Thị trường cá đáy: Tăng nguồn cung vào năm 2021, nhưng hạn ngạch thấp hơn vào năm 2022 (03-11-2021)

Triển vọng nguồn cung năm 2021 là khả quan, trong khi đó, nguồn cung các đối tượng cá đáy chính như cá tuyết (cod) và cá tuyết chấm đen (haddock) sẽ thấp hơn vào năm 2022. Khi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 bắt đầu giảm xuống, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng cá đáy ngày càng tăng, thương mại dự kiến ​​sẽ tăng lên, mặc dù vẫn còn một số những thách thức mà ngành hàng cá đáy phải đối mặt, đặc biệt là vấn đề dịch vụ logistics ở Trung Quốc.
Thị trường cá đáy: Tăng nguồn cung vào năm 2021, nhưng hạn ngạch thấp hơn vào năm 2022
Ảnh minh họa

Nguồn cung

Hội đồng Quốc tế về Khám phá Biển (the International Council for the Exploration of the Sea) đã ban hành khuyến nghị về tổng mức đánh bắt cho phép (TAC) năm 2022 đối với cá đáy ở biển Barents. Theo đó, khuyến nghị cắt giảm 20% hạn ngạch cá tuyết biển Barents xuống 708.480 tấn, giảm từ 885.600 tấn vào năm 2021. TAC cá tuyết Iceland thì cắt giảm 13%, xuống còn 222.373 tấn cho vụ đánh bắt 2021/2022, bắt đầu từ tháng 9. Đối với cá tuyết chấm đen ở biển Barents, khuyến nghị cắt giảm 23% xuống còn 180.003 tấn. Riêng TAC cá tuyết chấm đen Iceland sẽ tăng 11% lên 50.429 tấn. Hạn ngạch cuối cùng đối với Biển Barents sẽ được quyết định bởi Ủy ban Liên hợp Nghề cá Na Uy - Nga (the Joint Norwegian-Russian Fisheries Commission).

Tại Diễn đàn Thủy sản Bắc Đại Tây Dương, được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào tháng 6/2021; KONTALI (tổ chức tư vấn nghề cá uy tín tại Na Uy-nd) đã tiết lộ dự báo của họ về sản lượng cá thịt trắng cho năm 2021, cả đánh bắt tự nhiên và nuôi trồng. Tổng cộng, họ kỳ vọng nguồn cung toàn cầu sẽ tăng 3,7%, lên 20,7 triệu tấn (bao gồm 7,65 triệu tấn từ đánh bắt và 13,08 triệu tấn từ nuôi trồng). Trên thực tế, 7,65 triệu tấn được dự báo này sẽ là kỷ lục mới trong 10 năm đối với các loài cá đáy được khai thác trong tự nhiên. Sản lượng khai thác cá tuyết từ Na Uy, Liên bang Nga, Iceland và Quần đảo Faroe đã tăng 9% vào cuối tháng 3 năm nay và trong cả năm 2021; KONTALI ước tính rằng nguồn cung của cá tuyết Bắc Đại Tây Dương sẽ tăng 13%.

Mùa cá minh thái Alaska B bắt đầu vào ngày 10 tháng 6 năm 2021. Các nhà sản xuất phàn nàn rằng loài cá này rất nhỏ, kích thước trung bình mỗi con chỉ là 400 gram. Điều này gây khó khăn (hoặc không thể) trong chế biến cá phi lê bỏ xương (pin-bone out fillet blocks) phục vụ cho thị trường châu Âu. Đồng thời là một thách thức để sản xuất philê bỏ da (deep-skin fillets) phục vụ thị trường Hoa Kỳ. Với những con cá có kích thước nhỏ như vậy, chắc chắn sẽ chủ yếu dùng cho sản xuất surimi.

Hội đồng Giám đốc Viện Khoa học Thủy sản Nga (The Russian Scientific Fishery Institute Council of Directors) đã thông báo rằng tổng sản lượng đánh bắt được phép của nước này cho năm 2022 sẽ là 3,25 triệu tấn. Trong số đó, khoảng 2 triệu tấn được phân bổ cho cá minh thái Alaska, ngang bằng với TAC của năm 2021. Tuy nhiên, sẽ có một số thay đổi về phân bố địa lý. Khu vực đánh bắt cá minh thái Alaska chủ yếu là  Biển Okhotsk, có TAC gần hai triệu tấn vào năm 2021, sẽ giảm xuống dưới một triệu tấn vào năm 2022.

Thị trường

Các nhà xuất khẩu của Nga mới đây phát hiện ra rằng người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm cá minh thái Alaska. Một phần của sự phát triển này có thể là kết quả của sự gia tăng của các chuỗi thức ăn nhanh phương Tây ở Trung Quốc. McDonalds và Kentucky Fried Chicken đều nổi tiếng ở Trung Quốc, bên cạnh đó, các sản phẩm cá minh thái Alaska còn được chuyển qua các chuỗi bán lẻ. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc gần đây hầu như không thể vận chuyển hàng hóa của mình. Khi Trung Quốc đóng cửa các cảng chính ở Đại Liên và Thanh Đảo đối với các tàu từ Liên bang Nga vào năm ngoái, các nhà xuất khẩu Nga bắt đầu sử dụng cảng Busan của Hàn Quốc làm cảng trung chuyển. Tuy nhiên, các nhà chức trách Trung Quốc đang yêu cầu Giấy chứng nhận y tế (health certificate) của Hàn Quốc đối với các lô hàng này để nhập cảnh vào Trung Quốc, nhưng các lô hàng này chỉ là quá cảnh và không chính thức nhập cảnh vào Hàn Quốc nên họ không thể có được giấy chứng nhận y tế của Hàn Quốc. Dẫn tới, tình hình xuất khẩu cá minh thái Alaska của Nga sang Trung Quốc đang đi vào bế tắc.

Nhu cầu đối với các sản phẩm cá đáy truyền thống như cá klipfish, cá muối và cá khô (klipfish, saltfish, stockfish) dường như đang tăng trở lại sau đại dịch COVID-19. Đối với cá klipfish, Bồ Đào Nha là thị trường quan trọng, trong tháng 5, xuất khẩu cá klipfish của Na Uy sang Bồ Đào Nha đã tăng hơn 1.000 tấn so với tháng 5 năm 2020. Bồ Đào Nha trên thực tế chiếm khoảng 80% xuất khẩu cá klipfish của Na Uy. Đối với cá muối, sự phục hồi thậm chí còn mạnh hơn, và một lần nữa, Bồ Đào Nha là thị trường chính. Xuất khẩu cá khô (cá tuyết khô) cũng tăng, nhưng đối với sản phẩm này, Ý mới là thị trường chính.

Surimi

Tồn kho surimi ở Nhật Bản đã đạt mức thấp nhất là 33.300 tấn vào tháng 3 năm 2021. Dưới 50.000 tấn được coi là tồn kho ở mức thấp đến nguy hiểm. So với tháng 3 năm 2020, tổng lượng surimi đông lạnh là 83%, nhưng đối với surimi của cá minh thái Alaska, con số này chỉ là 69%. Tuy nhiên, trong tháng 3, xuất khẩu surimi cá minh thái Alaska đông lạnh của Mỹ sang Nhật Bản đã tăng, cụ thể tăng 19% về khối lượng và tăng 9% về giá trị so với năm trước. Tuy nhiên, giá đã giảm 11% so với tháng 3 năm 2020.

Số liệu thống kê từ Cơ quan Thủy sản Biển Quốc gia Hoa Kỳ (the National Marine Fisheries Service) cho thấy xuất khẩu surimi của Hoa Kỳ trong ba tháng đầu năm 2021 chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Tổng xuất khẩu surimi đạt 70.347 tấn trong quý đầu tiên của năm 2021, chỉ thấp hơn 100 tấn so với cùng kỳ năm 2020. Trong số này, hơn 97% là surimi cá minh thái Alaska. Hai thị trường lớn nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản, cùng chiếm 76,1% tổng kim ngạch xuất khẩu surimi của Hoa Kỳ.

Thương mại

Trong ba tháng đầu năm 2021, tình hình nhập khẩu cá tuyết nguyên con đông lạnh của Trung Quốc (là nguyên liệu thô để chế biến philê cá tuyết ở Trung Quốc), đã giảm hơn 45%, xuống còn 24.026 tấn. Các nhà cung cấp chính là Liên bang Nga và Na Uy, đều bị cắt giảm đáng kể lần lượt là 50% và 23%. Trong khi Greenland đã tăng các lô hàng cá tuyết sang Trung Quốc lên 44%. Hậu quả là xuất khẩu philê cá tuyết đông lạnh của Trung Quốc đã giảm xuống. Tổng xuất khẩu trong ba tháng đầu năm 2021 đã giảm 18,9%, xuống 18.080 tấn. Tất cả các thị trường xuất khẩu đều bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái này. Đối với nhập khẩu cá minh thái Alaska nguyên con đông lạnh của Trung Quốc giảm tới 90,5% đáng báo động trong giai đoạn ba tháng đầu năm 2021, trong đó Liên bang Nga chiếm phần lớn mức giảm này. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu philê cá minh thái Alaska đông lạnh tương ứng không phản ánh sự giảm mạnh trong nhập khẩu nguyên liệu thô. Tổng xuất khẩu philê cá minh thái Alaska đông lạnh trong quý đầu tiên của năm 2021 chỉ giảm 1,4%, có lẽ đã chứng minh rằng Trung Quốc dự trữ một lượng nguyên liệu thô trong kho lạnh. Xuất khẩu sang Đức giảm 5,5% xuống còn 13.452 tấn, trong khi xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 61,9% và sang Hoa Kỳ tăng 21,4%.

Liên minh châu Âu nhập khẩu cá minh thái Alaska đông lạnh từ Hoa Kỳ vào năm 2020 nhiều hơn 20% so với năm 2019. Tổng nhập khẩu của EU từ Hoa Kỳ lên tới 10.606 tấn, trị giá 20,03 triệu EUR (tương đương 23,7 triệu USD). Nhập khẩu cá minh thái Alaska của EU từ Hoa Kỳ đã giảm kể từ đầu năm 2019, và giá nhập khẩu đã cho thấy sự tăng trưởng ổn định trong thời gian đó, mặc dù đến cuối năm 2020 giá có phần chững lại. Các vấn đề về logistics ở Trung Quốc mà các nhà xuất khẩu Nga gặp phải được thể hiện rõ ràng trong số liệu thống kê xuất khẩu của Nga. Xuất khẩu cá minh thái Alaska nguyên con đông lạnh của Nga trong quý đầu tiên của năm 2021 đã giảm 54% xuống 140.711 tấn. Xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 149% lên 114.589 tấn, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 92% xuống còn 19.882 tấn, giảm từ 255.702 tấn trong quý đầu tiên của năm 2020. Như đã nói ở trên, những lô hàng xuất khẩu này chỉ ghé cảng Hàn Quốc là điểm trung chuyển để tái xuất sang Trung Quốc.

Giá cả

Mặc dù nhu cầu đối với cá minh thái Alaska rất mạnh, nhưng giá của các mặt hàng cá minh thái nguyên con, rút ruột (H&G) luôn biến động và trong một số trường hợp, giá lại giảm. Nhu cầu về nguyên liệu thô ở Trung Quốc rất mạnh, nhưng những thách thức về logistics vẫn còn đó. Giá cá tuyết và cá tuyết chấm đen nguyên con, rút ruột, khá ổn định trong những tháng đầu năm 2021. Khối lượng cá lớn hơn hiện dự kiến ​​sẽ đến từ Na Uy và Liên bang Nga, nhưng các nhà quan sát tin rằng nguồn cung tăng sẽ được bù đắp bằng việc tăng trưởng nhu cầu và do đó giá sẽ vẫn ổn định.

Dự báo

Trong khi nguồn cung cá đáy được dự đoán sẽ tăng lên khoảng 4% trong năm 2021, triển vọng cho năm 2022 sẽ thắt chặt nguồn cung. Việc cắt giảm hạn ngạch đối với cá tuyết và cá tuyết chấm đen ở biển Barents chắc chắn sẽ tác động đến thị trường cá đáy trên thế giới và có thể đẩy giá lên cao. Trong lĩnh vực cá minh thái Alaska, sản lượng philê và đông lạnh khối (blocks) có thể giảm do kích cỡ cá khai thác được nhỏ hơn. Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều cá minh thái của Hoa Kỳ được sản xuất cho mặt hàng surimi. Do tồn kho surimi ở Nhật Bản hiện tại rất thấp, sản lượng của Hoa Kỳ tăng sẽ giúp dịu bớt tình hình.

Đối với năm 2022, triển vọng được đánh giá là không chắc chắn. Việc cắt giảm hạn ngạch đã công bố rõ ràng sẽ làm giảm nguồn cung, do đó giá dự kiến ​​sẽ tăng vào đầu năm 2022. Giá cá minh thái Alaska dự kiến ​​sẽ tăng phần nào do vấn đề nguồn cung của Nga, thách thức về logistics ở Trung Quốc và quan trọng nhất là do nhu cầu phục hồi từ các thị trường khác nổi lên từ đại dịch COVID-19. Nhìn chung, giá mặt hàng cá đáy được dự báo sẽ tăng lên.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác