Cá tuyết Đại Tây Dương 1950 - 2019 (08-07-2021)

Cá tuyết Đại Tây Dương là một trong những loài cá quan trọng nhất trong số các loài cá thương mại trên thế giới. Cá được khai thác từ những ngày đầu tiên khi con người bắt đầu thực hiện hoạt động đánh bắt thủy sản ở các vùng biển ở châu Âu. Cá tuyết là một trong những loài cá được tiêu thụ nhiều nhất ở châu Âu, với mức tiêu thụ ​​bình quân 2,33 kg/người/năm (chỉ đứng sau cá ngừ).
Cá tuyết Đại Tây Dương 1950 - 2019
Ảnh minh họa

Dưới đây là các thông tin tổng quan được thực hiện bởi Tổ giám sát thị trường châu Âu đối với các hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản (European Market Observatory for Fisheries and Aquaculture products - EUMOFA); nghiên cứu được hoàn thành vào tháng 1 năm 2020.

Thông tin chung

Cá tuyết Đại Tây Dương (Gadus Morhua) là loài cá đáy, ưa sống ở vùng nước sát đáy biển, ăn động vật phù du, cá và sinh vật đáy. Cá tuyết Đại Tây Dương có thể sống tới 25 năm và có chiều dài phổ biến là 100 cm. Thông thường trọng lượng của nó dao động từ 5 đến 12 kg, nhưng trọng lượng lớn nhất từng được ghi nhận là 96 kg. Các loài này thường thành thục từ 2 đến 4 tuổi, tuy nhiên không phải tất cả đều trưởng thành trước 6 tuổi. Cá tuyết ở phía Bắc của Biển Bắc có xu hướng trưởng thành ở độ tuổi già hơn cá tuyết ở phía Nam của Biển Bắc. Sinh sản xảy ra vào mùa đông và đầu mùa xuân, khi đó sẽ hình thành những đàn cá lớn.

Về phân bố địa lý, cá tuyết Đại Tây Dương phân bổ rộng khắp Bắc Đại Tây Dương, từ Biển Barents và Quần đảo Bear ở phía Đông đến Biển Bắc, Biển Baltic, xung quanh Iceland và Greenland đến bờ biển Bắc Mỹ. Ở Bắc Đại Tây Dương, cá tuyết thường xuất hiện ở độ sâu lên đến 600 mét, gần bờ và trong vịnh hẹp. Cá tuyết có thể thích nghi với nhiều loại nhiệt độ và sống ở hầu hết mọi độ mặn từ gần như ngọt đến nước mặn đại dương. Cá tuyết Đại Tây Dương ở Đông Bắc Đại Tây Dương được chia thành 14 vùng lưu trú riêng biệt, nhìn chung là hoàn toàn tách biệt với nhau. Các nguồn trữ lượng quan trọng ở châu Âu là các vùng Biển Bắc, Skagerrak, Tây Baltic, Đông Baltic, Biển Celtic, Biển Ireland và Tây Scotland.

Cá tuyết Bắc Cực (arctic cod) ở vùng Đông Bắc cho đến nay là nguồn dự trữ cá tuyết Đại Tây Dương lớn nhất trên thế giới và loài cá này được biết đến là loài di cư dài ngày từ biển Barents đến bờ biển Na Uy để đẻ trứng vào mùa đông. Cá tuyết Đại Tây Dương là một trong những loài cá quan trọng nhất trong số các loài cá thương mại và đã được khai thác kể từ khi con người bắt đầu đánh bắt ở các vùng biển châu Âu. Ngày nay các ngư trường chính là Đông Bắc Đại Tây Dương trong các vùng biển Barents, biển Iceland và Biển Bắc. Trong những năm 1950 đến đầu những năm 1990, có một lượng thủy sản thương mại đáng kể ở Tây Bắc Đại Tây Dương, nhưng do đánh bắt quá mức nên nguồn cá tuyết ở vùng biển Canada cạn kiệt. Trong nghề cá thương mại, cá tuyết Đại Tây Dương chủ yếu được đánh bắt bằng các nghề lưới kéo đáy (bottom trawls), câu vàng (long lines), vây (seines), rê (gillnets) và câu tay (handlines).

Sản lượng toàn cầu

Kể từ năm 2016, sản lượng khai thác cá tuyết Đại Tây Dương trên toàn cầu giảm hằng năm, từ 1.329.000 tấn năm 2016 xuống ước tính đánh bắt được 1.139.000 tấn vào năm 2019. Sản lượng khai thác giảm là hệ quả của việc giảm hạn ngạch khai thác các loài cá tuyết Đại Tây Dương thương mại quan trọng nhất ở vùng biển Barents. Các quốc gia đánh bắt cá tuyết Đại Tây Dương lớn nhất là Na Uy, Nga và Iceland, lần lượt chiếm 29%, 27% và 25% tổng sản lượng (ước tính năm 2019). Hoạt động đánh bắt cá tuyết của Na Uy và Nga diễn ra ở biển Barents, nhắm vào trữ lượng lớn cá tuyết Bắc Cực ở Đông Bắc. Hoạt động đánh bắt cá tuyết thương mại của Iceland diễn ra trong khu vực Đánh bắt cá đặc quyền của Iceland (the Icelandic Exclusive Fishing zone), nơi họ quản lý và thu hoạch nguồn cá tuyết của riêng mình.

Sản lượng khai thác cá tuyết của EU

EU ước tính đạt tỷ trọng 11% trong tổng sản lượng khai thác cá tuyết toàn cầu vào năm 2019. Hoạt động đánh bắt thương mại cá tuyết Đại Tây Dương của EU chủ yếu diễn ra ở các vùng biển châu Âu ở Biển Bắc, Biển Baltic và Biển Barents. Năm 2016, sản lượng khai thác cá tuyết của EU đạt 92.000 tấn, trị giá 226 triệu EUR, đứng thứ 9 về giá trị trong số tất cả các loài thủy sản và chiếm 3% tổng giá trị xuất khẩu của EU. Điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi sản lượng khai thác của các nước có hạn ngạch lớn nhất là Đan Mạch, Anh và Tây Ban Nha, cũng như quốc gia châu Âu khác là Ba Lan và Pháp. Tính chung, khối lượng đã giảm 12% và giá trị giảm 8% so với năm 2015. Trong số ba nhà cung cấp hàng đầu của EU trong ngành đánh bắt cá tuyết là Đan Mạch, Anh và Tây Ban Nha, chỉ có Vương quốc Anh là có xu hướng tăng từ năm 2015 đến năm 2016, tăng 17 % về khối lượng và 11% về giá trị. Tại Đan Mạch, giá cá tuyết Đại Tây Dương đã giảm trong những tháng cuối năm 2018; nhưng giá trung bình trong năm là 4,71 EUR/kg, tăng 2% so với năm trước. Xu hướng tương tự cũng được nhận thấy ở Anh khi giá cá tuyết giảm vào cuối năm và giá trung bình cả năm là 5,08 EUR/kg, tăng 3% so với năm trước.

Nhập khẩu ngoài EU

Hầu hết các sản phẩm thủy sản khai thác và thủy sản nuôi trồng được nhập khẩu vào EU có nguồn gốc từ Na Uy. Hai quốc gia Đan Mạch và Thụy Điển là những điểm đến chính của các sản phẩm nhập khẩu từ Na Uy vào thị trường nội địa EU. Năm 2017, nhập khẩu cá tuyết của EU là 513.000 tấn, trị giá 2,4 tỷ EUR. Trong đó, Na Uy là nhà cung cấp chính, cung cấp 182.404 tấn, trị giá 864 triệu EUR. Con số này chiếm 36% lượng cá tuyết được nhập khẩu bởi các nước thứ ba (cả về khối lượng và giá trị). Giá tăng 5% từ 4,48 lên 4,71 EUR/kg khiến tổng giá trị tăng 80 triệu EUR, cao hơn 3% so với năm 2016. Về khối lượng, Nga và Iceland lần lượt chiếm 22% (111.000 tấn) và 18% (93.000 tấn) trong tổng nhập khẩu cá tuyết ngoài EU. Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2018, tổng khối lượng nhập khẩu từ tất cả các nhà cung cấp đạt 458.000 tấn, trị giá 2,3 tỷ EUR.

Phần lớn cá tuyết nhập khẩu vào EU là các sản phẩm đông lạnh. Năm 2017, nhập khẩu cá tuyết đông lạnh đạt 1,3 tỷ EUR và 325.000 tấn, tăng 4% về giá trị và giảm 2% về lượng so với năm 2016. Nhập khẩu các sản phẩm tươi sống tăng 7% cả về lượng và giá trị; Trong khi đó giảm 2% về giá trị và giảm 9% về lượng đối với các sản phẩm cá tuyết ướp muối. Cá tuyết khô giảm 3% về giá trị và 8% về lượng so với năm 2016. Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2018, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm muối và khô đã vượt tổng trị giá năm 2017, chủ yếu do giá của các mặt hàng này tăng 7%. Nhìn chung, giá nhập khẩu tất cả các sản phẩm cá tuyết đã tăng 5% trong năm 2017. Xu hướng tăng này tiếp tục diễn ra trong suốt năm 2018 đối với tất cả các loại sản phẩm trừ sản phẩm tươi sống (có giá giảm 1% trong tháng 1 đến tháng 11 so với giá trung bình trong năm 2017). Mức tăng giá lớn nhất được ghi nhận đối với các sản phẩm đông lạnh (+ 8%).

Chế biến cá tuyết ở EU

EU có một ngành công nghiệp chế biến cá đáng kể với tổng số 3.603 doanh nghiệp vào năm 2015. Ngành công nghiệp này đã thực hiện việc chế biến nhiều loài cá thành các sản phẩm philê, sản phẩm sơ chế, bảo quản hay các mặt hàng ăn sẵn. Đối với ngành công nghiệp cá tuyết sấy muối của Bồ Đào Nha (the Portuguese salted-dried cod industry), cá tuyết Đại Tây Dương là loài quan trọng nhất, nhưng cũng được sử dụng rộng rãi làm nguyên liệu thô ở các Quốc gia Thành viên EU. Sau Na Uy thì Bồ Đào Nha là nhà sản xuất cá tuyết sấy muối lớn thứ hai trên thế giới, với sản lượng lên tới 42.270 tấn trong năm 2016. Trong giai đoạn trước đó (2013–2016), sản lượng cá tuyết sấy muối của Bồ Đào Nha đã giảm 25% do sản lượng khai thác cá tuyết Đại Tây Dương trên toàn cầu giảm.

Xuất khẩu ngoài EU  

Xuất khẩu cá tuyết sang các nước ngoài EU thấp hơn nhiều so với nhập khẩu. Sản lượng xuất khẩu trong năm 2017 là 27.600 tấn, tăng nhẹ so với năm 2013, trong khi về mặt giá trị, mức tăng trưởng 30 triệu EUR đã được ghi nhận, nâng tổng giá trị xuất khẩu cá tuyết năm 2017 lên 150 triệu EUR. Brazil là thị trường xuất khẩu cá tuyết lớn nhất từ ​​EU. Năm 2017, xuất khẩu sang Brazil đạt 7.700 tấn, trị giá 58 triệu EUR, chủ yếu đến từ Bồ Đào Nha, bao gồm các sản phẩm đông lạnh (chiếm 65% tổng lượng xuất khẩu cá tuyết của EU) và sản phẩm khô (chiếm xấp xỉ 30%). Na Uy và Trung Quốc cũng là những thị trường xuất khẩu cá tuyết quan trọng của EU. Trong năm 2017, hai quốc gia này đã nhập khẩu lần lượt 4.100 tấn trị giá 21 triệu EUR và 7.200 tấn trị giá 17 triệu EUR. Giá trị xuất khẩu cá tuyết sang cả hai nước tăng đáng kể trong giai đoạn 2013–2017. Xuất khẩu sang Na Uy chủ yếu bao gồm cá tuyết đông lạnh và các sản phẩm cá tuyết chế biến/ sơ chế bảo quản được cung cấp từ ngành công nghiệp chế biến ở Latvia và Lithuania. Xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu bao gồm cá tuyết đông lạnh có đầu và rút ruột (frozen cod headed and gutted) do Đan Mạch và Hà Lan xuất khẩu.

Xuất khẩu nội khối EU

Ba nhà xuất khẩu lớn nhất trong khối EU là Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển. Họ chiếm 68% khối lượng và 67% giá trị thương mại cá tuyết ở EU trong năm 2017. Trao đổi cá tuyết nội khối EU đã tăng trưởng 4% về giá trị và giảm 5% về khối lượng trong năm 2017. Cả ba nhà xuất khẩu lớn nhất trong khối EU đã đóng góp vào xu hướng tăng giá trị trong năm 2017, nhưng nếu xét về mặt khối lượng thì chỉ có Thụy Điển cho thấy sự gia tăng về khối lượng.

Tiêu thụ

Cá tuyết là một trong những loài cá được tiêu thụ nhiều nhất ở EU. Với mức tiêu thụ ​​bình quân đầu người là 2,33 kg, năm 2016 nó đứng thứ hai sau cá ngừ. So với năm 2011, khi lượng tiêu thụ bình quân đầu người là 1,92 kg thì mức tiêu thụ của năm 2016 đã tăng 21%. Nguyên nhân chủ yếu là do nhập khẩu ngoài EU gia tăng. Vào thời điểm đó, sản lượng khai thác cá tuyết của các nước ngoài EU là Na Uy, Iceland và Nga tăng. Tại EU, cá tuyết Đại Tây Dương được tiêu thụ dưới nhiều dạng chế phẩm khác nhau, ở dạng tươi, khử đông, ướp muối hoặc sấy khô. Cá tuyết Đại Tây Dương đặc biệt được biết đến vì được coi là một thành phần mang tính biểu tượng trong ẩm thực Bồ Đào Nha, như cá tuyết muối và cá tuyết sấy. Chỉ riêng ở Bồ Đào Nha đã có hơn 1000 công thức nấu món cá tuyết.

Ngọc Thúy (EUMOFA Jan. 2020)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác