.

Kể từ năm 2014, Liên minh Châu Âu, Na Uy và Quần đảo Faroe đã đạt được thỏa thuận chung về việc cùng chia sẻ và quản lý nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, Iceland, Liên bang Nga và Greenland chưa bao giờ là một phần của thỏa thuận này, thay vào đó họ luôn tự đặt ra hạn ngạch của riêng mình. Năm 2020, lượng cá thu Đại Tây Dương cập cảng Na Uy đã tăng 34%, khiến giá giảm khoảng 15%, do đó đã phá vỡ xu hướng tăng giá kéo dài trong vài năm. Năm 2021, giá cá thu phục hồi nhẹ.

Năm 2020, lượng khai thác cá thu của Nga đã giảm 25%, xuống còn 233.000 tấn. Ngoài ra, nhập khẩu giảm 4% xuống còn 65.000 tấn. Nhưng bây giờ cả cung và cầu đang tăng lên. Tuy nhiên, hạn ngạch của Nga đối với cá thu Đại Tây Dương không thay đổi, vẫn giữ ở mức 240.000 tấn, và việc cập cảng cá thu Thái Bình Dương - vốn không bị ràng buộc bởi hạn ngạch nào - dự kiến ​​sẽ vẫn ổn định.

Xuất khẩu cá thu đông lạnh nguyên con của Na Uy trong quý đầu tiên của năm 2021 đã tăng 10,7% (đạt 90.094 tấn). Thị trường lớn nhất là Hàn Quốc, với 19.437 tấn, tăng 132,3% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 3,7%, trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 54,5%. Nhập khẩu cá thu đông lạnh nguyên con của Trung Quốc trong giai đoạn này giảm mạnh 62,5% xuống 22.685 tấn. Trong số các nhà cung cấp chính, chỉ có Na Uy có lượng hàng tăng lên, từ 18.264 tấn trong quý đầu tiên của năm 2020 lên 19.606 tấn trong cùng kỳ năm 2021. Tất cả các nhà cung cấp hàng đầu khác đều sụt giảm nghiêm trọng.

Cá trích

Hội đồng Khám phá Biển Quốc tế dự đoán trữ lượng cá trích (herring) và cá trích xanh (blue whiting) sẽ giảm trong những năm tới. Mặc dù sản lượng khai thác cá trích ở Biển Bắc đang tăng lên trong những năm gần đây, nhưng 5 năm qua không có chương trình tái tạo nguồn lợi quy mô lớn nào được tổ chức, và trữ lượng thủy sản kể từ năm 2020 đã giảm so với những năm trước. Những khuyến nghị của Hội đồng Khám phá Biển Quốc tế đối với hoạt động khai thác cá trích năm 2021 là 365.792 tấn, thấp hơn 15% so với mức khuyến nghị trước đó vào năm 2020.

Nguồn lợi cá trích Na Uy (Norwegian spring-spawning herring) cũng có mức hồi phục thấp kể từ năm 2006-2007, nhưng vì không bị khai thác quá mức nên trữ lượng vẫn duy trì ổn định. Những nỗ lực của Na Uy để đánh bắt tối đa mức hạn ngạch cá trích ở Biển Bắc của mình trong vùng biển Na Uy trước khi loài cá này di cư vào vùng biển của Vương quốc Anh đã không có được khởi đầu tốt đẹp. Thời tiết xấu đã làm gián đoạn hoạt động đánh bắt. Tính đến cuối tháng 5/2021, đội tàu của Na Uy mới chỉ đạt được 10% trong hạn ngạch 103.315 tấn; cùng kỳ năm 2020 cũng chỉ đạt được 6% trong hạn ngạch năm 2020 là 113.975 tấn. Theo báo cáo thì kích cỡ cá trích do các đội tàu của Na Uy đánh bắt được tương đối nhỏ và hàm lượng chất béo thấp. Mặc dù vậy, giá cá trích năm 2021 khá tốt: trung bình là 6,06 NOK/kg, so với 4,68 NOK/kg năm 2020. Tất cả sản lượng đánh bắt được đều sử dụng cho tiêu dùng trực tiếp của con người.

Cho đến nay, việc đánh bắt cá trích ở Biển Bắc kém hiệu quả đã khiến các nhà quan sát tin rằng chỉ 90% hạn ngạch của Na Uy được thực hiện trong năm nay. Do đó, thời gian tới có thể sẽ thiếu hụt cá trích phục vụ nhu cầu trực tiếp của con người. Nguồn cung hạn chế cho tiêu dùng trực tiếp của con người cũng như làm nguyên liệu sản xuất phi lê cá trích ở Na Uy đã đẩy giá lên một chút vào đầu tháng 7/2021. Kích thước cá trích dao động trong khoảng 188-200 gram, và nhu cầu đã tốt hơn so với nguồn cung. Giá trong tuần đầu tiên của tháng 7 đạt trung bình 6,30 NOK/kg, trong khi giá trung bình cùng thời điểm năm 2020 cao hơn một chút là 6,43 NOK/kg. Trong ba tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cá trích đông lạnh nguyên con của Na Uy tăng 11,7% lên 61.202 tấn. Các lô hàng đến thị trường lớn nhất, Nigeria, tăng hơn 300% lên 26.152 tấn, từ 6.480 tấn trong cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu sang Nigeria có nhiều biến động, vì vậy nên mức tăng mạnh như vậy không có gì lạ. Xuất khẩu sang thị trường lớn thứ hai, Ai Cập, giảm 50% xuống 10.101 tấn. Xuất khẩu cá trích nguyên con đông lạnh của Nga tăng mạnh trong quý đầu tiên của năm 2021, tăng 61,1% so với quý đầu tiên của năm 2020, lên 45.818 tấn. Các lô hàng đến Nigeria từ con số không vào năm 2020 đã tăng lên 18.086 tấn vào năm 2021, trong khi các lô hàng đến Hàn Quốc tăng 195% lên 12.112 tấn.

Cá trứng

Các tàu của Iceland bắt đầu đánh bắt cá trứng vào cuối tháng 2, trong khi các tàu của Na Uy đánh bắt trong vùng biển Iceland phải kết thúc đánh bắt trước ngày 22 tháng 2 năm 2021. Tổng hạn ngạch cá trứng cho năm 2021 được đặt ở mức 127.300 tấn, trong đó Iceland được phép khai thác 69.834 tấn, và Na Uy 41.808 tấn. Na Uy đã hoàn thành hạn ngạch vào ngày 22 tháng 2, nhưng tỷ lệ cá có trứng tại thời điểm thu hoạch đã không cao như mong muốn. Các thị trường châu Á coi hàm lượng trứng đạt tỷ lệ 14% là tối ưu. Vào giữa tháng 4, Iceland đã đánh bắt 44.600 tấn so với 69.834 tấn hạn ngạch của họ.

Cá trứng cũng đã xuất hiện với số lượng lớn ở bờ biển của Na Uy, thuộc khu vực phía Bắc. Theo các nhà quan sát, trong khoảng thời gian vài tháng, cá trứng đã xuất hiện dọc theo các bờ biển, và những con cá voi ăn loài cá này đã được hưởng lợi từ nguồn các trứng tự nhiên. Cá tuyết cũng là loài tiêu thụ cá trứng, và các đàn cá trứng xuất hiện trong khu vực đã thu hút nhiều cá tuyết tìm đến. Điều này là không bình thường khi cá trứng được quan sát với số lượng lớn như vậy vào cuối tháng 5 vừa qua.

Cá cơm

Vào tháng 4, Bộ Sản xuất Peru (the Peruvian Ministry of Production) đã đặt hạn ngạch cho mùa cá cơm đầu tiên là 2,5 triệu tấn. Con số này cao hơn 4% so với hạn ngạch năm 2020 là 2,413 triệu tấn và cao hơn 19% so với hạn ngạch năm 2019. Tuy nhiên, nó thấp hơn 10% so với hạn ngạch 2,8 triệu tấn của vụ thứ hai năm 2020. Bộ Sản xuất Peru cũng đặt ra hạn ngạch đối với cá cơm phục vụ cho tiêu dùng trực tiếp của con người là 150.000 tấn trong năm 2021. Đây là một phần nhỏ trong tổng hạn ngạch cá cơm Peru.

Các nhà chức trách Peru đã cảnh báo rằng họ có thể giảm hạn ngạch nếu có nhiều cá con trong các chuyến tàu khai thác cá cơm. Tuy nhiên, cho đến nay, tỷ lệ cá con trong tổng sản lượng đánh bắt cá cơm của Peru vẫn chưa vượt quá 11-13%. Tính đến đầu tháng 7/2021, các tàu của Peru đã cập cảng 2,35 triệu tấn, tương đương 94% tổng hạn ngạch ở vùng biển Bắc Trung Bộ. Vào cuối tháng 6/2021, các nhà chức trách đã thông báo bắt đầu mùa cá cơm thứ hai ở khu vực phía Nam của đất nước. Sản lượng được phép khai thác (TAC) được đặt ở mức 409.000 tấn. Mùa thu hoạch sẽ bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 12.

Dự báo

Tại Diễn đàn Thủy sản Bắc Đại Tây Dương đã được tổ chức vào tháng 6, các nhà phân tích thủy sản dự đoán tổng sản lượng khai thác các loài cá nổi nhỏ sẽ giảm, sau khi lượng cá cập cảng tăng lên trong năm 2020, khiến nguồn cung cá biển nhỏ trên toàn thế giới đã tăng lên khoảng 5% đạt 20,6 triệu tấn. Sự gia tăng này chủ yếu là do sản lượng đánh bắt cá cơm của Peru gia tăng mạnh cùng với sự gia tăng sản lượng khai thác cá thu. Trong tổng sản lượng khai thác cá nổi nhỏ, có tới 52% được dùng cho sản xuất bột cá và dầu cá, 87% sản lượng cá cơm và khoảng 80% sản lượng cá trích xanh cũng đã được dùng để sản xuất bột cá, dầu cá. 

Đối với các loài cá nổi nhỏ dành cho tiêu dùng của con người, sản lượng cập cảng dự kiến ​​sẽ sụt giảm 190.000 tấn, trong đó giảm sâu nhất là hai đối tượng cá thu và cá trích xanh. Nguồn cung cá trích được dự đoán là có thể rất khan hiếm trong năm nay, bên cạnh đó, cá khai thác ở Biển Bắc có kích thước nhỏ hơn và gầy hơn so với yêu cầu của thị trường. Ngược lại, nguồn cung cá thu từ Na Uy và Quần đảo Faroe sẽ dồi dào hơn, trong khi nguồn cung của Anh và EU có thể eo hẹp hơn. Tuy nhiên, giá được dự đoán vẫn ổn định. Nguồn cung cá cơm cho ngành công nghiệp bột cá và dầu cá ở Nam Mỹ được kỳ vọng sẽ tốt. TAC của Peru trong mùa đầu tiên cao. Một phần rất nhỏ hạn ngạch được phân bổ cho tiêu dùng của con người và điều này có thể tăng lên khi nhu cầu tiêu dùng của con người ngày càng tăng.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác