Thương mại cua thế giới đang phục hồi mạnh mẽ (02-11-2021)

Sau năm 2020 ảm đạm, ngành cua biển hiện đang phục hồi rất mạnh mẽ. Các số liệu thương mại cho thấy sự tăng trưởng diễn ra ở tất cả các thị trường. Nhu cầu mạnh mẽ và ngày càng tăng, đồng thời giá cả cũng đang tăng lên. Mùa cua huỳnh đế và cua tuyết đã kết thúc với kết quả tương đối tốt.
Thương mại cua thế giới đang phục hồi mạnh mẽ
Ảnh minh họa

Với việc tăng cầu, điều này có nghĩa là tình hình nguồn cung có thể bị khan hiếm và giá sẽ tăng cao. Thống kê toàn cầu cho thấy nhập khẩu quốc tế đã tăng 7,4% trong quý đầu tiên của năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng nhập khẩu ấn tượng 60,1% và Hoa Kỳ tăng 11,5%. Trái lại, nhập khẩu của Hàn Quốc giảm 15,5%.

Nguồn cung

Mùa cua California Dungeness (bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 và kéo dài đến ngày 1 tháng 6 năm 2021) đã không đáp ứng được kỳ vọng. Khối lượng cập cảng thấp, nguyên nhân chủ yếu là do mùa vụ đánh bắt muộn và kết thúc sớm nhằm tránh nguy cơ cá voi lưng gù vướng vào dây bẫy cua. Sản lượng khai thác cua California Dungeness thấp, nhưng về giá có thể được hiểu là khá cao. Giá cập cảng trung bình ở mức 6,02 USD/pao so với 3,60 USD/pao trong mùa vụ 2019/2020. Mùa cua Alaska đã kết thúc vào đầu tháng 5, khi 92% tổng sản lượng được phép đánh bắt (TAC) đã được thực hiện đối với cua tuyết (Chionoecetes opilio), 62% đối với cua Tanner (Chionoecetes bairdi), 100% đối với cua vàng ( Lithodes equispinus) ở khu vực phía Đông Aleutians và 87% ở khu vực phía Tây Aleutians.

Bên cạnh đó, mùa cua tuyết Canada vẫn tiếp tục. Tính đến cuối tháng 5, khoảng 30% (tương đương với 21.605 tấn) TAC trong số 71.498 tấn cua tuyết ở Canada đã được thu hoạch trong hoạt động đánh bắt 03 loài cua tuyết (Newfoundland và Labrador, Vịnh Nam Saint Lawrence, và vùng Maritimes). Tuy nhiên, ​​sản lượng khai thác được dự kiến là không thực hiện hết hạn ngạch. Hoạt động đánh bắt cua ở Liên bang Nga hiện rất sôi động, với khoảng 75-80 tàu tích cực đánh bắt các loài cua opilio, cua huỳnh đế vàng và cua huỳnh đế xanh. Các nhà xuất khẩu đang vận chuyển số lượng lớn sang các thị trường truyền thống là Trung Quốc và Hàn Quốc.

Thị trường

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi cách mua của người tiêu dùng, khi họ bắt đầu mua cua trong siêu thị để chế biến tại nhà, trái ngược với trước đó, khi hầu hết việc tiêu thụ diễn ra ở các nhà hàng. Người tiêu dùng nhận thấy cua có mức giá hợp lý nếu được mua qua lĩnh vực bán lẻ, do đó nhu cầu tiêu thụ cua thông qua kênh bán lẻ đã tăng lên đáng kể.

Nhu cầu về cua tuyết ở Hoa Kỳ gần đây rất mạnh. Vì thế, Canada đã vận chuyển số lượng lớn cua tuyết sang thị trường Hoa Kỳ. Giá đã tăng trong những tháng qua. Khoảng 62% thị trường Hoa Kỳ được bao phủ bởi sản phẩm cua của Canada, trong khi đó Canada đồng thời là nhà sản xuất cua lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Liên bang Nga cũng dự kiến ​​sẽ xuất khẩu cua sang Hoa Kỳ vì sản lượng của đánh bắt cua của Nga đang tăng lên. Do nhu cầu rất mạnh vào thời điểm hiện tại, các thương nhân có thể phải chuyển sang các nhà xuất khẩu của Nga để có thêm nguồn cung trong những tháng cuối năm 2021.

Thương mại quốc tế

Thương mại cua tuyết và cua huỳnh đế của Na Uy tương đối thấp so với ba nhà xuất khẩu hàng đầu là Canada, Liên bang Nga và Hoa Kỳ. Nhưng sản xuất của Na Uy ngày càng phát triển, và xuất khẩu cũng vậy. Trong quý đầu tiên của năm 2021, tổng cộng 696 tấn cua huỳnh đế đã được cập cảng. Khối lượng xuất khẩu tăng 69% và giá cả cũng tăng lên đã khiến giá trị xuất khẩu cua huỳnh đế của Na Uy tăng 78,8%. Các thị trường chính trong ba tháng này là Hàn Quốc, Hồng Kông và Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2021, 1.043 tấn cua tuyết trị giá 170,5 triệu NOK đã được xuất khẩu. Con số này thể hiện mức tăng trưởng 205% về khối lượng và 227% về giá trị.

Nhập khẩu cua của Hoa Kỳ trong quý đầu tiên của năm 2021 do Liên bang Nga thống trị với tư cách là nhà cung cấp lớn nhất, với 8.436 tấn, chiếm hơn 45% tổng lượng nhập khẩu cua của Hoa Kỳ. Nhập khẩu cua của Hoa Kỳ từ Liên bang Nga đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2020. Mặt khác, Indonesia và Trung Quốc đã giảm lượng xuất khẩu. Xuất khẩu cua của Nga đã tăng hơn 45% trong giai đoạn này, đạt 9.789 tấn, và các thị trường truyền thống cho cua của Nga đã phục hồi mạnh mẽ: các lô hàng của Nga sang Trung Quốc tăng gần 105% so với năm 2020 và ở thị trường Hàn Quốc tăng 30,4%. Nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng đáng kể: tăng 60,9% so với quý đầu tiên của năm 2020, lên 18.748 tấn. Cả ba nhà cung cấp chính đều xuất khẩu nhiều hơn so với quý đầu tiên của năm 2020: Indonesia tăng 235% lượng hàng xuất khẩu, Liên bang Nga tăng 35,7% và Hoa Kỳ tăng 66,3%.

Hàn Quốc cũng cho biết nhập khẩu cua biển tăng mạnh. Nhập khẩu ghẹ cắt khúc đông lạnh tăng rất mạnh, tăng 87% trong 5 tháng đầu năm 2021. Giá nhập khẩu của Mỹ đối với mặt hàng ghẹ xanh (Portunus pelagicus) từ Indonesia đã tăng vọt trong năm 2021, từ mức rất thấp dưới 18,00 USD/pao vào tháng 8 năm 2020, lên 32,50 - 33,00 USD/pao vào tháng 5 năm 2021. Trong khi giá năm ngoái giảm vào đầu mùa hè, điều này được dự đoán là ​​sẽ không xảy ra trong năm nay, chủ yếu do nhu cầu tăng mạnh. Bất chấp giá cua huỳnh đế và cua tuyết đang tăng, nhu cầu dường như không giảm như người ta thường mong đợi. Trên thực tế, nhu cầu ngày càng tăng, không phụ thuộc vào kênh phân phối chính cho cua là các hợp đồng trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, đã bị đóng cửa suốt một thời gian dài vừa qua. Hơn nữa, người tiêu dùng đang chuyển từ tiêu dùng thông qua lĩnh vực dịch vụ thực phẩm sang lĩnh vực bán lẻ, nơi giá cả đang thấp hơn đáng kể.

Dự báo

Nhu cầu sẽ vẫn mạnh trong thời gian còn lại của năm và nguồn cung có thể sẽ khan hiếm. Vì vậy, giá vẫn đang tiếp tục tăng lên. Nguồn cung cấp cua Dungeness ở bờ biển phía Tây Hoa Kỳ đang khan hiếm, chất lượng và sản lượng cũng đáng thất vọng. Tuy nhiên, giá vẫn rất cao. Nguồn cung cua huỳnh đế và cua tuyết tương đối tốt, nhưng nhu cầu rõ ràng đang vượt cung ở thời điểm hiện tại, cả ở châu Á và Bắc Mỹ. Tình trạng này có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến hết năm 2021 và do đó giá có thể còn tăng hơn nữa.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác