Hạn ngạch cá thu giảm, hạn ngạch cá trích (herring) và cá trích xanh (blue whiting) tăng (05-05-2021)

Các quốc gia Đông Bắc Đại Tây Dương đã nhất trí với hạn ngạch cá nổi - năm 2021; theo đó, tăng đối với cá trích (herring) và cá trích xanh (blue whiting), giảm đối với cá thu, theo khuyến nghị của Hội đồng Khám phá Biển Quốc tế (International Council for the Exploration of the Sea - ICES). Tuy nhiên, trên thực tế, hạn ngạch cuối cùng mà các nước nhất trí có xu hướng lớn hơn mức khuyến nghị của ICES.
Hạn ngạch cá thu giảm, hạn ngạch cá trích (herring) và cá trích xanh (blue whiting) tăng
Ảnh minh họa

Các quốc gia ven biển Đông Bắc Đại Tây Dương (Na Uy, Liên minh Châu Âu, Quần đảo Faroe, Iceland, Liên bang Nga và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland) vào tháng 10 năm 2020 đã đồng ý tuân theo khuyến cáo của Hội đồng Khám phá Biển Quốc tế về việc thiết lập hạn ngạch đối với cá thu Đại Tây Dương (Atlantic mackerel), cá trích (herring) và cá trích xanh (blue whiting) - sinh sản vào mùa xuân ở Na Uy (Norwegian spring spawning - NSS). Tuy nhiên, các quốc gia ven biển sẽ đơn phương thiết lập hạn ngạch của họ trong khuôn khổ các khuyến cáo này. Thông thường, sản lượng khai thác sẽ cao hơn tổng hạn ngạch mà Hội đồng Khám phá Biển Quốc tế khuyến nghị.

Hội đồng Quản lý Biển (the Marine Stewardship Council - MSC) đã thông báo rằng, họ rút lại chứng nhận MSC đối với nghề đánh bắt cá trích (Atlanto-Scandic herring) và cá trích xanh (blue whiting). Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường. Không giống như ngành đánh bắt cá thu của Châu Âu, đã mất chứng nhận MSC vào năm 2019, ngành cá trích (bao gồm các tiểu ngành như đánh bắt cá trích ở Biển Bắc) vẫn giữ được chứng nhận MSC.

Giá cá trích (Atlanto-Scandic herring) có khả năng giảm do mất chứng nhận MSC, trái lại, giá cá trích Biển Bắc có khả năng tăng do người tiêu dùng có ý thức về môi trường sẽ muốn mua loại cá này hơn là cá không được chứng nhận MSC. Tuy nhiên, các nhà quan sát dự báo rằng, không nên kỳ vọng vào sự chênh lệch giá quá lớn giữa các sản phẩm có chứng nhận và không có chứng nhận MSC. Đối với trường hợp mặt hàng cá thu mất chứng nhận MSC, phản ứng của người tiêu dùng và các nhà bán lẻ khá ôn hòa. Bên cạnh đó, nhu cầu về cá thu dường như không bị ảnh hưởng nhiều bởi COVID-19.

Bất chấp đại dịch COVID-19, năm 2020 là một năm rất tốt đối với ngành khai thác cá nổi của Na Uy. Doanh số bán hàng thông qua “Norges Sildesalgslag” (là Tổ chức kinh doanh cá nổi của ngư dân Na Uy) đã đạt 10 tỷ NOK (tương đương 1,15 tỷ USD), chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Na Uy. Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể, ngành công nghiệp cá nổi là một phần rất quan trọng của nghề cá của Na Uy (chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2021). Ngành công nghiệp này có hạn ngạch lớn hơn đối với cá thu (mackerel) và cá chình cát (sand eel). Mặt khác, giá cá trích tốt và giá bột cá/ dầu cá tăng, tất cả đã góp phần vào kết quả sản xuất của ngành cá nổi Na Uy.

Cá thu

Vào giữa tháng 10 năm 2020, đội cá thu Na Uy báo cáo sản lượng khai thác tốt. Chỉ trong tuần 41, 52.400 tấn cá thu đã được bán thông qua Tổ chức bán hàng “Norges Sildesalgslag”. Sản lượng khai thác lớn đã tạo thêm áp lực cho các cơ sở chế biến trên đất liền, nhưng do khu vực phía Bắc không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 nên các nhà máy vẫn đủ nhân lực để xử lý khối lượng lớn hàng cập cảng.

Xuất khẩu cá thu đông lạnh nguyên con của Na Uy tăng 28,6% trong 9 tháng đầu năm 2020, lên 133.205 tấn. Mức tăng lớn nhất được ghi nhận đối với các chuyến hàng đến Nhật Bản (+23,6%) và “các thị trường khác” (+51,4%). Hai thị trường lớn nhất, Trung Quốc và Hàn Quốc, mua cá thu đông lạnh từ Na Uy ít hơn trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2020.

Nhập khẩu cá thu đông lạnh nguyên con của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2020 là 96.763 tấn, tăng không đáng kể (+1,6%) so với lượng nhập khẩu cùng kỳ năm 2019. Nhưng đã xảy ra sự thay đổi lớn giữa các nhà cung cấp. Nhà cung cấp lớn nhất, Na Uy, đã giảm 17,3% xuống 30.211 tấn, trong khi Liên bang Nga tăng 70,7% lên 19.743 tấn; đặc biệt là Hàn Quốc tăng gần 10 lần, từ 1.420 tấn trong 9 tháng đầu năm 2019 lên 13.010 tấn trong cùng kỳ năm 2020.

Năm 2020, nhập khẩu cá thu (Atka mackerel) từ Hàn Quốc tăng đáng kể. Trong 11 tháng đầu năm 2020, lượng nhập khẩu lên tới 11.374 tấn, tăng 54% so với mức 7.377 tấn đã nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2019. Khoảng 85% trong tổng số này đến từ Liên bang Nga, phần còn lại có nguồn gốc từ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tuy nhiên, giá đã giảm xuống. Cá thu (Atka mackerel) từ Liên bang Nga có giá trung bình là 2,24 USD/kg, trong khi giá cá từ Hoa Kỳ là 2,20 USD/kg.

Cá trích

Chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã công bố kế hoạch năm 2021, theo đó yêu cầu các đội tàu khai thác cá trích tham gia vào một chương trình giám sát của ngành Thủy sản. Chương trình này sẽ thu thập dữ liệu từ các tàu cá nhằm phục vụ hoạt động quản lý nghề cá Hoa Kỳ. Chương trình dự kiến ​​bắt đầu vào tháng 4 năm 2021 và sẽ được chỉ đạo bởi Cục Khí quyển và Đại dương Quốc gia (the National Oceanic and Atmospheric Administration - NOAA).

Vào tuần đầu tiên của tháng 12 năm 2020, nghề đánh bắt cá trích của Na Uy sắp kết thúc. Tại thời điểm đó, đã có khoảng 400.000 tấn cá trích được cập cảng Na Uy trong tổng hạn ngạch 432.666 tấn.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cá trích cắt khoanh đông lạnh của Na Uy (round frozen herring) giảm 16% xuống 82.539 tấn. Tuy nhiên, giá đã tăng 14,4% lên 8,08 NOK/kg so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường lớn nhất là Ai Cập, nhập khẩu 25.700 tấn, chiếm 31% tổng khối lượng xuất khẩu cá trích cắt khoanh đông lạnh của Na Uy. Lithuania nhập khẩu ít hơn, ở mức 12.275 tấn, trong khi Hà Lan tăng nhập khẩu từ Na Uy lên 12.200 tấn trong 9 tháng đầu năm 2020, so với 11.271 tấn trong cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu cá trích nguyên con đông lạnh của Nga tăng nhẹ (2,6%) trong 9 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, lên 116.963 tấn. Trung Quốc, chiếm 77% khối lượng xuất khẩu mặt hàng này của Nga, đã tăng nhập khẩu từ Liên bang Nga hơn 31% lên gần 90.000 tấn. Trái lại, thị trường lớn thứ hai, Hàn Quốc, đã giảm 22%.

Nhập khẩu cá trích đã sơ chế, bảo quản (prepared, preserved) của Đức đã tăng 11,9% trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, lên 34.946 tấn. Cho đến nay, Ba Lan là nhà cung cấp lớn nhất, chiếm tới 77,7% lượng nhập khẩu của Đức, tổng cộng đã xuất khẩu cá trích sơ chế/ bảo quản sang Đức khoảng 27.144 tấn, tăng 18,3%.

Năm 2021, giá cá trích Đông Bắc Đại Tây Dương có khả năng giảm. Gần đây, mức giá này đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2016. Sau khi Hội đồng Khám phá Biển Quốc tế đưa ra những khuyến cáo về hạn ngạch, sản lượng khai thác cá trích Đông Bắc Đại Tây Dương có thể sẽ tăng, góp phần gây áp lực lên giá.

Cá trứng (Capelin)

Capelin là loài cá nhỏ ở Bắc Đại Tây Dương, sống nhiều ở vùng nước ven biển, cung cấp lương thực cho con người và là thức ăn của nhiều loài động vật. Trong những năm qua, ngành đánh bắt capelin của Iceland đã gặp nhiều khó khăn. Đối với mùa vụ 2020-2021, Hội đồng Khám phá Biển Quốc tế đề xuất hạn ngạch 169.520 tấn. Tuy nhiên, chưa chốt số mà phụ thuộc vào kết quả của cuộc khảo sát (được thực hiện vào đầu năm 2020), tiếc là kết quả của cuộc khảo sát này không cao. Vì vậy, không có hạn ngạch nào được quyết định. Đối với mùa vụ 2021-2022, kéo dài từ tháng 7 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022, Hội đồng Khám phá Biển Quốc tế đã khuyến nghị tổng sản lượng đánh bắt cho phép (total allowable catch - TAC) là 400.000 tấn, một lần nữa hạn ngạch này cũng bị phụ thuộc vào kết quả của một cuộc khảo sát tích cực (thực hiện trong tháng 1 năm 2021).

Việc thiếu hụt trứng cá capelin trên thị trường thế giới đã dẫn đến nhu cầu tiêu dùng chuyển sang trứng cá trích, và điều này đã đẩy giá trứng cá trích lên cao. Tuy nhiên, giá trứng cá trích có thể sẽ giảm trở lại nếu Iceland nhận được hạn ngạch capelin lớn hơn cho năm 2021. Năm 2018, Na Uy đã xuất khẩu 330 tấn trứng cá trích. Đến năm 2019, con số này đã tăng lên 3.797 tấn và từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2020, xuất khẩu trứng cá trích đã tăng lên 5.300 tấn. Đặc biệt là, giá trứng cá trích tiếp tục tăng hơn nữa, đã tăng hơn 100% trong hai năm qua. Do đó, trong 9 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu đã tăng 142%.

Cá cơm / cá sardines

Trong mùa cá cơm đầu tiên ở Peru, đã có 2,37 triệu tấn được cập cảng ở khu vực Bắc trung bộ. Con số này cao hơn 21,7% so với mùa đầu tiên của năm 2019. Peru vào tháng 11 năm 2020 đã công bố hạn ngạch cho mùa cá cơm thứ hai, bắt đầu vào ngày 12 tháng 11 năm 2020. Hạn ngạch được đặt ở mức 2,78 triệu tấn, chỉ thấp hơn 10.000 tấn so với vụ thứ hai của năm 2019, nhưng nhiều hơn 38% so với vụ thứ hai của năm 2018.

Nhập khẩu cá sardines đông lạnh của EU từ Maroc giảm khoảng 11% xuống 29.795 tấn trong thời gian 10 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019; Giá cả ổn định. Nhập khẩu cá sardines của EU cũng giảm trong giai đoạn này, giảm 13% xuống còn 23.497 tấn; Giá tăng nhẹ 2%.

Dự báo

Vương quốc Anh và Bắc Ireland rời Liên minh châu Âu vào ngày 1 tháng 1 năm 2020, tuy nhiên, ảnh hưởng của sự kiện này chỉ được cảm nhận vào những tháng đầu năm 2021. Ngành thủy sản đang bước vào thời kỳ chuyển đổi không chắc chắn. Một thỏa thuận vào phút cuối đã đạt được, tuy nhiên, các nhà quan sát lưu ý rằng các cuộc chiến cá thu “mackerel wars” có thể sẽ nổ ra.

Năm 2021, sẽ có ít cá thu Đại Tây Dương trên thị trường, vì Hội đồng Khám phá Biển Quốc tế đã khuyến nghị giảm 8% TAC xuống 852.284 tấn. Đối với cá trích thì Hội đồng Khám phá Biển Quốc tế khuyến nghị 651.033 tấn cho năm 2021, cao hơn 24% so với hạn ngạch khuyến nghị năm 2020. Tuy nhiên, hạn ngạch cuối cùng của các quốc gia thường cao hơn các mức khuyến nghị này.

Giá cá trích có thể suy yếu do hạn ngạch năm 2021 đã được tăng lên. Giá cá thu dự kiến ​​vẫn duy trì ở mức hiện tại hoặc giảm nhẹ.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác