Thương mại 03 loài thủy sản ngoại lai có giá trị kinh tế trên thế giới (13-07-2021)

Các loài sinh vật du nhập, không chủ đích hoặc có chủ đích, bởi các hoạt động của con người, đến các khu vực vốn không phải nơi sinh sống tự nhiên của chúng, được gọi là sinh vật ngoại lai. Nhiều loài trong số chúng bị chết trong môi trường mới nhưng một số phát triển mạnh và bắt đầu xâm chiếm đa dạng sinh học bản địa, làm ảnh hưởng đến sinh kế của con người – khi đó chúng được gọi là loài xâm lấn.
Thương mại 03 loài thủy sản ngoại lai có giá trị kinh tế trên thế giới

Trong tự nhiên, khi một loài sinh vật ngoại lai sống trong môi trường mới, sẽ không chịu sự kiểm soát của tự nhiên để giữ số lượng quần thể ở mức cân bằng. Nếu không có sự kiểm soát của những kẻ săn mồi, ký sinh trùng hoặc dịch bệnh, những loài như vậy có xu hướng gia tăng nhanh chóng, đến mức chúng có thể tiếp quản môi trường mới. Các loài xâm lấn biển đã có tác động đáng kể đến đa dạng sinh học, hệ sinh thái, nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản, ngành công nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng. Quản lý các loài xâm lấn trong môi trường biển (diệt trừ và/hoặc kiểm soát) đặt ra nhiều thách thức hơn so với trên đất liền.

Một số loài xâm lấn biển đã khiến các cộng đồng ngư dân địa phương đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để cân bằng quản lý giữa nhu cầu tiêu diệt các loài xâm lấn, hoặc ít nhất là kiểm soát tác động của chúng, với nhu cầu duy trì giá trị kinh tế của ngành công nghiệp khai thác thủy sản thương mại. Nghiên cứu điển hình này sẽ nêu bật ba ví dụ về các loài xâm lấn biển ở châu Âu nhưng được con người tiến hành khai thác bằng nghề đánh cá thương mại: ốc biển săn mồi lớn (veined rapa whelk) ở Biển Đen, ốc sên Mỹ (American slipper-limpet) ở Pháp, cua huỳnh đế đỏ (red king crab) ở Na Uy.

Ốc biển săn mồi lớn ở Biển Đen

Ốc biển săn mồi lớn (Rapana venosa) là một loài ốc biển săn mồi có thể tác động đến cả quần thể sinh học tự nhiên và nuôi trồng của các loài hàu, trai và một số động vật thân mềm khác. Ở những khu vực mà ốc du nhập, sẽ gây ra những thay đổi đáng kể đối với hệ sinh thái. Nó có một tính chất sinh học đặc biệt cao được chứng minh bằng khả năng sinh sản cao, tốc độ tăng trưởng nhanh và chịu được độ mặn thấp, nhiệt độ từ cao xuống thấp, môi trường nước ô nhiễm và thiếu oxy. Sự phân tán xa được tạo điều kiện thuận lợi nhờ nước dằn tàu, trong đó các ấu trùng của ốc được tìm thấy ở giai đoạn sinh vật phù du của nó. Ốc Rapana venosa là một loài xâm lấn, có nguồn gốc từ Đông Á và lần đầu tiên được ghi nhận ở Biển Đen trong những năm 1940.

Ốc có liên quan đến sự suy giảm phạm vi và mật độ của các khu định cư vẹm bản địa, gần các bờ biển Anatolian, Caucasus và vùng thềm Tây sông Danube trên Biển Đen, vốn là những khu vực giàu sinh học. Do đó, loài này đã gây ra những thay đổi quan trọng trong mối quan hệ tương tác giữa hoạt động đánh bắt và sinh cảnh ở vùng biển ven bờ Đông Nam Biển Đen. Ốc Rapana venosa là loài du nhập đã đạt được vai trò quan trọng trong hệ sinh thái chìm của Biển Đen, đồng thời trở thành một trong những loài thủy sản thương mại quan trọng nhất. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và gần đây nhất là Romania, ốc là một nguồn tài nguyên được thu mua, chế biến, xuất khẩu, thường là sang Hàn Quốc và Nhật Bản. Thời kỳ đầu tiên chúng được các thợ lặn thu hoạch, bây giờ việc thu hoạch được tiến hành bởi các tàu nạo vét bắt ốc. Nghề khai thác ốc ở Biển Đen được quản lý bởi một hệ thống hạn ngạch nhằm giữ cân bằng giữa việc kiểm soát, phát triển loài và duy trì các hoạt động kinh tế có liên quan. 

Sản xuất

Tại EU, hai quốc gia khai thác mạnh nhất loài ốc Rapana venosa là Romania (chiếm 72% tổng sản lượng) và Bulgaria (chiếm 28% còn lại). Kể từ năm 2015, Romania đã trở thành quốc gia khai thác chính loài ốc này ở EU. Năm 2013 - 2014, giá ốc tại Romania thậm chí tăng 97% với sản lượng đánh bắt tăng 49%. Trong giai đoạn tiếp theo từ 2014 đến 2017, giá ốc lần đầu tiên giảm 50% (từ 0,95 EUR/Kg xuống 0,47 EUR/Kg), trong khi lượng cập cảng tăng mạnh từ 1.953 tấn lên 9.244 tấn.

Chế biến

Tại cơ sở chế biến, đầu tiên, ốc Rapana venosa được ngâm trong nước ngọt trong vài giờ để loại bỏ cát. Sau đó, chúng được đun sôi trong vài phút và ngay sau đó được ngâm trong nước rất lạnh. Sốc nhiệt sẽ giúp tách thịt ốc ra khỏi vỏ. Sau đó, thịt được tách khỏi vỏ theo cách thủ công, làm sạch và phân loại thành một trong sáu kích cỡ trước khi cấp đông. Thịt ốc đông lạnh cuối cùng được đóng gói và chuyển đến các thị trường xuất khẩu, chủ yếu là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thương mại

Không có mã thương mại cụ thể cho loài ốc này, vì vậy, người ta cho rằng các sản phẩm tương ứng với “động vật thân mềm và động vật không xương sống thủy sinh” chủ yếu gồm ốc xuất khẩu của Romania và Bulgaria. Đối với ở Bulgaria, cán cân thương mại tích cực trong giai đoạn 2008-2018. Trong cùng thời kỳ, đã tăng về giá trị lần lượt là xuất khẩu +338% và nhập khẩu +149%. Các thị trường xuất khẩu chính là Hàn Quốc (chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu năm 2018), Nhật Bản (33%) và ở mức độ thấp hơn có 3 quốc gia: Trung Quốc, Hy Lạp, Việt Nam.

Ốc sên Mỹ ở Pháp

Ốc sên Mỹ (Crepidula fornicata) là động vật thân mềm chân bụng có nguồn gốc từ bờ biển Đại Tây Dương của Bắc Mỹ. Chúng thường sống thành đàn, trú ngụ ở những khu vực như vịnh nước nông hoặc cửa sông. Chúng có thể bám dưới đáy biển trên nhiều loại hình vật chất như đá, sỏi, cát, bùn… tạo thành một chuỗi các cá thể xếp chồng lên nhau. Chúng thường xếp thành từng đống trên nền cứng, ví dụ như vỏ của các loài nhuyễn thể khác, các tảng đá hoặc mỏm đá. Chúng ăn thực vật phù du bằng cách lọc, gồm có tảo, vi khuẩn và chất rắn lơ lửng. Con cái có thể đẻ hai lần một năm, từ 5.000 đến 30.000 trứng mỗi lần, trứng được bọc thành nhóm để bảo vệ. Sau khi nở, ấu trùng ốc sẽ trải qua giai đoạn cá thể nổi trong khoảng thời gian từ 4 đến 5 tuần, tạo điều kiện cho sự phát tán của chúng. Tốc độ sinh trưởng của ốc sên Mỹ rất nhanh, con đực có thể sinh sản khi được 4 tháng tuổi. Crepidula fornicata có tất cả các đặc điểm của một loài xâm lấn: hình thức sinh sản rất hiệu quả, khả năng chống chịu sinh thái cao (có thể chịu đựng và thích nghi với nhiều loại yếu tố môi trường), chế độ ăn (sử dụng bộ lọc, gần như không có hạn chế gì) và không có kẻ thù ăn thịt.

Từ những năm 1870, ốc sên Mỹ lần đầu tiên được du nhập vào châu Âu một cách vô tình cùng với hàu Mỹ đến Vương quốc Anh. Loài ốc sên này đã nhanh chóng lan rộng dọc theo các bờ biển châu Âu, và hiện nay được tìm thấy dọc theo bờ biển Đại Tây Dương từ Tây Ban Nha đến Đan Mạch, đồng thời cũng được ghi nhận ở Biển Địa Trung Hải và miền Nam Na Uy. Chúng có thể đã được du nhập trở lại khi quân Đồng minh đổ bộ vào Pháp năm 1944. Ốc sên Mỹ đã đặc biệt sinh sôi mạnh trong suốt ba mươi năm ở Normandy và trên bờ biển phía Bắc Brittany thuộc Pháp. Sự gia tăng dân số này đã có những tác động đáng kể đến môi trường ở những khu vực có mật độ dân cư đông đúc nhất (thay đổi trầm tích và đa dạng sinh học), dẫn đến sự xuất hiện của một hệ sinh thái đáy mới. Các hoạt động nạo vét của con người là một trong những yếu tố gây ra sự lan tràn loài ốc này. Ốc sên Mỹ đã cạnh tranh không gian và thức ăn với một số loài thủy sản thương mại như sò điệp, vẹm và hàu. Sau nhiều thập kỷ mở rộng quy mô dân số (ước tính khoảng 1,5 triệu tấn ở Brittany), sự ra đời và phát triển của chúng được coi là không thể ngăn cản.

Tuy nhiên, thịt của loài ốc này lại được đánh giá cao về độ thơm ngon, đặc biệt là ở Mỹ, Canada và châu Á. Các nhà chế biến Pháp đã cố gắng tìm ra cách thu hoạch và chế biến loài nhuyễn thể có vỏ với nguồn lợi khổng lồ này, biến cuộc xâm lăng có hại của ốc sên Mỹ thành một cơ hội thị trường. Từ năm 2008, một công ty của Pháp là Atlantic Limpet Development (ALD) đã nghiên cứu tìm kiếm một mô hình kinh tế để đánh bắt, chế biến, tiếp thị và quảng bá loài ốc sên Mỹ. Từ năm 2013, một tàu đánh cá đã được ủy quyền - trên cơ sở thử nghiệm - để đánh bắt (nạo vét) ốc ở Vịnh Cancale thuộc Brittany. Sản lượng ban đầu đạt ở mức 200 tấn vào năm 2012 và đạt 400 tấn vào năm 2016.

Sau khi tách khỏi vỏ, thịt ốc ngay lập tức được làm sạch và đông lạnh, đóng gói để vận chuyển. Vỏ của ốc sau đó được sử dụng cho các mục đích phi thực phẩm như: sử dụng cho ngành nông nghiệp (vì vỏ của ốc chứa 97% canxi cacbonat) hoặc sử dụng để xây dựng các vỉa hè thoát nước. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, thị trường ốc sên Mỹ vẫn chưa thực sự phát triển tại Pháp và việc sản xuất nhắm vào thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Hoa Kỳ, châu Á, và các nhà hàng cao cấp. Vì vậy, các thị trường được nhắm đến là thị trường xuất khẩu - cụ thể là Bắc Mỹ, nhưng cũng có cả thị trường Ý và Tây Ban Nha để thay thế cho mặt hàng ngao, phục vụ cho lĩnh vực dịch vụ thực phẩm và công nghiệp chế biến sẵn thực phẩm.

Thậm chí, đối với loài thủy sản ngoại lai này, công ty Atlantic Limpet Development của Pháp còn kỳ vọng nhận được sự công nhận quốc tế với nhãn MSC để giới thiệu sản phẩm thủy sản bền vững trên thị trường. Tuy nhiên, do không bố trí được các cửa hàng thương mại nên công ty đã ngừng hoạt động vào năm 2016, chờ đợi các nhà đầu tư mới. Năm 2017, một công ty khác của Pháp chuyên về chế biến và tiếp thị thủy sản đã tiếp quản Atlantic Limpet Development với hy vọng rằng: quy trình khai thác – chế biến – tiêu thụ ốc sên Mỹ sẽ được cấp bằng sáng chế độc đáo.

Cua huỳnh đế đỏ ở Na Uy

Cua huỳnh đế đỏ (Paralithodes camtschaticus) có nguồn gốc từ biển Okhotsk và Nhật Bản, biển Bering và Bắc Thái Bình Dương, nơi chúng được coi là nguồn lợi kinh tế quan trọng. Ở vùng biển Alaska, cua huỳnh đế trước đây là loài có giá trị thứ hai đối với ngư dân, chỉ đứng sau cá hồi, mặc dù kể từ những năm 1980, việc khai thác quá mức đã dẫn đến việc đóng cửa một số khu vực đánh bắt. Cua huỳnh đế đỏ đã xâm lấn biển Barents, kể từ khi xuất hiện vào những năm 1960, khi cua huỳnh đế đỏ được các nhà khoa học Nga cố tình thả vào bờ biển Murman để đánh bắt thương mại. Dân số sau đó đã tăng đều đặn và mở rộng phạm vi, hiện trải dài từ Soroya, phía Tây Na Uy và đảo Kolguev, phía Đông của Nga, và ở tọa độ 72° Bắc.

Ngay sau đó, dân số tăng vọt. Phần lớn các vịnh hẹp ở Bắc Na Uy hiện đã bị loài cua này chiếm đóng. Cua huỳnh đế đỏ đã tấn công các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ và một số loài không xương sống (như sao biển, nhím biển, hải sâm) dẫn đến làm giảm sự đa dạng, phong phú ở các vịnh hẹp của Na Uy, đặc biệt là những loài có khả năng di chuyển thấp, dẫn tới những thay đổi sau đó trong toàn bộ thành phần quần xã sinh vật của hệ sinh thái địa phương. Để giải quyết sự phát triển của cua huỳnh đế, ngành thủy sản thương mại đã được phép bắt đầu vào những năm 2000 và ngành đánh bắt thủy sản có giá trị đã bắt đầu thu hoạch cua hoàng đế đỏ ở biển Barents. Mặc dù cua huỳnh đế đỏ có tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học địa phương, nhưng nó đã có tác động tích cực đến nền kinh tế thủy sản Na Uy. Paralithodes camtschaticus là một trong những loài cua có giá trị nhất trên thị trường thủy sản thế giới.

Sản xuất

Tại Đông Bắc Đại Tây Dương, nếu xét cơ cấu sản lượng khai thác cua huỳnh đế năm 2017 thì 83% do đội tàu Nga và 17% thuộc về đội tàu Na Uy. Kể từ năm 2010, sản lượng khai thác đã tăng lên, chủ yếu là do sản lượng khai thác của Nga. Mức đỉnh về sản lượng khai thác cua huỳnh đế đạt được vào năm 2008 (14.538 tấn). Na Uy đã đánh bắt cua huỳnh đế đỏ (Paralithodes camtschaticus) trong nhiều năm nay. Hiện tại, các nhà chức trách Na Uy quyết định duy trì ổn định công suất trong một số lĩnh vực (duy trì giá trị gia tăng cho ngành khai thác cua huỳnh đế), đồng thời hướng tới việc đánh bắt tận diệt ở các khu vực xa hơn về phía Nam nhằm ngăn chặn sự dịch chuyển của loài cua này. Năm 2017, hạn ngạch được đặt ra là 1.750 tấn và Na Uy đã xuất khẩu 1.900 tấn trong năm đó. Năm 2019, hạn ngạch cua huỳnh đế đỏ cắt giảm 20% xuống còn 1.400 tấn cua đực và 100 tấn cua cái. Ngoài ra, kích thước vỏ tối thiểu đã được tăng lên 130 mm. Cũng trong năm 2019, TAC đối với cua huỳnh đế đã giảm ở cả Alaska và Na Uy. Do đó, hạn ngạch khai thác đang thắt chặt hơn, khiến nguồn cung cua huỳnh đế giảm, dẫn đến giá có thể tăng trong thời gian tới.    

Thương mại

Phần lớn cua huỳnh đế do đội tàu Na Uy đánh bắt được xuất khẩu sang các nước thứ ba. Về giá trị, cua sống chiếm 67% tổng kim ngạch xuất khẩu và cua đông lạnh chiếm 33% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo số liệu thống kê của năm 2018, các thị trường xuất khẩu cua huỳnh đế sống chính là Hàn Quốc (chiếm 57% tổng giá trị xuất khẩu cua sống) và ở các mức độ thấp hơn có Mỹ (15%), Canada (9%) và EU (9%). Đối với các sản phẩm đông lạnh, cho đến nay thị trường nhập khẩu chính là EU (76% tổng giá trị) và ở mức độ thấp hơn là Nhật Bản (11%) và Việt Nam (4%). Kể từ năm 2011, khối lượng xuất khẩu cua huỳnh đế từ Na Uy đã tăng lên. Đạt mức cao nhất vào năm 2016 với khối lượng 2.239 tấn (trị giá 57 triệu EUR). Bên cạnh đó, tỷ trọng sản phẩm sống trong tổng lượng xuất khẩu cũng đã tăng mạnh, dẫn đến sự gia tăng giá xuất khẩu trung bình của loài sinh vật ngoại lai này.

Ngọc Thúy (EUMOFA 2020)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác