Các nhà kinh doanh thủy sản chấp nhận bối cảnh thị trường mới năm 2021 (01-11-2021)

Hơn một năm sau khi các đợt đóng cửa đầu tiên được áp dụng để đối phó với đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp trên khắp thế giới giờ đây có thể nhìn lại và đánh giá hiệu quả của việc ứng phó với những thách thức mà họ đã phải đối mặt. Mọi hy vọng về một giải pháp và trở lại bình thường đã nhanh chóng tan thành mây khói khi những nỗ lực nhằm dỡ bỏ các hạn chế được theo sau bởi những làn sóng lặp đi lặp lại với mức độ ngày càng gia tăng.
Các nhà kinh doanh thủy sản chấp nhận bối cảnh thị trường mới năm 2021

Điều này buộc toàn bộ các ngành công nghiệp phải trải qua những biến đổi đáng kể để tồn tại. Ngành Thủy sản không phải là ngoại lệ trong vấn đề này, và đại dịch đã là chất xúc tác cho một số thay đổi sâu rộng đối với hành vi của người tiêu dùng, các kênh bán hàng và tiếp thị cũng như chiến lược phát triển sản phẩm; mặc dù tác động tài chính rất nghiêm trọng, nhưng một trong những mặt tích cực đã xuất hiện sau đại dịch là khả năng phục hồi cao hơn và một loạt các cơ hội thị trường hoàn toàn mới. Chương trình triển khai vắc-xin hiện đang được tiến hành tốt ở một số thị trường chính; do đó, các bên liên quan đang dự đoán nhu cầu tăng đáng kể khi nhu cầu dịch vụ thực phẩm phục hồi để bổ sung cho hoạt động kinh doanh bán lẻ mới.

Trong khi COVID-19 tác động đáng kể đến thị trường thủy sản , hoạt động của nhà sản xuất cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Sự hạn chế trong việc di chuyển của người dân, khó khăn trong việc thu thập các đầu vào cần thiết và việc áp dụng các biện pháp vệ sinh khác nhau đã làm giảm hiệu quả của đội tàu khai thác, vì vậy cũng góp phần làm giảm sản lượng khai thác thủy sản (ước tính sản lượng khai thác thủy sản toàn cầu giảm khoảng 0,7% vào năm 2020). Tuy nhiên, giá cả thấp, chế biến khó khăn và nhu cầu kém cũng là nguyên nhân chính thúc đẩy sự chậm lại. Sản lượng cá minh thái Alaska giảm trong khi nghề khai thác bạch tuộc, mực cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, những tác động này rõ ràng nhất vào thời kỳ đầu của đại dịch, và có giảm bớt khi ngư dân thích nghi dần với những hạn chế hoạt động mới và môi trường thị trường chuyển biến nhanh chóng.

Năm 2020 cũng là một năm đầy khó khăn đối với các hộ nuôi trồng thủy sản. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản rất khác nhau tùy thuộc vào đối tượng thủy sản, nhưng nhìn chung các nhà sản xuất nuôi trồng dễ bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái thị trường đột ngột; vì nếu xét về mặt kinh doanh, các mặt hàng tồn kho tại các trang trại, với tính chất hàng hóa dễ hư hỏng phải được bán trong một khung thời gian cụ thể. Các công ty nuôi trồng thủy sản cũng đòi hỏi nguồn cung đầu vào, tài chính và lao động liên tục, tất cả đều bị tác động tiêu cực bởi sự hỗn loạn kinh tế và xã hội, đặc trưng cho giai đoạn đầu khi đại dịch xảy ra. Kết hợp với môi trường thị trường xấu đi, tác động của những thách thức này làm sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu ước tính giảm 1,3% vào năm 2020; nếu được xác nhận, đây là sự sụt giảm đầu tiên ở cấp độ toàn cầu trong vài thập kỷ qua.

Mặc dù tình hình được cải thiện rõ rệt vào cuối năm 2020, nhưng kết quả tài chính của cả năm đã thể hiện sự tác động đáng kể của đại dịch làm doanh thu thương mại thủy sản trên toàn thế giới đã giảm xuống. Nhu cầu dịch vụ ăn uống giảm rõ rệt trong phần lớn thời gian của năm, có nghĩa là tác động nghiêm trọng hơn đối với những loài thủy sản phụ thuộc nhiều vào doanh thu từ các nhà hàng, khách sạn và dịch vụ ăn uống (HORECA). Tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản ước tính giảm 5,7%, trong khi khối lượng xuất khẩu giảm khoảng 3,9%. Xuất khẩu của Trung Quốc, nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, giảm khoảng 1,8 tỷ USD, trong khi tổng xuất khẩu của các nước châu Á giảm khoảng 3,2 tỷ USD. Xuất khẩu của các nhà sản xuất Nam Mỹ giảm 1,1 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của châu Âu thấp hơn khoảng 3 tỷ USD. Chỉ số Giá Thủy sản của FAO, đo lường giá tổng hợp của các loài được buôn bán nhiều nhất trên thế giới, đã giảm từ 106 vào đầu năm 2020 xuống mức thấp nhất của thập niên 90 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Triển vọng cho cả năm 2021 là không chắc chắn. Mặc dù sự phục hồi đã diễn ra ở một số thị trường chính, nhưng tốc độ phục hồi phụ thuộc nhiều vào tốc độ và hiệu quả của các chương trình triển khai vắc-xin. Giá có thể tăng đối với một số loài khi nhu cầu dịch vụ thực phẩm quay trở lại, nhưng thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra là rất lớn và chưa rõ tác động lâu dài sẽ như thế nào. Trong khi đó, các yêu cầu vệ sinh nghiêm ngặt hơn và các quy trình kiểm tra đã làm tăng thêm chi phí hậu cần. Đồng thời, các kênh phân phối mới được phát triển, các sản phẩm được thiết kế cho nhu cầu tiêu dùng gia đình và thích ứng trong hoạt động có khả năng vẫn là những đặc điểm chính của ngành Thủy sản, giúp tăng khả năng của các doanh nghiệp trong việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng có tính chất tương tự trong tương lai và mở ra những lộ trình mới cho sự đổi mới. Năm 2021, ngoài đại dịch, có những thách thức liên quan đến thương mại khác cũng liên quan đến ngành Thủy sản, chẳng hạn như các mức thuế đối với thương mại thủy sản Mỹ-Trung. Các thương nhân ở Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland cũng đang phải đối mặt với sự chậm trễ và trở ngại hành chính do quá trình theo từng giai đoạn của việc quốc gia này rời khỏi Liên minh Châu Âu.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác